Tác giả: Nguyễn Tiến Lực & Huỳnh Phương Anh
Từ giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Thêm vào đó, Nhật Bản đứng trước nguy cơ bị các đế quốc phương Tây thực dân hóa. Trước tình cảnh đó, việc lật đổ chế độ Mạc phủ Tokugawa đã lỗi thời, thoát khỏi nguy cơ rơi vào ách nô lệ của các nước đế quốc và trở thành một nước tư bản hiện đại đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.
Trong công cuộc lật đổ Mạc phủ Tokugawa không thể không nói đến sự đóng góp của 4 han (phiên) lớn nhất nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản bao gồm Satsuma, Choshu, Tosa, Hizen. Satsuma han (nay là Kagoshima ken) nằm ở cực nam của đảo Kyushu, Choshu han (nay là Yamaguchi ken) nằm ở phía nam đảo Honshu, Hizen (nay là Saga ken) nằm ở góc tây nam Kyushu và Tosa (nay là Kochi ken) nằm ở đảo Shikoku.
Tuy vào thời kỳ Mạc phủ Tokugawa các han này bị xếp vào loại han ngoại phiên (tozama) nhưng đây là những han có sức mạnh và uy thế rất lớn nên được gọi là các hùng phiên Tây Nam – Satschodohi (được ghép từ những âm đầu tiên trong tên gọi của bốn han này như “Sat” (Satsuma), “Cho” (Choshu), “Do” (Tosa, được biến âm từ to sang do) và “Hi” (Hizen). Trong bài viết này, bằng nguồn tư liệu phong phú mà cũng chúng tôi sưu tầm được, cũng như thừa kế thành tựu nghiên cứu của các tác giả trước, chúng tôi muốn làm sáng tỏ về vai trò của thế lực Tây Nam đối với việc lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa và xây dựng quyền Minh Trị vào nửa sau thế kỷ XIX.
1. Các han Tây Nam với sự hình thành tư tưởng Sonno Tobaku (Tôn Vương đảo Mạc)
Việc chính quyền Mạc phủ Tokugawa ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với Mỹ và các nước phương Tây bấp chấp sự đồng ý của Thiên hoàng đã làm dấy lên làn sóng phản đối chính quyền này từ khắp mọi nơi. Từ đó nổi lên phong trào đảo Mạc (lật đổ Mạc phủ) với chủ trương lật đổ chính quyền Tokugawa thành lập một chính quyền mới do Thiên hoàng đứng đầu với sự lãnh đạo của các han Tây Nam là Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Trong lịch sử, bất kỳ một phong trào đấu tranh nào đều phải dựa trên một hệ tư tưởng dẫn đường. Hệ tư tưởng này sẽ vạch ra mục tiêu và đường lối đấu tranh cụ thể cho phong trào đó. Phong trào này bắt đầu từ tư tưởngSonno Joi (Tôn Vương nhương Di) và sau đó phát triển thành Sonno Tobaku (Tôn Vương đảo Mạc).
Quá trình phát triển từ tư tưởng Tôn Vương nhương Di đến Tôn Vương đảo Mạc đã được trình bày khá nhiều trong các sách viết về lịch sử Nhật Bản. Tuy nhiên những thế lực nào hay những nhân vật nào đã đóng góp vào sự phát triển của những tư tưởng đó thì rất ít ai đề cập đến. Khi nói đến vai trò về mặt tư tưởng của các han Tây Nam trong việc lật đổ chính quyền Tokugawa là nói đến vai trò của chúng trong việc hình thành và phát triển của tư tưởng Sonno Joi và Sonno Tobaku. Sonno Joi là một hệ tư tưởng ra đời vào cuối thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, là hệ quả trực tiếp của sự yếu kém và bất lực của chính quyền Mạc phủ Tokugawa trước sự đe dọa của các cường quốc phương Tây. Sonno (Tôn Vương) tức là ủng hộ Thiên hoàng còn Joi (nhương Di) nghĩa là đánh đuổi phương Tây ra khỏi Nhật Bản. Người có công đầu tiên trong việc truyền bá tư tưởng Sonno Joi ở Nhật là lãnh chúa thứ hai của Mito han có tên là Tokugawa Mitsukuni. Sau đó tư tưởng này được Tokugawa Nariaki kế thừa và phát triển thành một học thuyết vào năm 1858. Nếu như Mito han là nơi sản sinh ra tư tưởng Sonno Joi di thì Choshu han chính là nơi nó được phát triển đến mức hoàn thiện để trở thành một trào lưu tư tưởng phổ biến trong cả nước.
