Khủng hoảng Triều Tiên chỉ là một sô diễn?

Nguồn: John Mecklin, “North Korean ‘crisis’ just a puppet show”, Reuters, 13/09/2017.

Biên dịch: Trương Dũng Thuyết | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Mặc dù bao gồm nhiều sự kiện đáng quan ngại – phóng tên lửa đạn đạo, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tập trận và những cuộc đấu khẩu vô nghĩa – nhưng cuộc “khủng hoảng” Bắc Triều Tiên trong những tháng gần đây chủ yếu là một sô diễn được sáng tạo nên.

Một năm trước, khả năng Bắc Triều Tiên bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Hoa Kỳ về cơ bản là bằng không; họ không có khả năng mở một cuộc tấn công như vậy. Nhưng Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ công nghệ kể từ đó.

Nhưng bất chấp những gì một số nhà phân tích tin tưởng, một số người khác cho rằng không có bằng chứng rõ ràng và công khai nào cho thấy Bắc Triều Tiên có một tên lửa với tầm bắn đủ để tấn công lục địa Hoa Kỳ, một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn lên nó, cũng như công nghệ che chắn để đảm bảo đầu đạn hạt nhân chịu được nhiệt và áp suất không khí khi quay trở lại bầu khí quyển.

Điều đó không có nghĩa là sô diễn vô hại.

Nhưng ngay cả khi Bắc Triều Tiên có được những năng lực kỹ thuật này, khả năng mà họ có thể tấn công Hoa Kỳ bằng một tên lửa hạt nhân sẽ vẫn cực kỳ thấp, vì một lý do quan trọng: nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, như cựu giám đốc kiểm soát vũ khí của chính quyền Obama Jon Wolfsthal đã lý giải trong một phúc trình chi tiết, không điên rồ cũng không muốn tự sát.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên biết chế độ của ông ta sẽ bị xóa sổ trong vòng vài giờ đồng hồ (có thể là vài phút) nếu ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân. Khoảng 1.590 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom của Mỹ đảm bảo kết cục đó sẽ xảy ra. (Theo một báo cáo có uy tín nhất về vấn đề này, Bắc Triều Tiên đã mua được vật liệu phân hạch để chế tạo được chỉ từ 10 đến 20 đầu đạn hạt nhân).

Cũng khó có khả năng Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự phòng ngừa – thông thường hay hạt nhân, vào Bắc Triều Tiên, bởi vì làm như vậy gần như chắc chắn sẽ dẫn tới hàng trăm ngàn thương vong ở Hàn Quốc, và có lẽ nhiều hơn nữa.

Ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên có thể bắn hàng ngàn quả rocket và đạn pháo trong những giờ đầu của cuộc chiến, một cuộc bắn phá của chất nổ thông thường có thể, như các kênh thông tin của nhà nước Bắc Triều Tiên đe dọa, biến Seoul thành một “biển lửa”. Bình Nhưỡng cũng có các kho đạn pháo và đầu đạn rocket chứa vũ khí hóa học khổng lồ, và do đó cũng có khả năng biến thủ đô của Hàn Quốc thành một biển sarin và khí thần kinh VX.

Nếu xét thực tế không thể chối cãi được của tình trạng răn đe lẫn nhau này, cuộc khủng hoảng “Bắc Triều Tiên” năm 2017 có thể được xem như là một sô múa rối của ông Kim và ông Trump nhằm phục vụ cho mục đích quan hệ công chúng của riêng họ.

Tuy nhiên, đó là một trò chơi nguy hiểm.

Cách tốt nhất để giảm bớt mối đe dọa của một cuộc chiến tranh vô tình gây ra bởi cuộc “khủng hoảng sân khấu” được sáng tạo ra ở khu vực Đông Bắc Á là thuyết phục những diễn viên chính – các quý ông Kim và Trump – rằng màn trình diễn mà họ đưa ra là không thể tin được và họ không có khả năng đạt được những gì mình muốn.

Vì vậy, tôi đề xuất cách tiếp cận tốt nhất tiếp theo: Các nhà báo nên ngừng viết và đưa tin về tình hình Bắc Triều Tiên như thể mọi thứ đã thay đổi và chiến tranh đang rất gần.

Bắc Triều Tiên đã cố gắng phát triển một kho vũ khí hạt nhân khả dụng trong nhiều năm. Cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất gần đây nhất của họ có sức công phá cao hơn các vụ nổ trước đó, tương đương với sức nổ của hơn 100,000 tấn TNT, nghĩa là mạnh gấp 4 đến 5 lần sức công phá của quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki.

Rõ ràng, các vụ thử nghiệm bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là những sự kiện quan trọng mà các phương tiện truyền thông quốc tế phải tường thuật. Nhưng cảm giác khẩn cấp mà các phương tiện truyền thông thế giới dành cho “cuộc khủng hoảng” thực tế lại là một nhân tố khuếch trương nó, từ đó tạo ra những cơ hội cho các tính toán sai lầm và chiến tranh.

Tình hình Bắc Triều Tiên có thể bắt đầu tiến hóa thành một tình thế ngoại giao khó khăn kéo dài để hướng tới một giải pháp có thể chấp nhận được nếu có nhiều nhà báo hơn không quá thổi phồng màn trình diễn múa rối của Kim và Trump và tập trung vào thực tế: Bắc Triều Tiên là một quốc gia nhỏ bé và nghèo khó có thể ngay lập tức biến mất nếu nó phát động một cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào Hoa Kỳ, và do đó xác suất của cuộc tấn công như vậy là hoàn toàn không đáng kể. Thiếu một môi trường truyền thông khuyến khích nhận thức về khủng hoảng, khả năng tấn công phủ đầu của Mỹ cũng sẽ rất nhỏ.

Các nhà báo không thể làm cho các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên hành xử một cách có trách nhiệm. Nhưng các phương tiện truyền thông có thể giúp độc giả hiểu rằng cuộc “khủng hoảng” Triều Tiên thực sự chỉ là một cuộc đối đấu trên bán đảo Triều Tiên. Đó là một sô diễn múa rối ầm ĩ nhưng không mấy hiệu quả, và là một sự thay thế đáng tiếc cho các hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp.

John Mecklin là Tổng biên tập của tờ Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]