Quá trình từ bỏ kinh doanh của quân đội Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Gốc rễ lịch sử của việc quân đội làm kinh tế ở Trung Quốc

Việc quân đội tham gia vào các hoạt động thương mại không chỉ đơn thuần xoay quanh vấn đề lợi ích kinh tế. Mối quan hệ giữa quân đội và các hoạt động kinh doanh nằm trong mối quan hệ tương tác lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều giữa một bên là thiết chế nhà nước và một bên là quân đội, giữa xu hướng chuyên nghiệp hoá và xu hướng thương mại hoá. Vai trò của quân đội là khác nhau trong từng thời điểm lịch sử cụ thể tương ứng với từng thể chế chính trị cụ thể. Hãy cùng tìm hiểu mối quan hệ tuy đơn giản mà phức tạp này tại Trung Quốc.

Kinh tế quân sự Trung Quốc thời kỳ phong kiến

Quân đội là công cụ bạo lực của nhà nước với hai mục tiêu căn bản: bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đảm bảo cho đất nước có được sự ổn định nhất định về mặt đối nội. Là công cụ bạo lực, tuy nhiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, quân đội được cho là cần phải hoàn toàn có thể tự cung tự cấp, hay ít nhất là đảm bảo tự cung tự cấp được một phần các nhu yếu phẩm của mình. Trên thực tế, quân đội phong kiến Trung Quốc rất hiếm khi được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về mặt tài chính. Các cuộc chiến tranh liên miên, thiên tai địch hoạ, cũng như hệ thống thu thuế kém hiệu quả khiến cho “quốc khố” không thể nào gánh vác hết được hoạt động của quân đội, chưa kể tới việc chi dùng tiền thuế cho các hoạt động khác. Thêm vào đó, triết lý cai trị thông thường thời bấy giờ dựa trên nhận định rằng thuế thấp sẽ tốt hơn và là bằng chứng cho tấm lòng nhân từ của hoàng đế.

Để giải quyết vấn đề ngân khố cho quân đội, các hoàng đế Trung Hoa thường áp dụng một trong hai chính sách sau để hỗ trợ cho quân đội phong kiến. Thứ nhất là áp dụng cách tiếp cận của trường phái Pháp Gia với dại diện là Thương Ưởng thời Tần, khi ông đề xuất đưa toàn bộ nền nông nghiệp của quốc gia đặt dưới sự kiểm soát của quân đội (thuế đánh tới 2/3 hoa lợi và chuyển cho các mục đích quân sự). Cách tiếp cận này đặt nền tảng dựa trên một triết lý khác: Phú Quốc Cường Binh, cho rằng an nguy của quốc gia chống lại các mối đe doạ từ bên ngoài sẽ được đảm bảo bởi một nền nông nghiệp mạnh, thông qua đó mọi nguồn lực được huy động cho chiến tranh. Thương Ưởng dẹp bỏ hết các nước phiên thuộc và tái cấu trúc bộ máy hành chính nhà Tần theo hướng quân sự hoá tập trung cao độ phục vụ cho chiến tranh và bành trướng.

Sau đó tới thời nhà Tuỳ-Đường, chính phủ trung ương tiếp tục thực hiện chính sách này nhưng với cách thức khác: chế độ quân điền (均田制度; Jūntián Zhìdù). Nông dân vừa phải tham gia vào quân đội khi cần thiết và đồng thời họ vẫn có thể được hưởng hoa lợi từ các hoạt động nông nghiệp.

Cách thức thứ hai phổ biến hơn là nhà nước phong kiến cho phép quân đội được tham gia vào các hoạt động kinh tế để bổ trợ cho phần ngân sách ít ỏi được triều đình cung cấp hằng năm. Phiên bản hoàn thiện nhất của chính sách này chính là chế độ đồn điền (屯田制度; Túntián Zhìdù), là hình mẫu căn bản của kinh tế quân sự được các triều đại phong kiến áp dụng trong suốt một khoảng thời gian dài. Trong khoảng thời gian đầu, quân đội không được sử dụng đất của nông dân mà chỉ được canh tác trên các khoảng đất của nhà nước. Và tuỳ theo mối quan hệ giữa triều đình phong kiến và quân đội, chẳng hạn khi có chiến tranh, thì phần lợi tức mà quân đội nhận được dao động từ 50 đến 75% tổng lợi tức.

