Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Print Friendly, PDF & Email

wto

Tác giả: Nguyễn Thị Tâm

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời từ tổ chức tiền thân là Hiệp định Chung về Thuế quan và Mậu dịch (General Agreement on Tariffs and Trade – GATT). WTO được thành lập theo Hiệp định Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới ký tại Marrakesh (Marốc) ngày 15/04/1994, và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1995. Đây là tổ chức quốc tế duy nhất đề ra những nguyên tắc thương mại giữa các quốc gia trên thế giới. Trọng tâm của WTO chính là các hiệp định đã và đang được các nước đàm phán và ký kết. WTO có trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sĩ. Cho tới tháng 7 năm 2016, tổ chức này có 162 nước thành viên. Vào ngày 11/01/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này.

Các hiệp định chính của WTO           
·     Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994

·     Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ

·     Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ

·     Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại

·     Hiệp định về Nông nghiệp

·     Hiệp định về Hàng Dệt may

·     Hiệp định về Chống bán Phá giá

·     Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng

·     Hiệp định về Tự vệ

·     Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu

·     Hiệp định về các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch

·     Hiệp định về các Rào cản Kĩ thuật đối với Thương mại

·     Hiệp định về Định giá Hải quan

·     Hiệp định về Kiểm định Hàng trước khi Vận chuyển

·     Hiệp định về Xuất xứ Hàng hóa

·     Thỏa thuận về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp

Sự ra đời của WTO đã đánh dấu một sự thay đổi lớn nhất của thương mại thế giới từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nó đã làm sống lại ý định thành lập một Tổ chức Thương mại Quốc tế (International Trade Organization – ITO). Vào năm 1944, các nước tham dự Hội nghị Bretton Woods đề xuất thành lập ITO với tư cách là một tổ chức đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, bên cạnh Ngân hàng Thế giới (WB)Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến thương mại trong quá trình hợp tác kinh tế quốc tế. Bản phác thảo về ITO đã mở rộng những quy định chung về thương mại thế giới để bao gồm những luật lệ về việc làm, hiệp định hàng hóa, những nguyên tắc kinh doanh bị hạn chế, dịch vụ và đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, vào tháng 11 năm 1945, 15 nước đã bắt đầu đàm phán về cắt giảm hàng rào thuế quan. Cuộc đàm phán này đã cho ra đời một hệ thống các luật lệ thương mại và 45.000 thỏa thuận nhượng bộ về thuế quan. Số thành viên đàm phán lên tới 23 khi các luật lệ và thỏa thuận này được kí kết vào năm 1947. Những thỏa thuận về thuế quan này chính thức có hiệu lực vào ngày 30/06/1948, và GATT ra đời với 23 thành nước thành viên tham gia sáng lập. 23 nước này cũng nằm trong nhóm 50 nước đàm phán thành lập ITO.

Hội nghị Hanava bàn về Hiến chương ITO bắt đầu vào ngày 21/11/1947, gần một tháng sau khi GATT được kí kết. Hiến chương của ITO được nhất trí thông qua vào tháng 3 năm 1948, nhưng đã không được phê chuẩn bởi một số quốc gia, điển hình là Mỹ. Vì vậy ý định thành lập ITO đã không trở thành hiện thực. GATT trở thành công cụ đa phương duy nhất điều chỉnh thương mại thế giới từ 1948 cho đến khi WTO ra đời.

GATT đã tiến hành 8 vòng đàm phán chủ yếu về thuế quan, bao gồm: Geneva 1947, Anecy 1949, Torquay 1951, Geneva 1956, Dillon 1960-61, Kennedy 1964-67, Tokyo 1973-79, và Uruguay 1986-94. Tuy nhiên từ thập kỷ 1970 và đặc biệt trong vòng đàm phán Uruguay (1986- 1994) do thương mại quốc tế không ngừng phát triển, GATT đã mở rộng đàm phán, không chỉ về thuế quan mà còn tập trung vào các lĩnh vực khác bao gồm: xây dựng các hiệp định chuẩn mực, hàng rào phi quan thuế, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, hàng nông sản, hàng dệt may, cơ chế giải quyết tranh chấp, và việc thành lập WTO. Với sự mở rộng của hệ thống thương mại đa phương, GATT, với tư cách là một thoả thuận có nhiều nội dung ký kết mang tính chất khuyến nghị, đã tỏ ra không thích hợp. Do đó, ngày 15/04/1994, tại Marrakesh (Marốc), vòng đàm phán Uruguay đã được kết thúc, các thành viên của GATT đã cùng nhau ký Hiệp định thành lập WTO nhằm kế tục và phát triển sự nghiệp của GATT.

Cho đến cuối năm 2009, WTO đã trải qua bảy cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng, với cuộc họp gần nhất diễn ra tại Geneva từ 30/11 đến 03/12/2009. Vòng đàm phán Doha đã được khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư tại Doha, Qatar, tháng 11/2001. Vòng đàm phán này nhằm thực hiện một nỗ lực hết sức tham vọng: đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại, và giúp các nước nghèo của thế giới thông qua việc tháo bỏ rào cản và trợ cấp trong nông nghiệp. Mặc dù đã trải qua nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, vòng đàm phán này vẫn còn nhiều tranh cãi, với sự bất đồng chủ yếu xoay quanh vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Cho đến nay, các nước thành viên tham gia đàm phán vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chung.

