‘Con ngựa hoang’ Trump sẽ bị thuần phục?

 trump-fotercom-cc-by-nc-n

Nguồn: Nouriel Roubini, “The Taming of Trump”, Project Syndicate, 11/11/2016.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sau khi Donald Trump bất ngờ đắc cử chức tổng thống Hoa Kỳ, một câu hỏi được đặt ra là liệu ông sẽ lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy cực đoan như trong chiến dịch của mình hay sẽ lựa chọn một cách tiếp cận thực dụng và hợp lý hơn.

Nếu Trump lãnh đạo theo đúng như chiến dịch đã giúp ông đắc cử, thì những gì sẽ diễn ra là nỗi sợ hãi của thị trường trên đất Mỹ và toàn thế giới, cũng như những tổn thất to lớn tiềm tàng về mặt kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hy vọng Trump sẽ quản lý theo một cách rất khác.

Một người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan như Trump sẽ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hủy bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và áp đặt thuế cao cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông cũng sẽ cho xây dựng bức tường biên giới Mỹ – Mexico như đã hứa; trục xuất hàng triệu lao động không có giấy tờ; hạn chế cấp visa H1B cho các lao động lành nghề cần thiết trong lĩnh vực công nghệ; và xóa bỏ hoàn toàn chương trình Bảo hiểm Y tế phù hợp túi tiền (Affordable Care Act – Obamacare), điều có thể khiến hàng triệu người dân không có bảo hiểm sức khỏe.

Nói chung, một Trump cực đoan có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ. Ông ta sẽ giảm mạnh thuế thu nhập của các công ty và cá nhân giàu có.  Dù mở rộng cơ sở thu thuế, tăng thuế lợi nhuận tích lũy (carried interest) của các nhà quản lý quỹ, và khuyến khích các công ty chuyển lợi nhuận ngoại quốc về nước, nhưng kế hoạch của ông sẽ không giúp cân bằng ngân sách. Ông sẽ tăng chi tiêu quân sự và khu vực công trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, và việc cắt giảm thuế cho người giàu sẽ làm giảm thu ngân sách của chính phủ tới 9 nghìn tỷ đô la trong vòng một thập niên.

Một Trump cực đoan như vậy cũng sẽ thay đổi mạnh cách tiếp cận chính sách tiền tệ hiện tại – đầu tiên là bằng cách thay thế chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen bởi một kẻ hiếu chiến theo trường phái trọng tiền, rồi lấp đầy các vị trí trống trong Hội đồng Thống đốc Fed hiện tại và sắp tới bởi những nhân vật tương tự. Hơn nữa, Trump sẽ xóa bỏ những gì ông ta có thể từ đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank năm 2010; chèn ép Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng; cắt giảm tiền trợ cấp cho các nguồn năng lượng thay thế và giảm các quy định về môi trường; đồng thời loại bỏ bất cứ điều luật nào được cho là sẽ gây cản trở các doanh nghiệp lớn.

Cuối cùng, chính sách cực đoan của Trump sẽ làm bất ổn các liên minh của Mỹ và làm gia tăng căng thẳng với các đối thủ. Tư tưởng bảo hộ của Trump có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại trên toàn cầu, và nếu ông cứ nhất định muốn các đồng minh phải tự chi trả cho quốc phòng của mình thì sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng vũ khí hạt nhân đến mức nguy hiểm, đồng thời gây sụt giảm vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Nhưng khả năng cao hơn là Trump sẽ theo đuổi một chính sách thực tế và trung dung. Ngay từ đầu, Trump là một doanh nhân ưa thích “nghệ thuật đàm phán”, vì vậy ông vốn dĩ là một người thực dụng hơn là một kẻ lý thuyết suông. Lựa chọn tranh cử dưới hình ảnh của một người theo chủ nghĩa dân túy chỉ là một chiến thuật, và không nhất thiết phản ánh những quan niệm thật sự của ông.

Thực tế Trump là một tay kinh doanh bất động sản giàu có đã sống cả cuộc đời cạnh những doanh nhân giàu có khác. Ông là một tay marketing đầy kinh nghiệm, người đã nắm bắt được xu hướng chính trị bằng cách chiều theo những người ủng hộ Đảng Cộng hòa trong tầng lớp lao động và những người ủng hộ đảng Dân chủ bảo thủ,[1] một vài trong số họ có thể đã ủng hộ Thượng nghị sĩ đến từ bang Vermont Bernie Sanders trong vòng bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ. Điều này cho phép ông nổi bật giữa rất nhiều những chính trị gia giữ tư tưởng ủng hộ giới kinh doanh, thân phố Wall, hay ủng hộ toàn cầu hóa truyền thống.

Khi đã lên nắm quyền, bề ngoài Trump sẽ chiều lòng những người đã ủng hộ mình một cách tượng trưng trong khi quay trở lại với các chính sách kinh tế trọng cung và nhỏ giọt lợi ích xuống các tầng lớp dưới[2] mà các đảng viên Cộng hòa đã ưa thích hàng thập kỷ nay. Mike Pence, người được Trump chọn làm phó tổng thống, là một chính trị gia dòng chính của Đảng Cộng hòa, và các cố vấn kinh tế trong chiến dịch của ông đều là những doanh nhân giàu có, các chuyên gia tài chính, nhà phát triển bất động sản và các nhà kinh tế theo chủ nghĩa trọng cung. Hơn nữa, ông cũng được cho là đang cân nhắc đưa những đảng viên dòng chính của Đảng Cộng hòa vào nội các của mình, bao gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, Thượng nghị sĩ bang Tennessee Bob Corker, Thượng nghị sĩ bang Alabama Jess Sessions, và cựu giám đốc điều hành tập đoàn Goldman Sachs Steven Mnuchin (người cũng cố vấn cho ông trong chiến dịch tranh cử).

