Lịch sử tình báo viết trên cây cầu qua hai chiến tuyến

Tổng hợp: Quang Học

Cây cầu Glienicker bắc ngang sông Havel, nối hai thành phố Potsdam với Berlin (CHLB Đức) mang một ý nghĩa rất đặc biệt đối với lịch sử tình báo thế giới. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chiếc cầu này hầu như không được sử dụng, nhưng lại trở nên nổi tiếng thế giới vì những vụ trao đổi tù binh gián điệp giữa Liên Xô và Mỹ.

Câu chuyện “cây cầu Thống nhất” biến thành biểu tượng chia cắt

Các lãnh chúa vùng Brandenburg từ năm 1660 đã xây dựng thêm lâu đài ở Potsdam, biến lâu đài mới thành nơi thể hiện uy lực chứ không đơn thuần là nơi đồn trú, qua đó việc giao thông qua lại giữa Potsdam và Berlin ngày càng trở nên nhộn nhịp. Để đi lại thuận tiện, vị Đại lãnh chúa đã cho bắc một cây cầu sang hòn đảo bị ngăn cách bởi con sông Havel.

Glienicker đầu tiên là một cây cầu gỗ đơn giản. Năm 1777, cây cầu này được thay thế bằng một cây cầu gỗ mới, ở giữa là đoạn cầu mở cho phép tàu bè trên sông đi qua. Từ năm 1792 đến 1795, Vua nước Phổ Friedrich Wilheim II đã cho mở rộng con đường từ Berlin tới Potsdam thành một con đường lớn mang tên Potsdamer Chaussee. Mọi người muốn đi lại trên con đường này phải nộp lệ phí, ngoại trừ những người thuộc Hoàng gia. Potsdamer Chaussee thuộc một phần của Đường Đế chế số 1, là một trong những con đường giao thông nhộn nhịp nhất của nước Đức, nối Berlin với miền Tây và Tây Nam nước Đức.

Ngày 3-8-1831, cây cầu Glienicker thế hệ thứ ba được khởi công xây dựng bằng đá, do kiến trúc sư Karl Friedrich Schinkel thiết kế. Ở giữa cây cầu này cũng có một đoạn cầu mở cho tàu bè qua lại.

Ngày 30-9-1834, cây cầu mới được khánh thành và đưa vào sử dụng. Khi mở rộng khu vườn của lâu đài Glienicker, Schinkel đã cho xây một tháp tròn nhỏ nhô lên ở vị trí của ngôi nhà thu lệ phí cầu đường trước đây, đặt tên là tháp “Hiếu kỳ” cho mọi người đứng trên đó ngắm cây cầu và cảnh trí quanh sông Havel. Giao thông đi lại qua cầu Glienicker liên tục gia tăng và lượng tàu bè đi lại trên sông Havel cũng tăng mạnh sau khi kênh đào Teltow được đưa vào sử dụng năm 1906.

Do có phần cầu mở, việc giao thông qua lại cây cầu nhiều lúc ách tắc khá lâu. Vì vậy, một cây cầu mới bằng sắt được xây dựng, cao vượt lên để bên dưới tàu bè có thể tự do qua lại, đến ngày 16-11-1907 thì hoàn thành.

Vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Đức đã tiến hành đợt kháng cự cuối cùng nhằm cản bước Hồng quân Liên Xô ở vùng Wannsee gần đó. Chúng cho nổ hai quả bộc phá làm một phần cây cầu bị phá huỷ và không thể qua lại, nhưng một cây cầu tạm bằng gỗ đã được nhanh chóng dựng lên. Để phục vụ cho Hội nghị Potsdam diễn ra tại lâu đài Cecilienhof gần đó, người ta đã cho lắp một cầu phao.

Năm 1947, cây cầu sắt Glienicker bắt đầu được phục hồi cho tới ngày 19-12-1949 được khai trương trọng thể với tên gọi “Cây cầu Thống nhất”. Mặc dù được gọi là “cây cầu thống nhất”, nhưng chạy giữa cây cầu là đường biên giới giữa Tây Berlin và Potsdam. Hai năm rưỡi sau, biên giới giữa Tây Berlin và CHDC Đức đã bị ngăn lại, trong đó có cầu Glienicker. Chỉ một số người có công vụ đặc biệt mới được sử dụng cây cầu Glienicker.

