‘Tình đơn phương’ của Nhật với Nga

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Brahma Chellaney, “From Russia with Unrequited Love”, Project Syndicate, 22/12/2016.

Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzō Abe đã liên tục “ve vãn” Tổng thống Nga  Vladimir Putin, gặp gỡ với Putin hơn chục lần trong 4 năm qua. Trong tháng 12/2016, Abe đón Putin ở Tokyo và ở quê nhà của ông là thành phố Nagato (nổi tiểng về onsen, tức suối nước nóng). Nhưng sự ve vãn của Abe cho đến nay mới chỉ đem lại rất ít lợi ích cho Nhật Bản, nhưng lại mang về rất nhiều thứ cho nước Nga.

Chính sách ngoại giao cởi mở với Putin của Abe là trọng tâm của chiến lược rộng hơn nhằm định vị Nhật Bản như một đối trọng của Trung Quốc, và tái cân bằng quyền lực ở châu Á, nơi Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hình thành một tứ giác chiến lược. Ông Abe đã xây dựng một mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ, và coi những tiến bộ trong quan hệ với Nga, đất nước mà Nhật Bản chưa bao giờ chính thức có hòa bình từ sau Thế chiến II, như mảnh ghép còn thiếu cho sự cân bằng quyền lực trong khu vực.

Nhưng nỗ lực xây dựng lòng tin của ông Abe với Nga không chỉ nhắm đến việc kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Ông cũng muốn Nga trao trả quần đảo Kuril ở cực nam, khu vực giàu tài nguyên được biết đến với tên gọi Lãnh thổ phương Bắc của Nhật. Liên Xô đã chiếm khu vực này ngay sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8 năm 1945. Đổi lại, ông Abe đã đề nghị các khoản viện trợ kinh tế, đầu tư vào vùng Viễn Đông bị lãng quên của nước Nga và các hợp đồng năng lượng lớn.

Dù vậy, ông Abe đã phải đương đầu với vài trở ngại. Trước hết, Nhật Bản là một thành viên tham gia lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ khởi xướng áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi tháng 3 năm 2014. Những đòn trừng phạt này đã đẩy nước Nga xích lại gần hơn với kẻ thù truyền thống của Nhật là Trung Quốc; và Putin đã công khai chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt chính là trở ngại cho việc ký kết một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản.

Đáp lại sự sốt sắng của ông Abe, Putin đã tiếp tục nỗ lực đàm phán cứng rắn. Nga đã tăng cường lực lượng quốc phòng trên bốn đảo tranh chấp, và, chỉ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh tháng 12/2016, Putin nói với truyền thông Nhật Bản rằng dàn xếp lãnh thổ hiện tại phù hợp với lợi ích của nước Nga. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không có các vấn đề về lãnh thổ,” ông nói. “Chỉ có Nhật Bản nghĩ rằng mình đang có vấn đề lãnh thổ với Nga.”

Các lệnh cấm vận do Mỹ dẫn dắt và giá dầu thấp đã làm nền kinh tế Nga tơi tả, được cho là sẽ giảm thêm 0,8% trong năm 2016. Mặc dầu vậy, Putin càng lưỡng lự hơn bao giờ hết trong việc đưa ra các nhượng bộ về lãnh thổ, vì e sợ làm như vậy sẽ làm hoen ố hình ảnh người bảo vệ vững chắc các lợi ịch quốc gia của Nga ở trong nước.

Trong hoàn cảnh đó, không ngạc nhiên khi Abe rời khỏi “cuộc họp thượng đỉnh onsen” gần đây mà không có mấy hi vọng về việc giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ, trong khi Putin trở về nhà với 68 thỏa thuận thương mại mới. Rất nhiều trong các thỏa thuận chỉ mang tính biểu tượng, nhưng một số là thực chất, bao gồm các hợp đồng trị giá 2,5 tỷ đô la và một thỏa thuận thành lập một quỹ đầu tư song phương trị giá 1 tỷ đô la.