Về cơ cấu tổ chức, WTO gồm có Hội nghị Bộ trưởng, Ðại hội đồng, các Hội đồng thương mại, các Tiểu ban và Nhóm công tác; và Ban Thư ký.

  1. Hội nghị Bộ trưởng: Hội nghị Bộ trưởng gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, là cơ quan ra quyết định cao nhất của WTO. Hội nghị Bộ trưởng họp ít nhất hai năm một lần. Hội nghị Bộ trưởng sẽ thực thi các chức năng của WTO. Khi một thành viên nào đó yêu cầu, Hội nghị Bộ trưởng cũng có quyền đưa ra những quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến các hiệp định đa phương.
  2. Đại hội đồng: Ðại hội đồng gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, sẽ họp khi cần thiết. Trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị Bộ trưởng thì chức năng của Hội nghị Bộ trưởng sẽ do Ðại hội đồng đảm nhiệm. Đại hội đồng còn có vai trò là cơ quan giám sát chính sách thương mại và giải quyết tranh chấp. Đại hội đồng hành động nhân danh Hội nghị Bộ trưởng và chịu trách nhiệm trước Hội nghị Bộ trưởng.
  3. Các Hội đồng thương mại: Cấp thứ ba là các Hội đồng về nhiều lĩnh vực thương mại khác nhau, như Hội đồng về Thương mại hàng hóa, Hội đồng về Thương mại dịch vụ, Hội đồng về những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các Hội đồng này chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng.
  4. Các Tiểu ban và Nhóm công tác: Các Tiểu ban trực thuộc Đại Hội đồng và các Hội đồng thương mại. Các Tiểu ban này chịu trách nhiệm điều hành việc thực thi Hiệp định WTO. Cụ thể:
  • Hội đồng Thương mại Hàng hóa có 11 Tiểu ban;
  • Hội đồng Thương mại Dịch vụ gồm có các Tiểu ban về dịch vụ tài chính, các Tiểu ban về các cam kết cụ thể;
  • Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của Đại hội đồng có hai Tiểu ban.

Các nhóm công tác cũng trực thuộc Ðại hội đồng nhưng cấp độ nhỏ hơn và hẹp hơn so với các uỷ ban. Ðại hội đồng có các nhóm công tác sau:

  • Nhóm công tác về gia nhập tổ chức;
  • Nhóm công tác về quan hệ giữa thương mại và đầu tư;
  • Nhóm công tác về tác động qua lại giữa thương mại và chính sách cạnh tranh;
  • Nhóm công tác về minh bạch trong chi tiêu chính phủ;
  • Nhóm công tác về thương mại, nợ và tài chính;
  • Nhóm công tác về thương mại và chuyển giao công nghệ.
  1. Ban Thư ký của WTO: Ban thư ký của WTO được đặt tại Geneva. Ban Thư ký có khoảng 550 nhân viên. Ðứng đầu Ban Thư ký là Tổng Giám đốc do Hội nghị Bộ trưởng bổ nhiệm, quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, điều kiện phục vụ và thời hạn phục vụ. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc là 4 năm.Tổng Giám đốc sẽ bổ nhiệm các thành viên của Ban Thư ký. Các vụ chức năng của Ban Thư ký trực thuộc Tổng Giám đốc hoặc một Phó Tổng Giám đốc. Ban Thư ký có những nhiệm vụ sau:
  • Trợ giúp về mặt hành chính và kỹ thuật cho các cơ quan chức năng của WTO (các hội đồng, các uỷ ban, …) trong việc đàm phán và thực thi các hiệp định;
  • Trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển;
  • Thống kê và đưa ra phân tích về tình hình, chính sách và triển vọng thương mại thế giới;
  • Hỗ trợ các quá trình giải quyết tranh chấp và rà soát chính sách thương mại;
  • Tiếp xúc và hỗ trợ các nước thành viên mới trong quá trình đàm phán gia nhập, tư vấn cho các chính phủ muốn trở thành thành viên của WTO.

Về chức năng, WTO có sáu chức năng chính: (1) quản lý và điều hành các hiệp định thương mại đa phương của WTO; (2) là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại giữa các nước thành viên; (3) giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên; (4) rà soát chính sách thương mại của các nước thành viên; (5) trợ giúp kĩ thuật và đào tạo cho các nước đang phát triển; (6) hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) để đạt tới sự thống nhất cao hơn về quan điểm trong việc xây dựng các chính sách kinh tế toàn cầu.

WTO hoạt động dựa trên bốn nguyên tắc chính: Nguyên tắc tối huệ quốc; Nguyên tắc mở cửa thị trường; Nguyên tắc cạnh tranh công bằng; và Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia. Phần lớn các quyết định của WTO đều được thông qua trên cơ sở đồng thuận. Trong một số trường hợp nhất định, khi không đạt được sự đồng thuận, các thành viên có thể tiến hành bỏ phiếu. Mỗi thành viên WTO chỉ có quyền bỏ một phiếu và các phiếu bầu của các thành viên có giá trị ngang nhau.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]