#269-Ba cấp độ phân tích sự quyết đoán của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nien-chung Chang Liao, “The sources of China’s assertiveness: the system, domestic politics or leadership preferences?” International Affairs 92 (4), pp. 817-833.

Biên dịch: Minh Châu | Hiệu đính: Nguyễn Văn Quân

Kể từ cuối những năm 1990, việc Trung Quốc tăng cường gắn kết các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình “trỗi dậy hòa bình” thành cường quốc của Trung Quốc.[1] Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bắt đầu xác định tầm quan trọng lớn hơn đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi và khẳng định yêu sách chủ quyền trên biển của mình. Các học giả mô tả cách tiếp cận mới của Trung Quốc là chính sách đối ngoại mang tính “quyết đoán”.[2] Trung Quốc đã bắt đầu can thiệp vào các hoạt động do thám của Mỹ, và trong các tranh chấp lãnh thổ ở phía Nam và trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã thể hiện hành vi cứng rắn chưa từng thấy trong nhiều năm qua, khiến cho nhiều nước láng giềng cảm thấy lo ngại.[3]

Mặt khác, Trung Quốc đã và đang ngày càng tích cực chủ động trong các vấn đề như chống cướp biển ở vịnh Aden, cải cách tài chính và tiền tệ, và hợp tác quốc tế liên quan đến cuộc nội chiến Libya.[4] Bắc Kinh trở nên tham vọng hơn trong việc lồng ghép các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của mình với mục đích được nhìn nhận ở vị thế ngang hàng với Washington.[5] Trong khi đó, giới ngoại giao Trung Quốc dường như đánh giá Trung Quốc là một cường quốc lãnh đạo thế giới với những lợi ích và trách nhiệm ngày càng lớn, và đang dần từ bỏ cách tiếp cận bảo thủ và ít lộ diện (giấu mình chờ thời) trong các vấn đề đối ngoại vốn là đặc trưng cho giai đoạn đầu của kỷ nguyên đổi mới.[6] 

Về tầm quan trọng của việc Trung Quốc trỗi dậy trong một vài thập niên trở lại đây, chúng ta bắt buộc phải lý giải được tại sao Bắc Kinh lại bắt đầu theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Có rất nhiều khả năng khi xem xét câu hỏi này. Một số nhà quan sát tập trung vào tính cách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.[7] Những người khác lại nhấn mạnh vào các vấn đề phối hợp trong quá trình hoạch định chính sách vốn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố trong nước.[8] Tuy nhiên, một số khác nữa lại lí giải rằng các hành vi bên ngoài của Bắc Kinh có liên quan đến sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.[9] Mỗi yếu tố này lại có giá trị khác nhau nhất định trong từng cấp độ phân tích – từ cấp độ cá nhân cho tới cấp độ chính trị nội bộ, cuối cùng là cấp độ tổng thể hệ thống.[10] Cả ba yếu tố – chủ thể, bối cảnh trong nước và các điều kiện mang tính hệ thống – đều góp phần đưa đến câu trả lời gần như hoàn chỉnh. Nhưng trong một số trường hợp nhất định sẽ có nhân tố này hay nhân tố kia nổi bật hơn.[11] Một nhóm các yếu tố cụ thể có thể đưa đến kết luận về những nguyên nhân thay đổi sang tính chất quyết đoán của Trung Quốc, hoàn toàn khác biệt với kết luận dựa trên những nhóm nguyên nhân khác – và do đó đưa đến những dự đoán khác nhau về hành vi trong tương lai của Trung Quốc.

Bài viết này xem xét từng mức độ lí giải được đề cập ở trên và kết luận rằng chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc kể từ năm 2009 chủ yếu là do nhận thức của giới tinh hoa và sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo. Những kết luận này cho thấy các yếu tố cá nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích hành vi bên ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là khi nhận thức của giới tinh hoa chính trị đã ăn sâu vào sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo.

