Trách nhiệm của Ả-rập Xê-út với chủ nghĩa cực đoan

Print Friendly, PDF & Email

rtr4bew2

Nguồn: Christopher Hill, “The Kingdom and the Power”, Project Syndicate, 27/04/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã “giải quyết xong bất đồng” với Nhà vua Ả-rập Xê-út Salman trước cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại thủ đô Riyadh của nước này. Nếu xét mức độ căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai bên – vốn đã kéo dài trong nhiều năm – thì đây có lẽ là kết quả tích cực nhất mà người ta có thể trông đợi. Nhưng như thế là chưa đủ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út dựa trên phương thức tiếp cận cho-và-nhận thực dụng, nhằm mục đích thúc đẩy các lợi ích chung, trong đó quan trọng nhất là duy trì hòa bình và an ninh tương đối tại khu vực bất ổn nhưng có tầm quan trọng sống còn đối với nền kinh tế toàn cầu này. Song, phương thức này nhanh chóng trở nên lỗi thời. Quả thực, chúng ta đã bước vào một thời đại tư tưởng mới mà ở đó, việc dựa trên chủ nghĩa thực dụng, thay vì các giá trị chung, ngày càng khó khăn hơn.

Trước tình hình này, không có gì ngạc nhiên khi những rạn nứt trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út bắt đầu lộ rõ. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Obama mô tả Ả-rập Xê-út (cũng như các đồng minh khác của Hoa Kỳ) là “những người ngồi không hưởng lợi” từ chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó làm thổi bùng lên cuộc tranh luận không chỉ về việc điều này có đúng hay không (vì Ả-rập Xê-út mua số lượng lớn khí tài quân sự từ Hoa Kỳ), mà còn về việc ông Obama có nên nói thẳng chuyện đó hay không. Xét cho cùng, trong chính trị cũng như trong đời sống bình thường, không phải cái gì người ta tin cũng cần được nói ra rộng rãi.

Tuy nhiên, Obama không dừng lại ở đó. Vẫn trong cuộc phỏng vấn đó, ông tuyên bố rằng Ả-rập Xê-út cần học cách “chia sẻ” Trung Đông với đối thủ Iran. Ông còn công khai chỉ trích cách Ả-rập Xê-út đối xử với phụ nữ, lập luận rằng “một đất nước không thể tồn tại trong thế giới hiện đại khi đàn áp chính phân nửa dân số của mình.”

Tuy nhiên, nhìn chung, giới chức Mỹ vẫn duy trì trạng thái ôn hòa trong các cuộc thảo luận với Ả-rập Xê-út. Dù họ thừa nhận có “những bất đồng” với Ả-rập Xê-út liên quan tới việc chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố bằng cách nào và ở đâu, nhưng những bất đồng này nghe có vẻ như mối bất đồng giữa Roosevelt và Churchill về địa điểm chính xác nơi quân Đồng minh nên tấn công Đức Quốc xã.

Trên thực tế, có rất nhiều bất đồng và nhiều trong số đó xuất phát từ quan điểm và chính sách đối nội của Vương quốc. Chẳng hạn như cách tiếp cận của nước này đối với Nhà nước Hồi giáo (IS), và rộng hơn là đối với chủ nghĩa cực đoan dòng Sunni trong thế giới các nước Ả-rập.

Người Ả-rập Xê-út thường bị gán là “thủ phạm” xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố. Họ không làm vậy. Nhưng họ có cổ vũ cho các phần tử cực đoan – sản phẩm phụ tự nhiên của chủ nghĩa Wahhab, một nhánh đạo Hồi nguyên bản của Ả-rập Xê-út –tiến hành các hành động khủng bố ở các nơi khác. Khi những phần tử này rời khỏi đất nước thì tiền tài trợ của Ả-rập Xê-út cho những hoạt động bạo lực của họ cũng được mang theo.

Dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, Hoa Kỳ đã phối hợp với Ả-rập Xê-út theo dõi dòng tiền chảy tới các nhóm cực đoan, do đó những hoạt động của các nhóm như vậy trong khu vực, gồm cả miền Tây Iraq, đã bị suy yếu. Nỗ lực của họ đã mang lại một số kết quả. Trên thực tế, thay vì “tự vỗ ngực” về thành quả được cho là của số lính Mỹ tăng lên ở Iraq năm 2007, lẽ ra chính quyền của ông Bush nên khen ngợi tác động của sáng kiến tập trung vào hoạt động ngăn chặn dòng tiền đó.