Tư tưởng Sonno Joiphát triển mạnh mẽ ở Choshu han chủ yếu thông qua hai nhóm: thứ nhất là nhóm do Sufu Masanosuke, một quan chức trong chính quyền han đứng đầu và nhóm thứ hai là do Yoshida Shoin, một nhà giáo dục và nhà tư tưởng nổi tiếng lúc bấy giờ lãnh đạo. Cả hai nhóm này đều ủng hộ tư tưởng Tôn Vương nhưng đối với nhóm Masanosuke thì lòng trung thành với Thiên hoàng gắn liền với lòng trung thành với lãnh chúa còn nhóm của Yoshida thì Tôn Vương có nghĩa là tuyệt đối trung thành với đấng trí tôn Thiên hoàng. Trong hai nhóm này thì nhóm của Yoshida có vai trò tích cực hơn trong việc truyền bá tư tưởng Tôn Vương nhương Di ở trong han và ngoài han. Trong tư tưởng của mình, Yoshida đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Thiên hoàng như là người lãnh đạo cao nhất của đất nước và ông được xem như biểu tượng của tư tưởng Tôn Vương nhương Di ở Choshu han cũng như phong trào đấu tranh dựa trên hệ tưởng này.
Ở Satsuma han thì tư tưởng Sonno Joi và phong trào Sonno Joi ra đời và phát triển mạnh trong những năm 1858 – 1860. Một trong số những người giữ vai trò trụ cột của phong trào này ở Satsuma han là Saigo Takamori. Phần lớn những người tham gia phong trào Sonno Joi ở Satsuma han đều xuất thân từ võ sĩ cấp thấp và đa số đều còn khá trẻ với tuổi đời từ 20 đến 30. Sự trẻ hóa trong lực lượng tham gia đã làm cho phong tràoSonno Joi ở Satsuma han mang tính quá khích và bạo động cao. Ở Tosa han người đầu tiên tiếp thu tư tưởng Sonno Joi và khai sinh ra phong trào này là Takechi Zuian. Dưới sự lãnh đạo của ông, những trí thức Sonno Joi ở Tosa đã xác định đường lối tôn kính Thiên hoàng, đánh đuổi phương Tây một cách kiên quyết. Để thuyết phục lãnh chúa của mình tham gia vào hoạt động Sonno Joi cùng với lực lượng của hai han Satsuma và Choshu, Takechi đã soạn ra một bản kế hoạch nhằm để khôi phục lại quyền lực cho Thiên hoàng trong đó gồm có ba bước:
- Thứ nhất, toàn bộ vùng đồng bằng Kinai phải nằm trong tay của triều đình và khu vực này phải được bố trí bằng quân đội dưới sự kiểm soát của Thiên hoàng.
- Thứ hai, chính sách Sankin Kotai (Tham cần giao đại) phải được sửa lại. Các lãnh chúa địa phương thay vì cách một năm phải đến Edo để thực nghĩa vụ Sankin kotai như trước kia thì nay đổi lại là đến Kyoto để chầu Thiên hoàng và thời gian luân phiên là từ một hay ba lần trong 5 năm.
- Thứ ba, Triều đình phải là người quyết định chính trong những vấn đề chính trị của quốc gia và Mạc phủ phải tôn trọng và làm theo quyết định của Thiên hoàng.[1]
Bên cạnh việc truyền bá tư tưởng Sonno Joi, các han Tây Nam còn có những đóng góp to lớn trong việc phát triển hệ tư tưởng này lên một tầm cao mới. Đó chính là tư tưởng Sonno Tobaku – tư tưởng chính dẫn đường cho phong trào Tobaku (đảo Mạc), trực tiếp lật đổ sự thống trị của chế độ Mạc phủ Tokugawa. Hai tư tưởng này có sự giống nhau ở ý thứ nhất tức là đều nói đến yếu tố Sonno – tôn kính Thiên hoàng nhưng lại khác nhau ở ý thứ hai. Trong khi tư tưởng Sonno Joi nhấn mạnh việc đánh đuổi người phương Tây thì tư tưởng Sonno Tobakulại đề cao việc đánh đổ Mạc phủ. Tuy nhiên, hai tư tưởng này không hề đối lập nhau mà chỉ là biểu hiện của sự phát triển cao hơn về mặt nhận thức của thế lực Tây Nam trước thời cuộc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến về tư tưởng này.
