Có phải các nhà kinh tế Úc không hiểu Trung Quốc?

ozcn

Nguồn: James Laurenceson, “Are economists China-blind?“, East Asia Forum, 09/10/2016

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Theo một số chuyên gia trong cộng đồng chiến lược Australia, các nhà kinh tế đã không hiểu đúng Trung Quốc, ít nhất là về những khía cạnh quan trọng.

Tháng trước, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách chiến lược Australia Peter Jennings  đã tuyên bố rằng nhiều nhà bình luận kinh tế cho thấy họ “hoàn toàn không hiểu biết hoặc không quan tâm tới các đường hướng chung của chính sách chiến lược Trung Quốc”. Điều này hàm ý rằng các nhà kinh tế và cộng đồng kinh doanh đã quá mải mê kiếm tiền nên không chú ý tới việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhưng kinh tế chính là cốt lõi của quyền lực quân sự và chiến lược.

25 năm trước đây thế giới không hề lo lắng về các ý định chiến lược của Trung Quốc. Điều đó bất chấp chi tiêu quân sự của Trung Quốc chiếm 2,5% GDP của nước này vào năm 1990, cao hơn rất nhiều so với mức 1,9% vào năm ngoái. Tuy nhiên điều quan trọng là nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay lớn gấp trước đây 11 lần và theo dự báo mới nhất của IMF, vào năm 2021, con số này sẽ tăng lên hơn 15 lần. Đó là lý do tại sao ngân sách quân sự của Trung Quốc hiện tại lớn hơn toàn bộ phần còn lại của Châu Á cộng lại.

Đó cũng là điều mà cựu Thủ tướng Australia Paul Keating nghĩ tới khi ông nói gần đây rằng bá quyền của Mỹ ở khu vực là “không thể duy trì được”. Trung Quốc sẽ gặp phải một số trở ngại trên con đường nổi dậy trở thành quốc gia chủ yếu gồm tầng lớp trung lưu, với một cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra trong trung hạn là một trong những rủi ro có thể xảy ra nhất. Nhưng rốt cuộc, thu nhập được xác định bởi năng suất, chứ không phải nợ hay bất cứ vấn đề nào khác.

Cách đây không lâu cứ 4 đôi giày thì có một đôi được sản xuất ở Quảng Đông. Hiện tại, trung tâm chế tạo ở miền Nam Trung Quốc này sản xuất khoảng gần ba phần tư số lượng thiết bị bay không người lái của thế giới. Thâm Quyến, một trong những trung tâm công nghệ của nước này, chi khoảng hơn 4% GDP cho nghiên cứu và phát triển. Mức này cao gần gấp đôi mức trung bình của OECD.

Bất chấp bức lương tăng nhanh chóng, thành công của Trung Quốc trong việc leo lên thang giá trị toàn cầu được thể hiện rõ bởi tỉ trọng của nước này trong thương mại thế giới vốn lên tới 14,6% vào năm ngoái, một mức tăng đáng kể so với mức 12,9% chỉ một năm trước đó.

Các tính toán đơn giản cho thấy với dân số 1,4 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ cần đạt mức một phần tư của Mỹ là nước này đã có thể có được nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho phép nó mua sắm các vũ khí tiên tiến từ nước ngoài. Xét về ngang giá sức mua, IMF ước tính rằng tới cuối năm nay, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn hơn 12% so với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Kinh tế cũng giúp chúng ta suy nghĩ rành mạch hơn về các vấn đề phức tạp như Biển Đông. Luận điệu của những nhà chiến lược hiếu chiến cho rằng kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi chủ nghĩa bành trướng một cách hung hăng.

Tuy nhiên, kể từ khi phán quyết trọng tài về Biển Đông được đưa ra hồi tháng 7, cả Trung Quốc và Philippines đã thể hiện sự kiềm chế trong phản ứng của mình, mặc dù cả hai bên vẫn không hề nhượng bộ so với lập trường trước đây của mình.

Đối với các ngành kinh tế, sự kiềm chế này hoàn toàn dễ hiểu. Rốt cuộc, phát triển kinh tế là yếu tố mở ra khả năng giúp quan hệ quốc tế đạt được sự tích cực hơn là một trò chơi có tổng bằng không (kẻ được người mất).

Do thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 14 phần trăm mức của Mỹ, và 25% nếu xét về ngang giá sức mua, Trung Quốc không thể thay đổi căn bản quan hệ của mình với phần còn lại của thế giới. Đây là một lý do quan trọng tại sao cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoff Raby gọi Trung Quốc là một “siêu cường bị kiềm chế”.

