Văn hóa Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa

chinaculture

Tác giả: Vương Mông (Trung Quốc) | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành

Toàn cầu hoá gây ra nỗi lo văn hoá

Toàn cầu hoá (TCH) đi liền với hiện đại hoá, kết quả của hiện đại hoá tất nhiên dẫn đến TCH. Mác cho rằng sức sản xuất là nhân tố tích cực nhất, năng động nhất trong sự phát triển xã hội, bất cứ sự vật nào cũng không ngăn cản được sự phát triển của sức sản xuất. Lý lẽ này đã chịu được sự thử thách của thời gian, không thể bác bỏ được. Cho dù TCH bị nhiều người phê bình, phản đối, song đều không ngăn được nó. TCH mang lại cơ may cho Trung Quốc (TQ), một nước đang phát triển, đồng thời gây ra sự lo lắng về văn hoá.

Nếu không tiếp thu kỹ thuật hiện đại thì ta không thể nào có được một đất nước vĩ đại hiện đại hoá, theo CNXH, hơn nữa lại không ngừng phát triển. Chúng ta thấy bất cứ cái gì có lợi cho phát triển sản xuất thì rất dễ được các nước, các nền văn hoá khác nhau tiếp nhận. Như máy bay, điện, máy tính, nhất là công nghệ thông tin, không ai ngăn cản được. Mã vạch, container cả thế giới đều dùng, nhờ chúng mà sản phẩm và thành quả khoa học kỹ thuật (KHKT) của ta có thể trao đổi và cùng hưởng thụ. Nếu không có tiêu chuẩn nhất trí toàn cầu thì sẽ không thể cùng hưởng công nghệ; chẳng hạn bóng đèn anh làm, tôi làm thì không lắp lẫn được cho nhau. Phát minh máy tính và số hoá làm cho TCH được đẩy nhanh, đã thực hiện được xa lộ cao tốc thông tin. Số hoá buộc bạn phải học tiếng Anh – một điều kiện rất bất đắc dĩ, song nó cho ta một cơ hội rất lớn. Nếu bạn muốn dùng máy tính thì dù phần mềm tiếng TQ làm tốt đến đâu cũng vẫn không tránh khỏi việc dùng các thuyết minh và menu bằng tiếng Anh. Điều đó nói lên sự phát triển của bất cứ nước nào cũng không thể tách khỏi thế giới được. Một nước dù chí khí cao, vĩ đại đến đâu cũng chẳng thể xa rời tiến trình TCH.

Nói TCH gây ra sự lo lắng về văn hoá là nói TCH làm cho nền văn hoá của một số nước và vùng cảm thấy có nguy cơ bị hoà tan, bị biến đổi. Trước hết là bạn tự đánh mất địa vị của mình. Cái gọi là nguy cơ chấp nhận, tức là các thứ học được đều chủ yếu là của Mỹ, nhưng học xong rồi thì bạn lại vẫn chưa phải là người Mỹ. Nguy cơ này tồn tại trong nhiều nước kể cả Pháp, TQ. Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế dùng tiếng Anh. TQ đều dùng tiếng Anh:  biển báo đường cao tốc, đài truyền hình TQ cũng gọi là CCTV. Ta còn mở kênh truyền hình tiếng Anh, có nhiều tiết mục dạy tiếng Anh. Tôi không có ý phê bình chuyện ấy, điều đó là tất yếu, thậm chí rất tốt. Du khách nước ngoài đến thăm TQ, tuy tiếng TQ là một văn tự rất vĩ đại và được nhiều người dùng nhất thế giới, nhưng tính quốc tế của nó chưa tốt lắm. Thế giới đều dùng tiếng Anh – về lý luận, điều này không thể nói cho rõ được. Phải chăng tiếng Anh tốt nhất, có tính khoa học; điều đó chưa chắc – nhưng bạn nói tiếng Anh thì người ta hiểu. Thủ tướng Ôn Gia Bảo họp báo phải dùng phiên dịch tiếng Anh, không thể nào dùng tiếng Nhật, tiếng Nga được. Nói về lý thì các thứ tiếng đều bình đẳng với nhau, nhưng tiếng Anh có địa vị ưu thế như vậy đấy.