Ngoài sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của những người lãnh đạo các han Tây Nam thì có hai nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự hình thành của tư tưởng Sonno Tobaku và phong tràoTobaku. Đó chính là sự kiện Shimonoseki và Kagoshima vào năm 1863. Sau khi bị các cường quốc phương Tây đánh bại trong hai trận chiến này thì Satsuma và Choshu đã nhận ra rằng việc trục xuất người nước ngoài ra khỏi đất nước là một điều không dễ gì làm được và tư tưởng nhương Di (joi) là hoàn toàn không thực tế. Có thể nói, từ thời điểm khi chính quyền Tokugawa ký các hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây cho đến khi trận chiến Shimonoseki diễn ra vào 1863 thì các lãnh chúa Tây Nam vẫn chưa thấy được sức mạnh áp đảo của các nước phương Tây và vẫn tin tưởng vào sức mạnh quân sự của mình trong việc trục xuất những người nước ngoài ra khỏi đất nước.
Những tổn thất nặng nề về người và của mà Satsuma han và Choshu han phải gánh chịu trong trận chiến ở Kagoshima và Shimonoseki đã khiến các han này bừng tỉnh và nhận thấy một sự chênh lệch khá xa về kỹ thuật quân sự lẫn vũ khí chiến đấu giữa các han này với phương Tây. Từ năm 1864 Satsuma han và Choshu han đã chuyển từ lập trường chống đối sang thái độ hòa hiếu, thân thiện, và chủ động học tập phương Tây. Okubo Toshimichi, một nhân vật có vai trò quan trọng trong chính quyền Satsuma đã viết trong hồi ký của mình như sau “Sau thất bại của Choshu ở Shomonoseki thì tất cả những chí sĩ Tôn Vương nhương Di, kể cả những những người có thái độ cực đoan nhất đối với phương Tây cũng phải sáng mắt ra và phải thừa nhận rằng khả năng trục xuất phương Tây là một điều không có thực. Giờ đây chính họ lại yêu cầu mở cửa đất nước. Những lãnh địa có ít thế lực hơn như Tosa, Hizen thì lại có khuynh hướng tăng cường thương mại với các nước phương Tây”[2].
Từ việc nhận thức được tính không thực tế của tư tưởng nhương di, các han Tây Nam đã phát hiện ra sự cần thiết phải cải cách duy tân đất nước để đưa Nhật Bản tiến kịp với các nước phương Tây để rồi từ đó mới có thể giữ vững được nền độc lập của mình. Tuy nhiên lúc này Nhật Bản không thể thực hiện được điều đó bởi sự tồn tại của chính quyền Tokugawa. Do đó việc cần làm lúc này là phải lật đổ chính quyền Tokugawa, vật cản chính trong bước đường phát triển của Nhật. Từ cuối năm 1866 các han Tây Nam đã chính thức chuyển từ tư tưởngSonno Joi sang tư tưởng Sonno Tobaku với phương châm chính là lật đổ chính quyền phong kiến quân sự để trả lại quyền lực cho Thiên hoàng theo trật tự vốn có của nó.
Sự ra đời của tư tưởng Sonno Tobaku có vai trò quan trọng trong việc định ra một hướng đi mới cho dân tộc Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XIX cũng như trực tiếp làm bùng nổ phong trào đánh đổ sự cai trị của Mạc phủ Tokugawa trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, sự ra đời của tư tưởng Sonno Tobaku còn tạo cơ sở cho việc hình thành khối liên minh chống Mạc phủ với nồng cốt là khối liên minh của bốn han: Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen.
2. Những đóng góp về mặt tài chính của các han Tây Nam trong sự nghiệp lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa
Ngoài vai trò về tư tưởng, các han Tây Nam còn có những đóng góp to lớn về mặt tài chính đối với công cuộc lật đổ Tokugawa. Những đóng góp này thể hiện khác nhau tuỳ theo điều kiện tài chính của từng han. Đối với Choshu han thì việc có được nền tài chính vững mạnh để tham gia tích cực vào phong trào lật đổ Tokugawa là nhờ vào việc thành lập ra cơ quan Buikukyoku. Đây là cơ quan chuyên trách về tiết kiệm và đầu tư tài chính của han. Nói một cách khác nó mang hình thức giống như một ngân quỹ tiết kiệm mà trong đó tiền chỉ được phép chi ra trong những trường hợp cần sử dụng khẩn cấp hay để đầu tư vào những lĩnh vực thật cần thiết cho sự phát triển của han.
Vì thế Buikukyoku còn có một tên gọi khác là quỹ Buiku. Có thể nói chính nhờ quỹ Buiku mà Choshu han đã cân bằng nguồn tài chính và có khả năng thanh toán nợ trong khi các han khác thì lâm vào tình cảnh túng thiếu. Trong giai đoạn Bakumatsu (cuối thời kỳ Mạc phủ) quỹ Buiku đóng một vai trò rất quan trọng: hầu hết các vũ khí mà Choshu han mua từ các nước phương Tây đểu trả bằng tiền Buiku, những chiến dịch của Choshu han nhằm chống lại chính quyền Tokugawa trong giai đoạn 1862 -1868 cũng được hỗ trợ tài chính từ quỹ buiku. Năm 1865 chính quyền Choshu đã dùng 92.400 ryo[3] từ quỹ Buiku để mua 7.300 khẩu súng cùng với một con tàu chiến lớn để chiến đấu với Mạc phủ Tokugawa[4].
