Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Xuất hiện từ những năm 1960, “toàn cầu hóa” đã trở thành một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành khoa học xã hội đương đại và đồng thời là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Toàn cầu hóa có thể hiểu là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu. Theo đó, toàn cầu hóa làm lu mờ các đường biên giới quốc gia, thu hẹp các khoảng không gian trên các khía cạnh đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của thế giới.
Quá trình toàn cầu hóa mang nhiều đặc điểm nổi bật chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại và gắn liền với các thành tựu về khoa học kỹ thuật. Có thể kể tới năm đặc điểm nổi bật sau đây của quá trình toàn cầu hóa.
Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa liên quan tới sự xuất hiện và nhân rộng của một loạt các mạng lưới liên kết ở cấp độ toàn cầu, thách thức các đường biên giới địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị truyền thống. Ví dụ, sự xuất hiện của các kênh truyền hình tin tức vệ tinh dựa trên sự kết hợp của công nghệ báo chí và các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khiến cho thông tin được truyền tải trên phạm vi toàn cầu, vượt qua mọi khoảng cách địa lý với tốc độ gần như tức thì. Qua đó một sự kiện ở một quốc gia cụ thể có thể gây nên những tác động mạnh mẽ tới tình hình kinh tế – chính trị – xã hội của hàng trăm quốc gia trên khắp hành tinh. Việc di chuyển giữa các địa điểm trên toàn cầu cũng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Ví dụ trong năm 2000 mỗi ngày trung bình có khoảng 3 triệu người di du lịch quốc tế và năm 2003 WTO ước tính rằng nền du lịch toàn cầu tạo nên doanh thu khoảng 693 tỉ USD. Chính vì vậy người ta ngày càng nói nhiều tới khái niệm “ngôi làng toàn cầu”, hay “nền kinh tế toàn cầu”, nơi mà các đường biên giới quốc gia đã dần bị lu mờ.
Thứ hai, các tiến bộ về thông tin liên lạc, giao thông vận tải và công nghệ sản xuất đã khiến cho dòng vốn đầu tư, hàng hóa, công nghệ và lực lượng lao động di chuyển dễ dàng hơn trên khắp thế giới. Các thị trường tài chính hiện đại cùng các giao dịch điện tử diễn ra suốt ngày đêm. Các trung tâm thương mại mọc lên khắp thế giới, cung cấp hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đi cùng với đó là vai trò ngày càng gia tăng của các công ty đa quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên mặt trái của các tiến bộ khoa học công nghệ là việc chính các tiến bộ này cũng đã góp phần hình thành và tạo điều kiện hoạt động cho các tổ chức tội phạm và khủng bố, như các nhóm tin tặc quốc tế hay tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda.
Thứ ba, thông qua quá trình toàn cầu hóa, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng như người dân trên thế giới ngày càng gia tăng. Sự phụ thuộc lẫn nhau không chỉ diễn ra trên phương diện kinh tế – thương mại, mà còn xuất hiện ở những vấn đề khác như tình trạng ấm lên toàn cầu của trái đất, hay các làn sóng tội phạm và chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia… Những vấn đề này đòi hỏi các quốc gia cần phải thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn bởi lẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể tránh được những tác động này, và càng không thể một mình giải quyết được những vấn đề đó.
Thứ tư, dường như toàn cầu hóa đang làm giảm dần các khác biệt về mặt văn hóa. Những bộ phim Hollywood giúp phổ biến các giá trị văn hóa đại chúng của Mỹ ra khắp thế giới. Thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của người dân ở các quốc gia cũng dần bị biến đổi theo hướng đồng nhất. Tương tự, thông qua âm nhạc và điện ảnh, người dân thế giới ngày càng biết tới nhiều hơn các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quá… của các quốc gia như Hàn Quốc hay Trung Quốc. Một mặt quá trình toàn cầu hóa về văn hóa này tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau lớn hơn giữa người dân thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau. Mặt khác, trong một số trường hợp nó cũng tạo nên những phản ứng tiêu cực, như sự va chạm giữa các giá trị văn hóa đối lập, hay sự phản kháng đối với những giá trị văn hóa phương Tây, đặc biệt là ở các quốc gia Hồi giáo. Tương tự, toàn cầu hóa cũng đe dọa làm lu mờ bản sắc văn hóa của các quốc gia, vốn là những giá trị cần được duy trì nhằm bảo vệ sự đa dạng của nền văn hóa thế giới.