Lại nói về lối sống. Lễ Giáng sinh, ngày Valentine, thị trường đều lên cơn sốt. Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trung thu thì không thế. Đời sống hàng ngày có ăn mặc ở đi lại, trong đó “ăn” là thế mạnh của TQ, đa số đều thích món ăn TQ. Thế nhưng rất nhiều trẻ em lại thích ăn McDonald’s, gà quay Kentucky, đều là loại thực phẩm rác rưởi của nước ngoài. Bây giờ “mặc” không phải là thế mạnh của TQ nữa. “Đi lại” cũng vậy, có ai ngồi kiệu TQ đâu? Ở cũng thế, rất khó mà xây loại nhà có mái to tướng kiểu TQ nữa. Phải chăng nên suy nghĩ xem làm thế nào ta mới có lối sống của mình?

Một nỗi lo mới nữa là văn hoá càng ngày càng đại chúng hoá, hàng loạt hoá. Đại chúng hoá có mặt rất tốt, là một kiểu dân chủ của văn hoá, dễ thực hiện việc để mọi người cùng hưởng thụ văn hoá, bình đẳng văn hoá, ai xem cũng hiểu. Đại chúng hoá, hàng loạt hoá thì có thể sản xuất lớn. CD, VCD, DVD, mới đây lại có EVD, đều có thể sản xuất hàng loạt. Vì thế đẻ ra vấn đề: những thứ cao, tinh, quý phái trong văn hoá không phải ai cũng có điều kiện sản xuất, sáng tạo, làm ra, thậm chí không phải ai ai cũng có thể xem hiểu – đó là loại văn hoá có chút “tiểu chúng”, một số thứ cao quý tao nhã – những thứ đó đang có nguy cơ bị mất dần. Nhưng không có cách nào đối phó cả, ở nước ngoài cũng vậy. Thí dụ các phim hoành tráng, họ chỉ cốt sao tiếng động ầm ỹ, chiếm được khán giả, trước hết phải kích thích mạnh khán giả đã. Bạn thích xem phim đó, xem xong thì quên – bạn cho rằng như thế là thành công nhất. Tại sao? Xem xong còn nhớ để làm gì? Chỉ mệt óc.

Xét về mặt khác, tiến trình TCH lại làm cho văn hoá tinh hoa ngày càng phân hoá. Tác động và thách thức do TCH mang lại, bạn thích hay không, nó vẫn đến. Khi trao đổi với các bạn Pháp, Đức, là những nước châu Âu cổ xưa, tôi thường thấy họ có thái độ coi thường văn hoá Mỹ. Một lần ăn cơm ở nhà vị lãnh đạo Viện Goethe, khi nói chuyện ở Munich xuất hiện hiệu ăn nhanh McDonald’s, ông ấy tức đến run người, nói ăn uống là một thứ văn hoá, ăn nhanh kiểu Mỹ về cơ bản chỉ có tính tẩm bổ, là phản văn hoá. Khi sang New York, tôi kể chuyện ấy cho một người Mỹ nghe, thì ông này bảo: Họ càng chửi thì khách ăn McDonald’s càng đông, ảnh hưởng càng tăng.

Sự phát triển nhanh của KHKT, sự giao lưu toàn cầu đã gây thách thức với đời sống đạo đức, tinh thần và đem lại các vấn đề mới. TQ rất coi trọng đạo đức. Đọc Xuân thu chiến quốc, Đông chu liệt quốc chí, cái làm tôi cảm động nhất là quan niệm đạo đức của người xưa, trọng nghĩa khinh chết. Kinh Kha muốn giết vua Tần, khi gặp Phàn Vu Kỳ người Tần trốn sang nước Yên, Kha nói: “Tôi muốn giết vua Tần, nhưng vì vua Tần không tín nhiệm tôi nữa nên không cho tôi vào cung.” Phàn nghe hiểu ngay và nói: “Ông mang cái đầu của tôi đến gặp vua Tần thì vua sẽ tiếp kiến ông ngay.” Nói đoạn rút kiếm tự chém phăng đầu mình.

