Triển vọng sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ

renmimbi_640x3601

Nguồn: William Overholt, “The rise of the renminbi”, East Asia Forum, 12/09/2016.

Biên dịch: Dương Huy Quang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đức và Nhật Bản từng không muốn toàn cầu hóa đồng tiền của mình vì lo sợ đồng nội tệ tăng giá và làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước. Trái ngược với 2 nước này, Trung Quốc lại đang nỗ lực biến đồng nhân dân tệ (NDT) của mình thành một đồng tiền chủ chốt của thế giới. Để hiện thực hóa tham vọng này, Trung Quốc đã tạo ra một mạng lưới các thiết chế thương mại trên toàn cầu, một thị trường mua bán NDT ở nước ngoài không chịu sự kiểm soát về vốn của chính phủ, và một chính sách mở cửa thị trường từng bước.

Một đồng tiền dự trữ quốc tế đảm nhận nhiều chức năng khác nhau như tài trợ thương mại, thanh toán các giao dịch, mua bán ngoại hối, thước đo giá trị; nó đồng thời còn là một thành phần trong dự trữ ngoại hối của một quốc gia.

Năm 2013, đồng NDT đã vượt qua đồng Euro để trở thành đồng tiền quan trọng thứ hai trong tài trợ thương mại, chiếm 9% thị trường toàn cầu. Tuy vậy, đồng đô la Mỹ vẫn chiếm vị thế thống trị với 81%. Còn với tư cách một đồng tiền thanh toán được sử dụng rộng rãi hơn, năm 2014, NDT xếp vị trí thứ 5 sau đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật. Đồng NDT khi đó chỉ chiếm vỏn vẹn 2,2% thị trường toàn cầu trong khi đô la Mỹ chiếm 44%. Tuy nhiên, tỷ trọng này hiện đang tăng lên nhanh chóng.

Tương tự, trong mua bán ngoại hối toàn cầu, do những chính sách kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc, tỷ trọng của đồng NDT cũng chỉ chiếm 1% so với 44% của đồng đôla Mỹ. Tuy vậy, tỷ trọng này đang tăng lên với tốc độ ngoạn mục và hoàn toàn có thể tăng trưởng bùng nổ nếu Trung Quốc nới lỏng những chính sách kiểm soát này.

Bất cứ một đồng tiền dự trữ chủ chốt nào cũng cần được hậu thuẫn bởi những thị trường vốn có chiều sâu, có tính thanh khoản và có tính mở – đặc biệt là thị trường trái phiếu – và những thiết chế có khả năng tạo dựng sự tin tưởng sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. Hình mẫu của một đồng tiền dự trữ chủ chốt chính là đồng đô la Mỹ. Các thị trường trái phiếu tại Mỹ có chiều sâu tới mức một giao dịch trị giá tới hàng chục tỷ đôla cũng không thể khiến thị trường biến động. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ còn chứng tỏ nó luôn có tính mở, ngay cả trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt trên khắp toàn cầu. Nhờ những kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tín nhiệm trao trọng trách tạo thanh khoản cho thị trường bất cứ khi nào cần thiết.

Đồng euro chỉ thỏa mãn một số trong những điều kiện này, chứ không thỏa mãn được tất cả. Lý do là thị trường đồng euro bị chia nhỏ thành thị trường trái phiếu Tây Ban Nha, thị trường trái phiếu Italia, v.v… Điều này dẫn tới việc ngay cả những giao dịch nhỏ cũng khiến thị trường biến động. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thì lại không được tín nhiệm như Fed. Hệ quả là đồng euro cũng được nhiều nước sử dụng làm đồng tiền dự trữ, nhưng không nhiều như đôla Mỹ. Kinh nghiệm từ đồng euro và đồng đô la Mỹ đem lại những chuẩn mực mà chúng ta có thể căn cứ vào để đánh giá sự trỗi dậy của đồng NDT.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc có quy mô bằng khoảng 10% thị trường trái phiếu của Mỹ và bị chia nhỏ cho bốn cơ quan điều hành. Mặc dù những cơ quan này đều bảo vệ lãnh địa của riêng mình, nhưng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự muốn thì họ có thể thống nhất thị trường trái phiếu thành một thị trường gắn kết duy nhất trong vòng vài năm. Trong cuốn sách có tựa đề Renminbi Rising (Đồng nhân dân tệ trỗi dậy), chúng tôi đã tính toán rằng trong vòng vài năm, quy mô thị trường trái phiếu Trung Quốc có thể đạt tới 40% quy mô thị trường Mỹ.

