Về cuộc ‘Thảm sát huyện Đạo’ bị che giấu ở Trung Quốc

Nguồn: Ian Johnson, “China’s Hidden Massacres: An Interview with Tan Hecheng”, The New York Review of Books, 13/01/2017.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đàm Hách Thành dường như là một người không thể phơi trần một trong những tội ác gây sốc nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là một người đàn ông 67 tuổi thân thiện đã trải phần lớn cuộc đời mình ở tỉnh Hồ Nam phương nam xa cách đầu não quyền lực, ông Đàm không phải là người bất đồng chính kiến. Trên thực tế, ông dành phần lớn sự nghiệp của mình làm việc trong nghành truyền thông chính thức của nhà nước và cố tin vào Chủ nghĩa Cộng sản.

Nhưng trong một cuốn sách năm trăm trang viết tỉ mỉ chi tiết phát hành bằng tiếng Anh trong tuần này, ông trình bày trần trụi một trong những giai đoạn đen tối nhất, và ít được biết đến nhất, trong lịch sử cộng sản Trung Quốc: vụ tàn sát 9.000 công dân Trung Quốc theo lệnh công khai của các cán bộ Đảng khu vực trong thời kỳ cao điểm của Cách mạng Văn hoá. Đối tượng nghiên cứu của ông Đàm cụ thể ở một huyện, nhưng các tài liệu cho thấy các vụ thảm sát tương tự ở nông thôn đã lan rộng dẫn đến 1,5 triệu người chết.

Trên thực tế, chính chính quyền đã giúp ông Đàm biết đến những tội ác này. Vào năm 1986, khi lấy tin về đời sống nhà máy cho truyền thông nhà nước ở tỉnh Hồ Nam, một tạp chí có chủ trương cải cách đã giao cho ông một nhiệm vụ bất thường: đi đến huyện Đạo, một vùng nông thôn của tỉnh, để viết bài về một cuộc điều tra của chính quyền về các vụ giết người diễn ra thời Cách mạng Văn hoá. Đó là thời kỳ cải cách và ngày càng cởi mở ở Trung Quốc, và với tư cách một nhà báo của nhà nước, ông được tiếp cận trọn vẹn hàng chục ngàn trang tài liệu. Ý định là ông Đàm sẽ viết một bài báo tích cực về những nỗ lực của Đảng trong cách ứng xử với quá khứ và trừng phạt các thủ phạm.

Nhưng vào cuối năm 1986, bầu không khí chính trị ở Trung Quốc thay đổi, và bài viết của ông Đàm không bao giờ được công bố. Thế nhưng, ông Đàm không thể quên những thông tin chấn động mà ông phát hiện về các vụ giết người hàng loạt, và 25 năm sau, ông đã công bố các phát hiện của mình tại Hồng Kông. Nay cuốn sách của ông được phát hành bằng tiếng Anh mang tựa  The Killing Wind: A Chinese County’s Descent into Madness During the Cultural Revolution (Tạm dịch: Sát nhân phong: Một huyện ở Trung Quốc rơi vào sự điện loạn thời Cách mạng Văn hoá). Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra vào mùa thu này, khi tôi đi với ông Đàm đến huyện Đạo, nơi diễn ra các cuộc thảm sát mà ông viết.

Ian Johnson (I.J.): Ta hãy bắt đầu với một số chi tiết cụ thể về cuốn sách. Vì sao ông lại được phép tiến hành điều tra hồi thập niên 1980?

Đàm Hách Thành (Đ.H.T.): Đây là thời [nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản theo tư tưởng cải cách] Hồ Diệu Bang nắm quyền. Ông đã cử 1.300 quan chức đến huyện Đạo để điều tra những gì đã xảy ra trong Cách mạng Văn hoá. Tôi lúc đó làm việc cho tờ báo Khai Thác (开拓 – Kaituo) mà lúc đó là tạp chí can đảm nhất ở Trung Quốc. Vì vậy, tôi đã viết về sự kiện này và tiến hành các cuộc phỏng vấn rộng rãi.

I.J.: Nhưng sau đó mọi thứ đã không như dự định.

Đ.H.T.: Khi vòng phỏng vấn đầu tiên kết thúc, bầu không khí chính trị đã xoay chiều. Các thế lực trong Đảng phản đối cái gọi là “tự do hóa kiểu tư sản”. Vì vậy, bài báo của tôi không thể đăng được. Và càng về sau thì càng trở nên bất khả. Người ta siết chặt và chặt hơn.

I.J.: Nhưng vì sao ông không bỏ cuộc?

