Nguồn: Han Kang, “While the U.S. Talks of War, South Korea Shudders,” The New York Times, October 7, 2017.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Tôi không thể thôi nghĩ về một bài báo mình tình cờ đọc được mấy hôm trước. Một ông cụ ngoài bảy mươi vô tình đánh rơi hai bó tiền trên phố. Hai người nhặt được chỗ tiền này và chia nhau đã bị cảnh sát bắt giữ, buộc trả lại số tiền, và bị truy tố tội trộm cắp.
Cho đến đây, nó vẫn là một câu chuyện bình thường. Nhưng ông cụ mang trên mình nhiều tiền như thế là vì một lý do đặc biệt. “Tôi sợ sắp có chiến tranh,” ông cụ nói với cảnh sát, “nên rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng và đang trên đường về.” Ông nói đây là số tiền dành dụm—mỗi tháng một chút—trong bốn năm, định cho các cháu vào đại học. Vì Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950, nên chắc hẳn chiến tranh là một trải nghiệm kéo dài suốt thời thanh niên của ông cụ. Tôi có thể hình dung cảm giác của ông là thế nào, một người đã sống một cuộc đời trung lưu bình thường kể từ đó, trên đường rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng về. Nỗi sợ, nỗi bất an, nỗi bất lực, nỗi lo lắng.
Không như ông, tôi thuộc về thế hệ chưa bao giờ trải qua Chiến tranh Triều Tiên. Đi qua biên giới lên miền Bắc đã là không thể từ trước khi tôi ra đời, và thậm chí đến giờ người miền Bắc vẫn bị cấm gặp gỡ hay liên lạc với người miền Nam. Với những người thuộc thế hệ hậu chiến chúng tôi, đất nước được biết đến với cái tên Bắc Triều Tiên kia đôi khi có cảm giác như một thực thể siêu thực. Dĩ nhiên, về mặt lý trí, tôi và những người miền Nam khác biết Bình Nhưỡng chỉ cách Seoul hai giờ lái xe và cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt mà chỉ là đang ngừng bắn. Tôi biết là nó có tồn tại trên thực tế, mà không phải là một ảo tưởng hay ảo vọng, dù cách duy nhất để kiểm tra điều này là qua bản đồ và tin tức.
Nhưng như một nhà văn đồng nghiệp trạc tuổi tôi từng nói, Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ) đôi khi có cảm giác như là một đại dương. Như thể chúng tôi không sống trên một bán đảo mà sống trên một hòn đảo. Và trong khi tình trạng đặc biệt này đã kéo dài 60 năm nay, người Hàn Quốc đã trở nên miễn cưỡng quen thuộc với một cảm giác căng thẳng và mâu thuẫn về sự thờ ơ và sự căng thẳng.
Thỉnh thoảng, người nước ngoài lại đưa tin rằng người Hàn Quốc có một thái độ bí ẩn đối với Triều Tiên. Ngay cả khi các nước còn lại theo dõi miền Bắc trong sự e ngại, người Hàn Quốc dường như vẫn bình thản lạ thường. Ngay cả khi miền Bắc thử vũ khí hạt nhân, ngay cả giữa những báo cáo về một cuộc không kích có thể có của Mỹ vào Triều Tiên, các trường học, bệnh viện, hiệu sách, hàng hoa, các rạp hát và các quán cà phê ở miền Nam vẫn mở cửa trong thời gian như thường lệ. Trẻ nhỏ vẫn trèo lên những chiếc xe buýt trường học màu vàng và vẫy chào bố mẹ qua cửa sổ; học sinh lớn hơn bước lên xe trong bộ đồng phục, tóc ướt vì mới gội; và những tình nhân vẫn đến các quán cà phê mang theo bánh và hoa.
