Những mặt trái của Hiệp định TPP

tppok_mlxe

Nguồn: “The Trans-Pacific Shell Game”, Project Syndicate, 05/06/2016

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được mô tả là như một mối lợi cho cả 12 nước tham gia. Tuy nhiên, sự phản đối đối với hiệp định này có thể là điểm duy nhất được các ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay đồng tình, và bộ trưởng thương mại Canada cũng bày tỏ những hoài nghi nghiêm túc về nó. Liệu những chỉ trích đối với TPP có phi lý hay không?

Câu trả lời chỉ có một từ, không. Rõ ràng, TPP có thể giúp Mỹ tiến gần hơn tới mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được minh họa bằng tuyên bố của Tổng Thống Obama rằng, “Với TPP, Trung Quốc không phải là người tạo ra luật lệ ở khu vực đó mà là chúng ta”. Nhưng tình hình kinh tế thì không được mạnh mẽ như vậy. Sự thật là dù TPP sẽ đem lại một vài lợi ích, hầu hết lợi ích sẽ được dồn cho các tập đoàn lớn và những người dân thường sẽ phải trả giá.

Về mặt lợi ích, một nghiên cứu của chính phủ Mỹ về vấn đề này dự kiến rằng, đến năm 2025, TPP sẽ gia tăng tốc độ tăng trưởng GDP của các nước thành viên nhiều nhất chỉ là khoảng 0,1% ít ỏi. Gần đây hơn, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ (ITC) ước tính rằng, đến năm 2032, TPP sẽ gia tăng tốc độ phát triển kinh tế Mỹ thêm 0,15% (42,7 tỷ USD) và tăng thu nhập thêm 0,23% (57,3 tỷ USD).

Nhưng những người ủng hộ TPP gần như đã phớt lờ những kết quả này, và thích trích dẫn hai nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), một đơn vị nghiên cứu nổi tiếng là ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế. Năm 2012, PIIE tuyên bố rằng TPP sẽ gia tăng tổng GDP trong các nước thành viên khoảng 0,4% sau mười năm. Trong tháng 1 vừa qua, PIIE công bố rằng TPP sẽ tăng tổng GDP ở mức 0,5% trong 15 năm sắp tới. Trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) được phát hành cùng trong tháng đó, những tác giả bài nghiên cứu của PIIE tính toán rằng GDP của các nước thành viên TPP sẽ tăng trung bình 1,1% đến năm 2030.

Rõ ràng có cái gì đó không đúng ở đây. Nếu quan sát kỹ càng hơn ta sẽ thấy kết quả của những nghiên cứu liên quan tới các lợi ích dự kiến của TPP thiếu một lý thuyết kinh tế làm nền tảng, việc lấy mẫu đáng tin cậy, hoặc những bằng chứng thực nghiệm. Những lợi ích duy nhất được đưa ra mà nhất quán với phương pháp nghiên cứu chính thống là các lợi ích thương mại liên quan tới thuế quan. Nhưng nếu các tác giả PIIE sử dụng các phương pháp thông thường để ước lượng tổng lợi ích từ giao thương, những lợi ích đó sẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ của cái được cho là những lợi ích từ TPP. Theo như PIIE và World Bank, khoảng 85% toàn bộ tăng trưởng từ TPP là do “những biện pháp phi thương mại” và các đầu tư nước ngoài có liên quan.

Trong khi đó, những nghiên cứu này đã bỏ qua vấn đề việc làm và phân phối thu nhập, nơi ẩn chứa các rủi ro hàng đầu của tự do hóa thương mại. Thay vào đó, họ đơn giản cho rằng tất cả các nước đều đang có việc làm đầy đủ và có sự nhất quán trong phân phối thu nhập, cán cân thương mại, và tình trạng tài khóa.

Nghiên cứu của ITC, sử dụng một mô hình hơi khác biệt, đã tiên đoán rằng gia tăng thâm hụt thương mại sẽ lấy mất 129.484 việc làm của người Mỹ (mặc dù, tuy không cắt nghĩa được, nó ước lượng rằng TPP sẽ gia tăng 128,000 việc làm). Nó cũng chỉ ra gia tăng xuất khẩu thực trị giá 25,2 tỷ USD vào năm 2032 (tính theo thời giá USD năm 2032), một phần nhỏ so với dự đoán 357 tỷ USD của PIIE năm 2030 (tính theo thời giá USD năm 2015).