Với cương vị lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tập Cận Bình bắt đầu gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên vai trò của Trung Quốc trong nền chính trị toàn cầu, điều quan trọng là phải xác định được những nguyên nhân đằng sau chính sách đối ngoại quyết đoán hơn đó nhằm xác định những hệ lụy tiềm tàng đối với khu vực và toàn cầu. Bài phân tích này có thể nâng cao hiểu biết của chúng ta về lý do tại sao cách lí giải truyền thống có thể sẽ không có khả năng dự báo về hành vi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nếu không tính tới vai trò của người lãnh đạo quốc gia đó. Vì vậy, nghiên cứu các lý do đằng sau hành vi bên ngoài quyết đoán của Trung Quốc không chỉ giúp cải thiện mô hình lý thuyết hiện có trong quan hệ quốc tế và phân tích chính sách đối ngoại, mà còn cho chúng ta nắm bắt được những ngụ ý chính sách lớn hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Lí giải sự quyết đoán mới của Trung Quốc

Để hiểu được hành vi với bên ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nghiên cứu trước đó đã xem xét cả hai yếu tố quốc tế và trong nước.[12] Thách thức khi phân tích chính sách đối ngoại chính là phải xem xét kỹ hơn những điều kiện mà trong đó hoặc yếu tố trong nước hoặc yếu tố quốc tế chiếm ưu thế. Khi nghiên cứu nhằm lí giải sự quyết đoán của Trung Quốc, chúng ta nên bắt đầu bằng việc xem xét sức ảnh hưởng có thể có của các nguyên nhân chung như các nhân tố ở cấp độ hệ thống rồi sau đó tập trung vào cấp độ đơn vị và cấp độ cá nhân – những yếu tố vừa tính tới đặc trưng của Trung Quốc vừa có khả năng áp dụng cho các nước khác.

Những lí giải ở cấp độ hệ thống

Những lí giải ở cấp độ hệ thống bắt nguồn từ giả thuyết rằng sự quyết đoán của Trung Quốc về cơ bản được quy định bởi những áp lực quốc tế. Những áp lực này, chẳng hạn như sự phân bổ quyền lực, mạng lưới liên minh hay mô hình thương mại toàn cầu… có thể được xác định theo đặc tính hệ thống do những nhân tố này có ảnh hưởng mạnh mẽ và phổ quát đối với chính sách đối ngoại của bất kì quốc gia nào. Do đó, càng ủng hộ nhiều cho cách tiếp cận phân tích các biến số hệ thống của những áp lực nói trên, chúng ta càng phát triển được một lý thuyết mà có thể ứng dụng đối với nhiều quốc gia khác nhau.

Hiểu theo một phương diện nào đó, sự quyết đoán của Trung Quốc chính là một phản ứng đối với những thay đổi trong việc phân bổ quyền lực quốc tế, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.[13] Một phần nhờ có vai trò “cường quốc kinh tế” của Trung Quốc và sự suy thoái sau khủng hoảng đã làm ảnh hưởng hầu hết các nước phương Tây, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc dẫn đầu với những lợi ích và trách nhiệm mới. Tất yếu, Bắc Kinh ngày càng có nhu cầu được các nước khác tôn trọng lợi ích quốc gia và vị thế quốc tế của mình. Trong những trường hợp này, có thể xác định được ít nhất ba cách lí giải hợp lý ở cấp độ hệ thống cho sự quyết đoán của Trung Quốc. Đó là sức mạnh quốc gia, mối đe dọa từ bên ngoài và lợi ích quốc gia.

Sự quyết đoán của Trung Quốc là kết quả của sự gia tăng đột ngột sức mạnh bản thân

Có lẽ cách giải thích hợp lý nhất cho chính sách đối ngoại cứng rắn hơn của Bắc Kinh là sự chuyển dịch mạnh mẽ đã diễn ra trong cơ cấu phân bổ quyền lực quốc tế: khi Mỹ đang chao đảo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu còn Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, sự gia tăng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và việc mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Mỹ đã tạo ra một tinh thần quyết đoán mới của Bắc Kinh đối với Mỹ trong các lĩnh vực chính trị và an ninh.[14] Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã mang đến cơ hội hợp lý cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc đầy lý trí và toan tính theo đuổi mục tiêu và lựa chọn của họ[15]. Khi Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn, nó có xu hướng triển khai chính sách đối ngoại tốn kém và mang tính đối đầu nhiều hơn, và ngược lại. Như Avery Goldstein đã ghi nhận:

Nếu sức mạnh tương đối của Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ, hoặc nếu Bắc Kinh cho rằng các quốc gia có khả năng nhất của hệ thống không còn quan tâm hay tìm cách ngăn cản các sáng kiến của Trung Quốc… lúc đó Trung Quốc có thể chuyển sang một chiến lược quyết đoán hơn nỗ lực tái định hình lại hệ thống quốc tế theo mong muốn riêng của mình. Việc giảm bớt những thúc ép từ bên ngoài đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể là kết quả của một quá trình hiện đại hóa kinh tế và quân đội nhanh tới mức không tưởng, đã đẩy Trung Quốc lên vị thế siêu cường một cách nhanh chóng hoặc đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Trung Quốc cho thấy họ không thể hoặc không muốn duy trì những cam kết quốc tế.[16]

