Kinh tế Anh từ sau trưng cầu dân ý về Brexit ra sao?

Print Friendly, PDF & Email

69-how-britains-post-referendum-economy-is-faring

Nguồn:How Britain’s post-referendum economy is faring“, The Economist, 20/9/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kể từ khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 6 vừa qua, nền kinh tế của Anh vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống. Chỉ số FTSE 250, chỉ số chứng khoán chủ đạo của quốc gia này, đang ở mức cao hơn trước cuộc trưng cầu. Đồng bảng Anh, sau một vài ngày rớt giá ngay sau cuộc bỏ phiếu, đã ổn định. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rất ít người ủng hộ Brexit cảm thấy hối tiếc về lá phiếu của mình: thật vậy, nhiều người trong số họ bây giờ lập luận rằng các dự báo trước cuộc trưng cầu về tình hình kinh tế ảm đạm đã bị thổi phồng, và một số thậm chí còn phát hiện sự khởi đầu của một “sự bùng nổ kinh tế hậu Brexit”. Vậy thực tế là gì?

Chắc chắn rằng một vài bộ phận của nền kinh tế Anh đang khá ổn định. Doanh số bán lẻ tháng 8 cho thấy chỉ có một sự sụt giảm nhỏ đáng ngạc nhiên ở mức 0,2%. Ngay cả khi doanh số không tăng vào tháng 9, mức tăng trưởng sẽ vẫn là 1,5% trong toàn quý ba. Tuy nhiên chi tiêu tiêu dùng lớn hơn không hẳn là một sự ngạc nhiên. Rốt cuộc thì có hơn một nửa đất nước bỏ phiếu chọn Brexit, vì vậy họ hẳn phải là những người mua sắm vui vẻ. Và thông tin kinh tế tiêu cực có xu hướng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng với một độ trễ nhất định: doanh số bán lẻ cũng tăng trưởng mạnh trong tháng 9/2008, thời điểm thực tế xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhìn vào các bộ phận khác của nền kinh tế Anh, chúng ta sẽ thấy những điều ít tích cực hơn. Trước cuộc trưng cầu dân ý, điều lo lắng chính của các nhà kinh tế là các công ty sẽ trì hoãn việc đưa ra những quyết định lớn và khó có thể đảo ngược khi mà mối quan hệ tương lai của nước Anh với EU vẫn chưa rõ ràng. Hai câu hỏi lớn liên quan đến việc làm và đầu tư. Hiện vẫn còn là quá sớm để thấy được tác động đối với dữ liệu thất nghiệp chính thức. Nhưng chiều hướng đi xuống gần đây trong các cuộc điều tra việc làm chỉ ra khả năng sụt giảm mức tăng trưởng việc làm trong tương lai.

Về chi tiêu đầu tư, tình hình cũng không mấy khả quan. Trong tháng 7, giá trị của các hợp đồng trong ngành công nghiệp hạ tầng đã giảm 20% so với tháng 6, dựa trên giá trị bình quân ba tháng liên tục. Tăng trưởng tín dụng trong kinh doanh cũng đang chậm lại do các công ty giữ lại (tín dụng). Khảo sát mới nhất của Ngân hàng Trung ương Anh về các doanh nghiệp cho thấy ý định đầu tư đã suy yếu rõ rệt. Một phần vì lý do này mà Philip Hammond, Bộ trưởng Tài chính, đã đưa ra gợi ý về một chương trình đầu tư hạ tầng. Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Anh đã cắt giảm lãi suất từ 0,5% xuống còn 0,25%, trong một nỗ lực để hỗ trợ cho vay kinh doanh.

Các nhà kinh tế đang chia làm hai phe về vấn đề liệu nước Anh sẽ tránh được một cuộc suy thoái hay không, mặc dù gần như tất cả đều đồng ý rằng nền kinh tế sẽ (tăng trưởng) chậm lại một cách rõ rệt do tác động của cuộc bỏ phiếu. Ngân hàng Trung ương Anh đã dự báo tăng trưởng 2,3% trong năm 2017, nhưng nay chỉ kỳ vọng ở mức 0,8%. Sau cuộc bỏ phiếu để rời khỏi EU, chính phủ và ngân hàng trung ương đã buộc phải sử dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để nỗ lực giữ mức tăng trưởng dương. Và tấ nhiên Brexit sẽ vẫn diễn ra.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]