Cuối cùng, quá trình toàn cầu hóa khiến cho vai trò của các quốc gia với tư cách là các chủ thể chính của quan hệ quốc tế cũng trở nên bị suy giảm. Thực tế, toàn cầu hóa đã làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia, vốn là nền tảng cho sự tồn tại của chúng. Điều này thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực kinh tế. Ngày nay các quyết định kinh tế của các quốc gia không thể được đóng khung trong phạm vi biên giới lãnh thổ của quốc gia đó hay chỉ dựa vào nước điều kiện của quốc gia sở tại. Ngược lại, mọi quyết định kinh tế của mỗi chính phủ đều chịu sự điều chỉnh của những lực lượng trên thị trường toàn cầu, vốn nằm ngoài khả năng kiểm soát của các nhà nước. Mọi nỗ lực đi ngược lại sự điều chỉnh của những lực lượng này đều có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau, như sự dịch chuyển của vốn đầu tư ra nước ngoài, các rủi ro về thương mại hay tỉ giá hối đoái.
Từ những đặc điểm trên, có thể thấy rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng có ý nghĩa cách mạng trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Quá trình này dẫn tới những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc kinh tế – chính trị của quan hệ quốc tế, song song với những thay đổi về đời sống văn hóa-xã hội của người dân trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là một hiện tượng đơn nhất, bất biến mà là một quá trình phức tạp, đa phương diện, đa chiều hướng và luôn vận động, biến đổi.
Mặc dù vậy, toàn cầu hóa không phải là hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Nhiều người cho rằng toàn cầu hóa đã manh nha xuất hiện từ thưở bình minh của nền văn minh phương Tây. Có người gắn liền sự ra đời của toàn cầu hóa với làn sóng thực dân hóa đầu tiên của các cường quốc Châu Âu thế kỷ 15-16, hay sự xuất hiện của các công ty như Đông Ấn Hà Lan với những tuyến đường giao thương nối liền từ Âu sang Á. Cũng có người cho rằng toàn cầu hóa xuất hiện khi bức điện tín đầu tiên được truyền xuyên Đại Tây Dương lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 19.
Mặc dù toàn cầu hóa có thể đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ trong những thập kỷ qua toàn cầu hóa mới thực sự tạo nên sự khác biệt lớn trong nền kinh tế – chính trị toàn cầu khi diễn ra ở một tốc độ và cường độ chưa từng có tiền lệ. Sự tăng tốc và mở rộng mạnh mẽ của toàn cầu hóa trong những thập kỷ qua gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin liên lạc, thể hiện tiêu biểu nhất ở vai trò của internet. Ngoài ra, chủ nghĩa tư bản tự do ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình cũng đóng vai trò quan trọng khi các quốc gia chấp nhận hội nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quá trình toàn cầu hóa càng có thêm điều kiện để tăng tốc khi thế giới không còn bị chia cắt thành những khối kinh tế – chính trị đối lập.
Mặc dù toàn cầu hóa mang lại những biến đổi mạnh mẽ trong hệ thống kinh tế chính trị toàn cầu, nhưng nhiều người cho rằng các tác động mà toàn cầu hóa mang lại không đồng nhất. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng toàn cầu hóa làm sâu sắc thêm sự bất bình đằng toàn cầu, khiến các quốc gia phát triển ngày càng giàu thêm và các nước nghèo ngày càng nghèo đi. Trong nhiều trường hợp toàn cầu hóa được coi là một mỹ từ thay thế cho khái niệm bá quyền Mỹ hay sự lũng đoạn của các công ty đa quốc gia đối với nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy trên thế giới đã xuất hiện nhiều phong trào chống toàn cầu hóa hay vai trò của các công ty đa quốc gia, với biểu hiện thường thấy nhất là các cuộc biểu tình bên lề các cuộc họp hay các cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO.
Tuy nhiên đối với nhiều người khác, toàn cầu hóa mang lại cơ may cho sự thịnh vượng và bình đẳng phát triển trên phạm vi toàn cầu thông qua sự mở rộng hệ thống chủ nghĩa tư bản tự do. Nhiều nhà hoạt động theo chủ nghĩa tự do cũng cho rằng toàn cầu hóa giúp thúc đẩy nhân quyền và hòa bình thế giới khi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng và các lợi ích kinh tế thương mại mà toàn cầu hóa mang lại trở nên quá lớn so với những lợi ích mà chiến tranh có thể mang lại. Cũng chính vì vậy, đa số các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia trong Thế giới thứ ba, đang cố gắng tận dụng các lợi thế mà toàn cầu hóa mang lại và tránh bị gạt ra ngoài lề của tiến trình được coi là không thể đảo ngược này của lịch sử nhân loại.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]