Tuy vậy, lời giải thích như trên đơn giản là không tương thích với những gì đã diễn ra trên thực tế kể từ năm 2008. Sức mạnh tương đối của Trung Quốc chắc chắn được nâng cao kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nó vẫn chưa phải là lớn nhất.[17] Bắc Kinh đang đóng một vai trò quân sự quan trọng, nhưng chưa đạt đến tầm có thể làm lu mờ những thành tựu quân sự của Mỹ. Như hình 1 cho thấy, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã liên tục tăng từ thời điểm bắt đầu thế kỷ XXI, nhưng vẫn chưa thể sánh được với chi phí của Mỹ. Như Robert Ross nhận xét, “Trung Quốc vẫn chưa phát triển được khí tài quân sự mới đáng kể đủ để có thể giải thích chính sách ngoại giao mới của mình.”[18] Quan trọng hơn, không có bằng chứng nào cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa sự gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc và sự suy giảm kinh tế của Hoa Kỳ. Theo bất kỳ cách đánh giá khách quan nào, Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới trong hầu hết các lĩnh vực.[19]

Sự quyết đoán của Trung Quốc là câu trả lời cho mối đe dọa ngày càng lớn đối với lãnh thổ Trung Quốc

Thậm chí nếu sức mạnh của Trung Quốc không tăng đáng kể như thế thì một chiến lược răn đe vẫn cần thiết vì các tranh chấp hàng hải căng thẳng đe dọa đến những cam kết lâu dài của Bắc Kinh với tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.[20] Thí dụ, Trung Quốc đã bắt đầu can thiệp đáng kể vào các hoạt động do thám của Mỹ ở Biển Đông để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc ở Biển Hoàng Hải, và phản đối Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trong các tranh chấp chủ quyền ở phía Đông và phía Nam Biển Đông. Theo lập luận này, lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp nhằm ngăn chặn các nước khác thách thức nguyên trạng. Như Alastair Iain Johnston đã nhận xét, ‘để phản ứng lại phương thức ngoại giao tích cực chủ động với việc các bên thiết lập ranh giới pháp lý cho các yêu sách của họ trong khu vực’, Bắc Kinh đã bắt đầu ‘khẳng định mức độ yêu sách của Trung Quốc để làm rõ cái mà họ có thể (và sẽ) bảo vệ bằng biện pháp ngoại giao và biện pháp quân sự’.[21] Xu hướng quyết đoán này dường như mang tính bị động thay vì mang tính chủ động, mang tính phòng thủ thay vì mang tính tấn công.

Tuy nhiên, thật khó để tin vào lí do rằng các hành động của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phản ứng lại và phòng thủ, như trong một số trường hợp, chính Trung Quốc chứ không phải bất kì bên nào khác phải chịu trách nhiệm cho việc leo thang căng thẳng, đặc biệt là trong các tranh chấp trên biển.[22] Ví dụ, sau vụ va chạm giữa một tàu đánh cá Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào năm 2010, Bắc Kinh đã ngừng tiếp xúc cấp cao với Tokyo, ngừng xuất khẩu kim loại hiếm sang Nhật và dung túng cho nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại Nhật Bản. Tương tự, trong tranh chấp với Philippines trên bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh không chỉ tiến hành tập trận trong khu vực tranh chấp mà còn hạn chế nhập khẩu nông sản từ Philippines và ngăn cản du khách Trung Quốc du lịch sang Philippines.[23] Dù không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đặt ra đối với lợi ích an ninh của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp nhưng Bắc Kinh dường như cố tình khẳng định chủ quyền của mình thông qua việc sử dụng các chiến thuật quyết liệt.[24]

Sự quyết đoán của Trung Quốc là câu trả lời cho những lợi ích kinh tế ngày càng lớn ở nước ngoài đòi hỏi ngoại giao phải chủ động hơn

