Liệu pháp ‘tiền trực thăng’ rồi sẽ phải được dùng tới?

Print Friendly, PDF & Email

helicoptermoney

Nguồn: Robert Skidelsky, “Helicopter Money is in the Air”, Project Syndicate, 22/09/2016.

Biên dịch: Dương Huy Quang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chính sách tài khóa đang thịnh hành trở lại sau nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập niên, liên tục bị thất sủng. Lý do thật đơn giản: sự phục hồi không đầy đủ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

Nói tới vấn đề phục hồi, Châu Âu đang là khu vực chật vật nhất: GDP của lục địa già gần như không tăng trưởng trong 4 năm trở lại đây, còn GDP bình quân đầu người thậm chí vẫn đang thấp hơn mức năm 2007. Không những vậy, các dự báo về tăng trưởng của Châu Âu đều nhuốm một màu ảm đạm. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã công bố một báo cáo trong đó gợi ý rằng mức chênh lệch sản lượng âm (so với sản lượng tiềm năng) trong khu vực đồng euro là 6%, cao hơn 4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

“Một hàm ý có thể rút ra từ phát hiện này là”, ECB kết luận, “các chính sách nhắm đến mục tiêu kích thích tổng cầu (bao gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ) cần đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong hệ thống chính sách kinh tế”. Quả là những lời mạnh mẽ phát đi từ một ngân hàng trung ương!

Chính sách tài khóa trên thực tế đã bị xếp xó kể từ năm 2010, khi mà cuộc khủng hoảng toàn cầu đặt lên vai chính phủ các nước gánh nặng của những khoản thâm hụt chưa từng có thời hậu chiến cùng tỷ lệ nợ trên GDP trên đà tăng phi mã. Chính sách thắt lưng buộc bụng trở thành cuộc chơi duy nhất được phép diễn ra.

Thực tế này đã khiến chính sách tiền tệ trở thành công cụ kích cầu duy nhất khả dĩ áp dụng được. Ngân hàng Anh quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bơm những khoản tiền khổng lồ vào nền kinh tế thông qua chương trình có tên gọi “nới lỏng định lượng” (QE) – tức là việc mua ồ ạt chứng khoán chính phủ và chứng khoán doanh nghiệp dài hạn. Năm 2015, ECB cũng khởi động một chương trình mua gom tài sản mà Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, hứa hẹn sẽ được tiếp tục triển khai “cho tới khi chúng ta thấy được một sự điều chỉnh (tăng) liên tục trong đường đi của lạm phát”.

Chương trình QE cho đến nay đã chứng tỏ không phải là liều thuốc nhiệm màu. Trong khi nó giúp ngăn chặn các quốc gia sa chân vào một cuộc khủng hoảng khác giống như cuộc Đại suy thoái (những năm 1929-1933), thì lợi ích thu về từ những đợt bơm tiền liên tiếp đã bắt đầu có xu hướng giảm dần. Việc ECB công bố chính sách của mình đã làm thu hẹp chênh lệch về lợi suất trái phiếu giữa Vùng lõi và Vùng ngoại vi của Châu Âu. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Thomas Fazi đến từ Viện Tư duy Kinh tế Mới nhấn mạnh sự ảnh hưởng yếu ớt của chương trình QE đối với việc cho vay của các ngân hàng, sự gia tăng nợ xấu, cũng như bản thân những con số đáng sợ về sản lượng và lạm phát. Thêm vào đó, chương trình QE còn kéo theo những hậu quả không mong muốn về mặt phân phối bởi nó đem tiền đến cho những đối tượng vốn đã rủng rỉnh hầu bao, và chi tiêu hiện tại của họ sẽ chẳng vì thế mà tăng lên nhiều.

Các nhà hoạch định chính sách lẽ ra nên tính tới khả năng kết quả yếu kém như vậy. Khi các ngân hàng trung ương cố gắng giảm lạm phát bằng cách bơm thanh khoản ra khỏi hệ thống, thì chính sách của họ lại bị các ngân hàng thương mại phá ngang bằng cách bơm thanh khoản ngược trở lại thông qua hành động cho vay ra. Trong bối cảnh giảm phát hiện tại, điều ngược lại đã xảy ra. Nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống để kích thích thị trường hoạt động lại bị ngân hàng thương mại vô hiệu hóa bằng hành động rút thanh khoản thông qua động thái tăng dự trữ và hạn chế cho vay ra.

