Nguồn: “Multi-party political system could ruin Singapore: Ong Ye Kung”, TODAY, 24/01/2017.
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Nếu bối cảnh chính trị ở đây phát triển thành một hệ thống với nhiều hơn một đảng chính trị chi phối, thì điều đó có thể có nghĩa là xảy ra rất nhiều “va chạm trên thực tế” bởi các công đoàn và hiệp hội khác nhau và thậm chí là cả các phương tiện truyền thông trở nên bị chia rẽ khi các bên đều tìm kiếm sự ủng hộ, Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung (phục trách Giáo dục đại học và Kỹ năng) cho biết.
Và nếu các đảng chính trị tập hợp với nhau theo những ngọn cờ “xấu”, như chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo, thì “thứ kết hợp độc hại” này có thể làm đất nước bị phá hỏng, ông Ong cho biết, và lưu ý rằng ngay cả khi các đảng chính trị đại diện cho các quan điểm đa dạng, chính bản chất đó “vẫn có thể biến tướng, gây bất hòa và chia rẽ xã hội”.
Ông Ong đặt ra các kịch bản này ngày hôm qua tại một hội thảo Singapore Perspectives của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), nơi ông đã tham luận tại một phiên thảo luận về hệ thống đa đảng tại Singapore.
Công thức thành công của Singapore có thể chính là một hệ thống độc đảng, theo lời ông Ong, người nằm trong số được coi sẽ thuộc nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore.
Một rủi ro quan trọng về dài hạn, ông lưu ý, đó là một hệ thống đa đảng có thể làm chậm quy trình ra quyết định và sự nhanh nhạy khi điều hành đất nước vượt qua một “môi trường và thế giới luôn biến động”.
“Hãy tưởng tượng, nếu chúng ta có một hệ thống đa đảng thời năm 1965, liệu chúng ta có đi được xa một cách nhanh chóng vậy không?” Ông Ong đặt câu hỏi trong bài phát biểu khai mạc phiên thảo luận.
Nhưng, ông chỉ ra, một hệ thống độc đảng trong trường hợp của Singapore không phải là một đơn thuốc (áp đặt) mà là một kết quả của sự lựa chọn từ các cuộc bầu cử. Ví dụ, bang Massachusetts ở Hoa Kỳ đã luôn bị thống trị bởi Đảng Dân chủ trong một thời gian dài, ông nói thêm: “Quy mô nhỏ và sự tập trung thường xuyên đi cùng nhau”.
Nếu người dân của một quốc gia muốn một hệ thống đa đảng, điều đó sẽ xảy ra. “Công việc của các đảng đối lập là chỉ ra những rủi ro của một sự cai trị độc đảng. Đó là công việc của họ. Nhưng công việc của PAP (Đảng Nhân dân Hành động) là đảm bảo rằng Singapore sẽ tiếp tục phát triển. Chúng tôi cũng sẽ chỉ ra những rủi ro của một hệ thống đa đảng, và quan trọng nhất, chúng ta phải luôn luôn tránh những căn bệnh tự mãn, chủ nghĩa tinh hoa và tham nhũng”, ông nói.
Bình luận của ông Ong là bình luận mới nhất về vấn đề hệ thống đa đảng, điều cũng được đề cập bởi Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen trong một cuộc đối thoại với sinh viên Đại học Yale-NUS vào ngày 13/1. Tiến sĩ Ng đã nói rằng mức độ tiến bộ trong một đất nước không nên được đo bằng số lượng các đảng chính trị.
Hồi năm 2015, Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam đã nói rằng các quốc gia độc đảng không có cạnh tranh chính trị đối mặt với một bất lợi, nhưng có một đảng chiếm ưu thế trong chính trị cũng là một ưu điểm.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã nói về chủ đề này hồi năm 2011 tại Diễn đàn Bộ trưởng Kent Ridge, cho rằng một hệ thống hai đảng không phải là hoàn toàn khả thi tại Singapore vì không có đủ tài năng để tạo thành hai “Đội hạng A”, và nó cũng có thể mang lại một sự chiarẽ xã hội dựa trên giai cấp hoặc chủng tộc.
Hôm qua, ông Ong lưu ý rằng bộ máy công chức sẽ gặp thách thức nhiều nhất trong số các thể chế theo một hệ thống đa đảng, vì nó phải trung lập và phục vụ cho bất cứ đảng nào thành lập chính phủ.
“Bạn có thể làm việc theo một tập hợp các chính sách trong năm năm, sau đó một người mới lên và nói, hãy làm lại tất cả mọi thứ, hoặc xóa bỏ tất cả mọi thứ. Điều đó có thể gây thất vọng và làm nản lòng,” ông nói. Ví dụ, Luật Chăm sóc Y tế Giá cả phải chăng (Obamacare) ở Mỹ đã bị hủy bỏ, và Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, ông nói.
Trước tất cả những rủi ro này, chính phủ phải đảm bảo rằng hệ thống hiện hành vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả, và PAP phải đảm bảo rằng đảng này phải cởi mở và theo kịp thời cuộc, và nghĩ ra các chính sách được “bắt nguồn từ thực tiễn”.
Khi được hỏi bởi Đại sứ lưu động, Giáo sư Tommy Koh trong phiên thảo luận rằng liệu việc phát triển một đảng đối lập đáng tin cậy để thay thế PAP nếu PAP thất bại thì có phù hợp với lợi ích quốc gia hay không, ông Ong cho rằng khả năng mất quyền lực của PAP luôn luôn “là mối bận tâm trong tâm trí của chúng tôi”.
Ví dụ, PAP có thể trở nên tham nhũng và tự mãn. “Lúc đó… nó xứng đáng thua cuộc. Và tôi có niềm tin rằng nếu điều đó xảy ra, sẽ có những người đàn ông và phụ nữ giỏi sẽ tạo thành một chính phủ thay thế”, ông nói.
Ngoài ra, những người khác có năng lực hơn PAP cũng có thể tham gia PAP và thực hiện sứ mệnh. “Tôi cho rằng tính bền vững tồn tại trong hệ thống miễn là chúng ta tiếp tục xác định được người tài,” ông nói.
Chủ tịch điều hành hãng Banyan Tree Holdings Ho Kwon Ping, cũng là một diễn giả tại cuộc thảo luận, nói thêm rằng kịch bản đáng mong muốn nhất sẽ là một hệ thống mà ở đó “có sự cạnh tranh nội bộ mạnh mẽ được thể chế hóa” trong PAP. Ông cho rằng hệ thống này sẽ cho phép có sự linh hoạt của việc tiếp tục nền cai trị độc đảng, hoặc chia thành hai đảng.
“Nếu PAP có thể chứa đựng được những khuynh hướng tư duy khác nhau trong chính nó, đảng sẽ còn tiếp tục với một hệ thống một đảng thống trị trong một thời gian dài nữa,” ông giải thích. Nếu đảng không thể làm được điều đó, nó có thể chia làm hai, với lợi thế là các nhà lãnh đạo của cả hai bên đã có nhiều kinh nghiệm trong quản trị”, ông kết luận.
Hình: Chân dung Bộ trưởng Ong Ye Kung. Nguồn: Todayonline.
Xem thêm: Di sản của ông Lý Quang Diệu: Đảng Hành động Nhân dân
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]