Vì sao các cuộc biểu tình đường phố kém hiệu quả?

Print Friendly, PDF & Email

MSK-street-protests

Nguồn: Moisés Naím, “Why Street Protests Don’t Work,” The Atlantic, April 07, 2014.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Các cuộc biểu tình đường phố đang thịnh hành. Từ Bangkok đến Caracas, từ Madrid đến Moskva, những ngày này (4/2014) không có tuần nào trôi qua mà không có tin tức về một đám đông lớn tập hợp trên đường phố của những thành phố lớn trên thế giới. Có nhiều lý do để biểu tình (hệ thống giao thông công cộng và giáo dục chất lượng kém và đắt đỏ, kế hoạch san bằng một công viên, tình trạng lạm quyền của cảnh sát…). Thông thường, cơn bất bình nhanh chóng lan rộng sang việc phủ nhận chính phủ, hoặc người đứng đầu cơ quan này, hoặc đến những tố cáo rộng hơn về tham nhũng và bất bình đẳng kinh tế.

Hình ảnh chụp từ trên không các cuộc diễu hành chống chính phủ thường cho thấy một biển người giận dữ đòi hỏi sự thay đổi. Nhưng những gì mà những đám đông này đạt được lại ít đến đáng ngạc nhiên. Nguồn năng lượng chính trị dồi dào trên thực địa cực kỳ không tương xứng với những kết quả thực tế của các cuộc biểu tình này.

Dĩ nhiên đã có những ngoại lệ đáng chú ý: Ở Ai Cập, Tusinia, và Ukraina, các cuộc biểu tình đường phố đã thực sự góp phần vào việc lật đổ chính phủ. Nhưng các cuộc biểu tình lớn nhất đã không tạo ra được những sự thay đổi đáng kể trong nền chính trị hoặc chính sách công. Phong trào Chiếm đóng phố Wall là một ví dụ điển hình. Ra đời vào mùa hè năm 2011 (không phải ở phố Wall mà ở Quảng trường Merdeka ở Kuala Lumpur), phong trào Chiếm đóng nhanh chóng lan rộng và sớm phổ biến tại gần 2.600 thành phố trên khắp thế giới.

Các nhóm khác nhau tham gia biểu tình đã không có liên kết chính thức với nhau, không có hệ thống phân cấp rõ ràng, và hiển nhiên không có nhà lãnh đạo. Nhưng các mạng lưới xã hội đã giúp tái tạo phong trào trên diện rộng đến mức các mô hình cơ bản như cắm trại, biểu tình, gây quỹ, truyền thông, và tương tác với chính quyền đã trở nên tương đồng từ nơi này đến nơi khác. Cùng một thông điệp vang vọng ở mọi nơi: Không thể chấp nhận được việc tài sản toàn cầu tập trung trong tay của nhóm tinh hoa 1% trong khi 99% còn lại gần như chỉ có thể đủ sống.

Đáng lẽ một sáng kiến toàn cầu, rộng lớn, có vẻ được tổ chức tốt như vậy phải có tác động lớn hơn. Nhưng không phải. Mặc dù chủ đề bất bình đẳng kinh tế đã thu hút nhiều chú ý trong những năm sau đó, trên thực tế chúng ta khó mà tìm được những thay đổi có ý nghĩa trong chính sách công dựa trên những đề xuất của phong trào Chiếm đóng. Rốt cuộc phong trào Chiếm đóng giờ đã biến mất khỏi các tít báo.

Trên thực tế, phản ứng của chính phủ thường chỉ là những nhượng bộ đãi bôi, và chắc chắn không có những cải cách chính trị lớn. Ví dụ, Tổng thống Brazil Dilma Roussef đã công khai thừa nhận những vấn đề gây nên sự thất vọng của người chiếm đóng đường phố của đất nước bà, và hứa hẹn sự thay đổi sẽ được thực hiện, nhưng những “sự thay đổi” ấy vẫn chưa trở thành hiện thực. Phản ứng của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối với các cuộc biểu tình trong đất nước ông còn quyết liệt hơn. Ông cáo buộc phe đối lập và những người biểu tình có âm mưu tinh vi chống lại mình, và cố gắng chặn Twitter và YouTube. Đầu tháng này, Erdogan đã giành chiến thắng lớn trong các cuộc bầu cử địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tương tự cũng đã diễn ra trong các cuộc biểu tình phản đối bạo lực ở Mexico City và tham nhũng ở New Delhi: tuần hành lớn, kết quả nhỏ.

Tại sao? Làm thế nào những người có động lực rất lớn lại đạt được rất ít? Có thể nhận ra một câu trả lời trong kết quả của cuộc thí nghiệm do Anders Colding-Jørgensen tại Đại học Copenhagen tiến hành. Năm 2009, ông lập ra một nhóm Facebook để phản đối việc phá dỡ di tích lịch sử Đài phun nước con Cò (Stork Fountain) trên quảng trường chính của thủ đô Đan Mạch. Mười ngàn người đã tham gia trong tuần đầu tiên; sau hai tuần, nhóm lớn mạnh đến 27.000 thành viên. Đó là phạm vi của thí nghiệm này. Chưa bao giờ có kế hoạch nào trên thực tế để phá hủy Đài phun nước—Colding-Jørgensen chỉ đơn thuần là muốn thể hiện việc tạo ra một nhóm người dùng mạng xã hội tương đối lớn dễ dàng như thế nào.