Thế nhưng, vẻ bình thản này có chứng tỏ là người Hàn Quốc thực sự thờ ơ như vẻ ngoài của chúng tôi hay không? Có phải ai cũng đã thực sự vượt qua nỗi sợ chiến tranh? Không, không phải vậy. Thay vào đó, sự căng thẳng và nỗi sợ tích tụ hàng thập niên đã đi sâu vào bên trong chúng tôi và thể hiện mình trong những giây phút ngắn ngủi ngay cả trong cuộc trò chuyện bình thường. Đặc biệt là trong vài tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự căng thẳng này dần dần gia tăng, trên tin tức mỗi ngày, và trong nỗi lo lắng của mình. Người ta bắt đầu tìm hiểu xem hầm trú ẩn gần nhà và văn phòng nhất nằm ở đâu. Trước Chuseok, lễ tạ ơn của chúng tôi, có người còn chuẩn bị quà cho gia đình—không phải hộp hoa quả thông thường, mà là những “ba lô sinh tồn,” có đèn pin, radio, thuốc, bánh quy. Ở ga tàu và sân bay, mỗi lần có bản tin liên quan đến chiến tranh, người ta lại tụ tập trước tivi, dõi theo màn hình với những gương mặt căng thẳng. Tình hình với chúng tôi là như thế. Chúng tôi lo lắng. Chúng tôi sợ cái khả năng trước mắt là Triều Tiên, ngay bên kia biên giới, thử vũ khí hạt nhân lần nữa và sợ rò rỉ phóng xạ. Chúng tôi sợ một cuộc khẩu chiến đang dần leo thang trở thành một cuộc chiến thực sự. Vì còn những ngày chúng tôi còn muốn thấy. Vì còn những người thân yêu ở bên cạnh. Vì còn 50 triệu người sống ở phần phía Nam của bán đảo này, và 700.000 trẻ em trong số đó không chỉ đơn thuần là một con số với chúng tôi.
Một lý do, ngay cả trong những tình cảnh cực đoan này, khiến người Hàn Quốc tiếp tục cố gắng giữ một trạng thái cân bằng và bình tĩnh thận trọng là vì chúng tôi cảm thấy rõ ràng hơn các nước còn lại trên thế giới về sự tồn tại của Triều Tiên. Vì một cách tự nhiên chúng tôi phân biệt được các nền độc tài và những người phải chịu khổ dưới chế độ, chúng tôi cố gắng đáp lại hoàn cảnh một cách toàn diện, vượt ra ngoài sự phân biệt thiện ác. Chiến tranh tiến hành là vì ai? Cái kiểu câu hỏi đã tồn tại từ lâu này đang nhìn thẳng vào mặt chúng tôi, như một thực tế có thể cảm nhận được một cách sống động.
Trong lúc nghiên cứu để viết cuốn tiểu thuyết Human Acts, nói về cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980, khi chế độ độc tài quân sự dùng đến các lực lượng vũ trang để đàn áp các sinh viên biểu tình chống thiết quân luật, tôi đã phải mở rộng phạm vi sang cả các tài liệu liên quan đến Thế chiến II, Nội chiến Tây Ban Nha, cuộc diệt chủng Bosnia và các vụ thảm sát người Mỹ bản địa. Bởi vì rốt cuộc tôi muốn tập trung không chỉ vào một thời điểm và nơi chốn cụ thể mà vào bộ mặt của nhân tính phổ quát được bộc lộ qua lịch sử của thế giới này. Tôi muốn hỏi điều gì khiến con người làm hại nhau tàn bạo đến thế, và chúng ta nên hiểu như thế nào những người chưa bao giờ đánh mất nhân tính trước bạo lực. Tôi muốn lần về cây cầu bắc qua vực thẳm đang hé rộng giữa sự man rợ và phẩm giá. Một trong những điều tôi nhận ra trong lúc nghiên cứu là trong mọi cuộc chiến và thảm sát đều có một điểm quan yếu mà ở đó con người coi một số người khác như những kẻ “hạ nhân”—bởi vì họ có một quốc tịch khác, sắc tộc khác, tôn giáo khác, ý thức hệ khác. Và nhận thức này cũng đến cùng một lúc: Phòng tuyến cuối cùng để con người có thể tiếp tục làm người là nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nỗi khổ của người khác, cái nhận thức ấy vượt lên trên tất cả những định kiến kia. Và việc ý chí và hành động thực tế, thực tiễn, vốn vượt xa lòng trắc ẩn đơn thuần với nỗi khổ của người khác, đòi hỏi chúng ta mọi lúc.