Ngày nay, do KHKT phát triển, nhiều cái vĩ đại nếu dùng KHKT đo lường thì không còn vĩ đại nữa, do đó đời sống tinh thần, quan niệm đạo đức, mỹ đức, nghĩa hiệp, cao cả, nên thơ đều bị thách thức. Cho nên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có câu nói “Thượng Đế chết rồi” – người ta vốn sùng bái Thượng Đế, mọi hành động đều làm theo ý chí của Thượng Đế, nhưng sự phát triển KHKT làm cho bạn cảm thấy trên thế giới này tìm chẳng ra một vị thánh nào nhân cách hoá như thế nữa – cho nên “Thượng Đế chết rồi”. Thời nay thậm chí xuất hiện câu “Con người chết rồi”. Ý nói con người không còn là trung tâm của vũ trụ nữa. Thí dụ, trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc xưa kia, Mặt Trăng là một ước mơ vĩnh viễn chỉ có thể nhìn thấy mà không thể với tới. Nhưng người Mỹ đã lên Mặt Trăng, phát hiện đấy chỉ là một thiên thể chết, chẳng có chú Cuội, chị Hằng, cây đa gì hết. Ước mơ của con người không còn nữa.

Đã có biết bao người ca tụng tình yêu, nhưng từ ngày có Freud, cái gì ông ta cũng đem ra làm thực nghiệm tuốt, cho nên người Mỹ nói “Tình yêu là một hiện tượng bệnh tâm thần.” Nếu xét về quan điểm y học, quan điểm phối giống của thú y, thì tình yêu chết rồi. Ngày nay xuất hiện nhiều công nghệ thăm dò, thấu thị. Người đẹp đến đâu, khi chụp cắt lớp lấy phim ra xem, bạn sẽ chẳng thấy cảm giác đẹp đâu cả, dù người đó là Tây Thi hay Điêu Thuyền.

TCH cũng đem lại cái gọi là sự va chạm văn hoá. Dù nhiều người TQ không tán thành quan niệm va chạm văn hoá do Huntington đề xuất, nhưng va chạm văn hoá đúng là có, bạn không thể không thừa nhận. TQ có truyền thống Nho giáo tương đối gần đời thường, nên có thể tiếp thu nội dung theo đòi tiến bộ, theo đòi đời sống sung túc giầu có. Nhưng văn hoá một số nước và dân tộc thì khó tiếp thu các nội dung ấy, không thể cưỡng chế họ tiếp thu.

Vì có những nỗi lo nói trên, trên toàn thế giới đang rầm rộ triển khai một trào lưu tư tưởng chống TCH, chống khoa học hoá, chống chủ nghĩa kỹ thuật, chống thuyết duy phát triển – có người gọi là “trào lưu tư tưởng phái tả mới”. Không chỉ hạn chế trong “phái tả mới”; thí dụ phái Frankfurt gồm một số triết gia phương Tây mấy năm gần đây rất nổi tiếng tố cáo: đằng sau TCH, đằng sau sự phát triển kỹ thuật và công nghiệp văn hoá đều có một kiểu thống trị của tư bản, một kiểu thống trị của siêu cường quốc, nó sẽ gây tai hoạ cho loài người. TQ cũng có trào lưu ấy nhưng chưa làm mạnh như phương Tây. Một số trí thức TQ, nhất là người ở phương Tây, họ nắm được một số vũ khí tư tưởng phê phán mạnh Mỹ và phương Tây, nhưng vì dùng tiếng TQ để phê phán nên bạn cảm thấy điều đó còn xa cách xã hội TQ. Thí dụ TQ thì phê phán chủ nghĩa khoa học gì được, vì ở nông thôn TQ mê tín còn nhiều hơn khoa học.