Đ.H.T.: Đơn giản thôi. Phải nói thẳng ra là trước kia tôi đã không thực sự hiểu Đảng Cộng sản và cuộc cách mạng nông dân của họ. Nó giống như sự vây khốn suy nghĩ của tôi. Rồi đột nhiên, trong một khoảng thời gian ngắn suy nghĩ của tôi trở nên rõ ràng.

I.J.: Điều gì đã khởi phát nhận thức này?

Đ.H.T.: Tôi vẫn đặt câu hỏi: Có bất kỳ một ai trong số 9.000 người bị giết ở vùng này lên kế hoạch cho một vụ phản cách mạng hay thậm chí nói điều gì đó phạm pháp không? Cuối cùng thì câu trả lời là: Không.

I.J.: Không một ai?

Đ.H.T.: Không một ai. Không có ai phản cách mạng trong tư tưởng hay hành động. Không ai nói bất cứ điều gì chống lại cách mạng. Người ta phát hiện rất nhiều vụ “phản cách mạng” và người ta đã giết tất thảy, nhưng tất cả đều là giả mạo. Khi tôi hiểu ra điều này, tôi đã đau khổ. Tôi bắt đầu nhận thức rằng Đảng có một lịch sử bạo lực. Ngay năm 1928, đảng đã tổ chức những cuộc nổi loạn bạo lực của nông dân làm chết vô số người. Và cải cách ruộng đất [ngay sau khi Đảng cầm quyền vào năm 1949] bạo lực đến khó tin nổi. Đó là một vụ giết người hàng loạt khác. Đột nhiên sự việc trở nên rõ ràng. Không có gì biện minh được cho điều đã xảy ra. Chỉ có sự kinh hoàng.

Vì vậy, tôi cảm thấy tình huống này thực sự cần tôi. Tôi phải viết ra. Mọi người (những người sống sót, các thân nhân và những quan chức chính quyền có tư tưởng cải cách) đã cho tôi thông tin, tôi đã hứa với họ là tôi không dùng chuyện này cho lợi ích cá nhân, mà là cho con cháu chúng tôi sao cho không một vụ thảm sát nào xảy ra nữa.

I.J.: Trong cuốn sách của mình, ông mô tả các vụ giết người lan từ thành thị ra nông thôn ra sao. Ông mô tả nó như là “bệnh dịch hạch.”

Đ.H.T.: Ý tôi là nó lây lan như chạy nước rút. Nó lây lan như một bệnh dịch thời xưa, mầm bệnh lây từ nơi này sang nơi khác. Thời đó, giao thông, thông tin chưa phát triển. Sự lây lan các vụ thảm sát dựa vào sức người đi bộ và chuyển tải các thông điệp. Khi có người mang lệnh đến thì việc giết người bắt đầu.

I.J.: Những kẻ sát nhân đều còn trẻ. Ông viết rằng hầu hết bọn họ đều ở tuổi đôi mươi. Liệu họ có bị sự tuyên truyền Maoist tẩy não?

Đ.H.T.: Có. Lớp trẻ cứ nghe về sự bóc lột của giai cấp địa chủ. Nhưng dù cho nói gì đi nữa, mọi sự bóc lột đều đến từ bốn tên địa chủ: Hoành Thế Nhân (黄世仁 – Huang Shiren), Chu Bái Bì (周扒皮- Zhou Bapi), Lưu Văn Thái (刘文彩 – Liu Wencai), Nam Bá Thiên (南霸天 – Nan Batian). [Bốn địa chủ vốn bị tuyên tội được bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản lặp đi lặp lại trên toàn quốc trong phim ảnh, áp phích và sách giáo khoa].[1] Và hóa ra những tội ác của họ đều là giả mạo. Nhưng đây là tất cả những gì họ biết và họ nghĩ rằng bất kỳ ai sở hữu bất cứ mảnh đất nào ở Trung Quốc đều là địa chủ kinh tởm đáng chết. Thực tế, những người sở hữu đất đai đa phần chỉ là tầng lớp trung nông của đất nước. Đặc biệt ở Hồ Nam, đại địa chủ rất hiếm. Nhưng họ đều bị qui là địa chủ. Họ bị tuyên bố là vô nhân tính, và khi lệnh ban ra, người ta thấy giết họ thật dễ dàng. Họ đã bị lái theo hướng nghĩ rằng các địa chủ này không phải là con người.

 

I.J.: Nhưng chuyện này là hồi nửa thế kỷ trước. Mọi thứ đang thay đổi.