Theo thỏa thuận về quỹ đầu tư, Nhật Bản và Nga được cho là sẽ tạo ra một “khuôn khổ đặc biệt” cho các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp. Nhưng kế hoạch đó đã gặp khó khăn. Ông Peter Shelakhaev, quan chức cao cấp Nga đứng đầu Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông, đã chỉ ra rằng có các hàng rào pháp lý đối với việc thiết lập một khuôn khổ như vậy, và các công ty Nhật Bản kinh doanh tại Kuril sẽ phải nộp thuế cho Nga. Nếu Nhật Bản làm như vậy, dù bằng cách nào đi nữa, nó sẽ tương đương với việc công nhận quyền tài phán của Nga trên quần đảo này.

Abe vì thế đã bị từ chối di sản mà ông tìm kiếm, trong khi Putin đã thành công trong việc giảm nhẹ sự cô lập quốc tế của Nga. Abe là lãnh đạo G7 đầu tiên tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Putin sau khi nước Nga sáp nhập Crimea, và bây giờ nước Nga cũng giành được sự hợp tác kinh tế của Nhật Bản.

Nhật Bản là nước G7 duy nhất có tranh chấp lãnh thổ với Nga, và nước này rõ ràng mong muốn đạt được một thỏa thuận nhiều hơn phía Kremlin. Nhưng điều này càng khiến Nga chơi trên cơ. Trong khi Nhật Bản đã nhún nhường hơn, và ra dấu hiệu nước này sẵn sàng chấp nhận việc trao trả chỉ một phần quần đảo, nước Nga lại càng trở nên không khoan nhượng hơn. Sau cuộc gặp thượng đỉnh gần đây, Abe tiết lộ rằng Putin có vẻ đã quay lưng thỏa thuận năm 1956 giữa Nhật và Liên Xô, trong đó quy định rằng hai hòn đảo nhỏ hơn trong 4 hòn đảo sẽ được trả lại cho Nhật Bản sau khi một hiệp ước hòa bình được ký.

Trên thực tế, năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm ra đời tuyên bố chung đó. Kremlin hiện đang gợi ý sẽ cam kết thực hiện tuyên bố trên với điều kiện Nhật Bản không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào chống lại nước Nga. Và Putin đã bày tỏ lo ngại rằng Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ năm 1960 sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các đảo tranh chấp nếu chúng được trao trả, và do đó sẽ cho phép nước Mỹ thiết lập sự hiện diện quân sự ở đây.

Nhật Bản không có cách nào giải quyết được mối lo ngại đó của Nga. Nhật không thể ra khỏi cơ chế trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, họ cũng không thể loại trừ vùng lãnh thổ tranh chấp Kuril ra khỏi hiệp ước an ninh với Mỹ, đặc biệt là hiện nay khi Nhật đang thúc giục Mỹ đưa ra một cam kết rõ ràng nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Về phần mình, Putin có vẻ tự mãn với vị thế đàm phán của mình. Ông không chỉ đến cuộc gặp thượng đỉnh onsen muộn 3 tiếng, mà còn từ chối món quà của chính phủ Nhật Bản, một chú chó đực để làm bạn với chú chó cái giống Akita của ông, vốn được Nhật Bản tặng cho ông năm 2012.

Hiện có rất ít hi vọng rằng Abe sẽ nhìn thấy những lợi ích cụ thể từ vốn liếng chính trị mà ông đã đầu tư nhằm nuôi dưỡng quan hệ với Putin. Mong muốn cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ đem lại cho ông Abe điều kiện thuận lợi nhằm tiếp tục ve vãn Putin; nhưng nếu Nga nhận được sự ủng hộ của Mỹ, nước này sẽ không còn cần Nhật Bản nữa.

Brahma Chellaney là giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đặt tại New Delhi và là viện sỹ Viện Robert Bosch ở Berlin.

Copyright: Project Syndicate 2016 – From Russia with Unrequited Love
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]