Đối diện với tội ác quá khứ trên Bán đảo Triều Tiên

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Markus Bell and Sarah Son, “The burden of guilt in post-unification Korea”, East Asia Forum, 20/09/2016.

Biên dịch: Vũ Thành Nam | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Một đạo luật mới sẽ cho phép chính phủ Hàn Quốc có một cách tiếp cận đáng chú ý hơn đối với những vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng đạo luật sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 9, tạo điều kiện cho kế hoạch thành lập một trung tâm có nhiệm vụ điều tra các vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Trung tâm cũng sẽ cung cấp hỗ trợ cho các tổ chức công dân làm việc với vấn đề này.

Luật mới là một phần phản ứng đối với sự tăng cường giám sát của quốc tế đối với cách tiếp cận của Hàn Quốc về vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Động thái này có thể được xem xét trong bối cảnh cả hai bên vĩ tuyến 38 tiếp tục thể hiện rằng việc thống nhất đất nước là mục tiêu chính sách chính thức của họ.

Trong một bài phát biểu kỷ niệm 71 năm ngày giải phóng Hàn Quốc khỏi Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã gắn các vấn đề thống nhất đất nước và nhân quyền với nhau. “Sự độc lập thực sự của Hàn Quốc,” bà Park đã tuyên bố, “sẽ là xây dựng một nước Đại Hàn Dân quốc thống nhất, nơi tất cả 80 triệu người chúng ta có thể tận hưởng tự do và nhân quyền”.

Lập kế hoạch thống nhất đất nước là một việc được gắn chặt với quan điểm lịch sử của Bắc và Nam Triều Tiên. Cả hai quốc gia đều phát biểu về tính tất yếu và cần thiết của việc khắc phục thảm kịch phân chia đất nước năm 1948.

Kế hoạch thống nhất đất nước có xu hướng tập trung vào các chi phí và lợi ích về mặt kinh tế, quân sự và chính trị. Tuy nhiên, mối bận tâm với các khía cạnh vật chất lại không chú ý tới những thách thức xã hội rất đa dạng và dễ thay đổi, có khả năng xuất hiện trong bất kỳ một kịch bản thống nhất đất nước nào. Cụ thể, một Triều Tiên thống nhất sẽ phải vượt qua những trải nghiệm chung và riêng về bạo lực, về sự vi phạm và những tổn thương về quyền con người.

Các cách thức mà xã hội chọn để đề cập, xử lý và thể hiện ký ức của quá khứ rất khác nhau và có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của xã hội đó. Đức là một ví dụ cho thấy cần phải dành cả thời gian và nỗ lực để vượt qua những thảm họa tập thể.

Vào tháng Tư năm 1945, quân đội Mỹ tiến vào vùng ngoại ô một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Đức tên là Dachau. Khi họ vượt qua được những đồng cỏ xanh và tiến vào thị trấn, những người lính đều bị bất ngờ bởi sự bình dị của khung cảnh chào đón họ: một ngày nắng xuân; dân làng ra ngoài trong ngày Chủ nhật với quần áo đẹp nhất, vẫy tay và nói lời chào. Sự ngạc nhiên trở thành sự kinh hoàng khi họ bước vào trại tập trung Dachau, nơi những thi thể đang chờ để hỏa táng được chất thành đống cao.

Trong những tuần tiếp theo quân giải phóng Mỹ đã cho mọi người dân làng Dachau xem các trại tế bần, những xác chết và những người đang hấp hối gầy mòn hốc hác. Có thể sẽ không có chỗ cho sự phủ nhận vụ thảm sát hàng loạt này.

Sức nặng to lớn của Holocaust đã tiếp tục gây nên một hiệu ứng mạnh mẽ trong trí tưởng tượng tập thể của người Đức. Những năm sau chiến tranh được đặc trưng bởi một sự im lặng về các sự kiện trong Thế chiến II. Lina Jakob, nhà nghiên cứu về những nỗi đau và tội lỗi ở Đức thời hậu chiến, giải thích rằng các thế hệ kế tiếp của nước Đức cảm thấy những mức độ trách nhiệm khác nhau đối với vấn đề Holocaust. Thế hệ thứ ba, năm mươi năm sau sự kiện này, đã tỏ ra chủ động nhất trong việc đề cập đến quá khứ ở châu Âu. Những tác động của tội lỗi tập thể  lên tinh thần của nước Đức cũng xuất hiện trước mắt những người quan sát (tình hình) bán đảo Triều Tiên.