Văn hoá truyền thống của Trung Quốc

Cái gọi là văn hoá truyền thống TQ là định hướng giá trị cơ bản, phương thức sinh hoạt cơ bản, phương thức tư duy cơ bản, phương thức tổ chức xã hội cơ bản và đặc sắc thẩm mỹ cơ bản mà dân tộc Trung Hoa mấy nghìn năm nay phát triển và kế thừa, trên cơ bản chưa bị gián đoạn. Xét về luân lý và chính trị học, là sự bổ sung lẫn nhau giữa nhà Nho với đạo Nho, là Tứ Thư. Xét về tư duy, triết học, đó là văn hoá Hán ngữ và chữ Hán, là Kinh Dịch, là sùng bái khái niệm và phán đoán trực quan. Xét về khu vực và kinh tế là văn hoá Hoàng Hà là chính, bổ sung cho văn hoá Sở, là văn hoá nông nghiệp. Xét về phương thức tổ chức xã hội là sự bổ sung cân bằng của chuyên chế phong kiến và tư tưởng dân bản. Xét về văn hoá dân gian là âm dương bát quái, huyết thống tông pháp, là món ăn TQ, Trung y, thuốc Bắc và sùng bái hỗn hợp đa thần, là trung hiếu tiết nghĩa tuyên truyền mạnh trong kịch hát truyền thống.

Văn hoá truyền thống TQ đang trải qua thử thách rất lớn, đang xuất hiện một kiểu tái sinh, có thể nói là một kỳ tích. Sau Chiến tranh Thuốc phiện, do nỗi nhục mất nước, tình hình TQ không được sáng sủa. Một số nhà yêu nước tiên tri tiên giác áp dụng thái độ phê phán mạnh nhất nền văn hoá TQ. Lỗ Tấn bảo thanh niên chớ nên đọc sách TQ, đọc sách nước ngoài xong thì bạn trở nên tự cường, phấn đấu, đấu tranh; đọc sách TQ xong thì lòng bạn yên tĩnh, không cầu tiến, chỉ nhẫn nại. Lỗ Tấn là người phái tả. Phái hữu cũng vậy. Ngô Trĩ Huy (người Quốc dân đảng) bảo: Vứt hết sách cổ vào nhà vệ sinh. Một số người trẻ khác cũng đưa ra lắm khẩu hiệu rất mạnh, đặc biệt căm ghét chữ Hán, văn hoá TQ, cho rằng chữ Hán khó học. Tại sao TQ chuyên chế? Vì chữ Hán khó học, chỉ có một thiểu số tinh anh học được, nên họ mặc sức áp bức quần chúng. Tôi hồi trẻ cũng tin quan điểm đó. Đại học giả ngôn ngữ Lã Thúc Tương nói TQ có thực hành văn tự phiên âm thì mới thực hiện được dân chủ. Chủ tịch Mao tuy rất ghét sùng ngoại, nhưng lại ủng hộ cải cách chữ Hán, ông có một danh ngôn Lối thoát của chữ Hán là La tinh hoá. Tiền Huyền Đồng còn yêu cầu tất cả người TQ học tiếng Anh từ tiểu học, bỏ tiếng TQ.

Hiện nay ngày càng nhiều người thấy văn hoá TQ rất có giá trị, không thể tiêu diệt nổi. Tuy có mặt lạc hậu, xơ cứng, thối nát, nhưng nó cũng có các mặt linh hoạt, mở, có thể hấp thu, thích ứng, tự điều tiết, giành được sức sống mới. Trong lịch sử rất hiếm một dân tộc cổ xưa và một nước lớn có thái độ như vậy đối với nền văn hoá của mình. Nếu thời Ngũ tứ không có các bậc tiên tri tiên giác phát ra những lời rung trời chuyển đất như vậy, thì sao có được TQ sau này? Chưa biết chừng ngày nay chúng ta vẫn dừng lại ở giai đoạn “Tử viết” “Thi vân”, bởi lẽ sức mạnh của nền văn hoá TQ quá lớn. Phong trào “Phá 4 cái cũ” hồi năm 1966 lại càng đả phá không có giới hạn văn hoá TQ cũ. Nhưng sau đại nạn đó, tình hình hiện nay là ngày càng nhiều người thấy văn hoá TQ rất có giá trị. Rất nhiều thứ ta nhầm tưởng là đúng thì nay lại không thế. Thí dụ chữ Hán, khó học một chút nhưng không phải đặc biệt khó mà cũng có quy luật. Văn tự phiên âm có hơn 20 chữ cái, nhiều nhất 30, mỗi chữ thay cho một âm, âm ấy chẳng có ý nghĩa gì. Thế mà chữ Hán thì bao hàm cả âm thanh, hình tượng, quan hệ logic, chứa một bức tranh đẹp. Nhất là sau khi giải quyết thành công việc đưa chữ Hán vào máy tính thì chẳng ai đòi tiêu diệt chữ Hán nữa. Hiện nay văn hoá TQ sống động trở lại, lại lên cơn sốt mới, thể hiện sức tái sinh, hoàn toàn có thể theo kịp bước tiến của hiện đại hoá, TCH đồng thời lại giữ được nét đặc sắc, tư cách, sức hấp dẫn, thể hiện niềm tin và tự hào của chúng ta đối với văn hoá TQ.