Để làm được điều này, Trung Quốc cần hợp nhất phần lớn nợ công của các chính quyền địa phương vào thị trường trái phiếu quốc gia. Nước này cũng sẽ phải khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến thị trường trái phiếu nhiều hơn để huy động vốn và coi biện pháp này như là thuốc giải cho căn bệnh dựa dẫm quá nhiều vào vay nợ ngân hàng như hiện nay. Những bước đi này sẽ giúp thỏa mãn điều kiện về “chiều sâu” của thị trường.

Trung Quốc cũng sẽ cần mở cửa hoàn toàn các thị trường vốn của mình, đồng thời phải thuyết phục được các thị trường trên thế giới rằng sự mở cửa này sẽ vẫn được đảm bảo duy trì trong bất cứ thời kỳ căng thẳng nào. Mức độ mở cửa đòi hòi phải mất một số năm và sẽ không thể diễn ra ngay lập tức do những căng thẳng và áp lực tài chính của việc dịch chuyển vốn.

Các thiết chế của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua; nhất là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương – NBT) đã gây dựng được uy tín về năng lực. Uy tín này được dựa trên khả năng kiềm chế lạm phát ở mức thấp và duy trì một đồng tiền ổn định cũng như một đội ngũ lãnh đạo chất lượng cao. Nhưng yếu điểm chủ chốt về mặt thiết chế của Trung Quốc lại nằm ở hệ thống pháp lý của nước này. Nếu các quốc gia đánh cược sự an toàn của mình trong một cuộc khủng hoảng vào các khoản tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ, thì đương nhiên họ phải có sự tin tưởng tuyệt đối vào những phán quyết pháp lý trong bất cứ tranh chấp nào. Chừng nào các phán quyết pháp lý còn nằm trong tay một ủy ban thuộc Đảng Cộng sản thay vì một hệ thống tòa án độc lập, thì hầu hết các quốc gia đều sẽ hạn chế mức độ rủi ro cho mình.

Tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần, trong vai trò một đồng tiền dự trữ, nhân dân tệ sẽ được sử dụng phổ biến về bề rộng nhưng hạn chế về chiều sâu. Hiện nay đã có tới 60 quốc gia sở hữu nhân dân tệ trong dự trữ của mình – một con số ấn tượng về bề rộng. Các nước này sở dĩ thực hiện chính sách dự trữ như vậy là vì muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, đồng thời để thanh toán những khoản nợ phát sinh khi mua hàng hóa, dịch vụ từ nước này. Tuy vậy, quy mô của những khoản dự trữ nhân dân tệ này nhìn chung còn rất nhỏ do các thị trường vẫn chưa đủ chiều sâu, chưa đủ mở và hệ thống pháp lý vẫn bị chính trị hóa. Khoảng 1% dự trữ toàn cầu hiện nay là bằng nhân dân tệ. Dự báo một cách lạc quan thì tỷ lệ này có thể tăng lên 5% vào năm 2020.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu lớn hơn nhiều so với mức độ mà những tỷ lệ nêu trên cho thấy. Do Hoa Kỳ cho đến nay vẫn cố chống lại việc hiện đại hóa việc quản trị cũng như việc cấp vốn cho IMF và Ngân hàng Thế giới, các thiết chế do Trung Quốc khởi xướng đã nổi lên với sự hậu thuẫn trên toàn cầu và theo kế hoạch sẽ vượt các thiết chế Bretton Woods về mặt cấp vốn. Những thiết chế này gồm có Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới, Quỹ Con đường tơ lụa và các cấu phần quốc tế của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Sau khi hết ảo tưởng về IMF và Hoa Kỳ  trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, các nước Châu Á đã phát triển một mạng lưới các hợp đồng hoán đổi (swap) với mục đích bổ sung và thay thế cho dự trữ ngoại hối. Trung Quốc hiện có các hợp đồng swap trị giá 499 tỉ đôla Mỹ với 29 nước trong khi Hoa Kỳ có 333 tỉ đôla với 5 nước.

Bất chấp tỷ trọng hiện tại nhỏ hơn, đồng NDT của Trung Quốc đang tạo dựng cho chính nó một địa vị lớn hơn trong hệ thống tài chính quốc tế. Mức độ của sự lớn mạnh tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tốc độ và mức độ cải cách trong nước cũng như sự thành công trong quá trình giảm nợ của các thiết chế tài chính hiện đang quá nhiều nợ của nước này.

William H. Overholt là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Châu Á, Đại học Harvard. Cùng với Guonan Ma và Cheung-kwok Law, ông là đồng tác giả của cuốn “Remninbi Rising” (London: Wiley, 2016).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]