Nguồn: “Who are the Nubians?”, The Economist, 18/9/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đối với những người quan sát bên ngoài, một sắc lệnh do Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi ban hành vào hồi tháng 11/2014 có vẻ bình thường. Với việc đặt bút ký vào sắc lệnh, Tổng thống Ai Cập đã chuyển một dải đất hầu như chưa có người ở tại miền nam Ai Cập trở thành một khu vực quân sự hạn chế tiếp cận. Vào hồi tháng 1 năm nay, quốc hội Ai Cập đã phê chuẩn sắc lệnh của ông Sisi. Tiếp theo đó là những phản ứng dữ dội. Khu vực được dành riêng cho quân đội này là một phần đất của người Nubia. Hiến pháp năm 2014 hứa hẹn rằng người Nubia, những người đã bị buộc phải rời khỏi vùng đất của mình nhiều thập niên trước đây, có thể trở lại đó. “Đừng quên Nubia!” một thành viên của Quốc hội đã hét lên như vậy khi ông Sisi trình bày trước hạ viện hồi tháng 2. Nhưng chính phủ Ai Cập từ lâu đã nỗ lực xóa bỏ sự khác biệt về chủng tộc nhằm mục tiêu tạo ra một Ai Cập đồng nhất. Vậy, người Nubia là ai?
Lịch sử của người Nubia bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước. Họ là hậu duệ của một nền văn minh châu Phi cổ đại mà, vào thời kỳ hoàng kim của mình, đã cai trị một đế chế trải dài khắp khu vực phía đông bắc của lục địa. Hầu hết người Nubia sống dọc theo lưu vực sông Nile, mà ngày nay là miền nam Ai Cập và miền bắc Sudan – một khu vực thường được gọi là Nubia. Thiên chúa giáo được truyền bá vào khu vực này vào thế kỷ thứ 4 và sau đó hầu hết người Nubia đã cải sang đạo Hồi vào thế kỷ 15 và 16, khi các thế lực Arab thống trị và chia tách khu vực này. Khu vực này sau đó được thống nhất dưới sự kiểm soát của đế chế Ottoman – Ai Cập vào thế kỷ 19. Khi Sudan tách ra khỏi Ai Cập vào năm 1956, cộng đồng người Nubia đã được phân chia giữa hai nước.
Bất chấp những nỗ lực để cứu vãn những di tích của người Nubia, chẳng hạn như các ngôi đền Abu Simbel, phần lớn nền lịch sử phong phú này đã bị cuốn trôi khi chính quyền Anh và Ai Cập xây dựng một loạt các con đập, bắt đầu từ năm 1898. Đập cao Aswan, hoàn thành vào năm 1970, đã khiến phần lớn khu vực Nubia bị chìm dưới mực nước hồ Nasser và buộc hàng chục ngàn người Nubia phải di dời. Nhiều người đã được chuyển đến Kom Ombo, cách Aswan khoảng 50km về phía bắc và cách sông Nile khoảng 25 km. Người dân phàn nàn về những ngôi nhà đổ nát do chính phủ xây dựng, những khoản bồi thường không thích đáng và việc phải sống xa rời dòng sông. Ở miền Bắc Sudan, việc di dời do đập Merowe, được xây dựng từ năm 2003 đến năm 2009, cũng đã làm dấy lên sự giận dữ. Tuy nhiên, những con đập mới vẫn được lên kế hoạch xây dựng trong khu vực này.
Mặc dù nhiều người Nubia ủng hộ việc xây dựng đập cao, với lý do nó sẽ có ích cho Ai Cập, nhưng họ chỉ được nhận lại chút ít cho sự hy sinh của mình. Thay vào đó, họ đã bị gạt ra ngoài lề về chính trị và kinh tế, và cảm thấy bị phân biệt đối xử vì lý do màu da sẫm của mình. Người Nubia ở cả Ai Cập và Sudan tin rằng việc xây dựng đập là một phần của một nỗ lực “Ả Rập hóa” chính thức nhằm quét sạch nền văn hóa của họ. Thật vậy, nhiều người đã bị mất đi liên hệ với nền di sản đặc trưng của họ khi họ chuyển đến các thành phố lớn như Cairo và Alexandria. Ngôn ngữ của người Nubia cũng đang dần biến mất. Nhưng thế hệ trẻ đang cố gắng để khôi phục lại nền văn hóa. Họ cũng thực hiện nhiều hoạt động chính trị hơn. Các cuộc biểu tình và các vụ kiện đã được thực hiện để thách thức sắc lệnh của ông Sisi, dừng việc thi công thêm đập và đưa người Nubia trở về với những gì còn lại của quê hương họ dọc theo sông Nile.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]