Chữ Hán bản thân đại diện một phương pháp tư duy, khác nhiều với văn hoá phương Tây, đây là vấn đề rất phức tạp. Truyện ngắn Mắt của đêm tôi đăng báo năm 1979, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Các dịch giả đều gọi điện đến hỏi tôi: “Chữ mắt của ông là số nhiều hay số ít? Là eye hay eyes?” Tôi ngớ người ra, vì chữ “mắt’ trong truyện có 3 ý. Một là nhân cách hoá đêm, nên nó không có vấn đề số ít số nhiều. Hai là nhân vật chính trong truyện, tên là Trần Cảo; tôi không nói rõ anh ta chột mắt hoặc anh dũng hy sinh trong chiến đấu, nên dĩ nhiên là eyes rồi. Thứ ba, tôi viết trên công trường có một bóng đèn ánh sáng vàng vọt, đó là “single”. Cho nên mắt của đêm không thể chia thành eye hay eyes. Tôi giải thích thế họ chẳng hiểu, họ nói gì tôi cũng chẳng hiểu. Tôi cho rằng chữ mắt trong chữ Hán càng bản chất hơn một con mắt, hai con mắt. Chữ Hán của ta có một kiểu chủ nghĩa bản chất.

Thí dụ nói con “bò”, đây là bản chất; sau đó đến sữa bò, bò sữa, bò con, bò đực, bò cái v.v…Nhưng trong tiếng Anh không có một chữ thống nhất như thế. Bò dùng cattle, nghĩa là đại gia súc, cũng có nghĩa là bò. Bò cái cow, bơ butter, bò con vealer, thịt bò beef; giữa các chữ ấy không có mối lệ thuộc nào.

Người TQ rất coi trọng cái bản chất đó, thậm chí một, hai, ba trong tiếng TQ cũng được đặc biệt coi trọng. TQ vô cùng coi trọng một, cho rằng mọi sự vật trên thế giới đều phải có một gốc gác (bản nguyên) tập trung, không thể biến đổi cũng không thể lặp lại. Cho nên phế bỏ Hán ngữ thì sẽ rất lôi thôi, là một tai hoạ. Triết gia Vương Quốc Duy tự tử vì thấy văn hoá TQ sắp đi đứt. Chúng ta sống đến ngày nay nhìn thấy văn hoá TQ phát đạt, rực rỡ, đúng là rất may mắn.

Văn hoá truyền thống còn bao gồm ẩm thực, đời sống, y dược, rất nhiều thứ trực quan, cảm thấy được. Thí dụ Trung y có đường đỏ tính nhiệt, đường trắng tính mát, đường phèn càng mát, càng khử hoả. Tôi thấy đây là một loại trực quan, không có căn cứ thực chứng, nhưng tôi thích nó. Khi sốt, tôi không uống nước pha đường đỏ mà pha đường phèn vào nước hoa cúc. Thật khác phương pháp của nước ngoài.

