Có phải chủ nghĩa tư bản nhà nước đang thắng thế?

state-capitalism-1

Nguồn: Daron Acemoglu & James A. Robinson, “Is State Capitalism Winning?,” Project Syndicate, 31/12/2012.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Trong những năm gần đây, chủ nghĩa tư bản nhà nước dường như đang thắng thế trong cuộc đua lâu đời giữa các mô hình tăng trưởng kinh tế. Các gương mặt đại diện của chủ nghĩa tư bản tự do như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh tiếp tục tăng trưởng yếu ớt trong năm 2012, trong khi nhiều nước châu Á, vốn dựa trên các hình thức kinh tế có nhà nước định hướng khác nhau, thì không chỉ tăng trưởng nhanh và ổn định trong nhiều thập niên qua, mà còn vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây một cách ngoạn mục. Đã đến lúc chúng ta phải cập nhật sách giáo khoa kinh tế?

Trên thực tế, kinh tế học không khẳng định các thị trường hoàn toàn không bị trói buộc thì tốt hơn sự can thiệp của nhà nước hoặc thậm chí chủ nghĩa tư bản nhà nước. Vấn đề của chủ nghĩa tư bản nhà nước chủ yếu mang tính chính trị chứ không phải kinh tế. Bất cứ nền kinh tế thực nào cũng đầy rẫy khiếm khuyết, do đó một chính phủ nhân từ và có quyền lực tuyệt đối có thể thường xuyên can thiệp một cách hợp lý. Nhưng đã ai từng thấy một chính phủ nhân từ hoặc có toàn quyền?

Để hiểu được logic của chủ nghĩa tư bản nhà nước, chúng ta nên xem lại một số ví dụ lịch sử – không phải các nền kinh tế chỉ huy xã hội chủ nghĩa hay các xã hội hiện đại tìm cách chống lại sự thất bại của thị trường, mà là các nền văn minh cổ đại. Quả thật, như nông nghiệp hay dân chủ, lịch sử thế giới dường như đã nhiều lần chứng kiến sự hình thành chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Hãy nhìn lại Hy Lạp thời đồ đồng, khi nhiều nhà nước hùng mạnh, được tổ chức quanh một thành phố làm nơi cư trú của giới tinh hoa, hình thành trên đồng bằng duyên hải Địa Trung Hải. Các thành bang này không có tiền tệ và về cơ bản là không có thị trường. Thành bang đánh thuế lên sản lượng nông nghiệp và kiểm soát gần như toàn bộ sản xuất hàng hóa. Nó độc quyền hóa thương mại và, trong bối cảnh chưa có tiền tệ, lưu thông hàng hóa bằng mệnh lệnh. Chính quyền cung cấp thực phẩm và nguyên liệu cho thợ dệt và sau đó lấy sản phẩm. Về cơ bản, các xã hội Hy Lạp thời đồ đồng có nét rất giống chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Người Inca cũng làm tương tự khi họ xây dựng đế chế Andes rộng lớn trước thời điểm người Tây Ban Nha đến châu Mỹ một thế kỷ. Họ cũng không có tiền tệ (hoặc chữ viết); nhưng nhà nước đã tiến hành các đợt điều tra dân số 10 năm một lần, xây dựng khoảng 40.000 km đường, vận hành một hệ thống người thu thập và chuyển phát tin tức, và lưu trữ thông tin bằng các dây có thắt nút gọi là quipus, mà phần lớn trong số đó ngày nay không thể đọc được. Tất cả những điều này là một phần sự kiểm soát đất đai và nhân công của nhà nước Inca, dựa trên phân phối của cải kế hoạch hóa tập trung và sự cưỡng ép.

Làm sao mà các xã hội khác nhau như các thành bang Knossos, Mycanae, hay Pylos của Hy Lạp thời đồ đồng, đế chế Inca, nước Nga Xô-viết, Hàn Quốc, và giờ là Trung Quốc đều hình thành chủ nghĩa tư bản nhà nước?

Để trả lời, chúng ta phải thừa nhận rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước bản chất không phải là nhằm phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế, mà là nhằm tối đa hóa sự kiểm soát chính trị đối với xã hội và nền kinh tế. Nếu giới quản lý nhà nước có thể nắm toàn bộ và kiểm soát việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, điều này sẽ tối đa hóa việc kiểm soát – ngay cả khi phải hy sinh một phần hiệu quả kinh tế.

Đúng là ở nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa tư bản nhà nước đã giúp củng cố các nhà nước và tập trung hóa quyền lực – điều kiện tiền đề cho sự phát triển của các nền kinh tế và xã hội hiện đại. Nhưng sự kiểm soát chính trị đối với nền kinh tế thường trở nên có vấn đề vì những người điều hành nhà nước không quan tâm đến phúc lợi xã hội hoặc phân bổ tối ưu nguồn lực. Chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Hy Lạp thời đồ đồng hay ở đế chế Inca không được thúc đẩy bằng sự thiếu hiệu quả kinh tế; nó cũng không nhất thiết tạo ra một nền kinh tế hiệu quả hơn. Điều mà chủ nghĩa tư bản nhà nước góp phần vào là củng cố quyền lực chính trị.

