#265 – Nguồn gốc Leninist của sự đàn áp xã hội dân sự

civilsocietyre

Nguồn: Anne Applebaum, “The Leninist Roots of Civil Society Repression”,  Journal of Democracy, 26(4), (2015), pp.21-27.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Năm 1947, Stefan Jêdrychowski, cựu chiến binh cộng sản, ủy viên Bộ Chính trị Ba Lan, và bộ trưởng trong chính phủ, đã viết một bản ghi nhớ với nhan đề có phần trịch thượng, “Ghi chú về tuyên truyền của các nước Anglo-Saxon.” Ông đưa ra rất nhiều lời chỉ trích – về ảnh hưởng của các dịch vụ tin tức Anh và Mỹ ở Ba Lan, và về thời trang và điện ảnh nước ngoài. Nhưng cuộc tấn công dai dẳng nhất của ông là nhằm vào Polska YMCA, chi hội Ba Lan của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA). Được thành lập ở Warsaw năm 1923 và sau đó bị Hitler cấm hoạt động, Polska YMCA đã khởi động lại vào tháng 4 năm 1945 với sự hỗ trợ của YMCA quốc tế ở Geneva, cùng với sự nhiệt tình trong nước.

YMCA ở Warsaw hiển nhiên là phi chính trị. Nhiệm vụ chính của tổ chức này ở Ba Lan là phân phối viện trợ nước ngoài – quần áo, sách vở, và đồ ăn – và tổ chức các hoạt động và các lớp học cho giới trẻ. Tuy nhiên, Jêdrychowski đã nghi ngờ những động cơ bên trong. Chương trình tuyên truyền của YMCA, ông viết, được tiến hành “một cách cẩn thận… tránh giọng điệu chính trị trực tiếp,” điều đó dĩ nhiên khiến tổ chức này nguy hiểm hơn. Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia tiến hành một cuộc kiểm toán tài chính đối với tổ chức này và giám sát cẩn thận những ấn phẩm đang được phát hành và các dạng khóa học đang được giảng dạy. Sau hai năm theo dõi, chính quyền cộng sản cuối cùng quyết định rằng mọi chuyện như vậy đã là quá đủ. Họ tuyên bố YMCA là “công cụ của chủ nghĩa phát xít tư sản” và giải thể nó. Với cơn cuồng nộ mang tính Orwell kỳ quái, các đoàn viên thanh niên cộng sản ùa vào trụ sở tổ chức với búa trên tay và nghiền nát các đĩa than nhạc jazz, và tòa nhà được giao lại cho một tổ chức nhà nước được gọi là Liên đoàn Bằng hữu Binh sĩ.

Việc tổ chức lại YMCA trong giai đoạn hậu chiến là ví dụ điển hình của cái mà ngày nay được gọi là “xã hội dân sự”, một hiện tượng đã tồn tại dưới những tên gọi khác trong quá khứ. Trong thế kỷ 18, các triết gia đã bắt đầu xác định tầm quan trọng của các tổ chức như các phường hội, câu lạc bộ, và các đoàn thể có chức năng tách biệt với các thể chế của nhà nước. Edmund Burke đã viết một cách đầy ngưỡng mộ về các “trung đội nhỏ” – tức là các tổ chức xã hội nhỏ mà ông tin là nơi phát sinh tinh thần công. Trong thế kỷ 19, Alexis de Tocqueville cũng hào hứng không kém khi viết về những “hiệp hội” mà “người Mỹ ở mọi lứa tuổi, mọi địa vị, và mọi khuynh hướng liên tục tạo nên”. Ông kết luận rằng những hiệp hội này giúp đẩy lui chế độ độc tài: “Nếu con người muốn duy trì hoặc trở nên văn minh, nghệ thuật gắn kết với nhau phải phát triển và cải thiện”. Gần đây hơn, Robert Putnam đã định nghĩa lại hiện tượng tương tự là “vốn xã hội” và kết luận rằng các tổ chức tự nguyện nằm ở trung tâm của cái chúng ta gọi là “cộng đồng”.