Đ.H.T.: Không. Nó cắm rễ sâu lắm. Khoảng thời gian cuộc tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn (năm 1989), tôi đã phẫn nộ nói về điều này trong một cuộc họp như sau: Tôi nói rằng theo nghiên cứu của tôi, người Cộng sản đắc thắng không phải vì những người Quốc dân đảng (đối thủ của họ trong nội chiến) lạc hậu; mà vì người Cộng sản thậm chí còn lạc hậu hơn nữa. Sự tàn bạo và lạc hậu của họ cho phép họ thành công. Phe Quốc Dân đảng vẫn còn có một vài ý tưởng khai minh do vậy họ đã thua.

I.J.: Ngày nay thì sao? Liệu những ý tưởng này nay có thể được công bố không?

Đ.H.T.: Nó thậm chí còn ngặt nghèo hơn trước. Khi xưa ông có thể đánh bóng vào rìa bàn [như trong môn bóng bàn, chỉ một chiến thuật rủi ro nhưng cho phép một đấu thủ tài năng có thể ghi điểm]. Nay họ không để ông chơi kiểu này. Giờ người ta đã vẽ lại các đường ranh giới khắt khe hơn nữa.

I.J.: Tại sao?

Đ.H.T.: Một số nhà lãnh đạo học hành không mấy. Họ chỉ có trình độ trung học. Rồi nữa, anh hãy cộng thêm vào đó hệ thống chuyên quyền mà Trung Quốc vốn có cùng các chính sách chống lại hơn là hướng tới sự cởi mở hơn.

I.J.: Phản ứng của lãnh đạo sở tại ở huyện Đạo là gì?

Đ.H.T.: Mong muốn lớn nhất của họ là tránh rắc rối. Huyện không phải do những người như trước đây điều hành. Mấy thập niên đã trôi qua. Những kẻ nắm quyền giờ đã ở tuổi 80. Những người mới nắm quyền không muốn gặp rắc rối hoặc bất an. Ngay cả trong thập niên 2000, ta vẫn bị nguy hiểm khi đến đó để nghiên cứu vì những kẻ cầm quyền là đám trẻ con. Ngay cả khi họ về hưu.

I.J.: Khi tôi đi với ông đến huyện Đạo ông khá thận trọng để tránh gây chú ý.

Đ.H.T.: Tại sao chúng ta thận trọng đến vậy? Đó là vì cấp cao hơn – tân đế [Tập Cận Bình]. Cách làm việc của ông ta không như cũ. Hồ [Cẩm Đào, TBT đảng từ 2002 đến 2012] đã mất tăm, tương tự là Giang [Trạch Dân, TBT đảng từ 1989 đến 2002]. Hồ và Giang linh hoạt hơn. Tập thì cứng nhắc. Các cấp thấp hơn không dám làm khác, vậy nên, họ cũng cứng rắn hơn.

I.J.: Ông có nghĩ là mọi người vẫn bị chấn động vì những ký ức về vụ giết người?

Đ.H.T.: Hầu hết những người chứng kiến đã chết cả, nhưng vết sẹo không lành. Bởi vì những người bị giết và những người đau khổ là những thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội, hầu hết ở bên lề. Họ chẳng thể có được công lý.

I.J.: Nhưng một số kẻ sát nhân đã bị đưa ra xét xử và người ta cũng tiến hành bồi thường.

Đ.H.T.: Theo ủy ban, có 15.050 người liên can trực tiếp vào các vụ giết người, bao gồm một nửa số cán bộ và Đảng viên trong huyện. Nhưng chỉ có 54 người bị kết án vì tội ác của họ và 948 đảng viên khác bị kỷ luật. Ngoài ra, các gia đình chỉ nhận được 150 nhân dân tệ cho mỗi người bị giết. Con số này tương đương với khoảng 5.000 hay 6.000 nhân dân tệ theo thới giá hiện nay [khoảng 1,000 USD].

I.J.: Họ không thể đấu tranh hay phản đối sao?

Đ.H.T.: Anh chỉ có thể tranh đấu nếu hai bên cân sức. Nếu một bên áp đảo hơn hẳn, thì không đấu tranh được đâu. Những nông dân nghèo này rất đáng thương. Nếu anh cho họ 300 tệ [khoảng 50 USD], hoặc 500 tệ, hoặc cho họ một công việc tạm thời ở đâu đó, thì họ sẽ không lên tiếng. Nghèo đói làm cùn khát vọng.

I.J.: Giới lãnh đạo hiện nay dường như cố gắng quay trở lại thập kỷ 1950, khi người ta nghĩ các quan chức trong sạch và Đảng được ủng hộ rộng rãi.