Không những thế sau khi lật đổ được chính quyền này thì Choshu còn rất nhiều tiền vàng trong ngân quỹ của mình và 70% trong số đó đã được chính quyền han dâng tặng cho Thiên hoàng Minh Trị. Có thể nói nếu không có quỹ tiết kiệm Buiku thì Choshu han không thể đóng vai trò lãnh đạo trong việc lật đổ Tokugawa. Trong khi Choshu han củng cố nền tài chính của mình bằng quỹ Buiku thì Satsuma han lại chọn biện pháp độc quyền về hàng hóa để tăng cường nguồn dự trữ của chính quyền han. Ngoài việc độc quyền về mía đường được xem là “quốc sách” hàng đầu trong việc đẩy mạnh kinh tế lãnh địa thì Satsuma còn mở rộng sự độc quyền ra nhiều sản phẩm khác như dầu, vừng, mè, mật ong…
Tuy những biện pháp độc quyền của Satsuma han gây ra sự bất bình cho tầng lớp thương nhân nhưng nó đã giúp cho chính quyền han có thể kiểm soát được nền kinh tế của lãnh địa mình một cách triệt để và quan trọng hơn nữa là nó làm cho ngân quỹ của lãnh địa không ngừng tăng lên. Vào năm 1864 sau khi bị thất bại trong trận chiến với Anh ở Kagoshima Satsuma đã thay đổi thái độ của mình đối với các nước phương Tây mà đặc biệt là Anh. Từ bỏ tư tưởng “Joi” (chống phương Tây), Satsuma đã theo đuổi chính sách “phú quốc cường binh”, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và quân sự của lãnh địa. Vào lúc này thì nguồn ngân quỹ vốn đã được tích lũy khá nhiều của Satsuma đã được vận dụng để mua vũ khí, tàu chiến, súng đại bác của Anh. Bên cạnh đó, chính quyền Satsuma còn dùng tiền để thuê người Anh qua giảng dạy và huấn luyện cho lực lượng hải quân của mình. Nhờ vào sự đầu tư có hiệu quả này mà hải quân của Satsuma không ngừng lớn mạnh.
Cùng với đội quân Kiheitai nổi tiếng của Choshu han, lực lượng hải quân của Satsuma đã nhiều lần đánh bại được quân đội của Mạc phủ Tokugawa trong những trận đánh quyết định cuối cùng. Nếu như Satsuma han nổi tiếng với chính sách độc quyền, Choshu han nổi tiếng với quỹ Buikui thì Tosa han và Hizen han lại được biết đến với chính sách phát triển thương mại mang tính rộng mở và có hiệu quả của mình. Khác với Satsuma han và Choshu han là hai lãnh địa thực hiện chính sách phát triển kinh tế mang nặng tính độc quyền và đàn áp thương nhân một cách quyết liệt, Tosa han và Hizen han lại có mối quan hệ khá thân thiết với những thương nhân và sử dụng họ để làm giàu cho nguồn tài chính của mình.
Giữa chính quyền han và giới thương nhân tồn tại một mối quan hệ hai chiều cùng có lợi. Những thương nhân thì cần đến sự giúp đỡ, che chở của chính quyền han để việc buôn bán của mình được thuận lợi, và ngược lại thì chính quyền han cũng cần có sự hợp tác với thương nhân để mua bán lúa gạo, sản vật địa phương và là chỗ dựa để vay nợ khi gặp túng thiếu về tài chính. Bên cạnh đó các lãnh chúa của Tosa và Hizen còn có mối quan hệ tốt với các thương nhân lớn ở Osaka thông qua những thương nhân trong han và những người cho vay nặng lãi. Do chính sách tương đối rộng mở của chính quyền han mà những thương nhân ở các han này đã có điều kiện kinh doanh tốt hơn và trở thành những người giàu có.