***

Nhưng trong những năm đầu thế kỷ 20, một nhóm nhỏ các nhà cách mạng sau này trở thành đảng viên Bolshevik Nga đã phát triển một lý thuyết thay thế về xã hội dân sự. Burke, Tocqueville, và ngay cả giới trí thức Nga cũng tin rằng xã hội dân sự là nền tảng của dân chủ; Lenin lại tin rằng việc tiêu diệt xã hội dân sự là tối quan trọng đối với chế độ độc tài toàn trị. Như sử gia Stuart Finkel đã giải thích, Lenin tin rằng “lĩnh vực công cộng trong một xã hội xã hội chủ nghĩa cần phải đơn nhất và đơn nghĩa”, và bác bỏ khái niệm tranh luận mở của “tư sản”. Theo đó, những người Bolshevik coi mọi hiệp hội độc lập, công đoàn, và phường hội là “phần tử ly khai” hay chia rẽ “giai tầng” trong xã hội. Còn với các đảng chính trị tư sản, chúng là vô nghĩa. Lenin viết, “Tên của các đảng phái, cả ở châu Âu cũng như ở Nga, thường được chọn đơn thuần cho mục đích quảng cáo, ‘cương lĩnh’ của các đảng cũng thường được viết với một mục đích duy nhất là lừa gạt công chúng”.[1] Thật ra, những người Bolshevik thù ghét các tổ chức độc lập với cùng lý do mà Burke và Tocqueville ngưỡng mộ chúng: bởi vì chúng cho người dân sức mạnh để kiểm soát cuộc sống của mình, bởi vì chúng khuyến khích tư duy độc lập, và bởi vì chúng khiến người dân trở nên quan trọng hơn quyền lực nhà nước.

Trong lĩnh vực này cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, những người Bolshevik đã áp dụng nhanh nhất có thể lý thuyết của họ vào thực tế. Sau Cách mạng Nga, họ đã tạo ra cái có lẽ là đảng chính trị đầu tiên từng đặt ra một trong những mục tiêu rõ ràng của đảng là phá hoại bất kỳ tổ chức nào không do đảng trực tiếp lập ra và không trung thành với đảng. Ở Liên Xô, ngay cả các tổ chức hoàn toàn phi chính trị cũng bị cấm đoán, bởi Lenin tin rằng mọi tổ chức vốn đều mang tính chính trị: Nếu không phải chính trị công khai thì cũng là chính trị bí mật.

Từ giả định đó, không tổ chức nào là không bị nghi ngờ. Các hiệp hội tuyên bố quan tâm tới bóng đá hay cờ vua cũng có thể là “bình phong” cho điều gì đó nham hiểm hơn. Học giả Dmitri Likhachev của thành phố St. Petersburg – sau này là nhà phê bình văn học nổi tiếng nhất người Nga – từng bị bắt giữ năm 1928 vì ông nằm trong một nhóm thảo luận triết học nơi các thành viên chào hỏi nhau bằng tiếng Hy Lạp cổ đại. Trong thời gian ở tù, Likhachev đã gặp người đứng đầu Hội Nam Hướng đạo Petrograd, một tổ chức sau này cũng được coi là hết sức đáng ngờ ở Đông Âu.

Mối nghi ngờ sâu sắc như vậy về xã hội dân sự là trung tâm của tư tưởng Bolshevik, hơn rất nhiều so với mức độ thường được thừa nhận. Finkel đã chỉ ra rằng ngay cả khi giới lãnh đạo Xô viết đang thử nghiệm tự do kinh tế trong những năm 1920 (trong “Chính sách kinh tế mới” của Lenin), sự hủy hoại mang tính hệ thống đối với các đoàn hội văn học, triết học, và tâm linh vẫn tiếp tục không suy giảm. Ngay cả với những nhà Marxist chính thống, thương mại tự do vẫn thích hợp hơn hiệp hội tự do, bao gồm cả hiệp hội tự do của các nhóm phi chính trị về thể thao hay văn hóa. Điều này là đúng dưới thời Lenin, vẫn đúng dưới thời Stalin, dưới thời Khruschev, và dưới thời Brezhnev. Mặc dù có nhiều điều khác đã thay đổi trong tiến trình lịch sử Xô viết, sự đàn áp xã hội dân sự vẫn tiếp tục sau khi Stalin qua đời, tới tận những năm 1970 và những năm 1980.