Tín ngưỡng tôn giáo của TQ cũng rất đặc biệt. Một nước lớn thế mà không có tôn giáo thống nhất. Người TQ có thái độ rất linh hoạt đối với tôn giáo; tư duy của chúng ta chẳng giống bất cứ ai. Chúng ta nói “Lục hợp chi ngoại tồn nhi bất luận”. Lục hợp là không gian ba chiều, mỗi chiều là hai mặt tương đối, cho nên là lục hợp. Lục hợp chi ngoại tồn nhi bất luận tức là cái gì thuộc về tính sau chót thì ta không bàn luận song cũng không phản đối. Đó là đa thần luận linh hoạt lấy cái tôi là chính. Vua bếp canh bếp cho ta, thần cửa canh cửa, thần tài giúp ta kiếm tiền. Lỗ Tấn từng nói “Khổng Tử kính thần như thần tại”. Một câu nói quá thông minh. Không một tín đồ ngoan đạo nào trên thế giới có thể nói được lời như vậy. Nhưng ông cũng không tuyên truyền thuyết vô thần, chẳng nói tôn giáo là lừa bịp. Ông không phản đối kính thần. Phương thức tư duy của người TQ rất hay.

Tôi quen một nhà Hán học người Đức rất giỏi tiếng TQ, lấy vợ Đài Loan, sau vợ đòi ly dị. Bà ấy bảo: “Ông Vương Mông này, người Đức học tiếng TQ, học Kinh Dịch, Lão Tử, đáng sợ quá! Thành ma quỷ rồi, vì ông ấy kết hợp cái lạnh lùng tàn nhẫn kiểu Đức với cái lắm mưu ma chước quỷ kiểu TQ.” Dĩ nhiên tôi không nói dân tộc ta lắm mưu mô xảo quyệt, nhưng tư duy của ta vô cùng linh hoạt – đó là sự thật. Xưa kia bao nhiêu nơi ở châu Á biến thành thuộc địa, nhưng chẳng ai khuất phục nổi dân tộc Trung Hoa, vì ta có nền văn hoá của mình. Nền văn hoá ấy giúp ta vượt qua khó khăn.

Xây dựng nước ta thành một nước lớn văn hoá

Ta nên xây dựng nước mình thành một nước lớn văn hoá, và thực tế đã như vậy. Điều này có quan hệ với phát triển khoa học quan. Ta không thể chỉ nói GDP đầu người, thu nhập quốc dân, vì trong tương lai có thể dự kiến, ta sẽ chưa đuổi kịp các nước phát triển. Nhưng ta vẫn sống trong một nước vĩ đại, vẫn có cống hiến đặc biệt cho loài người, vì ta có văn hoá Trung Hoa. Nền văn hoá ấy là cái gốc để dựng nước, là niềm kiêu hãnh, là quang vinh của ta.

Hiện nay, CNXH mang màu sắc TQ đang bừng bừng phát triển, hôm nay ta có thể rất sung sướng nói chuyện vấn đề văn hoá ở đây, bàn về cái gốc của văn hoá TQ. Tháng 11 năm 2004 tôi có đi thăm nước Nga. Liên Xô dựng nước hơn 70 năm mà sản lượng nông nghiệp chưa bằng mức cao nhất thời Sa hoàng. Thu nhập bình quân đầu người của nước Nga hiện nay [2009] kém xa mức đạt được thời Liên Xô. Không riêng gì chúng ta mà bà Thatcher, ông Brzezinski đều cho rằng văn hoá TQ ghê gớm quá, có thể “gặp dữ hoá lành, gặp rủi hoá may”. Khi cần kiên trì thì có thể kiên trì hơn bất cứ ai; khi cần linh hoạt thì cái gì cũng linh hoạt, thế nào cũng tìm ra lối thoát, phương hướng tiến lên – đó là sức sống của văn hoá TQ.

Chúng ta không đóng cửa làm văn hoá mà có thái độ cởi mở, học hỏi nền văn hoá ưu tú của toàn thế giới; cái gì học được thì cái đó trở thành của ta. TQ chúng ta đặc biệt có năng lực về mặt này. Hồi tôi dự diễn đàn đỉnh cao văn hoá, báo chí làm rùm beng nói Vương Mông đề xuất phải mở “chiến dịch bảo vệ Hán ngữ”. Tôi có nói thế đâu – chỉ cần học tốt Hán ngữ là được, mở chiến dịch bảo vệ làm gì? Học Hán ngữ không mâu thuẫn với học Anh ngữ; học tốt tiếng mẹ đẻ thì mới có thể học tốt ngoại ngữ. Học giỏi ngoại ngữ rồi, quay lại so sánh để biết cái đẹp và đặc sắc của ngôn ngữ mẹ đẻ.

