‘Chính sách hướng Đông’ của Tổng thống Moon Jae-in

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Yoon Young-kwan, “Moon’s South Korean Ostpolitik”, Project Syndicate, 09/05/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ông Moon Jae-in của Đảng Dân chủ Hàn Quốc vừa được bầu làm tổng thống mới của Hàn Quốc. Đây là lần chuyển giao quyền lực thứ hai từ phe bảo thủ sang phe tự do trong lịch sử dân chủ của đất nước này. Tất cả xuất phát một cách bất ngờ vào tháng 10 năm ngoái, với việc nổ ra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye, kết quả là bà đã bị luận tội và phải rời nhiệm sở vào hồi đầu năm nay. Mặc dù sự ra đi của bà Park là một tổn thất, nhưng nó cũng cho thấy sự vững chắc của nền dân chủ Hàn Quốc.

Ông Moon sẽ nhậm chức tại thời điểm căng thẳng tăng cao với Bắc Triều Tiên. Để hiểu được chính sách mà ông sẽ theo đuổi, cần phải am hiểu tư duy chính sách đối ngoại theo hướng tự do của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung giai đoạn 1998-2003.

Ông Kim đã chứng kiến Chiến tranh Lạnh kết thúc một cách hòa bình ở Châu Âu, và ông mong muốn đưa cuộc đối đầu không ngừng nghỉ của đất nước ông với những người cộng sản miền Bắc đến một cái kết phi bạo lực như vậy. Do đó, ông theo đuổi việc can dự trực tiếp với Bắc Triều Tiên, và “Chính sách Ánh dương” của ông đã được tiếp tục thực hiện bởi Roh Moo-hyun – người kế nhiệm ông. Trước khi ông mất vào năm 2009, ông Roh (tôi từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời của ông) là một người thầy về chính trị và bạn thân của ông Moon.

Sự kiện tái thống nhất nước Đức, kết quả từ chính sách của Tây Đức can dự trực tiếp với Đông Đức trong những thập niên cuối của Chiến tranh Lạnh, hay còn gọi là Ostpolitik (Chính sách hướng Đông), đã trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho cố Tổng thống Kim. Cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt bắt đầu theo đuổi Ostpolitik trong những năm 1970 và Helmut Kohl vẫn duy trì chính sách này sau khi ông lên nắm quyền năm 1982. Mặc dù Ostpolitik không thể thay đổi bản chất chế độ của Đông Đức, nhưng nó đã làm cho Đông Đức phụ thuộc nặng nề vào Tây Đức, và đã mang lại cho chính quyền ông Kohl đòn bẩy chính trị quan trọng trong quá trình tái thống nhất đất nước.

Dĩ nhiên phần lớn các nhà tự do chủ nghĩa Hàn Quốc nhận ra rằng Bắc Triều Tiên không phải là Đông Đức, nước không bao giờ đe dọa Tây Đức hay Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Moon và giới ủng hộ ông vẫn lấy làm tiếc vì các tổng thống Hàn Quốc theo hướng bảo thủ từ thời Lee Myung-bak trở đi đã không duy trì Chính sách Ánh dương, như Kohl đã làm với Ostpolitik. Nếu như họ duy trì chính sách này, Bắc Triều Tiên có thể đã trở nên phụ thuộc vào Hàn Quốc hơn so với Trung Quốc, khi đó, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã không phải liên tục khẩn nài Trung Quốc để kiểm soát chế độ Bắc Triều Tiên.

Những người theo chủ nghĩa tự do của Hàn Quốc cũng thừa nhận rằng tình hình chiến lược đã thay đổi đáng kể từ thời cố Tổng thống Kim và giai đoạn đầu cầm quyền của ông Roh khi mà Bắc Triều Tiên chưa thực sự trở thành một quốc gia hạt nhân trên thực tế. Để thực hiện ước mơ tự do của mình về thống nhất quốc gia, ông Moon sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều so với những gì mà những người tiền nhiệm của ông phải đối mặt.

