Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “America’s True Role in Syria”, Project Syndicate, 30/08/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cuộc nội chiến tại Syria là cuộc khủng hoảng nguy hiểm và có sức tàn phá nhất trên thế giới. Kể từ đầu năm 2011, hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng; khoảng 10 triệu người Syria phải di tản; Châu Âu náo động vì các vụ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và hệ quả chính trị từ vấn đề người tị nạn; Mỹ và các đồng minh NATO đã hơn một lần gần như đối đầu trực tiếp với Nga.
Thật không may, Tổng thống Barack Obama lại khiến hiểm họa nghiêm trọng hơn khi che giấu người dân Mỹ và thế giới về vai trò của Mỹ tại Syria. Để kết thúc cuộc chiến tại Syria đòi hỏi Mỹ phải giải thích trung thực về vai trò hiện tại, thường là bí mật, của mình trong cuộc xung đột tại Syria từ năm 2011, bao gồm cả việc ai đang viện trợ, vũ trang, huấn luyện và tiếp tay cho các phe khác nhau. Chỉ có giải thích trung thực như thế mới có thể khiến các nước ngưng hành động liều lĩnh.
Một quan niệm phổ biến – và sai – cho rằng Obama giữ nước Mỹ đứng ngoài cuộc chiến tại Syria. Thực tế, phe cánh hữu ở Mỹ thường xuyên chỉ trích Obama vì ông chỉ vạch ra một giới hạn mỏng manh cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad về vấn đề vũ khí hóa học, rồi sau đó lại dửng dưng khi Assad vi phạm (vấn đề này vẫn chưa rõ ràng và còn tranh cãi như nhiều vấn đề khác tại Syria). Một cây bút hàng đầu của tờ Financial Times, người hay lặp đi lặp lại ý kiến sai lầm cho rằng nước Mỹ vẫn còn quan sát tình hình và chưa hành động, gần đây đã ngụ ý rằng Obama đã phản đối ý kiến của Ngoại trưởng thời đó là Hillary Clinton về việc vũ trang cho phe nổi loạn chống lại Assad.
Nhưng sự thật đã thi thoảng được công khai. Vào tháng Một, tờ New York Times cuối cùng đã đăng tải một mật lệnh vào năm 2013 từ Tổng thống gửi CIA về việc vũ trang cho phe nổi loạn tại Syria. Theo giải thích, Ả Rập Saudi đã viện trợ tài chính đáng kể cho phần vũ trang, trong khi theo mệnh lệnh từ Obama, CIA hỗ trợ về phần tổ chức và huấn luyện.
Đáng tiếc là câu chuyện lại đến rồi đi mà không hề có thêm lời giải thích nào từ chính phủ Mỹ hay của tờ New York Times. Nhiều vấn đề vẫn còn mờ mịt với công chúng: Các chiến dịch đang được tiến hành của CIA và Ả Rập Saudi lớn đến mức nào? Hàng năm nước Mỹ chi cho Syria bao nhiêu? Mỹ, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và các nước khác cung cấp cho phe nổi loạn của Syria những loại vũ khí nào? Những nhóm nào đang được nhận số vũ khí đó? Những người lính, không quân và các lực lượng khác của Mỹ đóng vai trò gì trong cuộc chiến? Chính phủ Mỹ không trả lời những câu hỏi đó còn truyền thông đại chúng cũng không truy tìm câu trả lời.
Rất nhiều lần Obama tuyên bố với người dân Mỹ rằng sẽ “không cử bộ binh tham gia cuộc chiến”. Nhưng cứ vài tháng, người dân lại được thông báo rằng các lực lượng đặc biệt của Mỹ được luân chuyển đến Syria. Lầu Năm Góc luôn bác bỏ việc các lực lượng này đang ở tiền tuyến. Nhưng gần đây, khi Nga và chính quyền Assad tiến hành đánh bom và pháo kích các căn cứ của phe nổi dậy ở miền bắc Syria, Mỹ thông báo với Điện Kremlin rằng những cuộc tấn công đó đang đe dọa tính mạng các lực lượng bộ binh Mỹ. Công chúng không được giải thích về nhiệm vụ, chi phí hay đối thủ của các lực lượng này tại Syria.