Đ.H.T.: Chính xác. Họ nghĩ là cái thời đó là tốt. Nhưng cái thời đó đã dẫn tới Cách mạng Văn hoá. Đó không phải là thời kỳ tốt đẹp. Đó chỉ vì Mao đã không để lộ kế hoạch của mình. Tôi không có ý nói Cách mạng Văn hoá sẽ lặp lại y xì. Phương pháp sẽ không giống nhưng toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối cùng vẫn thế. Nó giống như thừa kế người vợ từ người anh quá cố, hay truyền kiến ​​thức của cha cho con. Các nhà lãnh đạo chỉ bổ nhiệm người kế nhiệm họ. Nó chỉ là một vòng tròn khép kín. Sự bẩn thỉu – nó hằn sâu lắm.

I.J.: Điều đó khó mà thay đổi được.

Đ.H.T.: Hãy xem điều tương tự: nhà Thanh (triều đại từ năm 1644 đến năm 1911) suy thoái hoàn toàn vào giữa thế kỷ 19 nhưng cứ tồn tại rối ren suốt năm mươi năm. Giờ ông hãy nhìn vào gia tài mà chính phủ hiện tại đang có trong tay. Ông muốn thay đổi nó ư? Ý tưởng đó thật buồn cười.

I.J.: Chương cuối cùng của cuốn sách của ông là một dòng duy nhất, rất ấn tượng. Ông viết, “Đức Phật nói: Hãy để con dao bầu xuống mà thành Phật” (phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật -放下屠刀立地成佛). Đây là một thành ngữ nổi tiếng về việc hối lỗi của một người.  sao ông lại sử dụng nó ở đây?

Đ.H.T.: Tôi có ba ý. Một là như Đức Phật nói, con người ta nên bỏ thanh kiếm giết người đi. Chỉ khi đó họ mới được xá tội. Thứ đến là tôi ước gì Đảng Cộng sản thực sự đặt thanh gươm giết người của mình đi mà cải cách. Và thứ ba, cũng không phải là nói về cây đao trong tay. Đó là cây đao trong tâm. Vương Dương Minh (王陽明 – Wang Yangming – triết gia Tân Nho giáo sống từ năm 1472 đến năm 1529) nói rằng dễ diệt phỉ trên núi nhưng khó diệt phỉ trong tâm. Điều này áp dụng được cho mọi người. Nó không nhằm vào mỗi Đảng Cộng sản mà là tất cả chúng ta: chúng ta phải buông đao khỏi lòng ta. Chỉ khi đó ta mới có thể hướng tới con đường dân chủ. Vì vậy, trong tương lai nếu ta bị rắc rối, ta sẽ không giải quyết nó thông qua thảm sát, giết người hay động thủ, hoặc cái lý của kẻ mạnh.

I.J.: Tại sao Đảng không buôn đao?

Đ.H.T.: Không thể nào. Lợi ích mà tầng lớp đặc quyền này có được là rất lớn. Nếu anh buông đao của mình xuống thì anh phải buông bỏ các đặc quyền của mình. Bởi lẽ toàn bộ quyền lực của nhà nước dựa trên sức mạnh có từ họng súng. Bây giờ Đảng Cộng sản thực sự không thể lừa dối bất cứ ai được nữa bởi vì họ đã bị phá sản [về tư tưởng]. Trong quá khứ họ dựa vào lừa dối và bạo lực. Còn bây giờ Đảng chỉ có bạo lực mà thôi. Hãy nghĩ đến tất cả những vụ bắt bớ và giam cầm. Đây là cách duy nhất Đảng cai trị. Nếu buông đao Đảng sẽ hối hận!

Cuốn sách The Killing Wind: A Chinese County’s Descent into Madness during the Cultural Revolution của Đàm Hách Thành do Oxford University Press xuất bản.

Bài phỏng vấn này, trong loạt bài nhiều kỳ của Ian Johnson trên NYR Daily, “Bàn về Trung Quốc“, do Pulitzer Center on Crisis Reporting tài trợ kinh phí đi lại.

Hình: Đàm Hách Thành tại Quả Phụ Kiều, nơi nhiều người bị tàn sát vào mùa thu năm 1967.

—————–

[1] Hoành Thế Nhân: Tên một nhân vật địa chủ trong vở ca vũ kịch “Bạch mao nữ” (白毛女 – The White Haired Girl); Chu Bái Bì: tên một nhân vật địa chủ trong truyện “Bán dạ kê khiếu” (半夜鸡叫 – Tiếng gà gáy lúc nữa đêm; Lưu Văn Thái: tên một địa chủ (1887-1949) ở Tứ Xuyên; Nam Bá Thiên: tên một nhân vật trong phim và vở ca vũ kich “Hồng sắc nương tử quân” (红色娘子军 – Red Detachment of Women) (ND).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]