Nguồn: “The difference between Europe’s “customs union” and “single market” “, The Economist, 06/10/2016.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Khi thảo luận về một phương án Brexit “cứng” hoặc “mềm”, các nhà bình luận thường xuyên nói về “liên minh thuế quan” (customs union) và “thị trường đơn nhất” (single market) của Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, Anh là thành viên của cả hai. Một quốc gia có thể chỉ là thành viên của liên minh thuế quan mà không phải là thành viên của thị trường đơn nhất (ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Andorra hoặc Đảo Man). Ngược lại, một quốc gia cũng có thể chỉ là thành viên của thị trường đơn nhất mà không phải là thành viên của liên minh thuế quan (như Na Uy hay Iceland). Thường thì hai thuật ngữ này hay bị đánh đồng, dẫn đến việc che mất những điểm khác biệt quan trọng. Những điểm đó là gì?
Một liên minh thuế quan là một loại khu vực thương mại tự do. Hai hay nhiều nước đồng ý bãi bỏ các hạn chế về thương mại lẫn nhau, đồng thời thiết lập một hệ thống chung về thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu áp dụng cho các quốc gia không phải là thành viên. Nói theo thuật ngữ chuyên ngành, họ có một “biểu thuế đối ngoại chung” (common external tarrif – CET). Ví dụ, EU có mức thuế suất chung 10% áp dụng đối với xe ô tô nhập khẩu vào khu vực này.
Bạn sẽ hiểu ưu điểm chính của một liên minh thuế quan khi xem xét những gì sẽ xảy ra nếu không có CET. Nếu Pháp có mức thuế 0% đối với whisky Nhật Bản, nhưng Anh lại có mức thuế 10%, thì nhà xuất khẩu sẽ có lợi rất lớn nếu xuất khẩu whisky Nhật Bản sang Pháp, và từ đó xuất khẩu (miễn thuế) sang Anh. Vì vậy, nước Anh sẽ phải cẩn thận giám sát nhập khẩu rượu whisky từ Pháp, và đánh thuế vào bất kỳ món hàng Nhật Bản nào tìm cách lách vào (thông qua quy định về “quy tắc xuất xứ”). Tuy nhiên, với một CET, việc giám sát như vậy là không còn cần thiết (vì khả năng chênh lệch đó được loại trừ). Tuy vậy, một bất lợi của liên minh thuế quan là thành viên của nó không được phép đàm phán thỏa thuận thương mại của mình với các nước thứ ba.
Còn thị trường đơn nhất EU là gì? Nó đôi khi được gọi là “thị trường nội bộ” và từng được gọi là “thị trường chung”. Đây là một dạng khác của khu vực thương mại tự do nâng cao, mặc dù vì một lý do khác. Trong khu vực đó, không chỉ có hàng hóa di chuyển tự do, mà cả dịch vụ, đầu tư và người dân.
Để đạt được mục tiêu tham vọng hơn này, EU cần phải tham gia vào quá trình hài hòa hóa các quy định trên khắp thị trường đơn nhất. Đây là lý do tại sao có những quy tắc bị chỉ trích nhiều, chẳng hạn như về hiệu suất của máy hút bụi trên toàn EU. Trong trường hợp không có những quy định như vậy, sẽ có một cuộc đua hạ thấp các quy định điều tiết: các quốc gia sẽ cạnh tranh để sản xuất máy hút bụi với giá rẻ nhất có thể có trên toàn EU và hi sinh sự an toàn trong quá trình này. Nó cũng giải thích tại sao có sự di chuyển tự do của người dân: điều này cho phép việc trao đổi các hàng hóa hay dịch vụ thường mang tính phi thương mại (non-tradable goods), chẳng hạn như dịch vụ sửa ống nước.
Với tất cả những điều này, nước Anh nên làm gì? Nó có thể là một thành viên của thị trường đơn nhất mà không cần phải là một thành viên của EU. Hiệp định Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cho phép ba nước (Na Uy, Iceland và Liechtenstein) giữ một vị thế như vậy. Họ không phải là thành viên của liên minh thuế quan EU và họ được tự do thực hiện những thỏa thuận riêng của mình (nhưng hãy nhớ rằng, họ cần phải tuân thủ theo các quy định phức tạp về “quy tắc xuất xứ”).
Tuy nhiên, nếu Anh quyết định rời bỏ thị trường đơn nhất thì không có lý do gì để họ ở lại liên minh thuế quan; việc rời bỏ liên minh sẽ cho phép nước Anh tự thực hiện những thỏa thuận thương mại riêng của mình.
Tất nhiên, lựa chọn tốt nhất từ góc độ kinh tế là nước Anh không rời bỏ cả thị trường đơn nhất lẫn liên minh thuế quan. Nhưng như thế phải chăng là sẽ không còn Brexit?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]