Những đảng viên đảng Cộng hòa truyền thống và các nhà lãnh đạo kinh doanh sắp được Trump bổ nhiệm rồi sẽ định hình nên những chính sách cho ông. Nhánh hành pháp sẽ tuân theo một quá trình ra quyết định mà qua đó, các bộ ban ngành liên quan phải tính tới các nguy cơ và kết quả của các kịch bản được đưa ra, sau đó trình lên tổng thống danh sách giới hạn các chính sách để lựa chọn. Và, vì sự thiếu kinh nghiệm của mình, Trump sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các cố vấn, giống như cựu Tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush.

Trump cũng sẽ bị Quốc hội lái về một lập trường trung dung, dựa vào đó ông sẽ phải làm việc để thông qua bất kỳ một đạo luật nào. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Thượng viện có nhiều quan điểm chính thống về thương mại, vấn đề di cư và thâm hụt ngân sách hơn Trump. Trong khi đó, Đảng Dân chủ chiếm thiểu số trong Thượng viện sẽ có thể gây cản trở bất cứ sự cải tổ toàn diện nào mà Trump đề xuất, đặc biệt là khi chúng động đến “đường ray thứ ba” của chính trị Hoa Kỳ: vấn đề An ninh Xã hội và Bảo hiểm Y tế.

Trump cũng sẽ bị kiềm chế bởi mô hình tam quyền phân lập của hệ thống chính trị Mỹ, các cơ quan chính phủ tương đối độc lập như Fed, và một giới báo chí tự do và mạnh mẽ.

Nhưng chính thị trường mới là nhân tố kiềm chế lớn nhất của Trump. Nếu ông cố gắng theo đuổi các chính sách theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, thì hậu quả đáp lại sẽ rất nhanh chóng và mang tính trừng phạt: chứng khoán sẽ tụt dốc, đồng đô la rớt giá, các nhà đầu tư sẽ né tránh trái phiếu kho bạc Mỹ, giá vàng sẽ lên đỉnh, và nhiều hơn thế nữa. Tuy nhiên, nếu Trump kết hợp các chính sách dân túy ôn hòa với các chính sách củng cố kinh doanh truyền thống, ông sẽ không phải đối mặt với hậu quả thị trường. Giờ đây khi đã thắng cử, chẳng có lý do gì khiến ông phải chọn chủ nghĩa dân túy thay cho sự an toàn.

Những hiệu ứng tạo ra từ một tổng thống Trump thực dụng sẽ hạn chế hơn nhiều so với một kịch bản Trump cực đoan. Đầu tiên, ông sẽ vẫn bỏ hiệp định TPP; nhưng Hillary Clinton cũng sẽ làm vậy nếu đắc cử. Ông tuyên bố rằng sẽ hủy bỏ NAFTA, nhưng khả năng cao hơn là ông sẽ chỉ điều chỉnh nó để chiều lòng những công nhân lao động cổ cồn xanh của Mỹ. Và thậm chí nếu một Trump thực dụng muốn hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, thì lựa chọn của ông cũng bị hạn chế bởi một phán quyết gần đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại các mức thuế “chống phá giá có chọn lọc” nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Các ứng cử viên “ngoài cuộc” thường tấn công Trung Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, nhưng một khi đã vào cuộc, họ sẽ sớm nhận ra rằng việc hợp tác sẽ có lợi hơn.

Trump có thể sẽ xây bức tường của mình tại biên giới Mexico, mặc dù lượng người di cư hiện sang ít hơn trước. Nhưng ông cũng sẽ chỉ sờ gáy những người di cư không có giấy tờ, những người phạm các tội ác bạo lực, thay vì sẽ trục xuất 5-10 triệu người. Tuy nhiên, ông có thể sẽ vẫn hạn chế việc cấp visa cho những lao động tay nghề cao, điều sẽ ít nhiều lấy đi nhựa sống của ngành công nghệ.

Một Trump thực dụng sẽ vẫn tạo ra tình trạng thâm hụt ngân sách, nhưng sẽ ít hơn so với phiên bản cực đoan. Ví dụ, nếu ông làm theo kế hoạch thuế đề xuất bởi các đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc Hội, thu ngân sách từ thuế sẽ chỉ giảm 2 nghìn tỷ đô trong vòng một thập niên.

Một điều chắc chắn là sự kết hợp chính sách dưới một chính quyền Trump thực dụng sẽ không nhất quán về mặt ý thức hệ và khá tệ cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng thế còn dễ chấp nhận hơn nhiều đối với các nhà đầu tư – và thế giới – so với chương trình nghị sự cực đoan mà ông đã hứa hẹn với những người ủng hộ mình.

Nouriel Roubini, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và Chủ tịch của Roubini Global Economics, từng là Kinh tế gia Cao cấp về Các vấn đề Quốc tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Chính quyền Clinton. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Taming of Trump

——————–

[1]  Nguyên văn: Reagan Democrats.

[2] Nguyên văn: Trickle-down economic policies.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]