Nguồn: Jeffrey N. Wasserstorm, “Trump Through Chinese Eyes”, Project Syndicate, 10/01/2017.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, ông ta có rất nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc. Nhưng mức ủng hộ dành cho Trump đã tụt dốc nhanh chóng từ sau đó, bởi vì những phát ngôn – thường là thông qua Twitter của ông ta – về một số vấn đề gặp nhiều tranh cãi, như là Đài Loan và Biển Đông. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên mà quan điểm của Trung Quốc về Mỹ đã xấu đi nhanh chóng như thế.
Sự thay đổi nhanh chóng của dư luận Trung Quốc với Trump gợi nhớ tới những gì đã xảy ra đối với Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson sau khi ông tái đắc cử một thế kỷ về trước. Vào lúc đó, nhiều tri thức Trung Quốc, bao gồm một Mao Trạch Đông trẻ tuổi, đã ngưỡng mộ Wilson, một nhà nghiên cứu chính trị và là cựu chủ tịch của Đại học Princeton. Nhưng vào năm 1919, Wilson ủng hộ Hiệp ước Versailles, với điều khoản cho phép chuyển giao những tô giới cũ của Đức ở tỉnh Sơn Đông cho Nhật, chứ không trao trả lại cho Trung Quốc. Wilson nhanh chóng đánh mất ánh hào quang của mình ở Trung Quốc.
Sự thay đổi giữa hai người rất giống nhau, nhưng lý do của sự thay đổi lại khác. Một thế kỷ trước, Trung Quốc bị buộc phải ủng hộ Wilson, rồi căm giận ông ấy, bởi vì những yếu kém của chính họ. Ngày hôm nay, chính sức mạnh của Trung Quốc lại đang dẫn dắt quan điểm của họ đối với vị Tổng thống Mỹ.
Vào năm 1916, năm mà Wilson tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù nền cộng hòa được tạo dựng vào năm 1912 trên danh nghĩa là một thực thể đơn nhất, đất nước này thực ra lại bị phân thành nhiều mảnh. Các lãnh chúa quân sự kiểm soát những khu vực khác nhau, trong khi các cường quốc ngoại bang, thông qua việc bắt nạt và hối lộ, gom góp những vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc. Với các trí thức Trung Quốc, Wilson là một sự đối nghịch tri thức đối với các lãnh chúa quân phiệt côn đồ.
Nhưng sự thu hút của Wilson vượt ra ngoài phạm vi hình ảnh. Vào năm 1918, sự ủng hộ dành cho Wilson tăng vọt – không chỉ ở Trung Quốc – sau một bài diễn văn tại Quốc hội Mỹ với lời kêu gọi dành cho các quốc gia quyền “tự quyết.” Nếu bỏ qua việc Wilson ủng hộ chính sách Jim Crow[1] ở Mỹ và cuộc xâm lược Haiti dưới sự giám sát của ông, các nhà trí thức ở các quốc gia bị chủ nghĩa đế quốc tàn phá từ Ai Cập đến Triều Tiên đều ghi tâm những tuyên bố của ông, và bắt đầu coi ông như một người cứu rỗi và là anh hùng của các dân tộc bị áp bức.
Các nhà yêu nước Trung Quốc đặc biệt đã hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của Wilson, Mỹ sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn hơn ở châu Á theo những cách có thể bảo vệ Trung Quốc khỏi sự hà hiếp của Đế quốc Nhật. Đối với họ, việc Wilson ủng hộ Hiệp ước Versailles là một sự phản bội sâu sắc.
Trung Quốc năm 2016 khác Trung Quốc của năm 1916 ở một mức độ không thể tưởng tượng được. Họ thậm chí đã vượt qua các quốc gia tiên tiến trong thứ bậc kinh tế thế giới. Nó được thống nhất dưới một sự lãnh đạo mạnh mẽ và tập trung. Trung Quốc có diện tích lãnh thổ rất lớn, bao gồm gần như tất cả các phần lãnh thổ của nhà Thanh ở thời kỳ đỉnh cao của nó. Một ngoại lệ là Đài Loan, nhưng giả tưởng ngoại giao về “Một Trung Quốc” đã duy trì giấc mơ rằng một ngày nào đó, và bằng một cách nào đó, hòn đảo dân chủ này và đại lục chuyên chế sẽ được thống nhất.
