Các thách thức đối ngoại của tân tổng thống Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

USF

Nguồn: Christopher R.Hill, “Expecting the unexpected in America”, Project Syndicate, 30/03/2016.

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Khi tổng thống mới của Hoa Kỳ bắt đầu làm việc vào tháng 1 năm 2017, một số vấn đề rõ ràng trong chính sách đối ngoại sẽ chờ đợi sẵn, trong đó vài vấn đề đã tồn tại lâu hơn những vấn đề khác. Một vài trong số này sẽ là những vấn đề nan giải ai cũng biết, như: Bắc Triều Tiên và tham vọng hạt nhân của nước này, Trung Quốc với tham vọng toàn cầu, nước Nga cùng các tham vọng đầy thù hận, và dĩ nhiên là Trung Đông với những tham vọng bất bình thường.

Tuy nhiên, thông thường những khủng hoảng chào đón vị tổng thống mới lại là những cái mà không ai trông chờ. Khi George W. Bush vào Nhà Trắng năm 2001, ông đã kỳ vọng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng, triển khai hệ thống phòng chống tên lửa, và chấm dứt một số nghĩa vụ kiểm soát vũ khí đa phương tồn tại trước đó từ lâu. Nhưng chính quyền Bush đã phải đối mặt với các vấn đề hoàn toàn không được dự đoán trước, bao gồm Afghanistan và Iraq, tiêu tốn mất 8 năm sau đó của nước này.

Điều tương tự có thể xảy ra lần nữa khi chính quyền mới bắt đầu nhiệm kỳ. Một vài khả năng trở nên nổi bật hơn cả.

Bắt đầu với Ả Rập Xê-Út. Với những ai chú ý sát sao tới tình hình hỗn loạn đang tiếp diễn ở Trung Đông, đặc biệt là sự sa sút của các quốc gia – dân tộc quan trọng trong khu vực và sự nổi lên của bạo lực cực đoan, một cuộc khủng hoảng trầm trọng tại Vương quốc này là một khả năng rõ ràng. Ả Rập Xê-Út đã thể hiển sự bển bỉ đáng kể trong việc vượt qua sự yếu kém chính trị, thường là bằng cách sử dụng thu nhập khổng lồ từ dầu mỏ để trả tiền cho việc tránh khỏi rắc rối và duy trì một gia đình hoàng gia lớn chính là một công cụ thiết yếu cho sự ổn định.

Sự ổn định đó có thể tiếp tục, nhưng đó là một khả năng ngày càng ít chắc chắn. Với sự sụt giảm kéo dài của giá dầu, và những nguồn dầu mới (như Iran) đang xuất hiện, Ả Rập Xê Út sẽ thấy việc sử dụng ngân sách dự trữ lớn để duy trì ổn định không còn là một biện pháp dễ dàng như trong quá khứ

Chắc chắn, theo chuẩn mực của đa số các quốc gia, ngân sách dự trữ của Ả Rập Xê Út vẫn còn rất lớn, nhưng lớn không kém là mong muốn của những công dân bất mãn của nước này, chưa kể tới sự gia tăng các vấn đề trong khu vực và cảm nhận của nước này rằng nó phải tăng cường các nỗ lực – thường là nỗ lực tài chính – để chống lại ảnh hưởng đang tăng lên của Iran trong khu vực. Với vị vua Salman cũng đang già đi, ngày phán quyết của Ả Rập Xê Út trong một Trung Đông bị phân cực và cực đoan hóa ngày nay có thể đang đến gần.

Tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ, cường quốc khu vực này trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế liên miên, những cơn siêu lạm phát, và thi thoảng là các cuộc đảo chính quân sự tàn bạo, điều dường như đối với nhiều người Thổ là lối thoát mong muốn khỏi những chính phủ trung tả và trung hữu yếu kém. Bất chấp nền kinh tế và chính trị bất bình thường, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng duy trì một bức tranh tích cực, phần nào đó nhờ tham vọng của nước này trong việc gia nhập Liên minh Châu Âu. Sự kỳ vọng dường như luôn vượt quá các thành tựu của quốc gia này, nhưng nó đã luôn được nhìn nhận bởi các chính quyền phương Tây như là một đối tác và đồng minh tin cậy.