Tiếc là, nỗ lực ngăn chặn dòng tiền từ Ả-rập Xê-út đã yếu đi đáng kể sau năm 2011, khi khu vực Bắc Phi và Trung Đông bị nhấn chìm trong cuộc nổi dậy có tên Mùa xuân Ả-rập (tên gọi này chắc chắn nên được thay thế bằng một cái tên khác chính xác hơn và ít tích cực hơn). Những hỗn loạn xảy ra sau đó giúp chủ nghĩa Sunni cực đoan lan rộng – một khuynh hướng mà sự thờ ơ của Ả-rập Xê-út chắc chắn có góp phần vào.

Về phần mình, Ả-rập Xê-út hiện vẫn khó mà chú ý tới điều đó khi nước này đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề, bắt đầu với giá dầu ở ngưỡng chạm đáy. Sau đó là mẫu thuẫn về quá trình chuyển quyền kế vị hoàng gia khi Vua Salman nỗ lực củng cố quyền lực vào tay người con trai ba mươi tuổi của mình, một người mạnh mẽ, tài năng nhưng không được lòng dân, và điều này gây ra mối bất hòa sâu sắc ngay trong nội bộ hoàng tộc mở rộng.

Iraq cũng là một phiền toái khác của Vương quốc khi nước này cho thấy ví dụ về việc người Hồi giáo dòng Shia đang củng cố quyền lực chính trị. Người Ả-rập Xê-út sợ rằng điều này có thể kéo dài tình trạng bất ổn chính trị ở các tỉnh phía Đông có người Shia chiếm đa số của Vương quốc, nơi tập trung phần lớn hoạt động sản xuất dầu mỏ của cả nước. Nếu chính phủ Iraq thắt chặt quan hệ với Iran, rủi ro đối với sự ổn định còn cao hơn nữa.

Đối với Ả-rập Xê-út, những thách thức này còn quan trọng hơn việc đánh bại IS, điều lý giải tại sao nước này dường như không hề “ló mặt” trong cuộc chiến. Thực ra, trong khi nhiều người Ả-rập Xê-út (không nhất thiết là giới chóp bu) coi IS là một phong trào man rợ mà rốt cuộc có thể phá hoại đất nước, thì hiện họ lại tỏ ý sẵn lòng để IS tiếp diễn chiến dịch bạo lực. Xét cho cùng, bất chấp những thảm kịch mà người ta chứng kiến ở Paris, Brussels và San Bernardino, thì đa phần các nạn nhân của IS nhìn chung đều là tín đồ dòng Shia.

Nếu Hoa Kỳ đã “giải quyết xong bất đồng” với Ả-rập Xê-út thì giờ cần phải tiến hành một việc nghiêm túc, đó là bắt đầu một cuộc đối thoại cởi mở về quan hệ song phương, dựa trên việc thừa nhận ở một mức độ nào đó vai trò trung tâm của chủ nghĩa Wahhab trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan Sunni trên toàn khu vực.

Ả-rập Xê-út không thể tiếp tục được cho phép đổ lỗi cho ai thêm được nữa, chẳng hạn như việc đổ vấy cho chính quyền do người Shia lãnh đạo ở Iraq vì không quan tâm tới cộng đồng tín đồ Sunni ở nước này. Không chỉ riêng hoàng gia mà chính những người dân Ả-rập Xê-út cũng cần có trách nhiệm góp sức đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan đang tồn tại trong và ngoài biên giới lãnh thổ nước mình.

Christopher R.Hill, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á, là Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan, Phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ về Kosovo, Nhà đàm phán của Hiệp định hòa bình Dayton, và là Nhà đàm phán chính của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên từ 2005 – 2009. Ông hiện là Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Korbel, Đại học Denver, và tác giả của cuốn Outpost.

Xem thêm:

Lịch sử chủ nghĩa Wahhabi và sự trỗi dậy của ISIS

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Kingdom and the Power
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]