Quân đội và hoạt động kinh tế thời kỳ Mao Trạch Đông

Quan hệ giữa quân đội và ĐCSTQ trong thời kỳ của Mao Trạch Đông có thể được mô tả như một mối quan hệ cộng sinh. Các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng cũng đồng thời là tướng lĩnh quân đội. Cả hai thiết chế này do đó có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời (quyền lực chính trị xuất phát từ nòng súng – theo lời của Mao). Vai trò của Mao Trạch Đông là cực kỳ quan trọng. Khái niệm tự cấp tự túc và quân đội làm kinh tế trở thành đặc trưng căn bản của bộ máy nhà nước-quân đội của Trung Quốc trước khi cải cách mở cửa.

Khi ĐCSTQ tiến hành các hoạt động chiến tranh du kích chống lại Tưởng Giới Thạch, quân đội Trung Quốc khi đó chỉ đơn giản là một đội quân du kích được trang bị tồi tàn, không được huấn luyền đầy đủ và bao gồm nông dân và công nhân tại các khu vực nghèo khó ở phía tây đất nước. Vì nền kinh tế dân sự tại các khu vực này không đủ để hỗ trợ cho quân đội, tự cấp tự túc là chính sách cần thiết và hiển nhiên. Mao Trạch Đông đặc biệt ủng hộ các hoạt động sản xuất kinh tế của quân đội và luôn luôn quan tâm tới chính sách này trong suốt khoảng thời gian cầm quyền của mình. Mao cho rằng tự cung tự cấp không chỉ là cách thức giúp cho quân đội Trung Quốc tồn tại trong khoảng thời gian khó khăn, mà còn mang ý nghĩa chính trị khi quân đội không tạo ra quá nhiều gánh nặng cho người dân. Điều này trái ngược hoàn toàn với quân đội của Tưởng Giới Thạch vốn khét tiếng với các hoạt động cướp phá hay bóc lột cư dân địa phương.

Ba chính sách tự cấp tự túc căn bản của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ này bao gồm: (1) tịch thu vũ khí khí tài từ đối thủ, ở đây là quân đội của Tưởng Giới Thạch; (2) tận dụng nguồn lực từ đất đai, thu thuế cao đối với các chủ đất hay với thương dân tại các vùng kiểm soát và (3) chính là tự sản xuất, khi quân đội Trung Quốc được cho phép xây dựng nhà máy, bệnh viện và các xưởng sửa chữa quân trang quân dụng với số lượng ngày càng tăng.

Chiến tranh chống Nhật bùng nổ và nội chiến Quốc-Cộng sau đó khiến cho chính sách tự cấp tự túc được mở rộng hơn nữa do quân đội cần tài nguyên nhiều hơn cũng như Mao Trạch Đông không muốn đặt gánh nặng lên người dân. Từ năm 1938, quân đội Trung Quốc được phép mở rộng các hoạt động sản xuất bao gồm công nghiệp quân sự và chế tạo các mặt hàng tiêu dùng cần thiết cung cấp ngược lại cho phía dân sự. Các tổ hợp sản xuất quốc phòng thời điểm này chính là tiền thân của các tổ hợp kinh doanh quốc phòng sau này của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian này nắm gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế tại các vùng kháng chiến.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1949, một trong những nhiệm vụ căn bản của quân đội Trung Quốc là dần dần chuyển biến từ một đội quân du kích trở thành một đội quân chính quy. Và bước đầu tiên chính là chuyển dần dần các hoạt động kinh doanh không cần thiết cho chính phủ dân sự. Với việc sở hữu nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và công nghiệp trong suốt khoảng thời gian trước đây khiến cho nhánh hậu cần của quân đội Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết nền kinh tế quốc gia sau chiến tranh, đặc biệt trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và mạng lưới cơ sở hạ tầng. Các đơn vị quân đội đã chuyển giao hệ thống đường sắt, thông tin liên lạc, sân bay và một số cơ sở hạ tầng khác. Binh lính cũng được điều động tham gia các dự án xây dựng. Quân đội cũng tham gia mạnh mẽ vào hoạt động ngoại thương, đặc biệt với Liên Xô.