Nhân chứng lịch sử của những năm tháng đối đầu Đông – Tây

Những câu chuyện trao đổi điệp viên tưởng rằng chỉ có trong truyện trinh thám- điệp viên 007, nhưng cây cầu nằm trên đường ranh giới giữa hai thành phố Berlin và Potsdam đã 3 lần trở thành sân khấu chính của các chiến dịch trao đổi điệp viên tù binh và như vậy trở thành chứng nhân lịch sử của sự đối đầu Đông-Tây, một trong những chương gay cấn nhất trong lịch sử của thành phố Berlin bị chia cắt.

Khi bước qua đường ranh giới chia cắt hai khối Đông-Tây, những điệp viên tù binh sẽ được tự do và an toàn. Việc chọn cây cầu Glienicker làm nơi trao đổi tù binh của Liên Xô và Mỹ khi đó cũng nêu rõ quan điểm của cả hai phía: Đây là ranh giới bất khả xâm phạm.

Đại tá Rudolf Abel (đeo kính, ảnh trái) được trao đổi với phi công Francis Gary Powers (ảnh phải)

8 giờ 44 phút ngày 10-2-1962, trên cây cầu Glienicker có hai người đàn ông đi qua cây cầu chỉ cách nhau vài phút, người đi theo hướng đông, người đi về hướng tây. Đây sẽ là chuyện bình thường nếu họ không phải đi trên cây cầu Glienicker và hai khách bộ hành đó không phải là Gary Powers, phi công điệp viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA bị bắt sau vụ máy bay U2 của Mỹ bay vào không phận Liên Xô và Đại tá Rudolf Ivanovich Abel, điệp viên của Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB.

Rudolf Abel tên thật là Vilyam Fisher, hoạt động dưới vỏ bọc là một nhiếp ảnh gia tại New York. Abel được cho là người chỉ huy một mạng lưới tình báo của Liên Xô tại Mỹ, ông đã giúp Liên Xô đánh cắp bí mật hạt nhân Mỹ trong những năm 1940-1950. Ông bị FBI bắt và bị kết án 30 năm tù vào năm 1957.

Ngày 11-6-1985, cũng tại cây cầu này, Liên Xô đã đổi 29 điệp viên CIA lấy 4 điệp viên KGB bị kết án làm gián điệp tại Mỹ, phía đối phương là 5 tù nhân người Ba Lan và 20 người khác bị cáo buộc làm gián điệp bị bắt giữ tại CHDC Đức và Ba Lan. Đây được coi là một trong những vụ trao đổi tù nhân lớn nhất giữa hai khối Đông – Tây kể từ sau khi kết thúc Thế chiến II.

Anatoly B. Shcharansky (trái) được Đại sứ Mỹ hộ tống trong cuộc trao đổi gián điệp.

Lần trao đổi tù binh thứ ba diễn ra vào ngày 11-2-1986. Anatoly Shcharansky là một người Liên Xô gốc Do Thái bị kết tội làm gián điệp cho phương Tây tại Liên Xô vào năm 1978. Ông ta được phóng thích sau 8 năm ngồi tù và lao động bắt buộc. Trong khi đó, phía phương Tây thả 5 người: Karl và Hana Koechner, một cặp vợ chồng người Tiệp Khắc bị Mỹ cáo buộc làm gián điệp cho Tiệp Khắc; Yevgeny Zemlykov, một người Liên Xô bị bắt và tống vào tù tại CHLB Đức năm 1985 vì đánh cắp các bí mật công nghệ; Jerzy Kaczmarek, một sĩ quan tình báo của Ba Lan bị giam giữ tại CHLB Đức và Detlef Scharfenoth, một điệp viên của CHDC Đức bị bắt tại CHLB Đức vào năm 1985.

Quy tắc trao đổi tù binh điệp viên qua cây cầu Glienicker cũng được thực hiện hết sức nhanh chóng. Trước khi việc trao đổi diễn ra, người ta đặt một hàng rào sắt giữa cầu. Giữa hàng rào sắt còn treo một dải lụa dài từ 5m-6m ghi dòng chữ: “Dải băng ranh giới” để xác định rõ ranh giới của hai bên. Những tướng lĩnh đứng đầu đoàn trao đổi sẽ cùng tù binh gián điệp và một đoàn bộ binh vác súng cùng tiến đến dải băng ranh giới. Sau khi hai bên hoàn thành thủ tục trao đổi, mỗi bên đều mở hàng rào sắt của bên mình cho tù binh bước qua.

