Bàn cờ mới ở Trung Đông

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “The Next Phase of Middle East Conflict”, Project Syndicate, 07/07/2017.

Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Với việc các trận đánh ở Mosul và Raqqa đánh bật được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra khỏi thành trì của chúng ở Syria và Iraq, và việc nội chiến Syria trở thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài, các cuộc xung đột khốc liệt nhất của Trung Đông đang biến chuyển nhanh chóng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ sớm được giải quyết.

Vương quốc Hồi giáo tự xưng của IS chưa bao giờ là một nhà nước có thể bị dồn vào thế đầu hàng vô điều kiện, đồng nghĩa với việc các cuộc chiến ở Mosul và Raqqa chưa bao giờ mang tính chất quyết định, ngay cả khi những trận đánh này đã tiêu diệt được những nơi trú ẩn của IS. Như việc IS thâm nhập vào Libya và Bán đảo Sinai của Ai Cập cho thấy, có rất nhiều những vùng đất được kiểm soát lỏng lẻo mà chúng có thể thâm nhập.

Hiện tại, IS đã chuyển hướng chiến lược của mình sang việc lên kế hoạch và kích động các cuộc tấn công khủng bố tại Trung Đông, châu Âu và thậm chí là Đông Nam Á. Ở bước tiếp theo, tổ chức này có thể tìm cách làm bất ổn các chế độ Ả Rập từ bên trong, một chiến lược mà các liên minh quốc tế, vốn hiện đang áp sát Raqqa, không thể ngăn chặn được.

Nếu xét đến bản chất rời rạc và lỏng lẻo của những liên minh này, khẳng định đó lại càng đúng. Toàn bộ chiến lược Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump được hoạch định trên cơ sở nỗi sợ hãi của Ả Rập Saudi đối với không chỉ IS mà còn cả Iran. Các cường quốc Sunni trong khu vực, trở nên mạnh dạn hơn nhờ cách tiếp cận của Trump, hiện đang cùng nhau đoàn kết chống lại cả IS và Iran, mặc dù bản thân họ vốn là kẻ thù truyền kiếp của nhau.

Về phần mình, Iran thừa nhận rằng những phần lãnh thổ được giải phóng khỏi sự kiểm soát của IS có lẽ sẽ không được trao lại cho các chủ cũ. Vì lẽ đó, Iran đang tăng cường gọng kìm kiểm soát của mình ở vùng phía nam Syria dọc biên giới giáp với Jordan, như là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm xây dựng một dải lưỡi liềm trải dài từ Iran, xuyên qua Iraq (cơ bản đã nằm trong tầm ảnh hưởng của Iran), kéo đến Syria và Lebanon.

Tuy nhiên, Israel, một thành viên lặng lẽ trong liên minh Sunni do Mỹ tài trợ, sẽ không thảnh thơi và khoang tay đứng nhìn Iran tạo ra một lưỡi liềm như thế. Quả nhiên, Israel đã chỉ rõ rằng, sự hiện diện của Iran dọc Cao nguyên Golan sẽ làm gia tăng rủi ro xảy ra chiến tranh.

Mỹ cũng vậy, nước này vẫn đang nỗ lực ngăn chặn các cường quốc Shia giành các vùng lãnh thổ tiếp giáp nhau từ vùng Vịnh đến Địa Trung Hải, thông qua tiến hành các cuộc không kích tại vùng biên giới giáp ranh giữa ba nước Iraq, Jordan và Syria. Các lực lượng của Mỹ cũng đã bắn rơi một máy bay của Syria và hai chiếc máy bay không người lái có vũ trang của Iran do Hezbollah vận hành.

Iran không phải là quốc gia duy nhất tìm cách vẽ lại các đường biên giới phục vụ cho lợi ích của mình. Như đã biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đang công khai ủng hộ việc IS thách thức trật tự Sykes-Picot đã tồn tại 100 năm qua do Anh và Pháp thiết lập sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ.