Và để đền đáp công ơn đó những người thương nhân này trở thành những người tài trợ đắc lực về mặt tài chính cho các hoạt động chính trị và quân sự của chính quyền han trong việc đảo Mạc. Trong số các thương nhân có đóng góp về tài chính cho chính quyền Tosa han khi nó tham gia vào các họat động quân sự lật đổ chính quyền Tokugawa thì nổi tiếng nhất là Iwasaki Yataro (1835-1885). Iwasaki Yataro xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Tosa han. Năm 1865, ông làm việc tại Kaiseikan, một công ty chuyên trách vấn đề phát triển công nghiệp của Tosa han mà đặc biệt là công nghiệp hàng hải. Thông qua công ty này, ông đã giúp Tosa han mua 1.300 khẩu súng[5] với chi phí 4000 ryo và những khẩu súng này đã được dùng để trang bị cho quân đội của Tosa han khi nó tham gia cùng với quân đội của Satsuma ở Kyoto vào cuối năm 1867. Ngoài ra, Iwasaki còn khuyến khích chính quyền han cử người ra nước ngoài để học tập về kinh tế và quân sự với sự tài trợ của thương nhân nước ngoài.
Ngoài sự trợ giúp của các thương nhân trong nước, các han Tây Nam mà đặc biệt là Satsuma han và Choshu han còn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ phía các doanh nhân người Anh và người Pháp sau khi hai han này chuyển sang thái độ tích cực với các nước phương Tây. Đối với trường hợp Pháp, mặc dù chính phủ của nước này tích cực ủng hộ về tiền bạc và vũ khí để giúp đỡ nhà cầm quyền Mạc phủ khôi phục lại quyền lực đang bị suy yếu trầm trọng của mình, các thương nhân của nó lại có cảm tình với các han Tây Nam hơn. Trong những năm 1863-1864, những thương nhân Pháp đã viện trợ 400.000 France (tương đương với 73.000 đô la) để giúp Satsuma củng cố sức mạnh quân sự của mình, trong khi đó người Anh đã chi ra 200.000 đôla để giúp cho Satsuma và Choshu han mua một con tàu chiến và 6000 khẩu súng đại bác[6]
Đây chỉ mới là những số liệu được công bố một cách chính thức trên văn bản. Chắc chắn còn có nhiều khoản tiền viện trợ khác từ phía các thương nhân nước ngoài mà vẫn chưa được công khai. Chính vì những khoản đóng góp này mà lực lượng quân đội của các han Tây Nam có ưu thế hơn so với quân đội của Mạc phủ về đời sống vật chất, vũ khí….. Và đây cũng là những nhân tố có vai trò quyết định đối với thắng lợi của liên minh các han Tây Nam trong cuộc đối đầu với Mạc phủ Tokugawa.
3. Vai trò về quân sự của các han Tây Nam trong việc lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa
3.1 Các han Tây Nam với sự hình thành lực lượng đảo Mạc
Trong các lãnh địa phong kiến của Nhật Bản vào cuối thời kỳ Tokugawa thì Satsuma han và Choshu han là hai han có thế lực về kinh tế, chính trị và quân sự khá mạnh. Tuy nhiên hai han này lại có truyền thống thù địch lẫn nhau. Sau khi Đô đốc Matthew Perry đến Nhật Bản yêu cầu mở cửa và sau khi chính quyền Tokugawa liên tiếp ký kết các hiệp ước bất đẳng với các nước phương Tây thì Satsuma han và Choshu han đã theo đuổi hai lập trường, quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau: trong khi Satsuma chủ trương Công vũ hợp thể với ý muốn hợp nhất triều đình và Mạc phủ thì Choshu han lại theo đuổi chính sách Tôn Vương nhương Di một cách kiên quyết.
Thêm vào đó, sau “sự kiện Cấm Môn” vào tháng 7 năm 1863 với sự thất bại nặng nề của Choshu han trước liên minh Satsuma và Aizu, mâu thuẫn giữa Satsuma han và Choshu han càng thêm gay gắt. Với mối mâu thuẫn sâu sắc như vậy thì làm thế nào hai han này có thể cùng hợp tác để hình thành nên một liên minh chống Tokugawa? Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi to lớn này. Thứ nhất là do sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của các han này đối với đối phương và thứ hai là do công lao của hai chí sĩ Tosa han là Sakamoto Ryoma và Nakaoka Shintaro. Sakamoto Ryoma và Nakaoka Shintaro là những chí sĩ sớm nhận thức được mối đe dọa từ các nước phương Tây cũng như rất bất mãn với sự bất lực và yếu kém của chính quyền Mạc phủ. Hai ông cũng đã thấy được tính cần thiết của việc hình thành một liên minh để lật đổ Tokugawa.