Ngày nay, dù là do “Chủ nghĩa Ottoman mới” hay sự cai trị bẩn thỉu lỗi thời dưới một kẻ chuyên quyền quá nhạy cảm (Tổng thống Recep Tayip Erdogan) với những xu hướng Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào rất nhiều danh sách cần để ý. Sự can thiệp của nước này vào chính trị Trung Đông là ngấm ngầm và thiếu nhất quán hoặc không trong sáng.

Lúc đầu, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã ủng hộ sự lãnh đạo của dòng Alawite của Tổng thống Bashar al-Asad ở Syria, sau đó thì đổi bên rồi tham gia liên minh các quốc gia hồi giáo dòng Sunni trong nỗ lực thất bại cho đến giờ để loại bỏ Assad. Cùng lúc đó, những vấn đề lâu nay với nhóm thiểu số cứng đầu người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên trầm trọng hơn khi Erdogan đã sử dụng vũ lực mạnh tay buộc người Kurd phải đầu hàng. Ông ta đã áp dụng cách tiếp cận này với nhiều đối thủ trong nước, giới truyền thông và những nhóm ủng hộ xã hội dân sự.

Nền chính trị trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi hàng ngày, và sự chia rẽ sâu sắc của đất nước, điều phản ánh những đường đứt gãy về mặt lịch sử và xã hội ăn sâu, cho thấy không có dấu hiệu thu hẹp lại dưới quyền một tổng thống dường như thất thường và không có khả năng thuyết phục bất cứ ai không phải là một người ủng hộ ông ta. Một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria chắc chắn sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt nếu xét đến vai trò của nước này như là một địa điểm hàng đầu cho những người chạy trốn sự hỗn loạn ở Syria, nhưng những hạn chế trong quản lý mà người Thổ phải đối mặt là rất nhiều. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại (như nhiều lần trước đây), và duy trì được sự thống nhất cũng như mục tiêu của mình. Nhưng cũng có thể họ không làm được như vậy.

Những khó khăn lâu năm đó có thể quay trở lại. Nhưng những cuộc khủng hoảng mà chúng tạo ra có thể sẽ khác về mức độ và tầm quan trọng.

Bắc Triều Tiên là một trường hợp như thế. Nhà lãnh đạo hiện tại, Kim Jong-un dường như nguy hiểm hơn nhiều so với người cha, Kim Jong-il, hoặc ông nội, Kim Il-sung. Tất nhiên, khuynh hướng tự nhiên của chế độ này là đe dọa tiến hành chiến tranh chống các quốc gia láng giềng đã không bắt đầu từ Kim 3.0. Xét cho cùng ông nội ông ta thực tế đã phát động Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Nhưng sự liều lĩnh kết hợp với sự nỗ lực không ngừng của Kim Jong-un để chế tạo vũ khí hạt nhân có khả năng bắn tới lãnh thổ đối phương, có thể đẩy vấn đề Triều Tiên lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của tổng thống mới.

Cuối cùng là Trung Quốc. Với rất nhiều người Mỹ, những nguy cơ đặt ra bởi Trung Quốc nằm ở sức mạnh của nó. Thực tế thì nguyên nhân thực sự cần lo lắng không phải là sức mạnh của Trung Quốc, mà là sự yếu kém mới chớm nở, điều có thể đẩy đất nước này – và rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào tình hình kinh tế của nó – vào khủng hoảng.

Người ta hy vọng rằng tất cả những ứng viên đang cạnh tranh cho chức tổng thống Mỹ sẽ giải quyết được những thách thức – cả lâu năm lẫn mới – mà họ sẽ đối mặt này. Thẳng thắn mà nói thì trong một vài trường hợp những hy vọng đó có thể rất phi thực tế. Sẽ có rất ít chỗ cho sai lầm trong bất kỳ trường hợp nào.

Christopher R.Hill, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á, là Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan, Phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ về Kosovo, Nhà đàm phán của Hiệp định hòa bình Dayton, và là Nhà đàm phán chính của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên từ 2005 – 2009. Ông hiện là Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Korbel, Đại học Denver, và tác giả của cuốn Outpost.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Expecting the unexpected in America
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]