Nguồn: Soviets admit to Katyn Massacre, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1990, Chính quyền Liên Xô đã chính thức thừa nhận gây ra Thảm sát Katyn trong Thế chiến II, khiến 5.000 quan chức quân đội Ba Lan bị giết chết và được chôn trong khu mộ tập thể ở rừng Katyn. Hành động thừa nhận này là một phần trong lời hứa của Mikhail Gorbachev nhằm trở nên thẳng thắn và công bình hơn đối với lịch sử của Liên Xô.
Năm 1939, Ba Lan bị xâm lược bởi phát xít Đức từ phía Tây và bởi quân đội Liên Xô từ phía Đông. Trong mùa xuân năm 1940, hàng ngàn quan chức quân đội Ba Lan đã bị lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô bắt giữ, đưa tới rừng Katyn bên ngoài Smolensk. Họ bị thảm sát, và chôn trong một ngôi mộ tập thể. Năm 1941, Đức tấn công Liên Xô và chiếm vùng lãnh thổ Ba Lan mà người Liên Xô đang nắm giữ. Năm 1943, khi cuộc chiến chống Liên Xô trở nên tồi tệ, người Đức tuyên bố họ đã khai quật được hàng ngàn xác chết trong rừng Katyn.
Đại diện của chính phủ Ba Lan lưu vong (ở London) đã đến khu vực này và khẳng định rằng Liên Xô, chứ không phải Đức Quốc Xã, là người phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát. Tuy nhiên, nhóm đại diện này đã bị các quan chức Mỹ và Anh gây áp lực, buộc họ giữ bí mật báo cáo của mình, vì không muốn mạo hiểm làm gián đoạn quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Khi Thế chiến II đi dần đến hồi kết, chiến dịch tuyên truyền của Đức đã bất ngờ chỉ trích Liên Xô, sử dụng Thảm sát Katyn như một ví dụ về hành động tàn bạo của nước này. Lãnh tụ Joseph Stalin thẳng thắn bác bỏ cáo buộc và tuyên bố rằng Đức Quốc Xã phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát. Vấn đề này đã không được lật lại suốt 40 năm.
Tuy nhiên, đến năm 1990, có hai nhân tố đã buộc Liên Xô phải thú nhận tội lỗi. Thứ nhất là việc Gorbachev công khai “cởi mở” trong chính trị Liên Xô, bao gồm việc đánh giá lịch sử Liên Xô một cách thẳng thắn hơn, đặc biệt là trong thời kỳ Stalin.
Thứ hai là tình trạng quan hệ Ba Lan – Liên Xô vào năm 1990. Liên Xô đã mất rất nhiều để có thể kiểm soát các nước vệ tinh ở Đông Âu, nhưng họ vẫn hy vọng giữ được ảnh hưởng càng nhiều càng tốt. Ở Ba Lan, Phong trào Đoàn kết của Lech Walesa liên tục làm xói mòn quyền lực của chế độ cộng sản. Thảm sát Katyn đã gây ra nhiều căng thẳng trong quan hệ với Ba Lan trong hơn bốn thập niên, và có thể các quan chức Liên Xô tin rằng việc thừa nhận và xin lỗi thẳng thắn sẽ giúp giảm căng thẳng ngoại giao vốn đang gia tăng. Chính phủ Liên Xô đã đưa ra tuyên bố sau đây: “Liên Xô bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc với thảm kịch, và xem đây là một trong những cú sốc tồi tệ nhất của thời kỳ Stalin.”
Khó mà xác định được liệu sự thừa nhận của Liên Xô có bất kỳ tác động nào hay không. Chế độ cộng sản ở Ba Lan sụp đổ vào cuối năm 1990, và Lech Walesa được bầu làm Tổng thống vào tháng 12 cùng năm. Còn Gorbachev thì từ chức vào tháng 12/1991, chính thức đặt dấu chấm hết cho Liên Xô.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]