Việc quân đội tham gia kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trong các thập kỷ tiếp theo khiến cho số lượng các nhà máy quốc phòng gia tăng chóng mặt. Tuy nhiên điều này cũng gây ra một số hệ luỵ căn bản: (1) hoạt động huấn luyện của quân đội bị gián đoạn khi khoảng 10% nhân lực của quân đội trong khoảng thời gian này bị điều chuyển sang các xí nghiệp hay sang các cơ sở sản xuất nông nghiệp, làm giảm đi khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; (2) rất nhiều các cơ sở sản xuất, các mỏ do quân đội điều hành hoạt động kém hiệu quả và gây thất thoát lớn; (3) nhiều cơ sở sản xuất hay nông trường quân đội nằm trên đất do chính quyền địa phương quản lý và cũng thường xuyên né tránh các quy định của nhà nước trong một số lĩnh vực, gây ra rạn nứt nhất định trong mối quan hệ giữa quân đội và chính quyền dân sự.

Nói tóm lại, các hoạt động kinh doanh của quân đội Trung Quốc trong giai đoạn sau này (như sẽ được đề cập trong phần sau) xuất phát từ truyền thống quan hệ quân sự-dân sự có góc rễ trong lịch sử gắn chặt với yếu tố tự cấp tự túc. Cần phải nhắc lại rằng mối quan hệ cộng sinh giữa quân đội và ĐCSTQ là bệ đỡ quan trọng giúp quân đội có thể có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp và kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn của Mao.

Nghiên cứu về quan hệ giữa quân đội và hệ thống Đảng/chính quyền dân sự đưa ra hai lập luận: xu hướng thương mại hoá gắn liền với sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ đối với quân đội, trong khi đó quá trình chuyên nghiệp hoá sẽ gắn liền với một quân đội Trung Quốc dần có tiếng nói riêng trong việc triển khai các chính sách của riêng mình vốn sẽ được đề cập rõ hơn trong phần sau.

Từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình: chuyên nghiệp hoá hay thương mại hoá

Chuyên nghiệp hoá và thương mại hoá, hay nói rộng ra hơn là câu hỏi liệu quân đội chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu bảo vệ tổ quốc hay không luôn là một vấn đề thường trực trong quan hệ Đảng-quân đội tại Trung Quốc. Nó liên quan mật thiết tới đời sống kinh tế-chính trị trong nội bộ Trung Quốc, cũng như tới tình hình thế giới và khu vực trong từng thời điểm cụ thể.

Đặng Tiểu Bình và câu chuyện “thương mại hoá” quân đội

Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh tụ tối cao tại Trung Quốc sau Đại Cách mạng Văn hoá vô sản và chính thức mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. “Bốn hiện đại hoá” được đưa ra như là chính sách cốt lõi để cải cách nền kinh tế cũng như đảm bảo ổn định xã hội, bao gồm: nông nghiệp; công nghiệp; khoa học và công nghệ; quốc phòng. Chiếm vai trò và ngân sách hết sức quan trọng trong hai thập kỷ trước, quốc phòng trong giai đoạn này chỉ đóng vai trò thứ yếu nhường chỗ cho các nhiệm vụ phát triển và mở cửa nền kinh tế.

