Quan hệ Mông Cổ – Nhật Bản và vai trò của Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Hoàng Tuấn Thịnh

Năm 1968, với khẩu hiệu “sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam”, Richard Nixon trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng sự lây lan của cuộc chiến đã trở nên trầm trọng và điều trị nó giống như phải điều trị căn bệnh ung thư. Tiến sỹ Henry Kissinger được mời làm Cố vấn An ninh quốc gia. Hai chính trị gia này trở thành những người điều chỉnh lớn trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm. Để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, họ đã sử dụng chiến thuật thích hợp với hai cường quốc cộng sản (Liên Xô và Trung Quốc), chỗ dựa của cuộc chiến. Điều khá thú vị là hai cường quốc này lại biến Hoa Kỳ trở thành đồng minh của mình để chống lại nhau.

Năm 1971, sự kiện chấn động không ai nghĩ tới đã xảy ra, Nixon bất ngờ thăm Trung Quốc và gặp gỡ Mao. Năm sau, Nixon đến thăm Moskva, tiến hành đàm phán vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược với Liên Xô, hai bên đã ký tắt SALT -1. Năm 1973 thực sự là Nixon đã chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng Hiệp định Hòa bình Paris.

Tại Đông Á, Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei là người chơi cùng phe với Nixon. Sau Nixon, Thủ tướng Tanaka cũng sang thăm Trung Quốc, gặp Mao và Chu Ân Lai, tiến hành bước đi quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ông đã thực hiện nhiệm vụ to lớn đối với việc khôi phục danh dự cho Nhật Bản, quốc gia bị tổn thương nặng nề và là kẻ bại trận trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, Nhật Bản có quan hệ lạnh nhạt với các quốc gia láng giềng của mình và trở nên đơn độc trong khu vực. Theo chân Nixon, Thủ thướng Tanaka cũng sang thăm Liên Xô; thăm các quốc gia Đông Nam Á và thân thiện với Indonesia; thiết lập quan hệ ngoại giao với Đông Đức và Mông Cổ trong năm 1972 và với Việt Nam trong năm 1973.

Nếu chiếm được Mông Cổ sẽ chiếm được thế giới

“Bản ghi nhớ Tanaka” là văn bản giả mạo nhưng lại trở nên nổi tiếng nhất và có sức sống bền vững nhiều năm trong lịch sử; trở thành vũ khí hùng hồn trên mặt trận tư tưởng giữa các nước. Người ta loan tin người Nhật Bản đã tìm thấy kế hoạch tuyệt mật nhằm thống trị thế giới do Thủ tướng Nhật Bản thứ 16 Tanaka Giichi soạn thảo năm 1927 và đã được đệ trình lên Nhật hoàng Hirohito. Một tờ báo của Quốc dân đảng tại Nam Kinh lần đầu tiên đã tiết lộ cái gọi là kế hoạch mật này. Nội dung chính của kế hoạch này bao gồm:

Để chiếm Trung Quốc, trước tiên người Nhật phải chiếm Mãn Châu và Mông Cổ;

Để chiếm thế giới, trước tiên phải chiếm Trung Quốc;

Nếu như chiếm được Trung Quốc thì các nước Nam Á, Ấn Độ, châu Á- Thái Bình Dương sẽ sợ hãi Nhật Bản và dần dần phải quy phục;

Đông Á cứ như thế rơi vào tay Nhật Bản, cả thế giới nhận thức được điều này và sẽ có không có bất kỳ sự phản đối nào.

Người Nhật Bản đã phản bác kế hoạch mật này, cho rằng đây là văn bản giả mạo, nhưng sau này mỗi một sự kiện xảy ra lại cho thấy Bản ghi nhớ Tanaka đã trở thành hiện thực. Các sự kiện như: cuộc xung đột ở Mukden (sự kiện Phụng Thiên) năm 1931, Nhật Bản chiếm Mãn Châu năm 1934, chiến tranh Nhật – Trung từ năm 1937, trận đánh ở sông Khalkh năm 1939 (nay thuộc thị trấn Choibalsan, tỉnh Dornod, Mông Cổ), cuộc tấn công bất ngờ tại Trân Châu Cảng năm 1941… đã khẳng định Bản ghi nhớ Tanaka.