Ông Cố Hồng Dánh là người giỏi ngoại ngữ nhất TQ. Một lần ông đi tầu điện ngầm ở London, cầm ngược tờ báo Times đọc, mấy thanh niên người Anh bên cạnh cười bảo nhau “Cái lão Tàu để đuôi sam này hắn đọc chữ ngược.” Ông quay lại nói bằng giọng Oxford chuẩn: “Các bạn trẻ ơi, tiếng Anh của các bạn quá đơn giản. Nếu tôi đọc thuận thì là sự sỉ nhục trí lực của tôi. Đọc ngược thế này là trò chơi của tôi đấy.” Ông cũng cực giỏi tiếng TQ. Còn ông Tiền Trọng Thư nữa, thạo 7 thứ tiếng Anh, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha. Ông làm thơ kiểu cổ rất hay. Cho nên ta chưa giỏi Trung văn là chưa giỏi Trung văn chứ không phải vì học tiếng Anh. Ngược lại, chưa giỏi tiếng Anh cũng chẳng phải vì quá giỏi tiếng TQ, mà do chưa chịu khó học tiếng Anh.

Năm 1998, tôi sang Mỹ có nói về năng lực hấp thu và cải tạo của văn hoá TQ. Tôi kể: khi TQ cải cách mở cửa, hãng Coca Cola mới đầu làm ăn không thành công ở TQ là do khi bán một chai Coca Cola to lại biếu một cốc uống nước. Làm thế nhất định không thành công. Bây giờ thì dần dần thành công rồi, rất nhiều người uống. Nhưng người TQ hấp thu Coca Cola rồi thì nhất định sẽ thay đổi. Lúc ấy tôi chưa biết có thay đổi gì. Sau mới biết, người TQ dùng Coca Cola để nấu canh, để làm thuốc chữa cảm cúm. Chuyện ấy người Mỹ không tiếp thu nổi. Bác sĩ Mỹ rất ít khi kê đơn khi sốt chưa tới 39 độ mà chỉ đề nghị uống nhiều nước, bớt mặc quần áo. Khác với thói quen của người TQ khi bị cảm lại đắp chăn ngay. Người Mỹ còn bảo đi tắm bồn đi, ta thì chẳng dám làm thế. Cho nên tôi nhấn mạnh văn hoá TQ tuyệt đối không được đóng cửa.

Ta cần thận trọng về văn hoá, tuyệt đối không được dễ dàng phủ định thứ gì. Bây giờ ta mới lấy làm tiếc là Bắc Kinh phá các tường thành; nhiều kiến trúc có giá trị bị dỡ bỏ để xây dựng kiến trúc mới, rất đáng tiếc.

Văn hoá TQ đang có ảnh hưởng ngày càng lớn với thế giới, tuy bắt đầu ở tầng nấc thấp: kungfu, châm cứu, đậu phụ đều đã có tính thế giới. Có một đại sư thái cực người Mỹ đóng vai chính trong phim truyền hình “Thái cực”. Một số thành phố lớn ở Mỹ chỗ nào cũng thấy bán đậu phụ. Cho nên ta phải rất có niềm tin vào văn hoá của TQ./.

Vương Mông (1934-) là nhà văn Trung Quốc đương đại, người tỉnh Hà Bắc. Nổi tiếng từ 1953 với tiểu thuyết “Tuổi trẻ muôn năm”, 1956 – truyện ngắn “Người trẻ tuổi mới đến từ ban Tổ chức”. Từ 1963 làm việc tại Tân Cương hơn 10 năm. Về sau từng làm Tổng biên tập tạp chí Văn học nhân dân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TQ, Uỷ viên TƯ ĐCSTQ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Phó Chủ tịch phân hội TQ của Hội Văn bút quốc tế.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ bản gốc tiếng Trung trên Quang minh nhật báo (1/6/2006).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]