Những người cộng sản Đông Âu đã thừa hưởng chứng hoang tưởng này, cho dù là do họ đã quan sát và tiếp nhận nó qua nhiều chuyến thăm Liên Xô, do đồng nghiệp của họ trong các sở cảnh sát mật đã tiếp nhận nó trong quá trình đào tạo, hay trong một số trường hợp là do những tướng lĩnh và đại sứ Liên Xô ở đất nước họ vào cuối thế chiến đã cho họ những chỉ dẫn rõ ràng tới cơn hoang tưởng. Trong một vài trường hợp, các cơ quan Xô viết ở Đông Âu đã trực tiếp ra lệnh cho những người cộng sản địa phương cấm các tổ chức hoặc các loại hình tổ chức cụ thể. Ví dụ, trong Đông Đức thời hậu chiến, họ đã đặt các nhóm leo núi ra ngoài vòng pháp luật.

Cũng như trong nước Nga hậu cách mạng, cuộc đàn áp chính trị các nhà hoạt động dân sự ở các nước cộng sản Đông Âu không chỉ đi trước cuộc đàn áp các chính trị gia thực sự, mà còn được ưu tiên hơn các mục tiêu Xô viết và cộng sản khác. Ngay cả trong giai đoạn 1945 đến 1948, khi các cuộc bầu cử ở Hungary về lý thuyết vẫn còn tự do và Ba Lan vẫn duy trì được một đảng đối lập hợp pháp, một số loại hình hiệp hội dân sự nhất định đã bị đe dọa. Ở Đức, các chỉ huy Xô viết không hề cấm các nghi thức tôn giáo và các buổi lễ tôn giáo trong những tháng đầu tiên chiếm đóng, nhưng họ thường phản đối gay gắt các cuộc gặp giáo hội, các buổi lễ tôn giáo vào buổi tối, và thậm chí cả các hiệp hội tôn giáo và từ thiện có tổ chức gặp nhau ngoài nhà thờ trong nhà hàng hay ở các không gian công cộng khác. Thương mại tư nhân vẫn là hợp pháp ở nhiều nơi trong cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, ngay cả khi thành viên của các nhóm thanh niên Công giáo đã bắt đầu bị bắt giữ và truy tố.

Trong thời kỳ hậu chiến, các nước khác chịu ảnh hưởng của học thuyết Bolshevik đã áp dụng một số chính sách tương tự. Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cộng sản là hai ví dụ rõ ràng nhất, và quả thật có thể nói cơn cuồng tiêu diệt các tổ chức độc lập của họ không thua kém gì hoặc thậm chí còn hơn cả cơn cuồng của Bolshevik. Có lẽ ít rõ ràng hơn, một số chế độ độc tài Ả Rập như ở Libya và Iraq cũng theo đuổi các chính sách tương tự. Muammar al-Gaddafi cuồng tín với việc phá hủy xã hội dân sự đến mức ông còn ngăn chặn cả việc thành lập một đảng chính trị nhà nước duy nhất, mà thay vào đó là tự mình quản trị. Việc thiếu vắng các hiệp hội thay thế là một lý do quan trọng dẫn tới sự trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan hậu Mùa xuân Ả Rập: Ở nhiều quốc gia, các thánh đường Hồi giáo là tổ chức độc lập duy nhất trong nhiều năm qua còn hoạt động.

