Báo cáo thường niên 2016

I. Giới thiệu Dự án Nghiên cứu Quốc tế

1. Sứ mệnh

Ra đời ngày 9/5/2013, Dự án Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org) là một dự án phi chính trị, phi lợi nhuận nhằm mục đích phát triển nguồn học liệu chuyên  ngành nghiên cứu quốc tế bằng tiếng Việt và thúc đẩy việc học tập, nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Việt Nam.

2. Lý do ra đời

Trong khi số người học tập và nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Việt Nam ngày càng gia tăng thì việc tiếp cận các tài liệu mang tính học thuật của thế giới về lĩnh vực này còn rất hạn chế vì hai lý do: Thứ nhất, các tài liệu này thường phải trả phí mới tiếp cận được, trong khi các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam hầu như không có chi phí trang trải. Thứ hai, các tài liệu này chủ yếu được xuất bản bằng tiếng Anh, khiến nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu, và đặc biệt là quảng đại độc giả quan tâm đến các vấn đề quốc tế nói chung, gặp khó khăn trong việc tiếp thu, lĩnh hội. Dự án Nghiên cứu Quốc tế ra đời với hi vọng sẽ góp phần khắc phục được các vấn đề trên.

3. Hoạt động chính

Hoạt động chính của Dự án là biên dịch sang tiếng Việt và xuất bản trên website của mình các nguồn tài liệu mang tính học thuật về lĩnh vực quan hệ quốc tế, bao gồm chính trị quốc tế, kinh tế quốc tế, và luật pháp quốc tế.

Các tài liệu này chủ yếu là các bài báo trên các tập san quốc tế, các chương sách, hoặc các tài liệu tương ứng, đã được xuất bản bởi các nhà xuất bản, các trường đại học và viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới.

Các bài dịch học thuật của Dự án được đăng tại chuyên mục Biên dịch. Danh mục rút gọn của các bài dịch này được đăng trên trang Mục lục.

Từ tháng 6/2014, Dự án ra mắt chuyên mục Bình luận để đăng các bài bình luận tiêu biểu của các tác giả Việt Nam hoặc dịch từ các nguồn tiếng nước ngoài uy tín về các vấn đề quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam.

Từ tháng 12/2014, Dự án ra mắt chuyên mục Quân sự – Chiến lược với mục tiêu đưa ra một cái nhìn vừa tổng quát vừa chi tiết về những thay đổi và biến động nhanh chóng của tình hình quân sự – chiến lược khu vực.

Trong năm 2015, Dự án đã liên tục có những cải tiến, đa dạng hóa nội dung với sự ra đời của 4 chuyên mục mới: Sự kiện (3/2015); Nhân vật (4/2015); Hỏi – đáp (9/2015), và Tin tham khảo (11/2015).

II. Hoạt động năm 2016

Trong năm 2016, Dự án xuất bản tổng cộng 1.080 bài, đạt trung bình gần 3 bài mỗi ngày.

Do khuôn khổ nội dung Dự án đã được định hình ổn định, trong năm 2016 Dự án không mở các chuyên mục mới mà chủ yếu củng cố các chuyên mục hiện có, trừ việc thử nghiệm chuyên mục Video trong một thời gian ngắn trước khi tạm dừng vì chưa có người phụ trách.

Dự án tiếp tục duy trì chất lượng các bài đăng theo các tiêu chí hoạt động của mình, thu hút ngày càng nhiều bạn đọc.

Trang Facebook của Dự án cũng thu hút ngày càng nhiều người theo dõi, với số followers tới cuối năm 2016 đạt mức 24.500. Trang cũng có một số cải tiến để tăng tính hấp dẫn, như việc giới thiệu chuyên mục Quote of the Day, chuyên chia sẻ các câu nói nổi tiếng và thú vị về các vấn đề quốc tế.

Trong năm 2016, Dự án cũng thu hút hàng trăm lượt đăng ký cộng tác viên. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả công việc, Dự án chỉ tuyển chọn một số cộng tác viên có năng lực, đồng thời tập trung giao bài cho đội ngũ cộng tác viên hiện hữu, vốn là những người đã chứng minh được năng lực với Ban quản trị Dự án. Một lý do khác khiến Dự án muốn tập trung gửi bài cho các cộng tác viên hiện hữu là nhằm giúp các cộng tác viên này đạt được số bài theo quy định để được hưởng chế độ bồi dưỡng cộng tác viên của Dự án.

III. Tài chính năm 2016

1. Thu

Trong năm 2016, Dự án có ngân sách hoạt động ban đầu là số tiền 20.320.000 VNĐ từ ngân sách năm 2015 chuyển sang. Ngoài ra, các nguồn thu khác của Dự án trong năm còn có:

  • Tiền đóng góp của các nhà tài trợ, gồm: 598,16 USD; 50 AUD; 281 SGD; và 36.300.000 VNĐ. Sau khi quy đổi các khoản ngoại tệ ra VNĐ theo tỉ giá ngày 31/12/2016, số tiền tài trợ Dự án nhận được trong năm 2016 tương đương 55.021.815 VNĐ. Danh sách chi tiết các nhà tài trợ xin xem ở Phụ lục II.
  • Tiền nhuận bút đăng lại từ Vietnamnet và tạp chí Tia sáng, đạt 12.700.000 VND.