Khi phương thức trao đổi tù binh gián điệp được thực hiện, muốn thành công thì phải thỏa mãn được điều kiện của cả hai bên. Nếu các điều kiện được thông qua thì vào bất kỳ thời gian nào, việc trao đổi cũng có thể tiến hành được. Tuy nhiên vì nguyên tắc và điều kiện của mỗi nước không giống nhau, cho nên việc mặc cả cũng thường xuyên diễn ra, trong đó, cách thức tìm mọi khe hở của tù binh đối phương đã được áp dụng một cách triệt để.

Ngày 29-10-1963, nhân viên lái xe của Ủy ban xúc tiến thương mại Liên Xô tại Mỹ tên là Ivanov bị bắt giữ với tội danh làm gián điệp cho KGB. Nếu phía Mỹ đưa ra xét xử vụ này, chắc chắn Ivanov cũng sẽ phải bóc lịch trong tù tới hơn 20 năm.

Trước khi vụ việc được chính thức đưa ra tòa án, phía Liên Xô cũng đã yêu cầu trao đổi tù binh tình báo nhưng đã bị phía Mỹ khước từ. Nguyên nhân là Mỹ đã không được thỏa mãn những điều kiện mà phía đối phương đã nêu ra. Lập tức KGB đã tiến hành một loạt các hành động tìm kẽ hở nhằm xoay chuyển tình thế. Để đưa được người của mình về nước an toàn, đầu tiên KGB đã dùng một sinh viên Mỹ bị bắt tại Liên Xô với tội danh lái xe cán chết người, tuy nhiên phía Mỹ đã từ chối. Đúng vào thời điểm này, Giáo sư Edmund của Đại học Yale – một chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu đồng thời cũng là bạn thân của đương kim Tổng thống John F. Kennedy lại có chuyến công du tới Liên Xô. Không bỏ lỡ cơ hội có một không hai này, KGB đã lên kế hoạch để biến Giáo sư Edmund thành con tin trong việc trao đổi lần này.

Tối 31-10-1963, sau khi hoàn thành công việc, Giáo sư Edmund đã được người lái xe của Chính phủ Liên Xô sắp xếp đưa về nhà khách để nghỉ ngơi. Sau khi xuống xe, người lái xe đã đưa cho ông một tập báo để đọc. Cho rằng đó là một hành động hoàn toàn bình thường, Giáo sư Edmund đã không nhìn qua tập báo và nhét nó vào túi áo khoác của mình. Vừa khi ông Edmund ra khỏi nhà khách để tham quan phố phường, lập tức các nhân viên KGB đã ập tới bắt ông với tội danh “Ăn cắp những thông tin về chế tạo vũ khí”. Đương nhiên, những thông tin đó đã được kẹp sẵn trong tập báo mà Giáo sư Edmund đút vào túi áo.

Khi nghe được thông tin này, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã rất tức giận và gọi hành động bắt giữ Giáo sư Edmund là hành động phi pháp. Trong cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng Liên Xô và người đồng cấp của Mỹ ngay sau khi vụ việc của Giáo sư Edmund xảy ra, phía Liên Xô đã khẳng định sẽ thả Giáo sư Edmund với bất kỳ với lý do gì nếu Mỹ thả điệp viên Ivanov của họ. Đương nhiên Mỹ đã khước từ đề nghị này.

Sau 16 ngày giam giữ, dưới sức ép của Mỹ, KGB đã phải thả Giáo sư Edmund về nước.

Tháng 10-1966, KGB còn tiếp tục bắt giữ hai thanh niên của Mỹ với tội danh rửa tiền và cũng dùng những người này để đổi lấy điệp viên Ivanov nhưng Mỹ vẫn từ chối. Sau nhiều nỗ lực những tưởng KGB đã buông xuôi, nhưng một điều bất ngờ lại xảy ra: Ngày 6-10-1967 dưới sự tác động kiên trì của Đại sứ quán Liên Xô, Mỹ đã thả điệp viên Ivanov ngay trước đêm đưa Ivanov ra tòa án xét xử.

Nguồn: ANTG

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]