Nguồn: Kheang Un, “Cambodia gets an autocratic upgrade in 2016”, East Asia Forum 20/12/2016.
Biên dịch: Đào Duy Tùng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Các tiến triển về chính trị, kinh tế và quan hệ đối ngoại trong năm 2016 cho thấy Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang tăng cường củng cố quyền lực. Đảng CPP đang theo đuổi một chiến lược ba mặt gồm làm suy yếu phe đối lập, thực hiện chương trình cải cách có ý nghĩa và chống lại sức ép của phương Tây trước thềm các cuộc bầu cử địa phương năm 2017 và bầu cử toàn quốc năm 2018. Thành tích của Đảng CPP trong các cuộc bầu cử này sẽ là một bài kiểm tra quan trọng mang tính quyết định trong việc đánh giá khả năng tiếp tục cầm quyền của đảng này ở Campuchia.
Kết quả của cuộc bầu cử năm 2013, và những cuộc biểu tình lớn có liên quan được tổ chức bởi Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập chống lại gian lận bầu cử mà họ cáo buộc, đã chứng minh tiềm năng của Đảng CNRP trong việc thách thức sự thống trị về lâu dài của Đảng CPP ở Campuchia.
Sức mạnh của Đảng CNRP đến từ liên minh giữa Kem Sokha và Sam Rainsy, những người đã cùng nhau thống nhất người Campuchia cả bên trong lẫn bên ngoài quốc gia này. Trong khi những người bên trong đất nước đang mang lại phiếu bầu cho Đảng CNRP, thì những người Campuchia hải ngoại cung cấp cho Đảng này sự hỗ trợ tài chính. Nỗ lực của Đảng CPP để thu nạp Đảng CNRP thông qua ‘văn hóa đối thoại’ (‘culture of dialogue’) dựa trên nguyên tắc không chỉ trích lẫn nhau đã thất bại bởi Đảng CNRP xem điều đó như một chiến lược trói buộc đảng này vào vị thế thấp hơn. Đảng CNRP biết rõ rằng chấp nhận vị thế thấp hơn như thế sẽ là một sự tự sát chính trị – như đã từng xảy ra đối với Đảng FUNCINPEC bảo hoàng, đảng bị suy yếu từ một đảng chính trị lớn trong những năm 1990 thành một đảng ngoài lề.
Quyết tâm của Đảng CNRP nhằm cạnh tranh với Đảng CPP khiến cho đảng cầm quyền này phải làm suy yếu Đảng CNRP thông qua sự kiểm soát hệ thống tư pháp. Năm 2016, các tòa án của Campuchia đã tuyên án Sam Rainsy tội phỉ bang, buộc ông này ban đầu không dám về nước và sau đó là lưu vong chính trị theo sau một lệnh của chính phủ cấm ông về nước.
Tòa án cũng tuyên Kem Sokha tội không chịu trình diện trước tòa để làm nhân chứng về những cáo buộc liên quan đến tình ái của chính ông này và tuyên phạt ông sáu tháng tù giam. Mặc dù chính phủ đã không bắt giữ ông này nhưng phán quyết đó đã buộc Kem Sokha phải trốn trong trụ sở đảng của ông ta, cơ bản ngăn chặn ông ta tự do di chuyển trong vài tháng. Với sự đồng thuận của Thủ tướng Hun Sen, Vua Norodom Sihamoni đã ân xá cho Kem Sokha vào đầu tháng 12. Nhưng một vài quan chức và nhà hoạt động của Đảng CNRP vẫn ở trong tù.
Với việc một vài lãnh đạo quan trọng của mình bị vô hiệu hóa bởi tòa án, Đảng CNRP đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong việc chuẩn bị cho các cuộc bầu cử địa phương năm 2017 và cuộc bầu cử toàn quốc năm 2018. Mặc dù Đảng CNRP đã xây dựng được cơ cấu tổ chức rộng khắp cả nước, vai trò của các lãnh đạo đảng này trong việc vận động sự ủng hộ của cử tri vẫn rất quan trọng.