Trong thế giới ngày nay, chắc chắn lời kêu gọi biểu tình qua Twitter, Facebook, hoặc tin nhắn sẽ thu hút được một đám đông, nhất là nếu kêu gọi biểu tình phản đối một điều gì đó—thật ra là bất cứ điều gì—xúc phạm đến chúng ta. Vấn đề là những gì diễn ra sau cuộc diễu hành. Đôi khi nó kết thúc trong cuộc đối đầu bạo lực với cảnh sát, nhưng thông thường là nó chỉ đơn giản tắt dần đi. Đằng sau các cuộc biểu tình đường phố hiếm khi có một tổ chức thường trực và hiệu quả, có khả năng giám sát những đòi hỏi của người biểu tình và tiến hành công việc chính trị phức tạp, trực diện, và buồn tẻ, tạo ra sự thay đổi thực sự trong chính phủ.

Đó là luận điểm quan trọng được đưa ra bởi Zeynep Tufekci, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Princeton. Theo bà, “Trước khi có Internet, công việc tổ chức tẻ nhạt vốn cần thiết để phá vỡ sự kiểm duyệt hoặc tổ chức một cuộc biểu tình cũng giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho quá trình ra quyết định và những chiến lược nhằm duy trì động lực phong trào. Giờ thì các phong trào có thể vội vàng bỏ qua bước này, thường gây hại cho chính mình.”

Có một động cơ chính trị mạnh mẽ đang vận hành trên đường phố của nhiều thành phố. Nó quay với tốc độ cao và tạo ra nhiều năng lượng chính trị. Nhưng động cơ này không được kết nối với bánh xe, và do đó “phong trào” không thể di chuyển. Muốn di chuyển thì cần có những tổ chức có khả năng làm công việc chính trị truyền thống và thường trực, có thể đưa các cuộc biểu tình đường phố thành thay đổi chính trị và cải cách chính sách. Trong phần lớn trường hợp, điều đó đồng nghĩa với các đảng chính trị. Nhưng các đảng chính trị hiện có mà người biểu tình không tin tưởng không nhất thiết phải là những tác nhân thay đổi. Thay vào đó, chúng ta cần những đảng mới hoặc những đảng cải cách sâu rộng, có thể tiếp sinh lực cho cả những người lý tưởng chủ nghĩa vốn cảm thấy không nơi bấu víu về mặt chính trị và cả những chuyên gia đang hằng ngày cống hiến cho công việc xây dựng một tổ chức chính trị biết cách biến năng lượng chính trị thành các chính sách công.

Như nhiều người đã chú ý, mạng xã hội vừa có thể tạo điều kiện vừa có thể làm suy yếu sự hình thành của các đảng chính trị hiệu quả. Chúng ta đã quen với sức mạnh của truyền thông xã hội để xác định, thu hút, huy động, và phối hợp những người ủng hộ cũng như để gây quỹ. Nhưng chúng ta cũng biết phong trào hoạt động qua những cái click chuột và ủng hộ cho có (clicktivism/slacktivism) sẽ làm suy yếu hoạt động chính trị thực sự bằng cách tạo ra ảo giác gây cảm giác tốt đẹp rằng việc bấm “like” trên một trang Facebook hoặc tweet những thông điệp sôi nổi một cách dễ dàng trên máy tính hay điện thoại thông minh cũng tương đương với phong trào hoạt động thực sự ảnh hưởng đến sự thay đổi.

Những gì chúng ta đang chứng kiến trong những năm gần đây là sự phổ biến của các cuộc tuần hành đường phố mà không có một kế hoạch nào cho những gì sẽ diễn ra tiếp theo và làm thế nào để tiếp tục giữ những người biểu tình tham gia và hội nhập vào tiến trình chính trị. Đó chỉ là biểu hiện mới nhất của cơn ảo tưởng nguy hiểm rằng có thể có dân chủ mà không cần các đảng chính trị—và ảo tưởng rằng các cuộc biểu tình đường phố dựa nhiều vào mạng xã hội hơn vào tổ chức chính trị bền vững là cách thức để thay đổi xã hội.

Moisés Naím, cựu bộ trưởng thương mại và công nghiệp của Venezuela và giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới, là tác giả của cuốn The End of Power (Basic Books, 2013). Năm 2014 và 2015, ông được Viện Gottlieb Duttweiler xếp trong danh sách 100 nhà lãnh đạo tư tưởng toàn cầu có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Hình: Biểu tình đường phố đòi bầu cử dân chủ ở Moskva năm 2012. Nguồn: CNN.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]