Có nhiều lý do để Đặng Tiểu Bình khuyến khích quân đội đóng một vai trò kinh tế lớn hơn trong giai đoạn cải cách mở cửa. Ông cho rằng Trung Quốc không gặp phải bất cứ mối đe doạ xâm lăng trực tiếp nào từ Liên Xô hay Mỹ, do đó duy trì một ngân sách quốc phòng quá cao cho quân đội là không cần thiết. Nguồn lực cần được chuyển cho các nỗ lực hiện đại hoá. Và để bù đắp cho ngân sách sụt giảm, quân đội được phép tham gia vào kinh doanh một cách sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, truyền thống tự cấp tự túc của quân đội vẫn được nhấn mạnh. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như quân đội cần phải thể hiện sự linh hoạt điểu chỉnh so với thời thế; khả năng quản lý được cải thiện; tạo việc làm cho những nhóm lợi ích phụ thuộc vào quân đội; quân nhân làm quen với kỹ năng quản lý dân sự…Cách tiếp cận này được gọi là “xả nước nuôi cá”.

Theo sau chính sách này là một loạt các quy định được ban hành, trong đó nhấn mạnh tới việc các hoạt động sản xuất và kinh doanh của quân đội phải tuân thủ theo chính sách chung của đảng và nhà nước. Ba quy tắc cũng được nhấn mạnh: (1) quân đội được kỳ vọng sẽ tham gia lâu dài vào sản xuất và kinh doanh vì ngân sách dành cho lực lượng này sẽ có thể tiếp tục suy giảm; (2) định rõ vai trò và phân công lao động khi các đơn vị quân đội không được sử dụng quân nhân đang được biên chế hay tài nguyên quốc phòng quốc gia cho mục đích thương mại và (3) chấp nhận phát triển và phân chia lợi ích không đồng đều giữa các đơn vị kinh tế quốc phòng.

Trong suốt giai đoạn từ 1984 đến 1989, doanh thu tới từ các doanh nghiệp cho quân đội dẫn dắt gia tăng nhanh chóng, nhưng đồng thời với đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí, rửa tiền, buôn lậu và các hành vi phạm tội khác gia tăng một cách đáng báo động trong hàng ngũ các công ty quân đội. Các công ty này kinh doanh đủ mọi ngành nghề từ nông nghiệp cho tới công nghiệp; từ các ngành dịch vụ cho tới công nghệ; nhà hàng khách sạn cho tới hậu cần. Nhiều giải pháp kiểm tra và giám sát đã được đưa ra nhưng tình trạng này không có dấu hiệu suy giảm. Hơn nữa, sự biến Thiên An Môn nổ ra năm 1989 khiến cho mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn suy thoái đạo đức trong nội bộ các doanh nghiệp quân đội phải tạm dừng lại.

Tham nhũng tràn lan đến mức báo động chủ yếu do hai yếu tố. Thứ nhất là sự tham gia hạn chế nhưng hợp pháp của quân đội trong nền kinh tế Trung Quốc lúc bấy giờ. Thứ hai là những yếu tố thể chế, ví dụ như đặc quyền của quân đội trong tiếp cận cơ sở hạ tầng, giao thông, tài nguyên thiên nhiên, các khu vực biên giới và đặc biệt là miễn nhiễm trước các cơ chế giám sát và điều tra của dân sự.

Phải nói thêm rằng, trong giai đoạn này quá trình thương mại hoá quân đội đã hoàn toàn áp đảo quá trình hiện đại hoá với những lý do vừa nêu trên. Đặng Tiểu Bình tập trung quyền lực lớn, cùng với đó là những nhóm lợi ích ủng hộ thương mại hoá trong quân đội mà đứng đầu là Dương Thượng Côn (Chủ tịch nước Trung Quốc giai đoạn 1988-1993, một trong “bát đại nguyên lão”) và Dương Bạch Băng (em trai cùng cha khác mẹ của Dương Thượng Côn, Thượng tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc giai đoạn 1987-1992). Một thống kê cho thấy tới cuối những năm 1990, có hơn 15.000 công ty quốc phòng hoạt động, tạo ra giá trị hàng tỷ NDT mỗi năm. Hơn 75% trong số này được tạo ra bởi các tập đoàn quốc phòng lớn kiểm soát bởi ba quân chủng lớn của quân đội.