Cộng đồng quốc tế hiện nay biết rõ về sáu trại lao động chính của Bắc Triều Tiên. Hình ảnh chụp từ vệ tinh của tác giả David Hawk, ghi chép ngày càng nhiều từ lời kể của những người Bắc Triều Tiên trốn khỏi đất nước của họ, và bằng chứng từ những ‘nhà báo công dân’ cho thấy chính phủ Bắc Triều Tiên giam cầm không qua xét xử từ 80.000 đến 100.000 công dân của mình vì là “tội phạm chính trị”.

Giới chính trị Hàn Quốc vẫn bị chia rẽ sâu sắc trong vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Điều này phần lớn xuất phát từ một nhận thức rằng chính phủ Hàn Quốc đã không chịu trách nhiệm về việc lạm dụng chính người dân của mình dưới thời cai trị độc tài (1962-1987) và giai đoạn dân chủ hóa.

Kim Dong-choon, cựu ủy viên thường trực của tổ chức hiện giờ không còn tồn tại nữa là Ủy ban Sự thât và Hòa giải Hàn Quốc, nói với chúng tôi về sự phức tạp của vấn đề nạn nhân và việc tìm kiếm trách nhiệm trong số những người Hàn Quốc đối với những sự kiện như vụ thảm sát Gwangju vào năm 1980 hoặc những vụ giết hại dân thường diễn ra trước và trong chiến tranh Triều Tiên. ‘Những người sống trước năm 1987 không nói về những việc làm sai trái của chính phủ bởi vì làm vậy là phản văn hóa”, ông Kim nói. “Chế độ độc tài được xem như một vết nhơ, và cha mẹ không muốn biến con họ thành nạn nhân.”

Sự im lặng đối với vấn đề bạo lực của nhà nước ở cả hai miền Triều Tiên lặp lại sự bất lực của người dân thường ở Đức trong việc thảo luận về mối quan hệ của họ với những tội ác trong quá khứ của mình. Nhưng với trường hợp của Đức, im lặng không có nghĩa là những sự kiện biến mất khỏi ký ức của họ. Cảm giác tội lỗi và đau thương tiếp tục tồn tại bên trong họ. Những cảm xúc đó thường xuất hiện đột ngột, bất ngờ và rất cá nhân.

Để chuẩn bị cho kịch bản sau khi thống nhất đất nước, những nạn nhân và thủ phạm người Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế nên xem xét các tội lỗi và trách nhiệm đối với những hành vi quá đáng trong quá khứ như thế nào? Hàn Quốc đang bắt đầu khám phá câu hỏi phức tạp này bằng việc xử lý những kết quả của báo cáo năm 2014 của Ủy ban Liên hợp quốc Điều tra về vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.

Các tổ chức công dân Hàn Quốc đang suy nghĩ về việc áp dụng cơ chế công lý về các tội lỗi trong quá khứ (transitional justice) như là một phần của việc chuẩn bị cho những gì có thể diễn ra khi bán đảo Triều Tiên không còn bị chia rẽ. Chúng bao gồm khởi tố hình sự cũng như việc thành lập các Ủy ban Sự thật và Hòa giải.

Sự ra đời của các đạo luật về quyền con người nhằm vào miền Bắc cũng là một cơ hội để xem xét lại di sản của sự tàn bạo ở Hàn Quốc. Để xua tan những lời buộc tội là đạo đức giả trong tương lai, điều quan trọng là xã hội Hàn Quốc phải kiểm soát chặt chẽ khả năng của họ trong việc đối phó với quá khứ. Hàn Quốc phải học hỏi từ những thành công và thất bại trong những nỗ lực của chính họ trong việc tìm kiếm công lý quá khứ kể từ thời kỳ phong trào dân chủ đến nay. Công việc này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội thống nhất nhằm đảm bảo những hành động tàn bạo như vậy sẽ không bao giờ lặp lại.

Markus Bell là giảng viên tại Trường Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Shefffield.

Sarah Son là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại Đại học London.

Xem thêm:

Lịch sử đen tối của Hàn Quốc vẫn còn bỏ ngỏ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]