Thông qua các vụ rò rỉ thông tin, báo cáo điều tra, tuyên bố từ chính phủ những nước khác và các tuyên bố hiếm hoi từ quan chức Mỹ, chúng ta biết Mỹ đang tham gia vào cuộc chiến do CIA điều phối để lật đổ Assad và chống ISIS. Các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Assad bao gồm Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và những nước khác trong khu vực. Mỹ đã chi hàng tỷ đô la cho vũ trang, huấn luyện, các lực lượng đặc biệt, không kích và hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng nổi dậy, bao gồm cả lính đánh thuê quốc tế. Các đồng minh của Mỹ còn chi nhiều tiền hơn. Con số chính xác vẫn chưa được báo cáo.
Công luận Mỹ không có tiếng nói trong những quyết định này. Quốc hội Mỹ không hề biểu quyết quyền hạn hay phê chuẩn ngân sách. Vai trò của CIA cũng chưa từng được giải thích hay giải trình. Tính hợp pháp trong nước lẫn quốc tế trong các hoạt động của Mỹ chưa hề được thanh minh trước người dân Mỹ hay thế giới.
Với những người ở trung tâm tổ hợp công nghiệp – quân sự, việc giữ bí mật là đương nhiên. Lập trường của họ là một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội 15 năm trước về việc cho phép sử dụng lực lượng vũ trang chống lại những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công 11/9 đã trao cho tổng thống và quân đội toàn quyền tiến hành chiến tranh bí mật tại Trung Đông và Châu Phi. Tại sao nước Mỹ phải công khai giải thích điều mình đang làm? Điều đó chỉ phương hại đến các chiến dịch và củng cố sức mạnh của kẻ thù. Công luận không cần phải biết.
Tôi theo một ý kiến khác: chiến tranh chỉ nên là giải pháp cuối cùng và phải được sự giám sát dân chủ kiềm chế. Quan điểm này cho rằng cuộc chiến bí mật của Mỹ tại Syria là bất hợp pháp theo Hiến pháp Mỹ (trao cho duy nhất Quốc hội quyền tuyên chiến) và Hiến chương Liên hợp Quốc, và rằng cuộc chiến hai mặt của Mỹ tại Syria là một canh bạc rủi ro và liều lĩnh. Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhầm loại bỏ Assad không nhắm vào mục tiêu bảo vệ người Syria như ông Obama hay bà Clinton thường nói hết lần này đến lần khác, mà là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Iran và Nga với chiến trường tại Syria.
Cái giá của cuộc chiến cao hơn và cũng rủi ro hơn nhiều so với những gì các bên đại diện cho Mỹ trong cuộc chiến có thể tưởng tượng. Khi Mỹ bước vào cuộc chiến chống lại Assad, Nga cũng tăng cường ủng hộ quân sự cho chính quyền Assad. Theo truyền thông đại chúng ở Mỹ, hành vi của Nga là một sự xúc phạm: làm thế nào mà Điện Kremlin lại có thể ngăn cản Mỹ lật đổ chính quyền tại Syria? Hệ quả là sự đụng độ ngoại giao trên diện rộng với Nga, vốn có thể leo thang và dẫn đến – có lẽ là vô tình – một cuộc xung đột quân sự.
Những vấn đề này phải chịu sự giám sát pháp lý và đặt dưới sự kiểm soát dân chủ. Tôi tin rằng người Mỹ sẽ nói “không” với cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu để thay đổi chế độ tại Syria. Người dân Mỹ cần an ninh – bao gồm việc đánh bại ISIS – nhưng họ cũng nhận ra được lịch sử kéo dài và đầy thảm họa của những lần Mỹ muốn thay đổi chế độ, bao gồm ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria, Trung Mỹ, Châu Phi và Đông Nam Á.
Đó là lý do chính tại sao “nhà nước an ninh” của Mỹ không nói sự thật. Người Mỹ sẽ kêu gọi hòa bình chứ không phải chiến tranh dai dẳng. Obama chỉ còn vài tháng cầm quyền để sửa chữa di sản đổ vỡ của mình. Ông nên bắt đầu từ việc xoa dịu người dân Mỹ.
Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, Giám đốc Viện Trái đất tại Đại học Columbia và cũng là Giám đốc Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Ông là tác giả của các cuốn sách “The End of Poverty”, “Common Wealth” và gần đây là “The Age of Sustainable Development”.
Copyright: Project Syndicate 2016 – America’s True Role in Syria
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]