Nguồn: Nabil Fahmy, “Managing compromise in the Middle East”, Project Syndicate, 21/10/2016.
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trung Đông, đặc biệt là thế giới Ả-rập, đang trải qua một giai đoạn thay đổi căn bản với nhiều thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, khu vực này lại không có được sự đồng thuận ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế về những yếu tố tạo nên những thay đổi đó, trên toàn khu vực lẫn ở từng xã hội riêng lẻ, khiến việc giải quyết các thách thức mà khu vực này gặp phải đang trở nên rất phức tạp.
Hiển nhiên cộng đồng quốc tế đóng một vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ cải cách xã hội và kinh tế trong khu vực, đồng thời thúc đẩy các chính phủ có được quyết tâm cũng như đường hướng nhằm thực hiện những thay đổi cần thiết. Song, điều quan trọng hơn cả đó là người Ả-rập cần có một tầm nhìn hướng về phía trước bằng cách thừa nhận những thách thức mà họ gặp phải, cũng như bản thân họ phải có trách nhiệm đối với vận mệnh của chính mình.
Điều này được thể hiện rất rõ khi làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ả-rập diễn ra vào năm 2011. Mặc dù khu vực này đang trong giai đoạn chuyển đổi thông qua những thay đổi về nhân khẩu học, bao gồm tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đô thị hóa, lượng người thất nghiệp tăng đột biến, và thế hệ người trẻ có trình độ đại học, nhưng sự bùng nổ các cuộc biểu tình đã khiến các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi không khỏi ngạc nhiên. Các lớp trẻ Ả-rập chính là lực lượng đông đảo đòi hỏi chính phủ phải có những thay đổi. Tương tự, công nghệ số mới góp phần giải phóng thông tin và thúc đẩy việc liên lạc giữa những người dân với nhau, xóa bỏ căn bản sự độc quyền của các chính phủ về tri thức và thông tin liên lạc.
Nhưng những lý do quan trọng nhất lý giải cho sự trì trệ bắt nguồn từ việc các chính phủ và xã hội Ả-rập không thể quản lý một cách hiệu quả những đổi thay trên khắp khu vực, cũng như việc họ phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh của mình. Nhiều chính phủ đã trở nên cứng nhắc, khuôn khổ, và bị những lực lượng địa chính trị và xã hội nhanh chóng vượt mặt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời không có khả năng hoặc không sẵn sàng chấp nhận bất cứ xu thế nào thách thức nguyên trạng. Điều này còn phản ánh thực tế rằng những nội dung cốt yếu trong nhiều chương trình nghị sự khu vực và nội địa của nhiều quốc gia thậm chí không phải tự họ đặt ra mà thay vào đó là do chính các thế lực bên ngoài áp đặt.
Để hướng tới một cơ chế quản lý chủ động và hiệu quả hơn, các quốc gia Trung Đông cần tạo một không gian cho hoạt động chính trị thực sự cũng như các sáng kiến xã hội dân sự vốn góp phần tái phân bố quyền lực và đẩy mạnh hợp tác. Khu vực này đang vấp phải những vấn đề quá phức tạp và ăn sâu đến mức khó có thể giải quyết bằng các giải pháp riêng rẽ từ trên xuống. Sự sáng tạo cần phải được đánh thức trong xã hội Ả-rập. Một số nước cần hỗ trợ về mặt kinh tế và xã hội để xây dựng những điều kiện trong nước cần thiết, trong khi các nước khác sẽ cần phải xử lý các vấn đề địa chính trị còn tồn đọng.
Hãy xem xét trường hợp Tunisia, nước được nhiều người sống ngoài Trung Đông coi là một trong những câu chuyện thành công nhất trong thời gian gần đây ở khu vực này. Rõ ràng, các bè phái chính trị ở Tunisia đã tạo dựng được một hình mẫu tốt đẹp bằng cách thường xuyên thỏa hiệp với nhau nhằm xây dựng một cấu trúc quản trị bền vững. Song, sự bất mãn của xã hội và các bè phái trong nước vẫn chiếm một phần không nhỏ trong bối cảnh chính trị ở Tunisia. Chính phủ nước này cần có những bước đi thận trọng, cũng như không được phép có suy nghĩ rằng mọi công dân đều hài lòng với các dàn xếp mới.