Theo một ý nghĩa rất thực tế, việc đàn áp hoàn toàn xã hội dân sự đã khiến Liên Xô, các thuộc địa, và các con rối của nó trở nên độc nhất. Mặc dù có thể có những khát vọng tương tự, Hitler đã không nắm giữ quyền lực đủ lâu để có thể tiêu diệt mọi tổ chức dân sự của nước Đức. Ngược lại, Bolshevik và những người theo gương họ có thừa thời gian để loại bỏ không chỉ các đảng chính trị đối lập và doanh nghiệp tư nhân, mà còn cả mọi loại nhóm thanh thiếu niên, câu lạc bộ thể thao, các xã hội giáo dục, vân vân – và đưa tất cả vào khuôn khổ của nhà nước.

***

Cuối cùng, sự chu đáo của những người Bolshevik có thể lại là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất của họ. Bởi Lenin đã không nhận ra rằng bằng cách cố gắng kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội, các chế độ toàn trị cuối cùng đã biến mọi khía cạnh của xã hội thành một nguồn bất đồng tiềm năng. Nhà nước quy định chỉ tiêu công việc hằng ngày của công nhân rất cao – và do vậy một cuộc bãi công phản đối điều kiện lao động tồi tàn của công nhân Đông Đức năm 1953 đã nhanh chóng biến thành một cuộc biểu tình chống nhà nước. Nhà nước quy định nghệ sĩ được vẽ gì hay nhà văn được viết gì – và do vậy những họa sĩ hay nhà văn nào vẽ hay viết điều gì khác đi tự nhiên trở thành một nhà bất động chính trị. Nhà nước quy định không ai được thành lập các tổ chức độc lập – và do vậy bất cứ ai thành lập một tổ chức, bất kể ôn hòa đến đâu, cũng đều trở thành đối thủ của chế độ. Và khi một số lượng lớn người dân tham gia vào một tổ chức độc lập – ví dụ như khi khoảng 10 triệu người Ba Lan gia nhập công đoàn Đoàn kết vào năm 1981 – sự tồn vong của chế độ đột nhiên bị đe dọa.

Theo thời gian, một số đối thủ chính trị của các chế độ cộng sản nhận ra rằng đây là một điểm yếu cố hữu của chế độ toàn trị theo phong cách Xô viết. Trong tiểu luận xuất sắc Quyền lực của kẻ không quyền lực (The Power of the Powerless) năm 1978 của mình, nhà bất đồng chính kiến Václav Havel người Séc đã nổi tiếng thúc giục đồng bào ông bỏ qua những lời giả dối và vô nghĩa để “sống trong sự thật” – nói cách khác, để nói và làm như thể chế độ không tồn tại. Cụ thể hơn, ông cũng kêu gọi đồng bào ông tận dụng sự ám ảnh của những nhà cai trị với sự kiểm soát tuyệt đối. Nếu nhà nước muốn độc chiếm mọi lĩnh vực hoạt động của con người, ông viết, thì mọi công dân biết tư duy phải hành động để giữ gìn “đời sống độc lập của xã hội” mà ông định nghĩa là bao gồm “mọi thứ từ tự giáo dục đến tư duy về thế giới, thông qua hoạt động sáng tạo tự do và chuyển tải đến những người khác, tới những thái độ đa dạng, tự do, và dân sự nhất, bao gồm cả trường hợp của các tổ chức xã hội độc lập tự phát”.

Đến thời điểm thích hợp, một số phiên bản “đời sống độc lập của xã hội” – “xã hội dân sự” – bắt đầu phát triển bằng các cách khác thường. Người Hungary tham gia các câu lạc bộ thảo luận học thuật. Người Séc thành lập các ban nhạc jazz. Người Ba Lan ngầm tổ chức lực lượng hướng đạo sinh và cuối cùng là các công đoàn độc lập. Ở mọi nơi, mọi người chơi nhạc rock, tổ chức các buổi đọc thơ, thành lập các doanh nghiệp bí mật, tổ chức các hội thảo triết học ngầm, bán thịt ở chợ đen, và tới nhà thờ. Họ kể cả chuyện cười, thường là rất nổi loạn. Trong một loại xã hội khác, những hoạt động này có thể đã được coi là phi chính trị, và ngay cả ở châu Âu chúng cũng không nhất thiết tạo ra “sự đối lập”. Nhưng chúng đã cho người dân quyền kiểm soát một số khía cạnh của đời sống riêng tư – và trên thực tế đã cho họ cái mà họ cảm thấy là các lĩnh vực tự do và độc lập với nhà nước.