Quá trình “phi thương hoá” quân đội diễn ra sau đó phần nào thể hiện sự đấu tranh quyền lực nội bộ ở Trung Quốc sau khi Giang Trạch Dân thay Đặng Tiểu Bình trở thành người đứng đầu Trung Quốc, và Giang mong muốn tăng cường sự kiểm soát của mình với quân đội. Bên cạnh sự nổi lên của Giang Trạch Dân là sự trỗi dậy của phe ủng hộ “chuyên nghiệp hoá” trong quân đội mà đại diện tiêu biểu là Tư lệnh hải quân Lưu Hoa Thanh và Tổng tham mưu trưởng Trương Vạn Niên. Phe “chuyên nghiệp hoá” chiến thắng trong cuộc đấu khi cả Dương Thượng Côn và Dương Bạch Băng bị ép phải rời khỏi quyền lực. Sự trỗi dậy của xu hướng hiện đại hoá/chuyên nghiệp hoá cũng một phần do quân đội Trung Quốc trong giai đoạn này ý thức được sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng chính quy và tinh nhuệ sau khi chứng kiến sức mạnh áp đảo khủng khiếp của Mỹ trong Chiến tranh Vùng vịnh chống lại Iraq. Sự ủng hộ của giới lãnh đạo quân đội theo xu hướng “hiện đại hoá/chuyên nghiệp hoá” đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn này.

Cũng phải nói thêm rằng quá trình “phi thương hoá” trong hai năm 1998-1999 không phải đột nhiên xảy ra. Trước đó đã có một số bước đi lẻ tẻ của bên dân sự nhằm từng bước lập lại trật tự trong các hoạt động kinh doanh của quân đội. Tuy nhiên lý do chính dẫn tới quyết định phi thương hoá của Giang Trạch Dân vẫn chưa rõ ràng, nhưng có hai luồng thông tin đồn đoán khác nhau: (1) Giang Trạch Dân đã đặc biệt giận dữ khi nhận được các báo cáo tham nhũng cực lớn từ 6 công ty của quân đội và công an. Nghiêm trọng nhất trong số đó là hoạt động buôn lậu dầu của quân đội và đã khiến cho hai công ty dầu khí độc quyền nhà nước lớn bị phá sản. Báo cáo cũng chỉ ra rằng hoạt động buôn lậu của quân đội trong thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á khiến cho chính phủ dân sự thất thoát hàng tỷ NDT và khiến giảm phát trầm trọng hơn; (2) xuất phát từ Thủ tướng khi đó là Chu Dung Cơ. Ông Chu trong một hội nghị chống tham nhũng đã thẳng thừng chỉ trích một doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Hậu cần vì đã không chịu nộp thuế cho nhà nước. Phe quân đội và ông Chu đã cãi nhau kịch liệt và kết quả là Giang Trạch Dân 4 ngày sau phải lên tiếng ủng hộ quan điểm của Chu Dung Cơ.

Quá trình phi thương hoá đã đặt mọi hoạt động sản xuất của quân đội dưới một cơ quan chung thống nhất (Tổng cục Hậu cần); cắt giảm số lượng các doanh nghiệp quân đội xuống chỉ còn 50% so với trước đây; điều chính lại các chứng năng giám sát và quản trị ở từng quân khu; phân tách và phân công lao động rõ ràng hơn…Cho đến năm 1998-1999, một quá trình “phi đầu tư” hoá các doanh nghiệp quân đội giáng cú đòn mạnh mẽ nhất vào xu hướng “thương mại hoá” khi hầu hết tài sản của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn (viễn thông, hàng không, cơ sở hạ tầng…) dần dần được chuyển giao cho các tổ chức của chính phủ hay dân sự.