Việc mở ra không gian cho giới lãnh đạo quốc gia, thành phố và thậm chí là các bộ tộc can dự về mặt chính trị là điều hết sức quan trọng đối với các quốc gia bất ổn hơn trong khu vực. Theo đó, việc đầu tiên mà những quốc gia này cần làm là hạn chế việc sử dụng vũ khí với mục đích gây khó dễ cho công tác quản lý của những chính quyền hợp pháp. Ví dụ, việc thiết lập một chính phủ hiệu quả ở Libya đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của quốc tế, bao gồm một lực lượng chung có sự tham gia của Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả-rập và Liên minh châu Phi, đồng thời cần có một thỏa thuận giữa Algeria, Ai Cập và Tunisia nhằm giám sát và kiểm soát biên giới cũng như sự đi lại trong khu vực lãnh hải.
Ai Cập đang trải qua giai đoạn thay đổi căn bản về chính trị xã hội. Sự đổ vỡ của quyền lực tập trung vào năm 2011 không có gì ngạc nhiên khi thiếu văn hóa thỏa hiệp chính trị. Hiện tại, Ai Cập cần khôi phục lại sự đồng thuận rộng khắp dựa trên hiến pháp về các nguyên tắc kinh tế và xã hội căn bản, điều yêu cầu tất cả các bên liên quan trong chính phủ và xã hội dân sự phải thực sự sẵn sàng đạt được những thỏa thuận đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người dân. Để thúc đẩy quá trình này, Ai Cập cần tìm ra cách sử dụng các công nghệ mới để thu hút tất cả các khối cử tri tham gia các cuộc tranh luận vốn giúp định hình quá trình này.
Syria là phép thử ngặt nghèo nhất đối với nỗ lực thỏa hiệp và hòa giải của khu vực bởi nơi đây đã biến thành thảm hỏa nhân đạo thực sự mà không có hồi kết. Kẻ chiến thắng về quân sự vẫn chưa xuất hiện rõ ràng do cuộc xung đột quá phức tạp. Ngay cả Mỹ và Nga là những siêu cường đang hiện diện ở đó cũng không thể tự mình mang lại hòa bình cho khu vực.
Hiển nhiên, Mỹ và Nga đóng vai trò chính yếu giúp tái định hình bối cảnh quân sự và chính trị thông qua các biện pháp trừng pháp, lực lượng quân đội, hay sức mạnh của sự thuyết phục chính trị. Nhưng bất cứ một nền hòa bình lâu dài và ổn định nào ở Syria cũng cần phải có được sự hợp tác của rất nhiều chủ thể. Cụ thể hơn, nó đòi hỏi một thỏa thuận đa diện: giữa Mỹ và Nga, giữa các nhà nước vùng Vịnh, đặc biệt là Ả-rập Xê-út và Iran, và giữa phe đối lập với phe ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nhu cầu mở rộng hợp tác đã trở nên quá rõ ràng tại khu vực Trung Đông, nơi mà các vấn đề sâu xa sẽ không thể được giải quyết bằng những giải pháp tình thế đơn giản. Những xã hội năng động, yên bình ở Trung Đông sẽ không bao giờ xuất hiện nếu công dân của họ không biết thỏa hiệp và bắt tay vào quá trình đồng thuận nhằm dựng xây đất nước. Quá trình này chắc chắn sẽ đòi hỏi thời gian và sự nhẫn nại, và các chính phủ cần phải xác định rõ vận mệnh của mình và ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu khu vực của một số nhà nước Ả-rập.
Muốn giúp Trung Đông giải quyết được những thách thức này, cộng đồng quốc tế cần theo đuổi một phương thức tiếp cận ba nhánh: trước hết, cần củng cố các thể chế quản lý của các quốc gia Trung Đông và hướng chúng tới lộ trình tự duy trì lâu dài; thứ hai, cần cam kết vô điều kiện nhằm bảo tồn và tôn trọng hệ thống các quốc gia – dân tộc trong khu vực; và thứ ba, cần phát động nỗ lực mang tính phối hợp nhằm chấm dứt bạo lực trong khu vực và thiết lập các điều kiện sao cho các tiến trình chính trị mới có cơ hội khởi sắc.
Đổ máu, chia rẽ và sự tuyệt vọng đều sẽ gieo rắc những mầm mống cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Xây dựng sự đồng thuận, thỏa hiệp và hợp tác ở khu vực Trung Đông và giữa các xã hội Ả-rập sẽ là những yếu tố quan trọng để loại bỏ những tác nhân phá hoại đó ra khỏi cuộc sống của chúng ta.
Nabil Fahmy nguyên là Ngoại trưởng Ai Cập và là cựu Đại sứ Ai Cập tại Mỹ và Nhật Bản. Hiện ông đang là Giáo sư tại Đại học American University ở Cairo (AUC).
Copyright: Project Syndicate 2016 – Managing compromise in the Middle East
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]