Sau chiến tranh, người ta đã ráo riết tìm kiếm Bản ghi nhớ Tanaka để buộc tội Nhật Bản tại Tòa án quốc tế nhưng vẫn không tìm thấy. Sau nhiều năm, người ta đã biết ai đã soạn ra văn bản giả mạo này. Năm 1995, mọi việc đã rõ ràng, chính Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô[1] đã phát tán Bản ghi nhớ giả mạo này để tạo tâm lý chống Nhật Bản ở Mỹ và châu Âu cũng như tạo sự thù ghét quốc gia này tại châu Á. Rõ ràng, trong suốt nhiều năm trước khi biết ai là chủ nhân soạn thảo văn bản giả mạo này, thì từ sau chiến tranh Bản ghi nhớ Tanaka vẫn được sử dụng như một thứ vũ khí tư tưởng chống lại Nhật Bản. Nhiều nước châu Á, trong đó có CHND Trung Hoa và Mông Cổ còn đưa “tài liệu” này vào sách giáo khoa của trường học, thậm chí còn được mặc định như một khái niệm chắc chắn trong một số sách lịch sử. Tại Mông Cổ, “tài liệu” này vẫn có giá trị cho tới năm 1990.

Đến sông Khalkh là chiến thắng

Thế hệ mới của Mông Cổ lớn lên bằng sự giáo dục về long hận thù đối với Nhật Bản. Nhìn chung, bất kỳ một xã hội độc đoán nào cũng có sự lựa chọn kẻ thù cho riêng mình và luôn có một biện pháp vững chắc trong việc định ra thiết chế của mình thông qua việc không ngừng tuyên truyền mạnh mẽ chống lại kẻ thù.

Nhiều quan chức đảng và nhà nước Mông Cổ bị liên đới tới sự kiện có quan hệ với Nhật Bản, cụ thể là với đặc vụ Nhật Bản khiến mấy nghìn người bị chết oan. Thực vậy, Mông Cổ không ngừng tiến hành mạnh mẽ tư tưởng chống Nhật để khẳng định cái gọi là nguy cơ Nhật Bản đe dọa đến nền độc lập của đất nước.

Sau chiến tranh, “món quà tặng” 12 nghìn tù binh Nhật của Stalin đã góp phần đáng kể trong công cuộc kiến thiết Mông Cổ. Đặc biệt, tù binh Nhật trở thành lực lượng lao động chủ chốt, tham gia vào các công trình xây dựng ở Ulan Bato. Người Mông Cổ coi tù binh Nhật như những nô lệ, do họ không có kinh nghiệm trong xây dựng công trình nhà ở; cho rằng tù binh Nhật phải chịu trách nhiệm thích đáng trước những tội lỗi do họ gây ra. Người Mông Cổ còn thường xuyên tổ chức nhảy múa tập thể tại gian phòng lớn của rạp chiếu phim được xây dựng tại quảng trường trung tâm Ulan Bato và điều đáng chú ý là quốc kỳ của Nhật Bản lại được vẽ trên sàn nhảy của gian phòng lớn này.

Hàng năm, việc tổ chức rầm rộ chiến thắng trận đánh ở sông Khalkh cũng là một sự phô diễn lớn chống lại Nhật Bản. Một mặt, đây là bản sao lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức ở Liên Xô; mặt khác, là cơ sở để tăng thêm uy tín cho Tsedenbal, người từng tham gia chỉ huy trận đánh ở sông Khalkh. Tuy nhiên, qua ghi chép, hồi ký và chuyện trò với những người thân của Tsedenbal cho thấy, nhận thức của Tsedenbal về nguyên nhân, sự thật lịch sử, địa chính trị của các cường quốc thời bấy giờ, lợi ích của Nhật Bản, Liên Xô và Trung Quốc đằng sau trận đánh ở sông Khalkh lại rất mờ nhạt. Sự thực là Liên Xô và Nhật Bản không bên nào giành được chiến thắng ở sông Khalkh, thế nhưng Tsedenbal vẫn luôn tự tin và làm sai lệch sự thật, thông qua phát biểu, trả lời phỏng vấn chính thức và bài viết với mục đích tuyên truyền. Nói ngắn gọn, Tsedenbal luôn thể hiện sự tự tin chắc chắn và không hề nói dối. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời của Tsedenbal là gặp gỡ các tướng lĩnh, sỹ quan Liên Xô, nói chuyện với họ rất hưng phấn, trao tặng huân, huy chương cho họ, đọc và trích dẫn các quyển sách nói về trận chiến ở sông Khalkh. Tsedenbal là một trong những nhà tuyên truyền “Bản ghi nhớ Tanaka” vĩ đại nhất.