Như đã thành lệ kể từ các cuộc bầu cử được bảo trợ bởi Liên Hợp Quốc năm 1993, các đảng đối lập đã đề nghị cộng đồng quốc tế can thiệp. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ nước ngoài là một phần đáng kể trong ngân sách của Chính phủ Campuchia, hiện chiếm khoảng 30 – 40%. Thông quan ODA, các chính phủ phương Tây đã cố gây áp lực lên chính phủ Campuchia nhằm giữ cho không gian chính trị tại nước này rộng mở cho các hoạt động chính trị đối lập. Nhưng tác động của phương Tây lên bức tranh chính trị tại Campuchia đang suy giảm trong bối cảnh Đảng CPP nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Kể từ năm 1994, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 10 tỷ đô la dưới dạng các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho Campuchia. Trong thời gian chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Campuchia hồi tháng 10/2016, Trung Quốc và Campuchia đã ký 31 thỏa thuận, bao gồm hợp tác từ thương mại đến quân sự, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Trung Quốc – Campuchia.
Đảng CPP dựa trên mối quan hệ ô dù chính trị để duy trì sự cố kết của tầng lớp tinh hoa và thu hút sự ủng hộ của công chúng. Nhưng cách hoạt động như thế dẫn đến năng lực yếu kém của nhà nước, bất bình đẳng thu nhập và sự ghét bỏ của của công chúng. Do chỗ dựa cho hệ thống ô dù chính trị của Campuchia xoay quanh mối quan hệ cộng sinh giữa nhà nước/Đảng CPP và giới doanh nghiệp, các hoạt động tìm tô (rent seeking) đã gia tăng chóng mặt. Điều này đến lượt nó lại làm mất đi các nguồn thu của chính phủ dành cho các dịch vụ công.
Việc sử dụng những món quà nhỏ để giành sự ủng hộ trong bầu cử và các nỗ lực nhằm phân loại cử tri thành hai nhóm đối lập ‘chúng ta’ đấu với ‘họ’ đã phản tác dụng. Trong khi danh sách ‘chúng ta’ chính thức của Đảng CPP rất dài, con số thực tế phiếu bầu Đảng CPP nhận được lại ít đi trong các cuộc bầu cử năm 2013 bởi vì rất nhiều người bên ngoài thể hiện ủng hộ chính phủ nhưng lại bí mật bầu cho Đảng CNRP.
Sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của Đảng CNRP buộc Đảng CPP phải đánh giá lại chính sách và chiến lược của mình, dẫn tới sự gia tăng tính chuyên quyền. Mặc dù hệ thống ô dù chính trị vẫn là trung tâm trong hoạt động của Đảng CPP, đảng này đã thay đổi chiến thuật. Nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử trong năm 2017 và 2018, Đảng CPP đã mở rộng hơn nữa chính sách phân phối của mình trong năm nay. Tại các vùng nông thôn, mỗi gia đình trong diện cần sự hỗ trợ trong trường hợp sinh con, có tang hoặc cưới xin sẽ được nhận quà từ Đảng CPP bất chấp việc họ ủng hộ đảng nào.
Với đà tăng trưởng kinh tế năm 2016 được dự đoán đạt 7%, các lĩnh vực công, như y tế và giáo dục, đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư từ ngân sách quốc gia. Đảng CPP cũng tiếp thu các vấn đề trong chiến dịch tranh cử của Đảng CNRP, quan trọng nhất là việc ủng hộ tăng lương cho các nhân viên chính phủ và các thành viên của lực lượng an ninh.
Trong tương lai, sự thống trị của Đảng CPP sẽ tiếp tục giới hạn không gian chính trị kể cả khi chính phủ đối mặt với áp lực từ Đảng CNRP và các chính phủ phương Tây. Để canh chừng đảng đối lập, Đảng CPP sẽ tiếp tục khiến chính phủ phản ứng tích cực hơn đối với nhu cầu của người dân, trong khi sử dụng hệ thống tư pháp bị kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn khả năng vận động sự ủng hộ từ dân chúng của đối thủ. Để chống lại sức ép từ phương Tây, chính phủ của Đảng CPP sẽ tiếp tục có quan hệ thậm chí gần gũi hơn với Trung Quốc, nước cần Campuchia như một đồng mình tin cậy để ngăn chặn ASEAN có quan điểm thống nhất liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Kheang Un là Phó Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Bắc Illinois.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]