Chủ nghĩa tư bản nhà nước 2.0

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Alissa Amico, “State Capitalism 2.0”, Project Syndicate, 05/09/2018

Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin gần 30 năm trước là một dấu ấn tiêu biểu cho thấy sự rút lui của nhà nước khỏi nền kinh tế toàn cầu, báo hiệu sự thất bại của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Từ nền kinh tế nhà nước chỉ đạo (dirigiste) ở  Pháp đến nhà nước Trung Quốc cộng sản, các quốc gia với các mô hình kinh tế rất khác biệt đã bắt đầu cùng áp dụng một cách tiếp cận chính sách theo hướng tự do (laisez-faire) hơn, dựa trên ý tưởng rằng sự can thiệp của nhà nước càng ít thì càng tốt cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh thoái lui trên toàn cầu của mô hình kinh tế nhà nước và xã hội chủ nghĩa này, một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được tư nhân hóa hoàn toàn. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp lớn chủ chốt vẫn nằm một phần trong tay chính phủ, với một đối tác chiến lược tư nhân hoặc các nhà đầu tư tư nhân mua cổ phần thông qua thị trường vốn. Bất kể hình thức của nó là gì, tư nhân hóa không chỉ thể hiện một xu hướng tư duy; nó còn gây ra những hậu quả kinh tế rộng lớn, ít nhất là trên các sàn giao dịch chứng khoán vốn được hồi sinh thông qua việc niêm yết các DNNN ở các nước rất khác nhau như Ý và Ai Cập.

Tuy nhiên, từ đầu thiên niên kỷ này, sự thoái lui của nhà nước khỏi nền kinh tế đã ngừng lại. Sự thành công của các nền kinh tế như Trung Quốc vốn đang thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước, và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), vốn đang đa dạng hóa nền kinh tế thông qua các quỹ đầu tư quốc gia (SWF), đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về hiệu quả của mô hình tăng  trưởng dựa vào khu vực tư nhân.

Một số chính phủ đã tìm cách nhân rộng thử nghiệm của Trung Quốc với các doanh nghiệp nhà nước và kinh nghiệm của Singapore với quỹ đầu tư quốc gia Temasek. Ví dụ, ở Trung Đông, một cuộc cách mạng kinh tế thầm lặng do nhà nước dẫn dắt đã diễn ra trong những năm gần đây, được khởi đầu bởi sự nổi lên của Dubai như là trung tâm du lịch hàng không quốc tế lớn nhất thế giới, gần đây đã vượt qua Heathrow của London.

Trong khi khả năng cổ phần hóa hãng Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc doanh của Ảrập Xêút, dường như gợi ý rằng tư nhân hóa đã không hoàn toàn bị loại bỏ, thì có một xu hướng rộng hơn và có khả năng quan trọng hơn. Thay vì tư nhân hoá, các chính phủ trên khắp thế giới đang ngày càng tìm cách giải quyết các điểm yếu kém cố hữu lâu dài của các DNNN, bao gồm quản trị doanh nghiệp chậm chạp, năng suất thấp và chậm đổi mới.

Để đạt được mục tiêu đó, cấu trúc của sự thịnh vượng quốc gia đang chuyển từ một mô hình lịch sử dựa trên quyền sở hữu nhà nước thụ động sang sự thừa nhận rằng sự sống còn của các DNNN phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh quốc tế của chúng. Vị trí độc quyền của các DNNN ở trong nước không thể giúp đảm bảo khả năng cạnh tranh của chúng, đặc biệt là trong bối cảnh các công nghệ mới gây xáo trộn (disruptive) xuyên biên giới. Về lâu dài, sự bảo hộ của chính phủ sẽ không thể giúp các công ty viễn thông quốc doanh chống lại được những cái tên như Skype, WhatsApp hay Viber.

Để đối phó với thách thức này, các chính phủ đang tập trung vào hiện đại hóa thay vì tư nhân hóa. Nhiều DNNN và quỹ đầu tư quốc gia gần đây đã thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để nhắm vào các công ty công nghệ cao vốn tạo ra sự đổi mới có thể giúp củng cố cho các ngành nghề kinh doanh cốt lõi của họ. Chẳng hạn, Saudi Telecom đã khai trương quỹ STC Ventures để đầu tư vào các công nghệ tiên tiến. Tương tự, Tổng công ty Đầu tư Dubai, một trong những quỹ đầu tư quốc gia của UAE, đã đầu tư 47 triệu đô la vào Indigo, một công ty start-up về công nghệ nông nghiệp có trụ sở tại Boston.

