Tập Cận Bình không phải là Mao Trạch Đông

ximao

Nguồn: Keyu Jin, “Xi Jinping is No Mao Zedong”, Project Syndicate, 04/08/2016

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Gần như cả thế giới đều đang quan sát Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nhiều quan ngại. Ông Tập không chỉ tái tập trung quyền lực vào tay của chính quyền trung ương; mà nhiều người còn tin rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông thực chất chính là một cuộc thanh trừng chính trị. Họ lo rằng Tập đang xây dựng một sự “súng bái cá nhân”, giống như những gì Mao Trạch Đông đã tạo nên, và cũng là điều thúc đẩy sự bùng nổ Cách mạng Văn hóa.

Tuy nhiên, sự thật lại khác xa điều chúng ta nghĩ. Dù đúng là ở một mức độ nào đó, Tập đang tập trung quyền lực, nhưng động cơ của ông là mong muốn giúp Trung Quốc mạnh lên – cả về chính phủ lẫn kinh tế. Để thành công, ông sẽ phải đưa một bộ máy quan liêu – vốn đã phần nào vượt khỏi tầm kiểm soát – trở lại trật tự.

Trong ba thập niên vừa qua, quyền lực chính trị ở Trung Quốc đã được phân cấp đáng kể, chính quyền các tỉnh và thành phố ngày càng có nhiều quyền tự chủ trong việc cải cách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hơn nữa, họ còn được cấp quyền trực tiếp kiểm soát các nguồn tài nguyên – như đất đai, tài chính, năng lượng, nguyên liệu thô – và phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Kết quả là, chính quyền địa phương chiếm trung bình khoảng 71% trong tổng chi tiêu công giai đoạn 2000 – 2014, lớn hơn rất nhiều so với những nước liên bang lớn khác trên thế giới (chẳng hạn, các chính quyền tiểu bang của Mỹ chỉ chiếm khoảng 46% chi tiêu công).

Mục đích của việc này là để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên tổng thể bằng cách khuyến khích sự cạnh tranh giữa các vùng. Các lãnh đạo đảng ở địa phương hiểu rằng con đường sự nghiệp của họ phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế của địa phương họ. Và bằng cách làm việc chăm chỉ để thúc đẩy tăng trưởng, họ đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (theo một số khía cạnh thì thậm chí còn là lớn nhất thế giới) và bảo đảm tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền trong thời kỳ hậu Mao.

Nhưng phân cấp quyền lực cũng có nhược điểm. Nó đã dẫn đến sự lãng phí đáng kể, điển hình là các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương. Và nó cũng là nguyên nhân của tham nhũng trên quy mô lớn, khi các quan chức địa phương có các “thỏa thuận” nhằm cắt giảm thuế, cho vay tín dụng giá rẻ, hoặc cấp đất với giá thấp hơn giá thị trường cho các doanh nghiệp.

Ở một đất nước với hệ thống quy định nghiêm ngặt và thị trường tài chính chưa phát triển, doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với rất nhiều rào cản khi khởi nghiệp và tiến hành kinh doanh. Nếu giao dịch bất hợp pháp là cần thiết để được tiếp cận tài nguyên và thị trường, các công ty tư nhân sẽ rất sẵn sàng làm điều đó, bằng tiền mặt hoặc các khoản chi khác cho những vị cán bộ giúp họ lách luật hay phá luật.

Những vụ dàn xếp kiểu này đã tạo điều kiện để hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân – có vai trò thúc đẩy tăng trưởng – xâm nhập thị trường Trung Quốc vào cuối thập niên 1990. Trong một thời đại mà tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu, thì nạn tham nhũng thúc đẩy tăng trưởng cũng được ngầm chấp nhận, và thậm chí còn được vui vẻ tha thứ.

Nhưng giờ đây, tham nhũng đã vượt tầm kiểm soát, đe dọa đến sự ổn định của Trung Quốc và tính chính danh của Đảng Cộng sản. Hơn ba thập niên quản trị lỏng lẻo, một số chính quyền địa phương đã hình thành bè phái chính trị để bảo vệ lợi ích bất hợp pháp của họ về kinh tế và nhiều mặt khác. Tham ô và biển thủ công quỹ sẽ chẳng thể xảy ra nếu không có đồng phạm bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau để leo lên bậc thang chính trị.

Những mạng lưới chính trị ngầm này trở nên gần như bất khả xâm phạm, nhiều cán bộ mặc nhiên trở thành đối thủ của chính quyền trung ương, quyết liệt bảo vệ lợi ích kinh tế của họ bằng cách bảo vệ các chức vụ chính quyền và bổng lộc. Trừ phi kiểm soát được các “quan trấn thủ”, còn không thì chính quyền trung ương sẽ chẳng thể cải cách.

Vì vậy, ông Tập đã ngưng làm ngơ trước tham nhũng. Ông đem một số quyền của chính quyền địa phương trở lại vào tay của chính quyền trung ương, và phát động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng.

Trong hai năm qua, nhiều quan chức ở tất cả các tỉnh của Trung Quốc – từ cấp thấp đến cấp cao – đều đã bị giam giữ. Cân nhắc về mặt địa lý cũng đôi khi được xét đến, với việc bắt giữ một quan chức từ một tỉnh ngoại vi thường xảy ra sau khi bắt giữ một người từ một thành phố trực thuộc trung ương.

Bắt giữ một số lượng lớn các quan chức (và sĩ quan quân đội) cấp cao, những người được xem là đối thủ chính trị, có thể trông giống như một cuộc thanh trừng. Nhưng thực tế là tất cả những người bị truy tố và kết án đều được chứng minh là có tội, dựa trên bằng chứng rõ ràng. Nước Trung Quốc ngày nay, dù có một ngành tư pháp không hoàn hảo, thì cũng chẳng thể bỏ tù các quan chức hoàn toàn vì lý do chính trị như dưới thời Mao.

Nỗ lực của Tập nhằm kiểm soát bộ máy quan liêu ở Trung Quốc vẫn tiếp tục được duy trì. Trong ngắn hạn, hoạt động kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng, khi các quan chức địa phương trì hoãn việc ra quyết định, để tránh thu hút quá nhiều sự chú ý đến mình. Nhưng một khi hệ thống đã được “làm sạch”, Trung Quốc sẽ có cơ sở mạnh mẽ hơn để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định.

Những người lo sợ Cách mạng Văn hóa 2.0 cần phải hiểu rằng Trung Quốc đã không còn là đất nước của 50 năm trước. Mảnh đất của chuyên quyền độc đoán và sùng bái cá nhân đã trải qua ba thập niên mở cửa và tăng trưởng kinh tế. Sẽ chẳng ai hiểu điều này hơn Tập Cận Bình.

Keyu Jin là Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh tế London, là thành viên của nhóm Lãnh đạo Trẻ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ban Tư vấn Tập đoàn Richemont.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]