Cách lí giải mang tính hệ thống thứ ba cho rằng sự quyết đoán với bên ngoài của Trung Quốc do sự hội nhập với kinh tế thế giới và sự mở rộng các lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc. Nhằm đáp ứng việc gia tăng ngoại thương của Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt đầu mở rộng khả năng ngoại giao và quân sự của chính mình. Cụ thể, Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã bắt tay vào việc xây dựng lực lượng hải quân ngoài khơi để bảo vệ những tuyến đường thông thương trên biển (SLOCs) của Trung Quốc. Cùng với sự phát triển khả năng tác chiến xa bờ của hải quân, bao gồm cả việc xây dựng các tàu sân bay, Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển “dự án sức mạnh bị hạn chế” nhằm bảo vệ các lợi ích trong khu vực và trên thế giới.[25] Nhưng đáng tiếc, nỗ lực hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc lại gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, tạo ra những nhận thức được lan truyền rộng rãi kể từ năm 2009 cho rằng Trung Quốc đang triển khai ngoại giao pháo hạm.[26]

Cách lí giải này không thuyết phục bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, hoạt động xuất nhập khẩu ở Trung Quốc không tăng đột biến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Như hình 2 cho thấy, ngoại thương của Trung Quốc đã tăng lên đến 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2006, nhưng đến năm 2014 thì giảm xuống còn khoảng 40% GDP. Nhìn chung, sự thịnh vượng của Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy bằng cách mở rộng tiêu thụ trong nước, chứ không phải bằng cách mở rộng ngoại thương. Thứ hai, các lợi ích kinh tế của Trung Quốc có khả năng bị đe dọa bởi việc Trung Quốc phô trương sức mạnh hàng hải. Giao thương giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản, lần lượt là đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ 3 của Trung Quốc, chỉ có thể bị đe dọa nếu nước này thể hiện thái quá sức mạnh hàng hải, khiến Washington và Tokyo cảm thấy tình thế đáng báo động. Nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Trung Đông cũng được bảo đảm nhờ chính sách tự do thương mại và chính sách tự do hàng hải của Mỹ. Hình ảnh quyết đoán của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ không giúp ích được gì cho lợi ích cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trong việc mở rộng thị trường nước ngoài.

Tóm lại, cách giải thích ở cấp độ hệ thống đối với môi trường quốc tế đang biến đổi của Trung Quốc và các lợi ích kinh tế ở nước ngoài không thể đưa ra lời lí giải hợp lý cho sự thay đổi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh kể từ năm 2009. Giả sử Trung Quốc có thể soán ngôi Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020, Trung Quốc cũng không nhất thiết phải thay đổi xu thế quốc tế đang rất có lợi hiện nay. Dường như sự phát triển của chính sách đối ngoại truyền thống theo phương châm “giấu mình chờ thời” (tiếng Trung – 韬光养晦) sẽ tiếp tục đảm bảo một môi trường bên ngoài hòa bình cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Yuen Foong Khong đã chỉ rõ:

Đòn chí mạng của Trung Quốc để đánh bật Mỹ chính là phải tiếp tục tăng trưởng ở mức 6-8%/năm trong 25 năm tới. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng họ phải tiếp tục tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, theo đó họ rất cần một châu Á hòa bình và ổn định, tôi hiểu rằng ý họ là họ không vội thay thế nước Mỹ… Đợi thêm 25 năm nữa tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc có lẽ sẽ ở vị trí và đóng vai trò như Mỹ từ sau Thế chiến II, không chỉ ở châu Á mà còn hơn thế nữa.[27]

Cách lí giải ở cấp độ đơn vị

Sự lí giải ở cấp độ cá nhân

Kết luận

Download toàn bộ văn bản tại đây: Ba cap do phan tich su quyet doan cua TQ.pdf

——————–

[1] Bijian Zheng, “China’s “peaceful rise” to Great-Power status”, Foreign Affairs 84: 5, Tháng 9-10/ 2015, trang 18–24; Lei Yu, “China’s strategic partnership with Latin America: a fulcrum in China’s rise”, International Affairs 91: 5, Tháng 9/ 2015, trang 1047–1068.

