Món quà của Trump cho Trung Quốc

Nguồn: Kaushik Basu, “Trump’s Gift to China,” Project Syndicate, 09/03/2017.

Biên dịch: Chu Tuấn Việt | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Những lời đe dọa mang màu sắc chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Nếu ông thực hiện lời hứa của mình và chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ hoặc áp mức thuế nhập khẩu cao hơn chẳng hạn thì những hệ quả ngắn hạn – bao gồm một cuộc chiến thương mại – có thể sẽ rất nghiêm trọng. Nhưng về dài hạn, việc Hoa Kỳ xoay theo chủ nghĩa bảo hộ cũng có thể là một điều trong cái rủi có cái may cho Trung Quốc.

Rõ ràng Trung Quốc đang phải trải qua một giai đoạn phát triển khó khăn. Sau ba thập niên đạt mức tăng trưởng GDP hai con số – một thành tựu rất hiếm có trong lịch sử – tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Giá nhân công tăng kèm theo nhu cầu yếu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến mức tăng GDP hàng năm của nước này giảm xuống còn 6,9% năm 2015 và 6,7% trong năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc hiện giờ đã giảm mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2016–2020 xuống mức 6,5 đến 7%.

Đây vẫn là mức tăng đáng nể; nhưng chưa bằng những gì tốt nhất mà Trung Quốc có thể đạt được. Như Justin Yifu Lin và Wing Thye Woo đã nhận xét, năm 1951, khi GDP bình quân đầu người của Nhật Bản so với Hoa Kỳ tương đương với tỷ lệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay, Nhật Bản đã liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 9,2%.

Gánh nặng nợ quá lớn là một trở ngại ngăn Trung Quốc có thể tăng trưởng mạnh mẽ như vậy. Theo một phân tích độ ổn định nền kinh tế của Viện Toàn cầu McKinsey, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa trên vay nợ và đầu tư của mình, tỷ lệ các khoản nợ xấu (NPL) sẽ tăng từ mức 1,7% hiện nay (theo số liệu chính thức) lên mức 15% chỉ trong hai năm. Tuy vậy, rủi ro của các khoản nợ xấu không phải tin mới đối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, và các bằng chứng cho thấy rằng họ sẽ thực hiện các bước giảm nhẹ rủi ro.

Thật không may là nợ không phải là vấn đề duy nhất của Trung Quốc. Vị thế thống trị trên thị trường xuất khẩu toàn cầu – động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc trong những thập niên gần đây – đang bị xói mòn. Năm ngoái, tỷ lệ kim ngạch thương mại so với GDP của Ấn Độ đã vượt Trung Quốc. Và dù vẫn tăng đều, năng suất lao động của Trung Quốc vẫn thấp hơn 30% so với mức trung bình của các nước phát triển.

Trước những thách thức đó, sẽ thật lạ kỳ nếu khẳng định rằng Trung Quốc sắp vươn đến một tầm ảnh hưởng mới lớn hơn trên toàn cầu. Nhưng nhờ có cách tiếp cận chính sách của Trump, Trung Quốc đang có một cơ hội mới và quan trọng để thành công.

Dù các dòng chảy thương mại và vốn vẫn cần được điều tiết, việc mở cửa các thị trường nhìn chung sẽ đem lại lợi nhiều hơn hại. Các chính sách “tân bảo hộ” của Trump – nhằm hạn chế các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, và nhân lực vào Hoa Kỳ – bắt nguồn không từ đâu khác mà từ chính chủ nghĩa bài ngoại thiển cận. Rốt cuộc, nó sẽ khiến chính Hoa Kỳ bị cô lập nhiều hơn so với mức độ mà nước này muốn cách ly Trung Quốc hoặc Mexico.

Lịch sử đã chỉ rõ điều này. Ngay trước Thế chiến I, Argentina là một trong những nước giàu nhất thế giới, dưới Hoa Kỳ nhưng trên Đức. Kể từ đó, nền kinh tế Argentina đã sụt giảm vì hai nguyên nhân: thiếu đầu tư vào giáo dục (một sai lầm mà có thể Trump cũng sẽ mắc phải) và tăng cường chủ nghĩa bảo hộ.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trong những năm 1920 đã lên đến đỉnh điểm vào năm 1930, khi các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực hữu lật đổ chính phủ Argentina. Chính phủ mới – với quan điểm quyết liệt chống chủ nghĩa tự do, chưa kể đến việc chống người nước ngoài – đã tăng mạnh thuế quan trong nhiều lĩnh vực. Tính trung bình, mức thuế nhập khẩu tăng từ 16,7% năm 1930 lên 28,7% năm 1933. Tuy họ giữ được công ăn việc làm trong các khu vực truyền thống, năng suất lao động lại sụt giảm. Ngày nay, Argentina thậm chí còn chưa lọt được vào danh sách 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vì vậy, do vai trò toàn cầu nổi trội của nước Mỹ, cách tiếp cận chính sách của Trump dự kiến sẽ gây hại lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ và tạo ra nhiều tác động sâu rộng. Nhưng việc tự cô lập về kinh tế, cộng với cách tiếp cận hướng nội “nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại, cũng sẽ tạo ra khoảng trống cho các nước khác – trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico – tăng cường ảnh hưởng quốc tế của họ.

Hãy xem xét việc Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại lớn liên khu vực với sự tham gia của 12 nước châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc. Tất nhiên TPP cũng có những hạn chế, nhất là nó trao cho các tập đoàn lớn những lợi ích bất hợp lý và không công bằng. Nhưng đổi lại nó cũng có rất nhiều ưu điểm, và đã được hoan nghênh tại các nước như Malaysia và Việt Nam vì nó sẽ tạo cho họ cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Bây giờ khi mà các nước này bị đẩy vào thế bước hụt, Trung Quốc có thể chìa một bàn tay ra giúp. Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư của họ vào khu vực này, bao gồm việc sử dụng sáng kiến “một vành đai, một con đường.” Thiếu một TPP với vai trò thúc đẩy dòng chảy vốn giữa các nước thành viên, Trung Quốc rất có thể sẽ soán ngôi Hoa Kỳ trở thành nguồn cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cho các nước ASEAN. Trung Quốc cũng đang tìm cách làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với các nước ký TPP như Úc và New Zealand.

Tương tự, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội tạo ra bởi kế hoạch không được xem xét thấu đáo của Trump là xây dựng một bức tường dọc biên giới với Mexico để vươn đến các láng giềng phương Nam của Hoa Kỳ. Chỉ hơn một tháng sau khi Trump đắc cử, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Ngoại trưởng Mexico Claudia Ruiz Massieu, cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao, đồng thời tăng cường các chuyến bay và thương mại giữa hai nước. Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Nước này có thể cũng đang nhắm đến vị thế tương tự ở Mexico và có thể là cả châu Mỹ Latinh.

Trong khi Trump ngày càng phát ngôn theo hướng bảo thủ và bài ngoại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại giảm giọng điệu dân tộc chủ nghĩa của mình và càng trở nên giống một nhà lãnh đạo toàn cầu hơn. Dường như ông đã nhận ra Trung Quốc đang đứng trước cơ hội để không chỉ đạt được một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới, mà còn có thể bảo đảm một vai trò nổi trội hơn nhiều trong quá trình hoạch định chính sách toàn cầu.

Kaushik Basu, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, là giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Trump’s Gift to China
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]