Ở một cấp độ sâu hơn, sự đối lập thực sự không phải là giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước và các thị trường tự do, mà là giữa các thể chế kinh tế mang tính bòn rút (extractive) và bao trùm (inclusive). Các thể chế bòn rút tạo ra một môi trường không bình đẳng, nhiều kẽ hở, và tập trung lợi ích cho một số ít người có quyền lực và quan hệ chính trị. Các thể chế bao trùm tạo ra môi trường bình đẳng, đem lại động lực và cơ hội cho đông đảo dân chúng.

Ở đây xuất hiện vấn đề đối với chủ nghĩa tư bản nhà nước: các thể chế bao trùm đòi hỏi một khu vực tư nhân đủ mạnh để đối trọng và kiểm soát nhà nước. Do đó, sở hữu nhà nước tự nhiên sẽ có xu hướng xóa bỏ một trong những trụ cột chính của một xã hội bao trùm. Không có gì ngạc nhiên khi chủ nghĩa tư bản nhà nước thường gắn liền với các chế độ chuyên quyền và các thể chế chính trị bòn rút.

Điều này không phải một lời ủng hộ cho các thị trường tuyệt đối tự do. Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong xã hội hiện đại, và như vậy là đúng. Tăng trưởng kinh tế hiện đại, ngay cả với các thể chế bao trùm, thường tạo ra bất bình đẳng sâu sắc và sân chơi thiếu công bằng, đe dọa sự tồn tại của chính các thể chế đó. Nhà nước hiện đại mang tính điều tiết và tái phân phối, trong giới hạn nhất định, giúp giải quyết những vấn đề này. Nhưng sự thành công của một dự án như vậy lại phụ thuộc rất lớn vào xã hội nào kiểm soát nhà nước – chứ không phải ngược lại.

Lập luận rằng thành công của chủ nghĩa tư bản nhà nước chứng tỏ tính ưu việt của nó là đặt cỗ xe ở trước con ngựa. Đúng là Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh với chủ nghĩa tư bản nhà nước, và Trung Quốc cũng đang phát triển tương tự. Nhưng chủ nghĩa tư bản nhà nước trỗi dậy không phải vì không còn cách nào khác để tăng trưởng kinh tế ở những nước này, mà vì nó cho phép tăng trưởng mà không gây bất ổn cho cấu trúc quyền lực hiện có. Cái giỏi của chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc là nó bảo đảm được sự thống trị liên tục của giới tinh hoa Đảng Cộng sản trong khi vẫn cải thiện sự phân bổ nguồn lực, chứ không phải việc mình nó có thể đem lại các động lực về giá cho nông dân rồi kiểm soát quá trình tự do hóa các thị trường đô thị.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước còn tồn tại chừng nào giới tinh hoa còn có thể duy trì nó và các lợi ích mà nó đem lại – ngay cả khi tăng trưởng kinh tế cuối cùng đã chững lại. Có lý do chính đáng để tin rằng thời điểm đó rồi sẽ xuất hiện. Tăng trưởng kinh tế bền vững cần có tiền đề là các thể chế bao trùm, bởi vì sự đổi mới – và sự phá hủy mang tính sáng tạo và sự bất ổn mà nó gây ra – phụ thuộc vào những thể chế đó. Các thể chế bòn rút nói chung, và chủ nghĩa tư bản nhà nước nói riêng, có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian, nhưng chỉ có thể giống như giai đoạn tăng trưởng bắt nhịp mà Hàn Quốc trải qua trong giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm 1980, trước khi bắt đầu chuyển đổi xã hội và nền kinh tế một cách triệt để hơn.

Khi đã tận dụng hết những thành tựu dễ gặt hái của giai đoạn tăng trưởng bắt nhịp, Trung Quốc cũng sẽ buộc phải lựa chọn, hoặc tự do kinh tế và tự do xã hội, đổi mới, và sự bất ổn mà chỉ có những thể chế bao trùm mới có thể nâng đỡ được, hoặc tiếp tục kiểm soát xã hội, chính trị, và kinh tế để làm lợi cho giới tinh hoa đang kiểm soát nhà nước.

Daron Acemoglu, Giáo sư Kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts, là đồng tác giả cuốn Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty (Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo đói).

James A. Robinson, Giáo sư Quản trị chính quyền tại Đại học Harvard, là đồng tác giả (với Daron Acemoglu) cuốn Why Nations Fail.

Copyright: Project Syndicate 2012 – Is State Capitalism Winning?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]