Trong nghiên cứu của chúng tôi, các đồng nghiệp và tôi đã sử dụng ước lượng năm 2012 của chính PIIE về các lợi ích liên quan tới thương mại, dù còn hoài nghi, cùng với những đặc điểm kinh tế thực tế hơn bao gồm phân phối thu nhập và việc làm. Chúng tôi dự đoán sẽ có áp lực kéo tiền lương đi xuống bởi cầu nội địa yếu sẽ dẫn tới giảm việc làm và bất bình đẳng cao hơn trong tất cả nhóm các quốc gia. Số lượng việc làm bị mất được dự toán tổng cộng khoảng 711.000 trong các nước TPP, riêng Mỹ là 448.000. Những mất mát này sẽ ăn mòn bất cứ lợi ích tăng trưởng nào, trong đó Mỹ và Nhật Bản chịu tổn thất nhỏ về thu nhập ròng (tương ứng là -0.5% và -0.1%).

Kể cả khi người ta thấy TPP có mâu thuẫn với lợi ích quốc gia hay lợi ích chung, các nước tham gia vẫn buộc phải tuân theo các điều khoản của nó. Những nhóm vận động hành lang quyền lực, chủ yếu từ Mỹ, đảm bảo về điều này. Và, thật không may, đó không phải là tất cả những gì họ đã làm.

Dù được miêu tả như một hiệp định thương mại, TPP thậm chí còn chẳng thật sự mang ý nghĩa thương mại. Nhiều nước thành viên TPP vốn đã là những nước có nền kinh tế mở nhất, giao thương hàng hóa giữa các nước đó đã được tự do hóa bởi các hiệp định và hành động đơn phương trước đó. Những ràng buộc thương mại chính còn lại liên quan tới các hàng rào phi thuế quan, như trợ giá nông nghiệp ở Mỹ, là những điều mà TPP không đề cập.

Thay vào đó, các điều khoản quan trọng nhất của TPP tăng cường, mở rộng, và kéo dài quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ làm cho các công ty dược nắm độc quyền các loại thuốc có bản quyền lâu hơn rất nhiều và khiến cho các chọn lựa rẻ hơn – thuốc gốc[1] hay thuốc thay thế tương tự – không thể xuất hiện trên thị trường, gây hại cho cả người dùng và những chính phủ cung cấp trợ giá.

Hơn nữa, TPP làm suy yếu luật pháp quốc gia, như với các dịch vụ tài chính, và tăng cường quyền của nhà đầu tư nước ngoài, gây hại cho các doanh nghiệp địa phương và lợi ích công. Những điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà nước (ISDS) cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến trọng tài thương mại tư nhằm chống lại các chính phủ nếu các quy định mới làm giảm lợi nhuận dự kiến trong tương lai của họ.

Những chính phủ thua những vụ kiện này sẽ có nghĩa vụ bồi thường cho các nhà đầu tư nước ngoài; nhưng ngay cả những người giành chiến thắng cũng phải chịu chi phí pháp lý cao. Trong thực tế, các khoản bồi thường hay dàn xếp trong tương lai liên quan đến ISDS có thể lớn hơn nhiều những lợi ích kinh tế hạn chế của TPP. Nỗi sợ phải gánh những chi phí cao như vậy có khả năng sẽ làm suy yếu những động lực của các chính phủ trong việc thực thi các quy định gây tổn thương tới lợi ích của công ty nước ngoài, kể cả nếu chúng phục vụ lợi ích công cộng.

Cuối cùng, mặc dù tác động lớn nhất của TPP sẽ nằm bên ngoài lĩnh vực thương mại, thỏa thuận này đã được sử dụng để làm suy yếu những nỗ lực tự do hóa thương mại đa phương. Nạn nhân rõ ràng nhất chính là Vòng đàm phán Doha đang diễn ra của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong nhiều năm qua, những người ủng hộ của TPP đã phóng đại những lợi ích dự kiến của thỏa thuận này, trong khi giảm nhẹ chi phí và rủi ro tiềm tàng cao, mà hầu hết những điều đó sẽ ảnh hưởng tới các công dân bình thường. Thực tế là TPP sẽ có tác động không đáng kể lắm tới GDP, làm lợi gần như duy nhất cho các tập đoàn lớn, và hạn chế đáng kể các không gian chính sách mà chính phủ cần để thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích công cộng. Hiệp định đối tác mà là như vậy đấy.

Jomo Kwame Sundaram là cựu Trợ lý Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc về Phát Triển Kinh Tế và nhận giải thưởng Wassily Leontief về Mở rộng Giới hạn Tư duy Kinh tế năm 2007.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Trans-Pacific Shell Game

Xem thêm:

Góc khuất của Hiệp định TPP


[1] Thuốc gốc (generics): thuốc tương đương về mặt sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ (NBT – theo Wikipedia).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]