Chiến tranh Triều Tiên là một cuộc chiến ủy nhiệm được kích hoạt trên bán đảo Triều Tiên bởi các cường quốc láng giềng. Hàng triệu người đã bị sát hại trong ba năm tàn bạo này, và lãnh thổ quốc gia trước kia đã bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ đến tương đối gần đây việc có một số trường hợp Quân đội Hoa Kỳ, các đồng minh chính thức của chúng tôi, thảm sát dân thường Hàn Quốc trong quá trình đầy thảm kịch này mới được hé lộ. Trong vụ nổi tiếng nhất, vụ thảm sát No Gun Ri, lính Mỹ đã đẩy hàng trăm người dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, xuống một cây cầu đá, rồi bắn họ từ cả hai bên trong nhiều ngày, giết chết hầu hết bọn họ. Sao lại phải như thế? Nếu họ không coi người tị nạn Hàn Quốc là “hạ nhân,” nếu họ nhận thức được nỗi khổ của người khác một cách đầy đủ và đúng đắn, coi họ như những con người có phẩm giá, thì làm sao một chuyện như thế lại có thể xảy ra được?
Bây giờ, gần 70 năm sau, tôi đang cố lắng nghe hết sức có thể những gì người ta nói trên tin tức từ nước Mỹ, và nó nghe quen thuộc đến sợ. “Chúng ta có nhiều kịch bản.” “Chúng ta sẽ thắng.” “Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, sẽ có 20.000 người Hàn Quốc thiệt mạng mỗi ngày.” “Đừng lo, chiến tranh không có ở nước Mỹ. Chỉ có ở bán đảo Triều Tiên.”
Đối với chính phủ Hàn Quốc, vốn chỉ nói về một giải pháp đối thoại và hòa bình trong tình hình đối đầu căng thẳng này, tổng thống Hoa Kỳ đã nói, “Họ chỉ hiểu có một chuyện.” Đó là một lời bình luận chính xác. Người Hàn thực sự chỉ hiểu có một chuyện. Chúng tôi hiểu rằng bất cứ giải pháp nào không phải là giải pháp hòa bình đều là vô nghĩa và “chiến thắng” chỉ là một khẩu hiệu rỗng tuếch, vô lý và bất khả. Những con người hoàn toàn không muốn có một cuộc chiến ủy nhiệm khác đang sống, ở đây và ngay lúc này, trên bán đảo Triều Tiên.
Khi nghĩ về những tháng sắp tới, tôi lại nhớ về ánh nến của mùa đông năm ngoái. Mỗi thứ Bảy, ở các thành phố trên khắp Hàn Quốc, hàng trăm ngàn người dân lại tụ họp và cùng nhau hát để biểu tình phản đối chính phủ tham nhũng, cầm nến trong cốc giấy, hét lên rằng tổng thống phải từ chức. Tôi cũng xuống đường, cầm cây nến của riêng mình. Lúc đó, chúng tôi gọi nó là cuộc “tập hợp ánh nến” hay cuộc “biểu tình ánh nến”; giờ chúng tôi gọi nó là cuộc “cách mạng ánh nến” của mình.
Chúng tôi chỉ muốn thay đổi xã hội thông qua thứ công cụ thầm lặng và yên bình của ánh nến, và những người cuối cùng đã biến nó thành hiện thực—không, hàng chục triệu con người có đầy đủ phẩm giá, đơn giản vì được sinh ra trong cõi đời này như những sinh mệnh, yếu đuối và không một vết nhơ—đang tiếp tục mở cánh cửa của các quán cà phê và các quán trà, cánh cổng của các bệnh viện và các trường học mỗi ngày, cùng nhau tiến từng bước về phía trước vì một tương lai ngập tràn tươi mới trong mỗi khoảnh khắc. Ai sẽ nói, với họ, về kịch bản nào khác ngoài kịch bản hòa bình?
Han Kang (Hàn Giang) là nhà văn người Hàn Quốc. Cô được trao giải Man Booker Quốc tế năm 2016 cho cuốn Người ăn chay.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]