Tác giả: Nguyễn Hữu Tráng
Ngày xưa ở Việt Nam (hay cả ở Liên Xô nữa?!) câu cửa miệng là “đừng đùa với chính quyền Xô-viết” để chỉ một thái độ ứng xử của người dân, của xã hội đối với chính quyền nhân dân. Hàm ý là đừng có “nhờn” với chính quyền “chuyên chính vô sản” hay “chính quyền nhân dân” trong một số vấn đề có tính nguyên tắc của quyền lực nhà nước như “cách mạng” hay “phản cách mạng” ở thời kỳ đầu mới giành được chính quyền.
Ngày nay ở Đức người ta chỉ cần bớt đi hai chữ “Xô-viết” để nói đừng có đùa với quyền lực nhà nước, dù đó là nhà nước tư bản tôn trọng tự do cá nhân.
Sự việc bắt đầu từ clip của đài Norddeutscher Rundfunk (NDR) chế diễu Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ kỳ trong chương trình Satire ngày 17/3. Phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ kỳ triệu Đại sứ Đức ở Ankara Erdmann lên để phản đối việc phát clip này và yêu cầu dỡ bỏ, dư luận chính giới Đức và một số nước EU cho rằng Thổ làm “trầm trọng hóa” vụ này, ở Đức và phương Tây việc chế diễu chính trị gia trong các chương trình “Satire chính trị” hết sức bình thường; tự do báo chí là “giá trị cao cả” mà Thổ Nhĩ kỳ cần tôn trọng nếu muốn hội nhập Châu Âu. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Schulz gửi lời “nhắn nhủ” tới ông Erdogan là “ông đã đi quá xa” rồi đấy !
Clip châm biếm Erdogan của đài NDR. Nguồn: Youtube.
Không dừng ở đó, giới truyền thông Đức lại phát tiếp clip trên kênh Zweiter Deutscher Fernseher (ZDF) là kênh “công cộng” (öffentlich-rechtlich) ngày 31/3 trong chương trình “Neo Magazin Royale”. MR Jan Böhmermann đọc một bài thơ cũng nhằm đả kích Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ kỳ nhưng với lời lẽ tục tĩu và có tính miệt thị nhằm vào cộng đồng người Thổ. Ngay sau khi phát sóng, video clip này đã bị phản ứng dữ dội của chính dư luận Đức khiến ZDF buộc phải gỡ clip này trong kho Videothek của mình.
Chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Hans-Peter Uhl gọi bài thơ này là “tác phẩm mông muội, ghê tởm, không hề có bất kỳ một thông tin báo chí hay giá trị văn hóa nào. Nó không là gì ngoài tập hợp những lời lăng mạ đáng lên án nhất”. Ông đánh giá “tất nhiên tự do báo chí là giá trị cao cả, nhưng đáng tiếc là bài thơ của Böhmermann không nằm trong phạm trù này”.
Ngay cuối tuần qua, Thủ tướng Merkel đã gọi điện cho Tổng thống Erdogan cho biết quan điểm của bà là bài thơ trên cố ý xúc phạm; tự do báo chí là giá trị cao cả nhưng cũng có giới hạn của nó.
Sự việc đã đi quá xa và có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Đức cũng như đến việc triển khai Thỏa thuận EU- Thổ Nhĩ kỳ giải quyết khủng hoảng tỵ nạn. Vì lý do đó mà bộ máy quyền lực nhà nước của Đức không thể không ra tay.
Ngày 6/4/2016, Công tố thành phố Mainz (nơi đặt trụ sở chính của ZDF) đã quyết định khởi tố Böhmermann vì có dấu hiệu xúc phạm cơ quan hoặc đại diện của quốc gia khác theo điều 103 Bộ luật hình sự. Nếu kết tội, Böhmermann có thể bị kết án từ ba đến năm năm tù giam. Ngay từ 03/4 chuyên viên pháp lý của Bộ Ngoại giao Đức đã cho biết có dấu hiệu vi phạm hình sự từ bài thơ này và đến nay đã có 20 đơn tố cáo chuyển đến cơ quan công tố ở Mainz. Đại sứ quán Thổ Nhĩ kỳ ở Berlin cho biết họ theo dõi chặt chẽ mọi khía cạnh của câu chuyện này nhưng đến nay Chính phủ Thổ Nhĩ kỳ chưa có văn bản chính thức đề nghị xử lý hình sự.
Điều 103 Bộ luật hình sự Đức (StGB) quy định “Người nào xúc phạm Nguyên thủ quốc gia nước ngoài hoặc thành viên chính phủ nước ngoài đang có mặt ở trong nước (Đức) hoặc người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, sẽ bị xử phạt đến ba năm tù giam hoặc phạt tiền; trường hợp xúc phạm có dấu hiệu bôi nhọ thì có thể bị phạt tù từ ba tháng đến năm năm” (Điều 1).
Như vậy đã rõ. Mọi cá nhân và tổ chức đều có thể thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình đã được pháp luật quốc tế và pháp luật mỗi nước quy định. Tuy nhiên quyền tự do không phải là không có giới hạn, và nếu nó động đến những nguyên tắc cơ bản của quốc gia thì quyền lực nhà nước không thể khoanh tay đứng nhìn. Nhà nước nào cũng vậy, không kể đó là Đức hay bất kỳ nước nào khác.
Nguồn: Nguyễn Hữu Tráng Blog
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]