Liên minh này phải hội tụ được những tiềm lực về kinh tế, chính trị, quân sự …đủ mạnh để có thể đánh bại được một chính quyền phong kiến quân sự đã tồn tại vững chắc gần ba thế kỷ và liên minh này chỉ có thể là các han Tây Nam. Từ cuối 1865 hai chí sĩ Tosa han này đã bắt tay vào việc vận động hình thành liên minh Satsuma – Choshu trong đó Sakamoto sẽ nhận trách nhiệm làm người liên lạc của phía Choshu để vận động Satsuma tham gia vào liên minh còn Sakamoto Ryoma sẽ là người liên lạc của Satsuma để vận động Choshu. Nhờ vào sự nhận thức chính trị thấu đáo cùng tài ngoại giao khéo léo của Sakamoto mà những nhà lãnh đạo của Satsuma han và Choshu han đều đã chấp nhận đề nghị về việc hình thành liên minh Satsuma -Choshu.
Ngày 12 tháng 11 năm 1866 liên minh Satsuma- Choshu đã chính thức được thành lập trong bí mật. Cương lĩnh của liên minh này là một bản điều ước gồm sáu điều do chính tay Sakamoto soạn thảo với sự đồng ý của cả Satsuma và Choshu. Nội dung của bản mật ước này như sau: Nếu Tokugawa gây chiến với Choshu, Satsuma sẽ đưa quân đến Kyoto và Osaka để bảo đảm an toàn cho triều đình Thiên hoàng và để kiềm chế Tokugawa.
- Nếu Choshu thắng trong cuộc chiến tranh này, Satsuma sẽ làm trung gian giữa Choshu với Triều đình.
- Nếu Choshu thất bại thì Satsuma sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ cho Choshu và xin Triều đình tha thứ cho Choshu.
- Nếu không có chiến tranh Satsuma vẫn sẽ làm trung gian giữa Choshu và Triều đình.
- Nếu chính quyền Tokugawa, Aizu hoặc Kuwana can thiệp vào các họat động chính trị của Satsuma thì han này sẽ gây chiến với Tokugawa.
- Nếu Choshu được sự tha thứ của triều đình thì Satsuma và Choshu sẽ cùng nhau hợp tác để phục vụ cho Triều đình[7]
Trên cơ sở hình thành liên minh Satsuma – Choshu thì một liên minh giữa Satsuma và Tosa cũng đã ra đời không lâu sau đó. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1867 thì Okubo, Saigo và Komatsu của Satsuma đã cùng với Goto Shojiro và Sakamoto Ryoma của Tosa ký mật ước chính thức thành lập liên minh Satsuma – Tosa.
Với sự ra đời của hai liên minh Satsuma- Choshu và Satsuma – Tosa thì lực lượng nồng cốt trong việc lật đổ Tokugawa về cơ bản đã được thành hình. Chính liên minh này đã đóng vai trò chủ chốt trong việc tiêu diệt hoàn toàn chính quyền Mạc phủ trong cuộc chiến tranh Mậu Thân năm 1868 khép lại gần 3 thế kỷ cai trị của dòng họ Tokugawa, dọn đường cho Minh Trị Duy tân tiến bước.
3.2. Vai trò của các han Tây Nam trong Oseifuku (Vương chính phục cổ) và Boshin senso (Chiến tranh Mậu Thân)
Sau khi liên minh Satsuma-Choshu được hình thành thì phong trào lật đổ Mạc Phủ, khôi phục lại quyền lực cho Thiên hoàng diễn ra mạnh mẽ. Từ đầu năm 1867 đến tháng 10/1867 thì phong trào này diễn ra theo hai khuynh hướng khác nhau: một bên là khuynh hướng đánh đổ Mạc phủ bằng phương pháp hòa bình do Tosa han phát động thông qua chính sách Đại chính phụng hoàng còn một bên là khuynh hướng đánh đổ Mạc phủ bằng bạo lực vũ trang do liên minh Satsuma-Choshu đứng đầu. Tuy nhiên từ sau tháng 10 năm 1867 trở về sau thì phe chủ trương đánh đổ Mạc phủ bằng phương pháp hòa bình đã bị thất bại hoàn toàn và cuối cùng phải chịu hợp tác với phe bạo động của liên minh Satsuma -Choshu.
Có một điều đáng nói ở đây là trong quá trình lật đổ hoàn toàn chính quyền Mạc phủ kể từ khi chính sách Đại chính phụng hoàng với chủ trương hòa bình giành được thắng lợi bước đầu cho đến khi quân đội của Tokugawa Yoshinobu bị đánh bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Mậu Thân thì thế lực đã tạo dựng và chi phối thời cuộc vẫn không ai khác hơn là các han Tây Nam: Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Chính các han này đã tạo nên một sự chuyển đổi ngoạn mục từ chính quyền Mạc Phủ đã lỗi thời sang chính quyền Minh Trị. Vào ngày 8/12/1876, Thiên hoàng đã ban sắc lệnh Osei Fukko (Vương chính phục cổ), đánh dấu sự thành công của phong trào đảo Mạc khi Tướng quân Yoshinobu bị buộc phải từ chức và trao trả lại quyền lực thực sự cho Thiên hoàng.