Đôi lúc, chúng cũng có tác động rất sâu sắc đối với chính trị. Năm 1956, các nhóm thảo luận học thuật nhỏ bé của người Hungary dần lớn lên, trở thành các cuộc gặp mặt công cộng, và cuối cùng dẫn tới Cách mạng Hungary. Năm 1980, công đoàn Đoàn kết đã giành được quyền tồn tại hợp pháp trong một thời gian ngắn trước khi bị nghiền nát một năm rưỡi sau đó bằng thiết quân luật. Và đến năm 1989, các nhóm Tin lành và các nhà hoạt động độc lập Đông Đức đã tổ chức một loạt các buổi tuần hành ở Leipzig, giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của Bức tường Berlin.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản đi đến hồi chấm dứt, một lần nữa tự do ngôn luận và tự do hội họp được lập lại ở Trung và Đông Âu. Nhưng ở nhiều nơi điều đó nói thì dễ hơn làm: Các tổ chức tư nhân, dân sự, và từ thiện từng được người dân dùng để thúc đẩy các sáng kiến độc lập về tri thức, chính trị, thiện nguyện, hoặc thể thao đã không còn tồn tại. Hệ thống pháp lý để hỗ trợ chúng cũng vậy. Người ta đã viết rất nhiều về sự mất mát đạo đức làm việc ở châu Âu cộng sản và sự thiếu vắng các thể chế tư bản chủ nghĩa và thị trường chứng khoán. Nhưng đến năm 1989, các thói quen, tập quán, pháp luật, và thậm chí cả phép lịch thiệp gắn liền với tất cả mọi thứ từ văn hóa của một tòa soạn có trách nhiệm tới tổ chức từ thiện thường niên cũng đã biến mất khỏi phần lớn Liên Xô đã 70 năm, và khỏi Trung Âu đã 40 năm. Không dễ gì thay thế được chúng.

Tệ hơn, một số bộ phận dân cư ở gần như tất cả các nước thuộc khối Xô viết cũ lại phản ứng trái ngược với sự hồi sinh của họ, ít nhất là lúc đầu. Năm 1989, khái niệm về một tờ báo xuất bản những bài chỉ trích chính phủ là thật kỳ quái, thậm chí đáng ngờ, đối với nhiều công dân Xô viết cũ. Ý tưởng về trường học được tổ chức theo một triết lý khác hoàn toàn với các trường công có vẻ thật xa lạ. Ý tưởng về một tổ chức từ thiện có thể được tài trợ hoàn toàn bởi các cá nhân, đối với nhiều người, là không thể chấp nhận được và thậm chí còn đáng ngờ: Động cơ của những người đóng góp là gì? Các đảng chính trị tham gia vào cuộc tranh luận không kiểm soát là viễn cảnh đáng sợ nhất trong tất cả. Cảnh tượng mọi người bất đồng nơi công động, đôi khi còn hét vào mặt nhau, có vẻ thật khó chịu, chia rẽ, và thậm chí nguy hiểm.

Đúng là nếu thiếu vắng cả nhà nước và xã hội dân sự, những từ ngữ như “tự do” đôi khi dường như chỉ là những câu khẩu hiệu rỗng tuếch. Anh có thể tự do dành thời gian làm gì anh muốn, nhưng câu lạc bộ bóng đá địa phương của nhà nước đã sụp đổ vì thiếu kinh phí, không có gì để thay thế, và cộng đồng anh đã quên mất cách tự mình tổ chức một đội bóng. Anh có thể tự do tham gia chính trị, nhưng các đảng và tổ chức chính trị đã suy yếu, mục nát, và tổ chức kém. Anh có thể cảm thấy bất bình cho những người nghèo quanh anh, nhưng anh không còn biết làm thế nào để quyên tiền giúp đỡ.