Ông anh Liên Xô không thích “nhà máy Gô-bi”

Năm 1972, Mông Cổ và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đầu cho sự hiểu biết lẫn nhau. Sau chiến tranh, khắp mọi nơi, không ai có thể lấy bàn tay để che lấp được sự phát triển, thành tựu kỹ thuật và công nghệ của Nhật Bản, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra.

Ban lãnh đạo Mông Cổ đã quan tâm việc đầu tiên là thiết lập quan hệ kinh tế với Nhật Bản. Trước hết, họ đã thảo luận việc đề nghị Nhật Bản cùng khai thác mỏ than cốc Tavantolgoi, có trữ lượng 7-8 tỷ tấn. Nếu khai thác mỏ lớn như vậy, tất nhiên ban lãnh đạo Mông Cổ phải hỏi các đồng chí Liên Xô. Tsedenbal nói sẽ hỏi Moskva về vấn đề này. Từ Moskva, nhà lãnh đạo Mông Cổ đã mang về nước sự khước từ của Brezhnev: “Các đồng chí không được chia sẻ với một quốc gia tư bản (ám chỉ Nhật Bản) nguồn dự trữ to lớn như vậy mà hệ thống xã hội chủ nghĩa đang có kế hoạch sử dụng trong tương lai”. Thế rồi, ý tưởng hợp tác với người Nhật để khai thác mỏ Tsagaansuvarga (ước tính 250,4 triệu tấn quặng, 1,6 triệu tấn đồng, 66,1 tấn molipden và 11,2 tấn vàng – ND) lại được thảo luận. Trị giá mỏ đồng này ước tính khoảng 2,3 tỷ USD. Vấn đề này phải được Bộ Chính trị thảo luận thông qua. Ông Ơ. Dorj, em rể của Tsedenbal, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương thời kỳ đó cho biết, Tsedenbal đã kịch liệt phản đối và mắng lại những người nêu ra ý tưởng này: “2,3 tỷ USD là tài sản của nhân dân Mông Cổ sẽ được bao phủ bằng những loại hàng hóa xa xỉ hay sao?”

Thế rồi, ước mơ hợp tác với Nhật Bản cứ giảm dần giảm dần cho tới khi nhà máy chế biến lông dê và lông lạc đà được xây dựng nhờ sự viện trợ của Nhật Bản với tên gọi “Gô-bi” (thực chất nhà máy được xây dựng bằng tiền bồi thường chiến tranh của Nhật Bản nhưng núp dưới danh nghĩa viện trợ không hoàn lại, nay sản phẩm lông dê mịn của Gô-bi nằm trong tốp 5 sản phẩm hàng đầu của thế giới – ND). Nhà máy phải thực sự trở thành biểu tượng hợp tác của hai nước. Nhưng nói gì thì nói, dự án này cũng phải được Bộ Chính trị thảo luận thông qua.

Ngay từ đầu, công việc chuẩn bị xây dựng nhà máy, đào tạo công nhân và chuyên gia hầu như bắt đầu từ con số không. Các trang thiết bị được cung cấp từ Nhật Bản đã bị thất lạc mà không rõ nguyên nhân. Hàng hóa vận chuyển tới cảng biển Nakhotka của Liên Xô thường bị thất lạc. Nếu có đến nơi thì cũng bị hư hỏng khá nặng không thể sửa chữa được. Đại sứ Nhật Bản N. Tsuge khi nhìn thấy các trang thiết bị để xây dựng nhà máy bị phá hỏng, đã hài hước nói: “Tôi biết rõ ai đó đã chủ ý phá hỏng các trang thiết bị trên đường vận chuyển, chứ không phải tại Mông Cổ”.