Về các quan ngại liên quan đến tự do hàng hải, nhà kinh tế John Quiggin chỉ ra rằng khối lượng thương mại 5,3 ngàn tỷ đô la đi qua Biển Đông mỗi năm có khoảng 4.000 tỷ là đến và xuất phát từ Trung Quốc.  Rõ ràng Trung Quốc không có lợi ích trong việc ngăn chặn giao thương ở đây và sẽ không cần tới việc cải tạo đất nếu thực sự muốn làm điều đó. Ông nói thêm rằng, ngay cả trong trường hợp tồi tệ nhất, chi phí của giao dịch thương mại đi vòng qua khu vực này cũng sẽ rất lớn.

Việc kết luận rằng sự trỗi dậy về kinh tế và do đó là về chiến lược của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục không đồng nghĩa với việc Australia không bao giờ nên chỉ thích các chính sách của Trung Quốc. Lợi ích cốt lõi về an ninh và kinh tế của Australia là đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ. Vì vậy, phản ứng của Australia đối với phán quyết trọng tài về Biển Đông – trong đó ủng hộ tòa trọng tài và kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết, đồng thời không nghiêng về bên nào trong vấn đề yêu sách lãnh thổ –  không phải là điều gây ngạc nhiên đối với người Trung Quốc.

Nhưng việc tham gia các chuyến tuần tra mang tính chất khiêu khích trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các lãnh thổ màTrung Quốc yêu sách liệu có khuyến khích Trung Quốc tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ hay không lại là điều không hoàn toàn rõ ràng.

Điều hữu ích hơn rất nhiều là nhấn mạnh một lập luận ngoại giao cho rằng một hệ thống quốc tế tuân theo các luật lệ đã phục vụ rất tốt các lợi ích của quốc gia của Trung Quốc cho tới hiện nay, và sẽ mang lại một môi trường quốc tế thuận lợi cho nước này trở thành một “xã hội tương đối khá giả” vào năm 2020, cũng như giúp hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhà hoạch định chiến lược cũng như những người dân khác trong xã hội Australia nên được phép chất vấn và tranh luận các chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc mà không nên bị dán nhãn là những “nhà tuyên truyền thân Bắc Kinh”. Hồi đầu năm 2015, tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho thủ tướng của Australia lúc đó là Tony Abbott và đề nghị ông không tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Tới tháng 6,  Abbot đã đưa Australia tham gia vào ngân hàng này. Một vài tuần trước, ngay cả Canada cũng đã tham gia.

Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện đứng một mình khi không nhìn thấy rõ giá trị trong việc trao cho Trung Quốc cơ hội để chứng minh khả năng của mình nhằm mang lại một vai trò lãnh đạo hữu ích. Đây là ngân hàng mà vòng cho vay đầu tiên hồi đầu năm nay của nó đã được liên kết với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và ngân hàng châu Âu về Tái thiết và Phát triển. Đây không phải là một nỗ lực nhằm lật đổ trật tự tài chính hiện hành.

Phát biểu bên lề cuộc họp G20 gần đây tại Trung Quốc hồi đầu tháng này, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã tiếp lời những người tiền nhiệm khi khẳng định rằng “chúng tôi là một quốc gia hoàn toàn độc lập, và chúng tôi không phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.

Hoa Kỳ cũng không muốn chúng ta phải lựa chọn. Khi trả lời các nhận xét của một đại tá quân đội Hoa Kỳ vào tháng trước, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã nói rằng ý tưởng Australia hoặc bất kỳ quốc gia nào khác phải lựa chọn giữa mối quan hệ lâu dài của mình với Hoa Kỳ và những mối quan hệ mới xuất hiện với Trung Quốc là một lựa chọn sai lầm.

Năm ngoái cựu ngoại trưởng của Công đảng Gareth Evans đã nói rằng khi giải quyết quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh, chúng ta nên nỗ lực xây dựng và củng cố những mặt tích cực trong các mối quan hệ này và giữ tư duy rõ ràng về những mặt tiêu cực tiềm tàng để không bao giờ phải trở thành con rối của bất cứ bên nào.

Đây là phương thức tiếp cận chính sách đối ngoại mà cả các nhà kinh tế cũng như những nhà hoạch định chiến lược ôn hòa của Australia có thể đồng ý.

James Laurenceson là phó giám đốc của Viện Quan hệ với Trung Quốc của Australia (ACRI) tại Đại học Công nghệ Sydney.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]