Dĩ nhiên, theo thời gian, nhiều công dân của các nước cộng sản trước đây đã điều chỉnh theo những thực tế mới, dần quen thuộc với tư tưởng tự do cá nhân, và nhiệt tình tái thiết xã hội dân sự. Nhưng những người khác thì không. Trên khắp khu vực, kích thước của hai nhóm này vẫn khác biệt khá nhiều, tùy vào lịch sử và văn hóa của từng quốc gia cụ thể. Quả thật, sức nặng tương đối của họ là đặc biệt quan trọng: Trong thế giới hậu cộng sản, thái độ của người dân đối với xã hội dân sự giúp xác định tình hình chính trị của đất nước họ đến một mức độ đáng ngạc nhiên. Ở Ba Lan, xã hội dân sự “bất hợp pháp” đã phát triển mạnh trong hai thập niên cuối của chủ nghĩa cộng sản, sản sinh ra không chỉ công đoàn Đoàn kết mà còn cả hàng chục tổ chức độc lập khác: các nhóm nghệ sĩ và nhà văn, các tổ chức giáo hội, thậm chí cả một phong trào hướng đạo sinh bí mật. Đến năm 1989, người Ba Lan không chỉ đã sẵn sàng hợp pháp hóa các tổ chức dân sự, mà còn có một số kinh nghiệm điều hành chúng.

***

Ngược lại, ở Nga, nơi quyền tự do lập hội đã bị đàn áp trong suốt 70 năm – và thậm chí trước đó cũng rất hạn chế – người dân nói chung tỏ ra thận trọng hơn với ý tưởng về các tổ chức dân sự tự do. Tệ hơn, người lên nắm quyền vào đầu những năm 2000, sau khoảng trống ngắn ngủi sau Yeltsin, một lần nữa tỏ ra thù địch một cách trắng trợn với chúng. Cuộc thập tự chinh của chính quyền tổng thống Putin chống lại chính khái niệm xã hội dân sự độc lập tại Nga đã phản ánh một phần sự trở lại với quyền lực của KGB trước đây, tổ chức có mục tiêu chính là phá hủy mọi tổ chức độc lập ở Liên Xô. Trong quá trình đào tạo, họ đã học được rằng các sự kiện không được phép cứ thế diễn ra, mà phải bị thao túng; các thị trường không thể cứ thế mở, mà phải được quản lý từ đằng sau; các cuộc bầu cử không thể đoán trước được, mà phải lên kế hoạch từ trước. Tương tự, họ cũng được dạy rằng các tổ chức mà họ không kiểm soát theo định nghĩa là tổ chức thù địch.

Bản thân Putin đã có kinh nghiệm cá nhân về mối nguy mà các nhóm độc lập đặt ra đối với một nhà nước chuyên chế. Là một sĩ quan KGB trẻ ở Dresden năm 1989, ông đã chứng kiến các cuộc biểu tình của quần chúng trên đường phố và việc lục soát trụ sở của Stasi, cảnh sát mật Đông Đức. Ông cũng không đơn độc. Hầu hết những người thân cận của Putin hiện nay đều được đào tạo và giáo dục trong cùng một hệ thống, và có vẻ hầu hết đều nghĩ theo cùng một cách. Có lẽ không ngạc nhiên khi sự trở lại với quyền lực của KGB được đánh dấu bằng việc loại bỏ chậm nhưng có hệ thống mọi loại hình nhóm và tổ chức độc lập khỏi xã hội Nga. Tháng 11 năm 2012, Duma Nga đã thông qua một đạo luật về cơ bản quy định rằng bất kỳ tổ chức nào nhận tài trợ của phương Tây cũng đều phải đăng ký như một “đại diện nước ngoài” – nói cách khác, một đại diện tình báo. Việc kiểm tra đột xuất và kiểm toán đối với phạm vi rộng các nhóm, trong đó có cả các nhóm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đã khiến nhiều nhóm phải đóng cửa văn phòng hoặc rời khỏi nước Nga. Trong số hơn 50 tổ chức buộc phải đăng ký đại diện nước ngoài có Memorial, tổ chức vận động nhân quyền và bảo tồn lịch sử của chủ nghĩa Stalin, và Dynasty Foundation, tổ chức từ thiện của Nga nhằm hỗ trợ toán học và khoa học. Người sáng lập và nhà tài trợ duy nhất của Dynasty Foundation đã tuyên bố hồi đầu năm nay là ông sẽ ngừng tài trợ cho tổ chức này nếu việc đăng ký đại diện nước ngoài không được dỡ bỏ, và đến tháng 7 ban điều hành tổ chức đã quyết định đóng cửa nó.

