Việt Nam nên ứng xử ra sao với phe đối lập Campuchia?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Trong cuộc bầu cử cấp xã tại Campuchia ngày 04/06/2017 vừa qua, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã lần đầu tiên chịu một tổn thất lớn trước Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập. Cụ thể, nếu như trong ba kỳ bầu cử trước (2002, 2007, 2012), đảng CPP lần lượt giành được 1.598, 1.591 và 1.591 vị trí chủ tịch xã, thì trong cuộc bầu cử vừa qua, họ chỉ còn giành được quyền kiểm soát 1.163 xã. Trong khi đó, phe đối lập với đại diện chủ chốt là đảng CNRP đã giành được 482 vị trí chủ tịch xã so với con số 40 trong cuộc bầu cử 5 năm trước. Kết quả này phản ánh xu thế đi xuống của CPP, vốn đã thể hiện rõ nét trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, đồng thời cho thấy khả năng phe đối lập, cụ thể là CNRP, hoàn toàn có thể vươn lên nắm quyền trong tương lai. Trong bối cảnh đó,  một câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần ứng xử như thế nào với CNRP?

Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa thiết lập một kênh giao tiếp chính thức với CNRP, làm hạn chế khả năng Việt Nam có thể phát huy ảnh hưởng và duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương trong trường hợp có sự hoán đổi quyền lực trên chính trường Campuchia trong tương lai. Có một số nguyên nhân có thể lý giải cho thực tế này.

Thứ nhất, với một loạt các tuyên bố và hành động bài Việt Nam của lãnh đạo CNRP, đặc biệt là cựu chủ tịch đảng Sam Rainsy, dường như giữa giới chức Việt Nam và phía CNRP vẫn chưa có đủ sự tin cậy và thân thiện để nói chuyện với nhau.

Thứ hai, Việt Nam có thể e ngại rằng việc thiết lập quan hệ với CNRP sẽ làm phật lòng CPP và giới lãnh đạo đảng này, đặc biệt là Thủ tướng Hun Sen, nhất là khi Việt Nam đang duy trì quan hệ tốt với CPP cũng như cá nhân Thủ tướng Hun Sen.

Thứ ba, có thể Việt Nam tin rằng CPP sẽ tiếp tục giành phần thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, kéo dài thời kỳ cầm quyền của mình. Bản thân Thủ tướng Hun Sen cũng từng tuyên bố rằng nếu phe đối lập thắng cử năm tới thì Campuchia sẽ nổ ra “nội chiến” – một sự khẳng định quyết tâm của CPP nhằm nắm vững quyền lực. Vì vậy, giới chức Việt Nam có thể cho rằng sự tiếp xúc hay thiết lập kênh liên lạc chính thức với CNRP là không hoặc chưa cần thiết.

Tuy nhiên, xét xu hướng trong cuộc bầu cử cấp xã vừa qua và cuộc tổng tuyển cử năm 2013, cũng như các yếu tố liên quan, thì có thấy đã đến lúc Việt Nam cần suy nghĩ lại lập trường của mình.

Thứ nhất, mặc dù Sam Rainsy và CNRP đã có thái độ thù địch với Việt Nam, nhưng một phần lý do cơ bản là họ muốn lợi dụng lá bài Việt Nam nhằm thu hút cử tri bỏ phiếu cho mình. Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với Campuchia về cả kinh tế lẫn an ninh, vì vậy, nhiều khả năng nếu giành được quyền lực CNRP sẽ có một thái độ ôn hòa và cân bằng hơn với Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó có diễn ra hay không còn tùy thuộc vào cảm nhận của CNRP về thiện chí, lập trường, quan điểm của Việt Nam, một điều sẽ khó đạt được nếu giữa Việt Nam và CNRP không có một tiếp xúc, trao đổi chính thức nào. Ngoài ra, có tin nói rằng Sam Rainsy trong một lần công cán tới Hoa Kỳ đã đề nghị tiếp xúc với Đại sứ Việt Nam tại Washington DC. Điều đó cho thấy bản thân CNRP cũng ít nhiều có thiện chí trong việc thiết lập quan hệ với chính quyền Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam không nên coi thái độ bài Việt Nam của CNRP là bất biến.

Thứ hai, mặc dù CPP và Thủ tướng Hun Sen có thể không hài lòng với việc Việt Nam tiếp xúc với phe đối lập, nhưng thực tế cho thấy việc một quốc gia tiếp xúc với các lực lượng chính trị khác nhau ở một quốc gia khác là việc làm hoàn toàn bình thường. Bản thân Trung Quốc, một đối tác gần gũi của CPP và Hun Sen, cũng đã thiết lập kênh liên lạc chính thức với CNRP, tiếp xúc với lãnh đạo CNRP sau cuộc bầu cử 2013, và thậm chí còn từng mời lãnh đạo CNRP sang thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cũng như giữa CPP và Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng gì. Vì vậy, Việt Nam không nên quá lo ngại về phản ứng của CPP, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước và hai đảng đã được hâm nóng lại trong thời gian gần đây.

Thứ ba, Việt Nam không nên đặt cược hoàn toàn vào CPP. Xu hướng trong các cuộc bầu cử gần đây, cộng với các động lực bầu cử khác như nhân khẩu học, xu hướng bỏ phiếu của cử tri thành  thị và nông thôn, sự phát triển của truyền thông xã hội, thành tích quản trị của CPP, các chiến lược bầu cử của CNRP… đều gợi ý rằng, bất chấp các đe dọa của Hun Sen, khả năng CNRP thắng cử là không thể hoàn toàn bị bác bỏ. Nếu điều đó không xảy ra ngay trong năm 2018 thì vẫn có thể xảy ra trong các cuộc bầu cử tiếp theo nếu các chiều hướng hiện nay tiếp diễn.

Vì vậy, để đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia của mình và không rơi vào thế bị động, Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập kênh liên lạc, tiếp xúc chính thức với CNRP để trao đổi quan điểm, xây dựng lòng tin, và thiết lập các cơ chế làm việc giữa hai bên trước khi quá muộn. Trong quá trình đó, Việt Nam cần thông báo minh bạch cho phía CPP và trấn an chính quyền của Thủ tướng Hun Sen về các ý định của mình.

Tục ngữ người Eskimo có câu “Keep your friends close, and your enemies closer” (Giữ bạn bè gần bên, và kẻ thù còn gần hơn). Có lẽ đây là cách phù hợp mà Việt Nam nên áp dụng để ứng xử trong trường hợp này.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Straits Times.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]