Như vậy trong năm 2016, Dự án có ngân sách hoạt động là 20.320.000 + 55.021.815 + 12.700.000 = 88.041.815 VND.

2. Chi

Trong năm 2016, Dự án có ba khoản chi chính:

  1. Chi trả chi phí duy trì trang web: 288USD/năm, bao gồm tiền thuê server và duy trì tên miền.
  2. Chi trả phí bản quyền trang Project Syndicate (PS): 300 USD/năm (Xem invoice ở Phụ lục IV)
  3. Tiền bồi dưỡng cộng tác viên:

Mặc dù Dự án chủ yếu hoạt động dựa trên tinh thần đóng góp tự nguyện của các cộng tác viên/biên tập viên, nhưng Dự án cũng muốn đền bù một phần công sức cho các thành viên nòng cốt, gắn bó lâu dài, đã có những đóng góp lớn cho sự tồn tại và phát triển của Dự án. Theo đó, trong năm qua, Dự án đã tiếp tục chi trả một số khoản thù lao nhỏ để cám ơn họ, đồng thời động viên họ tiếp tục gắn bó và đóng góp cho trang. Cụ thể, các khoản thù lao này chia làm 3 mức:

  • Mức 1: 6 triệu đồng, dành cho Biên tập viên nòng cốt, hoặc Cộng tác viên đóng góp nhiều bài viết giá trị, thu hút sự quan tâm và lượt đọc lớn từ độc giả

Số lượng: 2

  • Mức 2: 5 triệu đồng, dành cho Cộng tác viên nòng cốt phụ trách một chuyên mục

Số lượng: 2

  • Mức 3: 2 triệu đồng, dành cho một số Cộng tác viên có năng lực, có triển vọng gắn bó với Dự án lâu dài, đã đóng góp ít nhất 25 bài và chưa nhận tiền bồi dưỡng lần nào.

Số lượng: 7

Tổng cộng trong năm 2016, Dự án đã chi tổng cộng số tiền bồi dưỡng 36 triệu đồng cho 11 Cộng tác viên nòng cốt (Xem Phụ lục III).

Như vậy, trong năm qua Dự án đã chi 588 USD và 36 triệu VNĐ. Sau khi quy đổi theo tỉ giá ngày 31/12/2016, số chi tổng cộng của Dự án trong năm 2016  tương đương 49.321.140 VNĐ.

Đến hết ngày 31/12/2016, số dư ngân sách của Dự án tương đương 38.720.665 VNĐ.

Bảng cân đối các khoản thu chi xin xem ở Phụ lục I.

3. Dự kiến thu chi năm 2017

Trong năm 2017, ngoài các khoản chi thường xuyên nhằm duy trì hạ tầng trang web và chi trả phí bản quyền, Dự án dự kiến sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho một số Cộng tác viên nòng cốt khác khi họ đáp ứng được các tiêu chí nêu trên. Các Cộng tác viên/Biên tập viên đã được bồi dưỡng một lần nhưng nếu tiếp tục đóng góp tích cực và hiệu quả cho Dự án thì vẫn có thể tiếp tục được bồi dưỡng trong các đợt tiếp theo. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn hạ chuẩn nhận thù lao dựa trên số bài đóng góp để có thể chi trả cho nhiều cộng tác viên hơn.

Về lâu dài, đây sẽ là khoản chi lớn nhất của Dự án, nhưng cũng là điều mà Dự án mong muốn thực hiện để có thể duy trì được một đội ngũ Cộng tác viên nhiệt tình và có năng lực, đảm bảo sự phát triển bền vững của Dự án.

Vì vậy Dự án hi vọng có thể tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đóng góp của quý độc giả quan tâm để  Dự án có thể thực hiện được mục tiêu này. Thông tin về cách tài trợ cho Dự án xin xem ở Phụ lục V.

Thay mặt Dự án Nghiên cứu Quốc tế

Lê Hồng Hiệp

Xin vui lòng download toàn văn Báo cáo (PDF) để xem chi tiết các Phụ lục.

Quý vị có thể tài trợ cho Dự án thông qua các hình thức sau:

1.       Qua Paypal

Tài khoản: [email protected]

2.       Chuyn khon ngân hàng:

Tên tài khoản: Lê Hồng Hiệp

Số tài khoản: 13510000242497

Ngân hàng: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Gia Định, TPHCM

Trong phần ghi chú giao dịch, Quý vị vui lòng ghi theo cú pháp: “NCQT Tên người gửi Email liên lạc” để chúng tôi có thể gửi email xác nhận, cảm ơn và gửi báo cáo tài chính thường niên. Ví dụ: NCQT Nguyen Van A nguyenvana email.com

Xin trân trọng cám ơn sự quan tâm và ủng hộ của Quý vị!