Đây được xem là một cuộc “chính biến cung đình” trong đó các han Tây Nam có vai trò rất lớn về mặt quân sự. Từ đầu năm 1867, trong số lực lượng quân đội của các han đóng ở Kyoto thì lực lượng quân đội của các han Tây Nam, nhất là quân của Satsuma han và Chosu han là rất lớn. Con số này đã không ngừng tăng lên vào giữa và cuối năm 1867 khi phong trào Tôn vương đảo Mạc phát triển rầm rộ. Bên cạnh Satsuma và Choshu thì quân đội của Tosa và Hizen ở Kyoto cũng khá đông. Chính lực lượng quân đội này đã yểm trợ về mặt quân sự bên ngoài để Thiên hoàng tuyên bố hiệu lệnh khôi phục lại quyền lực.
Vào tối ngày 8/12/1867 khi đại hiệu lệnh Vương chính phục cổ được ban ra thì quân đội của Satsuma, Choshu phối hợp cùng với quân của Hizen và một số han khác đã chiếm giữ nhưng nơi trọng yếu của triều đình để tránh sự ngăn cản từ phía chính quyền Mạc Phủ và các han đồng minh của nó. Dưới áp lực của đội quân hùng hậu của các han Tây Nam, Tướng quân lúc bấy giờ của Mạc Phủ là Yoshinobu không còn cách nào khác là phải từ chức và trả lại quyền lực cho Thiên hoàng.
Lực lượng quân đội của các han Tây Nam không chỉ đã khiến cho chính quyền Mạc Phủ sụp đổ mà còn đập tan ý đồ gây dựng lại quyền lực của nó thông qua một loạt các trận chiến diễn ra từ năm 1868 đến năm 1869 mà lịch sử vẫn thường hay gọi là cuộc chiến tranh Mậu Thân (Boshin). Cuộc chiến tranh Mâu Thân là tên gọi chung của một loạt các cuộc giao tranh diễn ra giữa quân đội Mạc phủ với quân đội các han Tây Nam.
Trong cuộc chiến tranh này thì có hai đặc điểm nổi bật đáng chú ý:
Thứ nhất, trong tất cả các trận giao tranh này thì quân đội của liên minh Tây Nam đều giành thắng lợi tuyệt đối. Thứ hai, tuy có nhiều han([8]) tham gia đánh đổ Mạc phủ nhưng thành phần chủ chốt lúc nào cũng là bốn han Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen trong đó nhiều nhất là liên quân Satsuma -Choshu chiếm hơn 80% số lượng quân đảo Mạc. Có nhiều trận đấu trong cuộc chiến tranh Mậu Thân mà quân đội Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen chiếm tuyệt đối.
Chính những vị tướng lĩnh tài ba của các han này như: Saigo Takamori (Satsuma), Omura Masujiro (Choshu), Yamagata Aritomo (Choshu), Okuma Shingenobu (Tosa), Okuma Hachitaro (Hizen)… đã góp phần làm nên thắng lợi vang dội trước lực lượng quân đội đông đảo của Mạc phủ cùng với các han đồng minh. Bên cạnh sự đóng góp về mặt lực lượng thì các han Tây Nam còn là nguồn cung cấp vũ khí quân sự chủ yếu cho quân đội phía Tây của Thiên hoàng trong các trận giao tranh với quân Mạc phủ, đặc biệt là Hizen.
Do sớm có điều kiện tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hiện đại của phương Tây thông qua cảng Nagasaki nên Hizen đã không ngừng phát triển kỹ thuật quân sự của mình. Vào năm 1853 nó đã sản xuất thành công súng đại bác cùng với hàng loạt các vũ khí khác như súng, thuốc nổ…
Do đó nó được mệnh danh là “cái lò vũ khí” của Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XIX. Trong nhiều trận chiến quyết định của cuộc chiến tranh Mậu Thân, Hizen han đã cung cấp những tấn thuốc súng có sức công phá lớn cùng với những khẩu đại bác hiện đại được chế tạo theo kiểu mẫu của Anh để giúp lực lượng Tây Nam phá thành. Qua sự kiện Vương chinh phục cổ vào cuối năm 1867 và cuộc chiến tranh Mậu thân (1868-1869) có thể khẳng định rằng sức mạnh quân sự của các han Tây Nam chính là nhân tố cốt lõi tạo nên thắng lợi của sự nghiệp đảo Mạc. Tuy phải đối mặt với lực lượng quân đội đông đảo của Mạc Phủ với sự giúp đỡ của các cố vấn quân sự người Pháp nhưng quân đội các han Tây Nam với sĩ khí cao, vũ khí hiện đại và đặc biệt cùng với tài chỉ huy xuất chúng của Saigo Takamori – một vị tướng tài ba của Satsuma han – nên đã đánh bại hoàn toàn lực lượng Mạc Phủ.