Ông Moon vẫn sẽ theo đuổi ước mơ của mình, nhưng ông sẽ làm việc đó một cách thận trọng và lưu tâm tới thực tế địa chính trị. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Washington Post, ông đã làm rõ rằng ông coi liên minh với Hoa Kỳ là nền tảng của ngoại giao Hàn Quốc và cam kết sẽ không bắt đầu đàm phán với Bắc Triều Tiên mà không tham vấn trước với Hoa Kỳ. Nhưng, bên ngoài các cuộc đàm phán chính thức, ông cũng có thể cố gắng tiếp xúc với Bắc Triều Tiên bằng cách khôi phục hợp tác liên Triều về các vấn đề y tế và môi trường, vốn nằm ngoài phạm vi của các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong 9 năm qua, các tổng thống phe bảo thủ – đặc biệt là bà Park – đã cắt đứt tất cả các tiếp xúc với Bắc Triều Tiên trong nỗ lực ép nước này tiến tới phi hạt nhân hóa. Những người theo chủ nghĩa tự do Hàn Quốc cho rằng chính sách này đã làm phương hại mục tiêu quốc gia về tái thống nhất trong hòa bình, biến nó thành một khẩu hiệu sáo rỗng. Họ tin rằng duy trì mối quan hệ liên Triều sẽ đặt nền móng cho việc thống nhất Bán đảo, giống như Ostpolitik đã làm ở nước Đức. Do vậy, ông Moon có nhiều khả năng sẽ theo đuổi chiến lược hai mũi nhọn, đó là phi hạt nhân hóa đi cùng với can dự và chuẩn bị cho tái thống nhất về sau.

Ông Moon cũng thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ là cần thiết để đưa Bắc Triều Tiên tới bàn đàm phán. Vì vậy, chính phủ của ông sẽ không có bất đồng cơ bản với Mỹ, đặc biệt là khi hiện nay Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson đã tuyên bố rằng Mỹ không muốn thay đổi chế độ ở Triều Tiên.

Ông Moon cũng sẽ linh hoạt hơn so với những người tiền nhiệm bảo thủ của ông nhằm đạt được một thỏa thuận kiểu với Iran do Mỹ dẫn đầu với mục đích đóng băng các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Nhưng nếu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cố gắng buộc Hàn Quốc trả chi phí cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vừa được Hoa Kỳ triển khai, ông Moon sẽ phải từ chối. Nếu không, ông sẽ đối mặt với phản ứng dữ dội từ cánh tả cũng như cánh hữu.

Vấn đề cuối cùng nhưng mang tính then chốt là Trung Quốc, vốn đã có một lịch sử cay đắng với Triều Tiên. Trung Quốc luôn can thiệp bất cứ khi nào họ nhận thấy bán đảo Triều Tiên trở thành bàn đạp tiềm năng cho một cường quốc hải quân xâm lược nào đó. Trung Quốc đã thực hiện can thiệp vào năm 1592, khi Nhật Bản chuẩn bị tấn công nhà Minh bằng cách chinh phục Triều Tiên dười triều Choson. Sự can thiệp tái diễn lần nữa trong Chiến tranh Trung-Nhật năm 1894, và sau đó là trong Chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 1950.

Bất chấp lịch sử đó, các nhà tự do chủ nghĩa Hàn Quốc thừa nhận rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ là cần thiết để đạt được tái thống nhất. Theo đó, chính phủ của ông Moon sẽ phải duy trì một liên minh vững chắc với Mỹ cùng lúc với các nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vốn trở nên lạnh nhạt sau khi Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống THAAD. Ông Moon có thể xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc bằng cách lý giải rằng hệ thống này là tạm thời và có thể gỡ bỏ khi hoàn tất phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Những người dự đoán rằng nhiệm kỳ của ông Moon sẽ làm gián đoạn quan hệ Hàn Quốc với Hoa Kỳ và Nhật Bản chắc chắn là nhầm lẫn. Xét cho cùng, trong nhiệm kỳ của tổng thống Roh, Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc-Hoa Kỳ, cho phép quân đội Hoa Kỳ được triển khai trở lại bên trong biên giới của họ, đồng thời phái các lực lượng tham gia chiến đấu cùng với Hoa Kỳ ở Iraq. Moon sẽ tiếp tục khẳng định di sản đó và nỗ lực khôi phục một phiên bản mới, cập nhật hơn của Chính sách Ánh dương, thứ thể hiện khát khao cơ bản nhất của Hàn Quốc về lâu dài.

Yoon Young-Kwan, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, là giáo sư hưu trí ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Moon’s South Korean Ostpolitik
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]