Tại sao cần tái thiết quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ?

Print Friendly, PDF & Email

In-the-East-or-West-Turkey-and-the-Rest-of-the-World

Nguồn: Martti Ahtisaari, Emma Bonino & Albert Rohan, “An EU- Turkey Reset”, Project Syndicate, 13/03/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuối năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2015, cuộc họp thường niên lần thứ mười của nguyên thủ các quốc gia G20 . Sự nổi bật của nước này trên trường quốc tế lại diễn ra vào một thời điểm kỳ lạ, khi họ nhận ra mình bị bao vây bởi một vòng cung bất ổn đang mở rộng.

Thật vậy, hai trật tự địa chính trị đang dần đổ vỡ ở những nước lân cận của Thổ Nhĩ Kỳ: Tình trạng hòa dịu thời Hậu Chiến tranh Lạnh với Nga, và các đường biên giới quốc gia ở Trung Đông được xác định bởi Hiệp định Sykes-Picot 1916 và Hòa ước Versailles 1919. Chưa bao giờ Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ lại cần nhau như lúc này, nhưng cũng hiếm khi họ lại xa cách như thế.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là ngôi sao đang lên trong khu vực như họ đã từng trong nửa đầu nhiệm kỳ 12 năm của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Đã xa rồi những ngày mà đất nước trên đà tăng trưởng kinh tế và tiến tới nền dân chủ đích thực, một nguồn cảm hứng cho nhiều nước khác trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay phải đối mặt với vô số thách thức: Chủ nghĩa chuyên chế ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng không mấy ấn tượng, và tiến trình hòa bình với người Kurd bị sa sút. Với đường biên giới 900 km với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có gần hai triệu người Syria tị nạn và rất dễ chịu các cuộc tấn công, xâm nhập của Nhà nước Hồi giáo (IS). Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với cả Iran và Israel ngày càng trở nên sâu sắc, và đất nước còn ngày càng phụ thuộc vào năng lượng từ một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù.

Thổ Nhĩ Kỳ không thể đối đầu với những thách thức này một mình. EU chiếm gần 40% thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, và hơn 50% công nghiệp du lịch của nước này. Trong khi đó, quan hệ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng phía nam đã giảm xuống kể từ phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Thực tế này được phản ánh trong dư luận Thổ Nhĩ Kỳ, với sự ủng hộ EU tăng từ mức thấp 34% năm 2009 lên tới 53% vào năm ngoái. Đơn giản là Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thức được thực tế rằng họ không có lựa chọn hấp dẫn nào khác ngoài EU và sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. “Chiến lược EU” của nước này do Bộ trưởng phụ trách các Vấn đề Châu Âu Volkan Bozkır công bố vào mùa thu vừa qua có thể được xem như một sự công nhận ngầm thực tế này.

Trong khi đó, châu Âu chưa bao giờ có một sự mong muốn lớn đến vậy đối với một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định, dân chủ, và thân phương Tây. Nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu và cộng đồng quốc tế sẽ phải vật lộn để đối đầu với những mối đe dọa từ những chiến binh nước ngoài, đánh bại Nhà nước Hồi giáo, ổn định Iraq, và vạch ra một giải pháp chính trị cho vũng lầy tại Syria. EU cũng cần có quan hệ đối tác vững chắc với Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an ninh năng lượng thông qua đa dạng hóa.

Tuy nhiên, thay vì xích lại gần nhau hơn, EU và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang trở nên xa cách. Tự do ngôn luận, nguyên tắc tam quyền phân lập, và nền pháp quyền đã dần bị xói mòn dưới thời Erdoğan. Nước này đang có nguy cơ bị hút vào những cuộc xung đột phe phái trong khu vực – và bị cám dỗ bởi tiếng gọi chuyên chế của Vladimir Putin ở Nga.

Quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống mức thấp mới vào cuối năm ngoái, khi Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng áp lực lên giới truyền thông ủng hộ lãnh đạo Hồi giáo tự lưu đày, Fethullah Gülen. Chiến dịch trấn áp này đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía EU, mà Erdoğan, đến lượt mình, đã giận dữ bác bỏ.