[2] Có hai quan điểm về sự quyết đoán mới của Trung Quốc trong các tài liệu chuyên ngành. Nhiều học giả cho rằng Bắc Kinh có hướng tiếp cận cứng rắn hơn đối với các vấn đề đối ngoại. Ví dụ như: Michael D. Swaine, “Perceptions of an assertive China”, China Leadership Monitor, số 32, Mùa xuân năm 2010, trang 1–19; Brantly Womack, “Beyond win–win: rethinking China’s international relationships in an era of economic uncertainty”, International Affairs 89: 4, Tháng 7/ 2013, trang 911–28. Số khác lại cho rằng sự quyết đoán mới của Trung Quốc là do thực tế rằng hiện nay Trung Quốc đang có nhiều lợi ích hơn trong các vấn đề toàn cầu. Xem: Thomas J. Christensen, “The advantages of an assertive China: responding to Beijing’s abrasive diplomacy”, International Affairs 90: 2, Tháng 3-4/ 2011, trang 54–67; Dingding Chen, Xiaoyu Pu  và Alastair Iain Johnston, “Debating China’s assertiveness”, International Security 38: 3, Mùa đông năm 2014, trang 176–83. Để có cái nhìn công bằng thì tôi thiên về định nghĩa “sự quyết đoán” của Kevin Narizny là một mức độ của chủ nghĩa tích cực trong chính sách đối ngoại của quốc gia bao gồm cả “sự tự nguyện chi trả bất cứ giá nào cho một chiến lược nhất định” của quốc gia. Xem: Kevin Narizny, The political economy of grand strategy (Ithaca, NY: Nxb. Đại học Cornell, 2007), trang 11. Cần phải lưu ý rằng những người khác không đồng ý với lập luận về sự quyết đoán này và họ tranh luận rằng chính sách đối ngoại Trung Quốc sẽ duy trì quan niệm cũ hơn là có sự thay đổi. Xem: Alastair Iain Johnston, “How new and assertive is China’s new assertiveness?”, International Security 37: 4, Mùa xuân năm 2013, trang 7–48; Björn Jerdén, “The assertive China narrative: why it is wrong and how so many still bought into it”, Chinese Journal of International Politics 7: 1, 2014, trang 47–88.

[3] Feng Zhang, “Rethinking China’s grand strategy: Beijing’s evolving national interests and strategic ideas in the reform era”, International Politics 49: 3, 2012, trang 334.

[4] Christensen, “The advantages of an assertive China”.

[5] Ví dụ, Bắc Kinh đã từng đề xuất ý tưởng về “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Washington.  Xem Cui Tiankai và Pang Hanzhao, ‘China–US relations in China’s overall diplomacy in the new era: on China and the US working together to build a new-type relationship between major coun- tries’, Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, 20/7/2012, http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjb_663304/zzjg_663340/bmdyzs_664814/xwlb_664816/t953682.shtml. (Truy cập ngày 3/5/2016)

[6] Về hướng chính sách đối ngoại bảo thủ của Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới, xem Robert S. Ross, “Beijing as a conservative power”, Foreign Affairs 76: 2, Tháng 3-4/ 1997, trang 33–44.

[7] Oriana Skylar Mastro, “Why Chinese assertiveness is here to stay”, Washington Quarterly 37: 4, Mùa đông năm 2015, trang 151–70; Irene Chan và Mingjiang Li, “New Chinese leadership, new policy in the South China Sea dispute?”; Journal of Chinese Political Science 20: 1, 2015, trang 35–50.

[8] Linda Jakobson và Dean Knox, New foreign policy actors in China, SIPRI Policy Paper no. 26, Tháng 9/ 2010, http://books.sipri.org/files/PP/SIPRIPP26.pdf; Thomas J. Christensen, “More actors, less coordination? New challenges for the leaders of a rising China”, biên tập Gilbert Rozman, China’s foreign policy: who makes it, and how is it made? (New York: Nxb. Palgrave Macmillan, 2013); Jingjan Zeng, Yuefan Xiao và Shaun Breslin, “Securing China’s core interests: the state of the debate in China”, International Affairs 91: 2, Tháng 3/ 2015, trang 245–66.

[9] John J. Mearsheimer, “The gathering storm: China’s challenge to US power in Asia”, Chinese Journal of International Politics 3: 4, 2010, trang 381–96; Yuan-kang Wang (Vương Nguyên Khang), Harmony and war: Confucian culture and Chinese power politics (New York: Nxb. Đại học Columbia, 2011).

[10] Nghiên cứu về các cấp độ phân tích trong quan hệ quốc tế là một lĩnh vực các học giả thường bàn về hệ thống, nhà nước và cá nhân với tư cách là các đơn vị nghiên cứu chủ yếu. Phục vụ cho các chuyên đề nghiên cứu, xem Kenneth N. Waltz, Man, the state, and war: a theoretical analysis (New York: Nxb. Đại học Columbia, 1959); David J. Singer, “The level-of-analysis problem in International Relations”, World Politics 14: 1, Tháng 10/ 1961, trang 77–92.