Dẫu sao thì nhà máy đã vượt qua nhiều khó khăn và đi vào sản xuất cho dù rất muộn so với kế hoạch. Ngoài ra, người Nhật còn trao tặng cho Mông Cổ trang thiết bị nông nghiệp và y tế qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JAICA).[2] Điều này khiến các đồng chí Liên Xô không hài lòng. Đại sứ quán Liên Xô tại Mông Cổ thường xuyên cảnh báo vấn đề này đến Bộ trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao và các quan chức liên quan khác của Đảng NDCM Mông Cổ (nay là Đảng Nhân dân Mông Cổ). Những câu khiển trách như: “Nhật Bản đang giúp đỡ các đồng chí và đang cố thâm nhập vào Mông Cổ. Các đồng chí nên biết, lúc đầu người ta chặt đứt ngón tay, rồi là cánh tay của các đồng chí. Nhật Bản sẽ cứ dần dần làm như thế và vài năm sau, nếu kinh tế cũng bị chọc thủng như thế thì các đồng chí tính sao?”.

Theo lời mời, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao D. Yondon sang thăm Nhật, trước chuyến thăm, Yondon được Tsedenbal gọi đến giao nhiệm vụ là chỉ tham quan, không được thảo luận bất cứ vấn đề gì về hợp tác kinh tế với người Nhật. Khi Yondon tới Tokyo, Đại sứ Liên Xô tại Nhật Bản là D.S.Polyanski đã đích thân đến Đại sứ quan Mông Cổ giao nhiệm vụ phải thận trọng khi nói về kinh tế với người Nhật. Khi đoàn đại biểu trở về Ulan Bato, cán bộ Đại sứ quán Liên Xô tại Ulan Bato đã hỏi rất cặn kẽ về đoàn đã gặp gỡ những ai và thảo luận về những vấn đề gì.

Sau khi nhà máy “Gô-bi” đi vào hoạt động, các lãnh đạo Mông Cổ đã tiếp tục đưa ra đề nghị, như tiến hành đàm phán thương mại giữa Mông Cổ và Nhật Bản, triển lãm một số hàng hóa, kỹ thuật tại Ulan Bato, cùng hợp tác xây dựng nhà máy và công trình văn hóa. Tiến xa hơn, nhờ Mông Cổ còn Nhật Bản làm dự án để xây dựng nhà máy luyện kim cỡ nhỏ.

Moskva đã giáng đòn mạnh mẽ trước tình trạng vượt rào này của Ulan Bato. Thứ trưởng Mikhail Kapitsa, người phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô khi tiếp những người Mông Cổ đã bức xúc nói: “Nghe nói các đồng chí Mông Cổ, đặc biệt là những người phụ trách nông nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với Nhật Bản. Chúng tôi đang chuẩn bị soạn thảo thư của Ủy ban Trung ương Đảng chúng tôi gửi Ủy ban Trung ương Đảng các đồng chí…. Các đồng chí nhất định phải chuyển tới Ban lãnh đạo của Đảng mình là phải hết sức thận trọng trong quan hệ kinh tế với Nhật Bản”.

Có một điều rất dễ hiểu là năm 1939, người Nhật đã tiến hành trận đánh tại sông Khalkh nhằm biến Mông Cổ trở thành thuộc địa của mình, chỉ có Liên Xô là nước duy nhất đã giúp đỡ, bảo vệ và cứu Mông Cổ thoát khỏi hiểm họa này. Người Xô viết không muốn có sự điều chỉnh nào trong tiềm thức của những người chăn nuôi du mục Mông Cổ vốn đã trở thành mặc định./.

Hoàng Tuấn Thịnh dịch từ bản gốc tiếng Mông Cổ: МӨНХИЙН ДАЙСАН-ЯПОН (МОНГОЛ ТҮҮХ дөрвөн боть бүтээлийн хэсгээс), Baabar.mn.

—————

[1] Thành lập năm 1934, đến năm 1946 được tái tổ chức và trở thành Bộ Công an, đến năm 1953 lại trở thành Ủy ban An ninh Quốc gia, là đơn vị tình báo nổi tiếng nhất của Liên Xô – ND

[2] Sau này, Nhật Bản có chương trình viện trợ mang tên “Rễ cỏ” chủ yếu tập trung vào các trường phổ thông của Mông Cổ – ND