Một số người châu Âu cho rằng sự suy thoái của các quyền và tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất nghiêm trọng đến nỗi quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dĩ đang hấp hối, nên bị đình chỉ. Thật vậy, sẽ rất khó khăn để chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng Tiêu chuẩn Chính trị Copenhagen. Ví dụ, theo Chỉ số tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng viên không biên giới năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ rớt xuống vị trí thứ 154 (trong số 180 quốc gia).

Nhưng một sự đình chỉ chính thức các cuộc đàm phán gia nhập sẽ chẳng làm được gì hơn ngoài việc loại bỏ động lực cuối cùng để Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi dân chủ hóa và hài hòa hóa với EU. Thay vào đó, EU cần tăng gấp đôi nỗ lực của mình, tăng cường những lời chỉ trích của họ về hạn chế dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ lẫn tăng cả độ khả tín của quá trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức này.

Cho đến nay, Cyprus (Síp) đặt ra trở ngại lớn nhất (tức phản đối – NHĐ) đối với sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước thành viên EU nên can dự tích cực hơn nữa với chính phủ Cyprus để mang lại sự thay đổi cần thiết. Điều này sẽ cho phép EU để mở chương 23 và 24 (trong điều lệ gia nhập EU) ra đàm phán – những chương đề cập đến các quyền, tự do cơ bản, và bộ máy tư pháp – như Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu ủng hộ. EU lúc đó sẽ có thể đưa ra những lời chỉ trích của mình trong một khuôn khổ pháp lý phù hợp, trong khi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn có thể gạt sang một bên những quan ngại của EU.

Dỡ bỏ phong tỏa các cuộc đàm phán sẽ có lợi cho Cyprus nhiều như cho châu Âu. Không có quốc gia nào nhận được nhiều hơn Cyprus từ một nền dân chủ ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó một Thổ Nhĩ Kỳ bị suy giảm dân chủ hóa trong khu vực đang đổ vỡ sẽ đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của cả Cyprus cũng như châu Âu.

Ngoài quá trình gia nhập EU, các biện pháp quan trọng khác cũng cần phải được thực hiện để xây dựng lại niềm tin và mang lại lợi ích cụ thể cho cả hai bên, qua đó tái hồi sinh một mối quan hệ ngày càng ốm yếu nhưng mang tính chiến lược ngày càng tăng. Những biện pháp như vậy cần phải bao gồm tăng cường sự hợp tác EU – Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chống khủng bố, vấn đề người Syria tị nạn, và nhiều cuộc khủng hoảng từ Libya tới Ukraine, cũng như nâng cấp và hiện đại hóa thỏa thuận liên minh thuế quan (như Ngân hàng Thế giới gần đây đã ủng hộ) và mạnh mẽ theo đuổi việc tự do hóa thị thực.

Mặc dù các biện pháp đó không phải là lựa chọn thay thế cho một tiến trình gia nhập đã được củng cố, nhưng chúng sẽ giúp phục hồi tiến trình này. Trên tất cả, bằng cách gắn kết Thổ Nhĩ Kỳ vào trong gia đình châu Âu, các biện pháp như vậy sẽ chống lại sự rời xa nguy hiểm của nước này khỏi những giá trị chung châu Âu.

Martti Ahtisaari, là cựu Tổng thống Phần Lan và từng đạt Giải Nobel Hòa bình, hiện là thành viên của Ủy ban Độc lập về Thổ Nhĩ Kỳ.

Emma Bonino, là thành viên sáng lập của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý và nhà sáng lập của tổ chức phi chính phủ quốc tế No Peace Without Justice (Không có hòa bình nếu không có công lý).

Albert Rohan, cựu Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Áo, từng là Phó Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc tại đàm phán về địa vị cuối cùng của Kosovo.

Bình luận này cũng đã được ký bởi Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich; Hans van den Broek, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan và Ủy viên EU về Quan hệ Đối ngoại; Marcelino Oreja Aguirre, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha; Michel Rocard, cựu Thủ tướng Pháp; và Nathalie Tocci, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế ở Rome.