Trung Quốc bình luận về diễn văn nhậm chức của Trump

Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Sáng ngày 20 tháng 1 theo giờ địa phương, tức ngày 21 giờ Bắc Kinh, Tổng thống thứ 45 nước Mỹ Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ông đã đọc một bài diễn văn nhậm chức có màu sắc cá nhân rất mạnh. Bài diễn văn này nhất định sẽ gây ra sự đánh giá vô cùng phức tạp tại nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Trước mặt mấy vị Tổng thống tiền nhiệm, đầu tiên Trump công khai công kích chính sách đối nội đối ngoại trước đây của Mỹ, mô tả nước Mỹ trước đó mỗi ngày đều là sai lầm, ông điểm lại từng thất bại trong các lĩnh vực đời sống dân chúng. Ông tuyên bố: “Hôm nay không chỉ là sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống tiền nhiệm sang Tổng thống kế nhiệm, từ một chính đảng này sang một chính đảng khác”, mà là “sự chuyển giao quyền lực từ Washington vào tay nhân dân Mỹ”.

Ông nghiêm khắc phê phán “Một nhóm nhỏ ở Washington” đã chiếm đoạt thành quả lợi ích, nhưng điều đó đang thay đổi tại đây, vào lúc này, “bởi lẽ thời điểm của các bạn (nhân dân Mỹ) đã đến rồi, thời điểm ấy thuộc về các bạn”. Ông tiếp tục phong cách nói như khi tranh cử.

Trong diễn văn, Trump còn nhấn mạnh nổi bật chủ nghĩa yêu nước, nhắc lại chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của ông trong thời gian tranh cử. Ông nói tất cả các quyết định về thương mại, thuế, dân nhập cư, ngoại giao đều phải được ấn định vì lợi ích của công nhân Mỹ và các gia đình Mỹ.

Ông cho rằng tất cả các nước đều có quyền đặt lợi ích của mình lên trên hết, Mỹ không tìm kiếm sự áp đặt lối sống của mình lên người khác, mà chỉ mong muốn “có thể tự mình tỏa sáng, trở thành tấm gương”. Ông nhấn mạnh kêu gọi chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cấp tiến, “loại trừ toàn bộ chúng ra khỏi trái đất”.

Trong bài nói của mình, Trump không nhắc đến Trung Quốc hoặc Nga, cũng không nhắc tới tên bất cứ quốc gia nào ngoài Mỹ.

Toàn văn diễn văn nhập chức của Donald Trump. Nguồn: Youtube.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đối với bài diễn văn nhậm chức của Trump là cách dùng từ ngữ trong bài nói này đã nghiêm chỉnh thận trọng hơn, nhưng giọng điệu tư tưởng cơ bản vẫn chẳng khác mấy so với nhận thức của ông ta khi tranh cử. Trong suốt bài nói của Trump, một phần rất lớn là “oán trách” và “phê phán”. Quả thật ông không giống với tất cả các vị Tổng thống tiền nhiệm.

Thứ nhất, ông ta không nể mặt người khác, không chiếu cố tới sự cảm nhận của những người khác và các mặt khác. Bài nói của ông sẽ làm cho Obama, các vị Tổng thống tiền nhiệm khác và rất nhiều nhân sĩ tinh hoa có mặt tại đấy cảm thấy rất không dễ chịu; ông lại càng chẳng để ý tới suy nghĩ của những người và những lực lượng ở cách xa ông hơn nữa.

Thứ hai, ông cho rằng đường lối đối nội của Mỹ và trật tự thế giới hiện nay đều sai lầm, ông hứa hẹn sẽ sửa chữa với mức độ lớn các sai lầm đó.

Thứ ba, chấn hưng kinh tế Mỹ, cải thiện đời sống dân chúng là mục tiêu cầm quyền hàng đầu của ông, hơn nữa dường như ông tin rằng phần lớn nguyên nhân làm cho nền kinh tế Mỹ có vấn đề đều là ở chỗ chính sách kinh tế đối ngoại bất lợi của Mỹ. Ông rất bức thiết muốn tất cả những mặt đó đều thay đổi trở thành có lợi cho Mỹ.