Lực lượng người Kurd – đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS – cũng muốn thay đổi bản đồ Trung Đông, nhưng chắc chắn không phải theo cách giống Thổ Nhĩ Kỳ. Họ muốn có một nhà nước của riêng mình, và trong chừng mực nào đó, họ còn trông đợi có được điều đó nhờ những đóng góp của mình vào việc đánh bại IS. Tổng thống khu tự trị người Kurd ở Iraq Masoud Barzani đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho người Kurd ở Iraq vào tháng 9.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn chặn việc đó xảy ra còn được ưu tiên cao hơn so với đánh bại IS hay lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-assad. Erdoğan lo ngại rằng, nếu người Kurd ở Iraq giành được độc lập, những người Kurd nổi dậy ở chính Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Công nhân Người Kurd (PKK), sẽ theo đó mà khơi lại cuộc chiến giành độc lập đã kéo dài hàng thập niên của họ. Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng, việc lực lượng dân quân người Kurd ở Syria có liên hệ với PKK giành được sự tôn trọng nhờ thành quả trên chiến trường cũng có thể mang lại tính chính danh cho nhóm này trên toàn thế giới; vì thế Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng dập tắt điều đó.

Do những quan ngại này, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các lực lượng ở Bắc Syria, và có lẽ sẽ duy trì sự hiện diện này ở đó ngay cả khi IS đã thất bại ở Raqqa, nhằm tạo thành một vùng đệm chắn giữa người Kurd ở Syria và người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, dù những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc kháng chiến của người Kurd không phải là không có cơ sở, cơ hội để nhóm sắc tộc này thành lập một nhà nước dành cho người Kurd trên thực tế vẫn còn mong manh, bởi một quốc gia như vậy sẽ bị kẹp giữa 4 nước kịch liệt phản đối điều đó, gồm Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Nga là một chủ thể chủ chốt khác tại Trung Đông hiện nay, mặc dù Điện Kremlin dường như không có mấy lợi ích trong việc can thiệp vào cuộc đối đầu giữa phe Sunni và Iran (chứ chưa nói đến can thiệp vào quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK). Ở thời điểm hiện tại, Kremlin đang cùng với Iran chia sẻ mục tiêu đảm bảo sự tồn tại cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ngay khi tình hình trở nên ổn định, liên minh ngầm này chắc chắn sẽ tan rã và bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt hơn, đó là giành quyền kiểm soát về chính trị đối với Syria.

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, khó ai có thể kiên nhẫn chờ đợi thêm nhiều sự bất định mới. Đó là lý do vì sao Ả Rập Saudi, cùng với Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, mới đây đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar. Họ cho rằng Qatar đã khiến cho khu vực trở nên bất ổn thông qua việc hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm của Iran lẫn các dân quân người Sunni của al-Qaeda hay IS. Trong nhận thức của Ả Rập Saudi và các đối tác, đã đến lúc Qatar cần xem lại lập trường đối với Iran và các lực lượng theo chủ nghĩa Hồi giáo (cực đoan).

Tuy vậy, hiện tại Qatar đang vượt qua khủng hoảng nhờ sự trợ giúp ít nhiều từ các quốc gia bạn bè còn lại của mình. Cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang sẵn sàng lấp đầy khoảng trống thương mại mà liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu để lại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai binh lính đến căn cứ quân sự của mình tại Qatar.

Trong bất kỳ trường hợp nào, cả Qatar lẫn Iran đều không phải là vấn đề thực sự của Ả Rập Saudi. Lấy kẻ thù bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý ra khỏi các vấn đề trong nước chưa được giải quyết chính là thủ đoạn lấy từ cẩm nang của các chế độ chuyên quyền. Để biến một vương quốc phong kiến thành một quốc gia-dân tộc hiện đại, Ả Rập Saudi cần phải giải quyết những điểm yếu trong lòng đất nước; chứ không cần những liên minh hiếu chiến và các hiệp định buôn bán vũ khí khổng lồ giống như thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo nước này đã ký với Trump trong chuyến thăm mới nhất của Tổng thống Mỹ đến Riyadh.

Tương tự, Ai Cập cũng cần tập trung vào việc làm giảm căng thẳng xã hội và chính trị nghiêm trọng ở trong nước. Chỉ sau khi làm được điều đó, nước này mới có thể áp đặt được sự kiểm soát đối với Bán đảo Sinai, nơi mà các nhóm khủng bố, trong đó có IS, đang hoạt động.

Các đồng minh Sunni của nước Mỹ đang bị lôi kéo về phía Trump, một phần vì Trump hầu như không thúc đẩy việc cải cách dân chủ đối với các nước này như người tiền nhiệm Barack Obama. Nhưng nếu họ tiếp tục con đường hiện tại, họ có thể phải đối mặt với các vụ bùng nổ chính trị–xã hội tại quê nhà, cũng như các cuộc xung đột gay gắt hơn ở nước ngoài.

Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa Bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Next Phase of Middle East Conflict
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]