Tập Cận Bình, giấc mơ Trung Hoa và xu hướng hiện đại hoá

Nỗ lực của Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào tạo tiền đề cho xu hướng hiện đại hoá/chuyên nghiệp hoá trong quân đội Trung Quốc trong giai đoạn của Tập Cận Bình. Quá trình “phi đầu tư” hoá các doanh nghiệp quân đội năm 1998-1999 được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, giáng cú đòn mạnh mẽ vào xu hướng “thương mại hoá”. Hầu hết tài sản và cơ sở kinh doanh của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của quân đội (viễn thông, hàng không, cơ sở hạ tầng, đất đai có liên quan tới kinh doanh…) dần dần được chuyển giao cho các tổ chức và tập đoàn dân sự nhà nước hay cho chính quyền địa phương. Thậm chí các nhà máy sản xuất và sửa chữa vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng cũng được chuyển giao hết cho tư nhân hoặc dân sự. Quá trình này hoàn thành năm 2001.

Tập Cận Bình lên lãnh đạo một lực lượng quân đội hiện đại hơn và chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước đây, với một ngân sách quốc phòng dồi dào. Gia tăng ngân sách quốc phòng đều đặn qua từng năm cũng là một biện pháp thoả hiệp giữa chính phủ dân sự và phe quân đội. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc vẫn được phép giữ lại một số các công ty và cơ sở kinh doanh nhất định, chủ yếu có lợi ích trong các ngành như nông nghiệp, bệnh viện hay khách sạn nhà nghỉ.

Khái niệm “giấc mơ Trung Hoa” ra đời sau đó như là một dấu ấn trong nhiệm kỳ cầm quyền của ông Tập. Một phần của “giấc mơ Trung Hoa” đề cập tới việc xây dựng một lực lượng quân đội có khả năng và trình độ bắt kịp với các lực lượng quân đội hùng mạnh khác trên thế giới.

Có thể khẳng định rằng xu hướng “chuyên nghiệp hoá” đã thắng thế khi hầu hết các tướng lĩnh quân đội hiện tại ở Trung Quốc là những quân nhân chuyên nghiệp không có nhiều kinh nghiệm chính trị. Họ ủng hộ hiện đại hoá quân đội. Vai trò của Tập Cận Bình cũng đáng lưu ý khi ông được đánh giá là nhà lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, là một “lãnh đạo nòng cốt” của Đảng có đủ khả năng để dẹp bỏ hầu hết mọi chướng ngại cản trở “hiện đại hoá”.

Nằm trong nỗ lực thúc đẩy hiện đại hoá, có nhiều thông tin cho rằng Chủ tịch Tập trong tương lai gần sẽ cấm hoàn toàn việc quân đội làm kinh tế để tập trung cho một mục tiêu duy nhất là huấn luyện và chiến đấu. Mọi tàn dư còn sót lại theo sau chính sách “phi thương hoá” quân đội của Giang Trạch Dân sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

Tháng 11 năm 2015, ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc tuyên bố mọi hoạt động kinh tế tạo ra doanh thu còn lại của quân đội sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2018. Các hoạt động này bao gồm khám chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội; cho tư nhân thuê lại các nhà kho của quân đội; cho phép các đoàn ca múa nhạc của quân đội tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng có thu phí; thuê ngoài các công ty xây dựng quân đội hay việc cho phép sinh viên ngoài ngành được học tập tại các trường/viện của quân đội. Bước đi này được xem là dấu chấm hết cho xu hướng “thương mại hoá” quân đội vốn đã ăn sâu bám rễ trong cách thức tổ chức quân sự ở Trung Quốc từ trước tới nay.

Trong vòng 3 năm, các đơn vị quân đội và cả các đơn vị công an đang cung cấp những dịch vụ nêu trên không được ký kết thêm hợp đồng mới cũng như dần dần đáo hạn tất cả các hợp đồng đang có bằng cách đàm phán với các đối tác dân sự. Quá trình này đang diễn ra theo đúng như kế hoạch và hầu như không gặp phải bất kỳ cản trở nào, với những lý do đã nêu ở bên trên. Bên cạnh đó, các quy định về kiểm toán trong quân đội cũng được đổi mới và thắt chặt hơn nhằm loại bỏ tham nhũng.