Trump đưa ra những mục tiêu rất hùng vĩ, dường như ông muốn đồng thời triển khai một cuộc cách mạng chính trị trong nội bộ nước Mỹ và một cuộc cách mạng về quy tắc kinh tế thương mại quốc tế trên toàn thế giới. Lập tức có dân mạng Trung Quốc cho rằng ông ta muốn phát động một cuộc “Đại cách mạng văn hóa” phiên bản Mỹ. Nhưng thể chế chính trị của nước Mỹ có khá nhiều sự chế ước quyền lực của Tổng thống. Trump chưa nói ông sẽ hoàn thành cuộc cách mạng đó như thế nào. Hiện nay sức mạnh thúc đẩy lớn nhất của ông mà người ta thấy chính là lực xung kích sinh ra bởi nhân tố tính cách của ông trong quãng thời gian này.

Trước đây, các tân Tổng thống Mỹ đều bỏ nhiều công sức để hàn gắn những chia rẽ xã hội xảy ra trong quá trình tranh cử, nhưng dường như Trump không nóng lòng làm như vậy. Có vẻ như ông càng chuẩn bị “tiếp tục cách mạng”, mượn ảnh hưởng của việc ông làm Tổng thống để lãnh đạo tầng lớp trung lưu và tầng lớp dưới ở Mỹ chống lại giới tinh hoa ở Washington. Nhưng mặt khác, ê kíp của ông lại có nhiều nhà giàu nhất so với các chính phủ từng phục vụ nước Mỹ. Người ông dùng thì mâu thuẫn với mục tiêu ông đề ra.

Trên quốc tế, dường như ông khẳng định sẽ có bất đồng, thậm chí va chạm với một số bạn đồng minh của Mỹ. Một sự kiện sẽ có xác suất cao là nước Mỹ do ông lãnh đạo sẽ xảy ra cọ xát về buôn bán với Trung Quốc. Trong quá khứ, về đại thể, mặt trận quốc tế được phân chia theo tuyến chính là chế độ chính trị và giá trị quan. Dưới thời Trump, tuyến phân chia chính ấy rất có thể trở nên mờ nhạt, lợi ích kinh tế quốc gia – tuyến phân chia chính này có thể nổi bật lên.

Thời gian trước, Trump và ê kíp nói khá nhiều về Trung Quốc nhưng rõ ràng đường lối đối với Trung Quốc của họ vẫn chưa định hình. Họ rất muốn tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, cho một số nhà máy ở Trung Quốc chuyển dịch về Mỹ, có lẽ đây là điều nội bộ họ nói nhiều nhất khi bàn về Trung Quốc. Dường như có thể xác định vấn đề Đài Loan được họ coi là một con bài để chơi.

Trong diễn văn nhậm chức, Trump không nói về “giá trị phổ quát” và địa chính trị, có thể ông ta thật sự không hào hứng với chuyện đó. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là ê kíp của ông sẽ không tăng sức ép với Trung Quốc trên các mặt ấy. Chính sách Trung Quốc của Trump phụ thuộc vào việc ông nhận thức như thế nào về mối quan hệ lợi ích Mỹ-Trung Quốc và việc ông sẽ buộc phải tiến hành sửa đổi mối quan hệ đó hay không. Nếu Trump muốn ép Trung Quốc nhượng bộ, không loại trừ khả năng ông ta chẳng kiêng dè sử dụng mọi thủ đoạn.

Dĩ nhiên nhất định rất nhiều đống lửa sẽ cháy lên trước cửa ngôi nhà của Trump. Rất khó nói bao giờ thì “đến lượt Trung Quốc”.

Nguyên văn tiêu đề: Xã luận : Diễn văn nhậm chức của Trump phát đi những tín hiệu gì (社评:特朗普就职演说释放了哪些信号)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]