* * *
Thời kỳ Minh Trị là một trong những thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Khi nhắc đến thời kỳ này người ta thường hay nhắc đến Thiên hoàng Minh Trị, người đã đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự ngang hàng với các nước phương Tây. Tuy nhiên để tạo nên ánh hào quang sáng chói của thời kỳ này, đằng sau vai trò của Thiên hoàng thì không thể không nói đến sự đóng góp vô cùng to lớn của thế lực Tây Nam tức bốn han Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen.
Các han này không những đã giúp Thiên hoàng Minh Trị khôi phục lại quyền lực của mình mà còn có sự đóng góp to lớn trong việc xây dựng chính quyền mới, đặc biệt là thông qua công lao của các chính trị gia Tây Nam tài ba. Trong công cuộc đánh đổ sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa, khôi phục lại quyền lực cho Thiên hoàng thì Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen là những han đi đầu đồng thời cũng là lực lượng nồng cốt lật đổ chế độ Mạc phủ. Chính tiềm lực kinh tế, sức mạnh quân sự và đặc biệt là những mối mâu thuẫn không thể điều hòa được với chính quyền Mạc phủ đã làm cho các han này có khả năng đảm nhận vai trò to lớn mà lịch sử Nhật Bản đang đòi hỏi lúc bấy giờ.
Đó chính là lật đổ sự thống trị của một chế độ đã lỗi thời, thiết lập nên một chế độ mới tiến bộ hơn và trên cơ sở đó tiến hành duy tân đất nước để tránh nguy cơ bị biến thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Ngay từ khi phong trào đảo Mạc phát triển trên toàn quốc thì các han Tây Nam đã sớm vươn lên vị trí lãnh đạo phong trào. Chính những võ sĩ tài ba của các han này mà điển hình là Saigo Takamori, Okubo Toshimichi (Satsuma), Kido Takayoshi (Choshu), Sakamoto Ryoma, Nakaoka Shintaro (Tosa),… là những người có công thúc đẩy phong trào phát triển cũng như chuẩn bị những cách thức, bước đi cụ thể để đưa phong trào đảo Mạc tiến đến thắng lợi cuối cùng.
TS Nguyễn Tiến Lực & ThS Huỳnh Phương Anh công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Albert M.Craig (1961), Choshu in the Meiji Restoration, Harvard University Press.
2. Peter Kornicki (2000), Meiji Japan – Political, economic and social history 1868 – 1912 , Harvard University Press ( 3 Volume).
3. E.Herbert Norman (2000), Japan’s Emergence as a modern, Nxb Vancouver, Toronto.
4.羽仁五郎 Hani Goro (1956), 明治維新研究Meiji Ishin Kenkyu (Nghiên cứu về cuộc Duy Tân Meiji), Iwanami.
5.. 服部之総 Hattori Shiso (1972), 明治維史Meiji Ishinshi (Meiji Duy tân sử), Aoki Bunko.
6. Lê Văn Quang (1998), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Tủ sách trường Đại học KHXH & NV.
7.田中彰 Tanaka Akira (1995), 明治維新Meiji Ishin (Meiji Duy Tân), Yoshikawa Kobunkan.
—————–
[1] Marius B. Jansen, “Takechi Zuian and the Tosa Loyalist Party”, The Journal of Asian Studies, Volume XVIII, No.2, February 1959, tr 206
[2] Peter Kornicki (2000), Meiji Japan – Political, economic and social history 1868 – 1912 , Harvard University Press, Volume II, tr 32.
[3] Đơn vị đo vàng vào thời Mạc phủ Tokugawa. 1 ryo vàng = 17.85g vàng.
[4] Albert M.Craig (1961), Choshu in the Meiji Restoration, Harvard University Press, tr.316.
[5] E – Herbert Norman (2000), Japan’s Emergence as a modern state, Nxb Vancouver, Toronto, tr 49.
[6] E – Herbert Norman (2000), Japan’s Emergence as a modern state , sđd tr 319.
[7] Albert M.Craig (1961), Choshu in the Meiji Restoration, sđd tr.318.
[8] Ngoài Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen thì còn có sự tham gia của một số han khác nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản như Owari, Bizen, Higo, Tsu, Kii, Omura, Sadowara.
Nguồn : Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]