Tuy nhiên, các DNNN và các quỹ đầu tư quốc gia có kinh nghiệm hạn chế trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời văn hóa doanh nghiệp của họ khá cứng nhắc so với các công ty mà họ đang nhắm tới. Giám sát việc quản trị các công ty công nghệ cao đòi hỏi một tập hợp các kỹ năng cơ bản khác với việc quản lý các liên doanh với các đối tác nước ngoài, một kỹ năng mà các DNNN và quỹ đầu tư quốc gia gần đây đã hoàn thiện. Do đó, để đảm bảo khả năng chuyên môn cần thiết, Quỹ Đầu tư Công của Ảrập Xêút đã thành lập một mối quan hệ đối tác với hãng Softbank của Nhật Bản, và Công ty Đầu tư Mubadala của Abu Dhabi đã ký một thỏa thuận với các công ty đầu tư được nhà nước hậu thuẫn của Pháp là CDC International Capital và Bpifrance.

Tuy nhiên, ngay cả khi có tri thức quản lý công nghệ, việc quản trị của các công ty công nghệ cao như Facebook và Snapchat có thể mang lại những thách thức khác nữa, bởi vì cả các nhà sáng lập công ty và và các quỹ đầu tư quốc gia đều muốn có một mức độ kiểm soát cao đối với hoạt động của các công ty này. Ngoài vấn đề kiểm soát, việc mua lại các công ty công nghệ cũng đòi hỏi DNNN và quỹ đầu tư quốc gia phải có cách tiếp cận khác đối với quản lý rủi ro do sự định giá không ổn định của các công ty trong lĩnh vực này.

Về vấn đề này, các quỹ đầu tư quốc gia tại các thị trường mới nổi có nhiều điều để học hỏi từ Trung Quốc, nơi các DNNN đã tích cực mua lại các công ty công nghệ trên toàn thế giới. Sau một vài vấn đề trong những năm gần đây, Bộ Tài chính Trung Quốc hiện đã ban hành các hướng dẫn để giảm thiểu rủi ro cho các DNNN khi theo đuổi các vụ mua lại ở nước ngoài.

Ngay cả khi nhiều quỹ đầu tư quốc gia tại thị trường mới nổi muốn đóng vai trò là các nhà đầu tư không có quyền biểu quyết với cổ phần thụ động trong các công ty nước ngoài, việc mua lại trong ngành công nghệ cao hiện đang diễn ra đòi hỏi họ phải hiểu rõ hơn về quyền của mình trong vai trò cổ đông. Điều này cũng đòi hỏi họ phải trang bị cho đội ngũ nhân viên của mình nhiều chuyên môn đầu tư hơn và phải phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà đầu tư trong nước để việc mua lại của họ có thể có tác động đáng kể lên nền kinh tế quốc gia của họ.

Với hoạt động của các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân suy giảm ở Trung Đông và ở những nơi khác nữa trong những năm gần đây do tác động từ sự cố vỡ quỹ đầu tư Abraaj Capital, các DNNN và các quỹ đầu tư quốc gia trong khu vực có thể sẽ tiếp tục thành lập các phương tiện đầu tư cổ phần tư nhân của riêng mình. Thông qua các khoản đầu tư của nhà nước vào các công ty công nghệ cao, các nhà hoạch định chính sách có thể tạo ra được các hiệu ứng số nhân tích cực, bao gồm cả trên thị trường vốn mà trước đây được phát triển thông qua tư nhân hoá.

Ví dụ, các DNNN có thể niêm yết các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân mà họ thành lập, đồng thời chăm sóc cho các công ty công nghệ cao trong nước mà họ đầu tư nhằm chuẩn bị cho khả năng niêm yết chúng trên thị trường chứng khoán trong tương lai. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán địa phương không kém – thậm chí nhiều hơn – việc niêm yết bản thân các DNNN, nếu xét việc các sàn giao dịch chứng khoán hiện nay bao gồm các phân khúc niêm yết cụ thể hướng tới việc thu hút các công ty sáng tạo.

Dù là thế nào đi nữa thì việc chỉ tập trung vào tư nhân hoá các DNNN lớn đưa ra một ấn tượng sai lầm về xu hướng của chủ nghĩa tư bản nhà nước ở các thị trường mới nổi. Chủ nghĩa tư bản nhà nước 2.0 không phải dựa trên tiền đề là sự pha loãng quyền sở hữu của chính phủ, mà đúng hơn là việc điều chỉnh các DNNN cho phù hợp với xu thế tương lai của nền kinh tế thế giới. Sự thay đổi này là mang tính nền tảng đối với sự tồn tại của quyền sở hữu nhà nước, và đòi hỏi các quỹ đầu tư nhà nước phải suy nghĩ lại về mô hình quản trị truyền thống của họ. Nếu các DNNN không muốn tuyệt chủng, họ sẽ cần phải học không chỉ để việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, mà còn chấp nhận đổi mới, rơi ngã, đứng dậy, và thử những động tác mới trong hoạt động kinh doanh của mình.

Alissa Amico is là Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế (GOVERN).

Copyright: Project Syndicate 2018