Nói ngắn gọn, thì Trung Quốc không cần Mỹ bảo hộ. Ngược lại, họ muốn một vị tổng thống Mỹ bận bịu về các vấn đề đối nội, và không quan tâm nhiều đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, như Barack Obama từng làm. Như thế, Trung Quốc có thể bắt tay vào việc thay đổi các mối quan hệ quyền lực ở châu Á theo hướng có lợi cho mình mà không phải lo nhiều về sự can thiệp của Mỹ.
Trước cuộc bầu cử, Trump đã được biết đến với việc đổ lỗi Trung Quốc một cách vô cớ, thường là liên quan đến những vấn đề kinh tế như là thương mại. Nhưng việc ông ta dường như không quan tâm đến chính sách đối ngoại là điều rất thu hút đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Ông dường như có xu hướng để yên cho Trung Quốc hơn là đối thủ của ông ta, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Việc ông nói rằng ông sẽ cam kết ít hơn những người tiền nhiệm trong việc ủng hộ các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, như Hàn Quốc và Nhật, là điều được những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đón mừng, tương tự như việc Putin phấn chấn với việc ông ta nghi ngờ mức độ cam kết của Mỹ với NATO.
Cũng giống Wilson, Trump có một số người ủng hộ đơn thuần bởi vì nhân cách không giống chính trị gia của ông ta. Dĩ nhiên là Trump không phải là một con mọt sách. Nhưng nhiều người Trung Quốc thích việc ông ta nói (hay tweet) bất cứ những gì ông ta nghĩ, với cách nói “thẳng” khác biệt với cách ứng xử của những chính trị gia kỳ cựu hơn, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, người uốn lưỡi từng chữ một.
Một niềm ước ao tương tự cho “sự thành thật” đã giúp gia tăng – dù theo một hướng rất khác – mức độ ủng hộ dành cho một quan chức Mỹ khác, Gary Locke, người trở thành đại sứ Mỹ ở Trung Quốc vào năm 2011. Hình ảnh về Locke tự xách giỏ và tự mua cà phê ở Starbucks – những công việc đơn giản mà những quan chức cao cấp ở Trung Quốc sẽ sai những người dưới trướng làm – đã thúc đẩy một loạt những bài đăng trên mạng ca ngợi ông là một quan chức đạo đức. Những người hâm mộ ông cho rằng nước Mỹ khác Trung Quốc đến nhường nào, khi mà các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc và những đứa con được nuông chiều của họ được tận hưởng cuộc sống phú quý giống như các gia đình vương giả thời phong kiến.
Thật khó để tưởng tượng rằng sự khác biệt Mỹ-Trung đó giờ vẫn còn phát huy ảnh hưởng, khi những hình ảnh của căn hộ áp mái lòe loẹt của Trump và những bữa tiệc sang trọng ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tiếp tục xuất hiện. Và mặc dù phong cách liên lạc của Trump vẫn nổi bật, đặc biệt khi so sánh với Tập, thì điều đó không còn thu hút nữa khi Trung Quốc trở thành một mục tiêu trong những phát ngôn “bạo miệng” của Trump về những vấn đề nhạy cảm. Cũng như một Trung Quốc yếu ớt không thể dựa vào sự bảo vệ của Wilson, một Trung Quốc mạnh mẽ cũng sẽ không trông chờ việc Trump sẽ nhường đường bằng cách tránh qua một bên mà không thúc cùi chỏ ít nhất vài lần.
Jeffrey N. Wasserstrom, Giáo sư lịch sử tại Đại học California ở Irvine, là chủ biên của cuốn sách The Oxford Illustrated History of Modern China, và là tác giả của cuốn Eight Juxtapositions: China Through Imperfect Analogies from Mark Twain to Manchukuo.
Xem thêm: Trump: Đây là cách nước Mỹ cứng rắn với Trung Quốc
Copyright: Project Syndicate 2017 – Trump Through Chinese Eyes
—————-
[1] Jim Crow là tên một hệ thống phân biệt chủng tộc chủ yếu tồn tại ở các bang miền Nam nước Mỹ trong giai đoạn từ 1877 đến giữa những năm 1960 (NHĐ).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]