[11] Robert Jervis, Perception and misperception in International Politics (Princeton: Nxb. Đại học Princeton , 1976), trang 16–17; Barry Buzan, “The level of analysis problem in International Relations reconsidered”, biên tập Ken Booth và Steve Smith, International Relations theory today (Đại học Park, PA: Nxb Đại học bang Pennsylvania, 1995), trang 212–13.

[12] Tham khảo ví dụ của Shaun Breslin, “Understanding China’s regional rise: interpretations, identities and implications”, Các vấn đề quốc tế 85: 4, Tháng 7/ 2009, trang 817–35.

[13] Xinbo Wu, “Understanding the geopolitical implications of the global financial crisis”, Washington Quarterly 33: 4, Tháng 10/ 2010, trang 155–63.

[14] Mearsheimer, “The gathering storm”.

[15] Kai He and Huiyun Feng, “Debating China’s assertiveness: taking China’s power and interests seriously”, International Politics 49: 5, 2012, trang 633–44.

[16] Avery Goldstein, Rising to the challenge: China’s grand strategy and International Security (Stanford, CA: Nxb. Đại học Stanford University, 2005), trang 199.

[17] Mark Beeson and Fujian Li, “What consensus? Geopolitics and policy paradigms in China and the United States”, International Affairs 91: 1, Jan. 2015, trang 93–109.

[18] Robert S. Ross, “The domestic sources of China’s “assertive diplomacy”, 2009–10: nationalism and Chinese foreign policy”, biên tập Rosemary Foot, China across the divide: the domestic and global in politics and society (New York: Nxb Oxford University, 2013), trang 74.

[19] Joseph S. Nye, “American and Chinese power after the financial crisis”, Washington Quarterly 33: 4, Tháng 10/ 2010, trang 143–53; Michael Beckley, “China’s century? Why America’s edge will endure”, International Security 36: 3, Mùa đông năm 2011, trang 41–78; Alexander L. Vuving, “The future of China’s rise: how China’s economic growth will shift the Sino-US balance of power, 2010–2040”, Asian Politics and Policy 4: 3, Tháng 7/ 2012, trang 401–23.

[20] M. Taylor Fravel, “China’s strategy in the South China Sea”, Contemporary Southeast Asia 33: 3, Tháng 12/ 2011, trang 292–319. Cũng tham khảo bài viết của Katherine Morton’s về vấn đề này, “China’s ambition in the South China Sea: is a legitimate maritime order possible?”, International Affairs  92: 4, Tháng 7/ 2016, trang 909–940 phía dưới.

[21] Johnston, “How new and assertive is China’s new assertiveness?”, trang 19.

[22] Derek Pham, “Gone rogue? China’s assertiveness in the South China Sea”, Tạp chí chính trị xã hội 22: 1, 2011, trang 139–64; Aaron L. Friedberg, “The sources of Chinese conduct: explaining Beijing’s assertiveness”, Washington Quarterly 37: 4, Mùa đông năm 2015, trang 133–50.

[23] Samantha Hoffman, “Sino-Philippine tension and trade both rising amid Scarborough standoff “, China Brief 12: 9, 26/ 04/ 2012, trang 13–16.

[24] Sự cố tình mở rộng lập luận “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh càng làm dấy lên nghi vấn về mục đích thực sự của Bắc Kinh là gì. Xem Kai He and Huiyun Feng, “China’s bargaining strategies for a peaceful rise: successes and challenges”, Asian Security 10: 2, 2014, trang 168–87; Zeng chủ biên, “Securing China’s core interests”.

[25] Michael A. Glosny, Phillip C. Saunders và Robert S. Ross, “Debating China’s naval nationalism”, International Security 35:2, Mùa thu năm 2010, trang 161–75; Andrew B. Kennedy, “China’s new energy-security debate”, Tờ Survival 52: 3, Tháng 6-7/ 2010, trang 137–58; Baohui Zhang, “Chinese foreign policy in transition: trends and implications”, Journal of Current Chinese Affairs  39: 2, 2010, trang 39–68.

[26] Yves-Heng Lim, “How (dis)satisfied is China? A power transition theory perspective”, Journal of Contemporary

China 24: 92, 2015, trang 280–97.

[27] Yuen Foong Khong, “Primacy or world order? The United States and China’s rise – a review essay”, International Security 38: 3, Mùa đông 2013, trang 172.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]