Dự kiến cho tới năm 2018, những gì còn lại của cái gọi là “yếu tố kinh tế” của quân đội Trung Quốc sẽ bao gồm các hoạt động tăng gia sản xuất tự cấp tự túc của các đơn vị quân đội. Dĩ nhiên các sản phẩm này sẽ không được bán ra ngoài thị trường. Ngoài ra, một số dịch vụ được đánh giá là “quan trọng đối với an ninh quốc gia” yêu cầu phải có sự tham gia của quân đội sẽ được điều hành bởi một ban điều hành hỗn hợp dân sự/quân sự và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cục có liên quan. Lợi nhuận từ các dịch vụ này nếu có sẽ nộp ngân sách nhà nước. Ngân sách quốc phòng được rót xuống chủ yếu phục vụ mua sắm vũ khí/khí tài, trả lương, bảo hành/bảo dưỡng và cho nghiên cứu và phát triển vốn sẽ được quân đội ký hợp đồng thuê ngoài từ các công ty dân sự.

Đặc trưng quân đội làm kinh tế phụ thuộc lớn không chỉ vào đặc trưng chính trị của mỗi quốc gia, mà còn vào đặc điểm lịch sử và quá trình phát triển của quốc gia đó. Tại phương Tây và đặc biệt là tại Mỹ, quân đội tách hoàn toàn ra khỏi các hoạt động kinh doanh. Mọi hoạt động sản xuất vũ khí và các loại trang thiết bị cần thiết rơi vào tay các tập đoàn tư nhân. Quân đội phương Tây là một bộ phận của chính phủ và nằm dưới quyền điều hành của các quan chức dân sự.

Trong khi đó quân đội ở một số nước đang phát triển và những nước thuộc thế giới thứ ba thường có xu hướng can dự nhiều hơn vào đời sống kinh tế và thu lợi lớn từ các hoạt động kinh doanh. Một phần lý do là bởi sức mạnh của họ trong cán cân quyền lực quốc gia lớn, thường có khi lấn át luôn cả phe dân sự. Trong nhiều trường hợp các chính phủ dân sự cần sự ủng hộ của phe quân đội nên “thả lỏng” và cho phép họ lấn sân sang các mảng chính sách khác, đặc biệt là kinh tế. Trong một số trường hợp khác, ví dụ như Myanmar, ảnh hưởng về mặt lịch sử của quân đội khiến cho con đường “phi thương hoá” không hề đơn giản. Quân đội ở một số quốc gia vốn đã được “thể chế hoá” để đóng vai trò như một trụ cột chính trị và kinh tế khó có thể thay thế.

Có nhiều yếu tố tác động tới khả năng quân đội có thể tách ra khỏi các hoạt động kinh doanh. Dân chủ hoá không nhất thiết dẫn tới quá trình “phi thương hoá” mà còn phải kể tới một số các tương tác khác. Thứ nhất là một chính phủ dân sự đủ mạnh và đủ nguồn lực để đảm bảo các lợi ích của quân đội, ví dụ như đảm bảo đủ ngân sách quốc phòng. Tỷ lệ tham nhũng trong quân đội được kiểm soát tốt hơn cũng khiến cho quá trình tách bạch giữa nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ quốc phòng an ninh trở nên chậm hơn. Việc các công ty quân đội làm ăn hiệu quả trong bối cảnh các nhóm lợi ích ủng hộ xu thế chuyên nghiệp hoá hoàn toàn vẫn chưa đủ mạnh cũng làm giảm đi tính cấp bách của quá trình phi thương hoá quân đội. Quan trọng nhất là các yếu tố về lịch sử và tư tưởng như đã đề cập ở trên.

Một phiên bản rút gọn của bài viết đã được đăng trên báo Pháp luật TPHCM.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]