Một đạo luật gần đây hơn cho phép nhà nước Nga có quyền đóng cửa mọi loại hình tổ chức nước ngoài “không mong muốn”. Trong số các nhóm được nhắc đến như những mục tiêu khả dĩ có Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế. Theo luật, những tổ chức của Nga có “hợp tác” với những tổ chức nước ngoài “không mong muốn” cũng có thể bị phạt tiền hoặc phạt hình sự. Xã hội Nga, vốn từ lâu đã không quen tham gia các tổ chức dân sự, giờ đây sẽ tiếp tục không được khuyến khích làm như vậy bởi nỗi sợ hãi. Trong thời gian rất ngắn, việc thành lập, điều hành, hoặc tham gia vào một tổ chức độc lập ở Nga sẽ trở nên rất khó khăn; các tổ chức “chính danh” duy nhất sẽ do nhà nước điều hành. Chừng nào nước Nga còn bị cai trị bởi những người chưa bao giờ từ bỏ yếu tố này trong tư tưởng Bolshevik, điều đó nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.

Vấn đề hiện nay là liệu các xã hội hậu cộng sản khác – và quả thật là có rất nhiều xã hội khác chịu ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ Xô viết – có dẫm vào vết xe đổ này hay không. Hầu hết các nước Trung Âu và vùng Baltic đã gia nhập Liên minh châu Âu có vẻ nhiều khả năng sẽ duy trì quyền tự do lập hội (mặc dù thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã de dọa phản đối sự tồn tại của một số tổ chức độc lập ở Hungary nhận tài trợ từ nước ngoài). Lĩnh vực dân sự cũng rất vững chắc ở Ukraine, dựa trên truyền thống của các tổ chức nông dân và tự cứu của người dân Ukraine tiền Xô viết.

Nhưng ở Belarus, Trung Á, Trung Quốc, Cuba, một phần châu Phi, và phần lớn thế giới Ả Rập, những người cầm quyền vẫn gắn bó với tư tưởng Bolshevik cũ rằng các tổ chức dân sự độc lập là mối đe dọa đối với nhà nước. Có một điều trớ trêu ở đây là những người Bolshevik đã thất bại trong những mục tiêu quan trọng nhất của họ. Họ chưa bao giờ thành công trong việc thực hiện một cuộc cách mạng cộng sản quốc tế, lý thuyết kinh tế của họ đã đánh mất uy tín, và các kế hoạch tập trung đã chấm dứt. Nhưng những tư tưởng hạn hẹp của Lenin về xã hội dân sự vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi như Bắc Kinh, Cairo, Havana, Minsk, Bình Nhưỡng, và Tashkent – chứng tỏ rằng chúng có lẽ là luôn vững chắc và nguy hiểm nhất trong tất cả.

Anne Applebaum là nhà báo người Ba Lan và Hoa Kỳ, nổi tiếng với những bài viết về chủ nghĩa cộng sản và sự phát triển của xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu. Bà được trao giải Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu năm 2004 cho cuốn Gulag: A History (Doubleday, 2003).

————–

[1] V.I. Lenin, được trích trong The Communist Party of the Soviet Union (Bolsheviks) Is the Leading and Guiding Force of Soviet Society (Moscow: Foreign Languages Publishing House, 1951).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]