Vậy là chính sách tài khóa lại có lý do để quay lại. Logic của các điều kiện kinh tế hiện tại gợi ý rằng các chính phủ nên tận dụng lãi suất cực thấp để đầu tư vào các dự án hạ tầng, điều này sẽ vừa có tác dụng kích cầu vừa cải thiện cấu trúc của nền kinh tế. Vấn đề là xu hướng chính của những kỳ vọng là gì. Như nhà kinh tế học thuộc Đại học Oxford, John Muellbauer, nhận xét, các bộ tài chính và ngân hàng trung ương từ trước đến nay luôn “nhồi nhét vào trong ý thức của khu vực tư nhân tầm quan trọng của việc giảm tỉ lệ tổng nợ công trên GDP”.

Tư duy chính thống này xuất phát từ ý tưởng cho rằng việc vay mượn đơn giản chỉ là việc “hoãn đánh thuế”. Nếu khu vực tư nhân tin rằng chính phủ sẽ phải tăng thuế để trang trải nợ vay, thì theo quan điểm này, người dân sẽ tăng tiết kiệm để đóng các khoản thuế cao hơn, như vậy sẽ triệt tiêu bất cứ tác động kích thích chi tiêu nào. Tư duy này lầm lẫn khi cho rằng chi tiêu của chính phủ không thể tạo ra bất cứ nguồn thu nhập bổ sung nào; tuy nhiên, chừng nào tư duy này còn thắng thế, thì chính sách tài khóa được tài trợ bằng vay nợ sẽ vẫn không được chấp nhận như là một cách thức để hồi sinh tăng trưởng kinh tế.

Vì lý do này, các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu thảo luận các ý tưởng về chính sách tài khóa phi chính thống nhằm bổ sung cho chính sách tiền tệ phi chính thống. Đặc biệt, họ đang tranh luận với nhau về các biến thể của cái gọi là “tiền trực thăng” – tên gọi này lấy theo một ý tưởng giả định nổi tiếng của Milton Friedman vào năm 1969 trong đó “một chiếc trực thăng thả một mớ giấy bạc trị giá 1.000 đôla từ trên cao”. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke, cùng một số người khác đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho cách thức “ném tiền từ trực thăng” để hồi sinh những nền kinh tế suy thoái.

Tiền trực thăng có 2 dạng, và 2 dạng này có thể và nên được ném xuống cùng lúc. Dạng thứ nhất là trao sức mua trực tiếp vào tay người tiêu dùng – ví dụ bằng cách phát cho mỗi cử tri hay công dân những chiếc thẻ thông minh trị giá 1.000 đôla/chiếc. Nhà kinh tế học người Thụy Sỹ, Silvio Gesell, người ban đầu đề xuất phương án “tiền bị đánh thuế” (stamped money) vào đầu thế kỷ trước, đã bổ sung một quy định theo đó số dư chưa tiêu hết sau mỗi tháng sẽ bị đánh thuế, mục đích là để hạn chế việc dành dụm tiền.

Ở dạng còn lại, tiền trực thăng có thể được sử dụng để tài trợ cho đầu tư hạ tầng. Lợi thế của việc “tài trợ bằng việc in tiền” (monetary financing) này là ở chỗ mặc dù nó làm tăng thâm hụt ngân sách và dẫn đến sự gia tăng lâu dài về cung tiền, nó sẽ không khiến nợ quốc gia tăng thêm bởi chính phủ lúc này chỉ “nợ” chính ngân hàng trung ương của mình. Điều này sẽ giúp xóa bỏ nỗi lo về việc tăng thuế, vốn là yếu tố triệt tiêu động lực chi tiêu nhiều hơn.

Hẳn nhiên, đi vay nợ mà không bao giờ phải trả chỉ là giấc mơ không tưởng. Sẽ có rủi ro rõ ràng là các chính phủ có thể sẽ dễ mắc nghiện dùng “tài trợ bằng việc in tiền” để trang trải cho chi tiêu tư nhân cũng như chi tiêu chính phủ. Đó là lý do tại sao biện pháp này ít có khả năng được đem ra thử nghiệm mở rộng trừ khi tình hình kinh tế xấu đi trông thấy. Thế nhưng, rủi ro về chính trị từ việc khoanh tay đứng nhìn nếu chúng ta sa lầy vào một cuộc suy thoái khác (mà điều này là có khả năng xảy ra) sẽ còn tệ hại hơn. Cho nên, dù muốn dù không, một chính sách tài khóa phi chính thống là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Helicopter Money is in the Air
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]