Những thách thức của Tập Cận Bình sau Đại hội 19

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John Wong, “Xi Jinping’s post-party congress challenges“, The Straits Time, 03/10/2017.

Biên dịch:  Mỹ Anh

Sự kiện chính trị lớn nhất trong năm 2017 của Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra ngày 18/10 tới, và một câu hỏi mấu chốt được đặt ra là Đảng Cộng sản Trung Quốc làm thế nào để phát triển hơn so với những thành công trong quá khứ của mình.

Với 85 triệu thành viên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) không chỉ có số lượng đảng viên lớn nhất thế giới mà còn là một trong số không nhiều đảng cộng sản tồn tại lâu đời nhất. CPC dự kiến sẽ tổ chức Đại hội XIX vào ngày 18/10 tới tại Bắc Kinh, nơi 2.300 đại biểu sẽ tề tựu tại Đại Lễ đường Nhân dân để thảo luận về những hướng đi mới cho các chính sách quốc gia, đồng thời xác định hàng ngũ mới của cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất Trung Quốc – Ban Thường vụ Bộ chính trị. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của hội nghị này sẽ là biên bản báo cáo chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản.

CPC hiện đã 96 tuổi. Hội nghị toàn quốc đầu tiên của đảng được tổ chức tại Thượng Hải hồi tháng 7/1921 với chỉ 12 đại biểu, trong đó có Mao Trạch Đông. Hội nghị này được chủ trì bởi Trần Độc Tú, một giảng viên môn Chủ nghĩa Mác thuộc Đại học Bắc Kinh. Hiện nay, đại hội đảng được tổ chức 5 năm 1 lần. Đại hội XVIII được tổ chức hồi tháng 11/2012 dưới sự chủ trì của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, và hội nghị đã ấn định ông Tập Cận Bình làm người kế nhiệm. Theo đó, Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo đảng trong 5 năm qua, đưa bản thân trở thành “lãnh đạo hạt nhân” của thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc hiện nay. Ông đã củng cố quyền lực thành công thông qua một chiến dịch chống tham nhũng kiên quyết, tái tổ chức và cải tổ mạnh mẽ Quân giải Phóng Nhân dân Trung Hoa. Có thể nói, ông đã trở thành lãnh đạo thống trị Trung Quốc, rất giống với Đặng Tiểu Bình, hoặc thậm chí là cả Mao Trạch Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc hiện là một cường quốc đang nổi lên, thì những xảy ra sau đại hội đảng hẳn sẽ có những tác động đáng kể đối với thế giới bên ngoài. Xét về mặt định hướng chính sách mới, Tập Cận Bình muốn hội nghị thảo luận về chiến lược của ông nhằm phát triển Trung Quốc trở thành một xã hội thịnh vượng ở mức độ tương đối từ nay đến năm 2021, khi CPC tròn 100 năm tuổi. Trung Quốc đã trở thành một tấm gương cho sự giảm nghèo đói. Ông Tập Cận Bình mới đây cũng rầm rộ khoe khoang những nỗ lực nhằm hoàn tất nhiệm vụ xóa bỏ hoàn toàn sự nghèo đói có thể trông thấy tại Trung Quốc từ nay đến năm 2021.

Tuy nhiên, mọi con mắt sẽ tập trung vào hoạt động bổ nhiệm các thứ bậc cao nhất của ban lãnh đạo. Các suy đoán đang dồn vào bốn gương mặt mới sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc họp tiếp theo của Ban Thường vụ Bộ chính trị quyền lực gồm 7 thành viên với 3 nhân vật Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn. Nếu ông Vương về hưu, thì sẽ có 5 gương mặt mới. Ủy ban này sẽ không chỉ điều hành Trung Quốc trong 5 năm nữa, mà việc bổ nhiệm họ còn có thể kéo theo sự thay đổi nhân sự hàng loạt. Và điều này cũng có thể đồng nghĩa với sự thay đổi chính sách. Vấn đề kế nhiệm thậm chí còn quan trọng hơn. Hiện vẫn chưa chắc liệu hội nghị lần này có tuân theo truyền thống là công khai về người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình trước khi đại hội tiếp theo diễn ra năm 2022, khi thời hạn chuyển giao quyền lực đến.

Cho đến nay, Tập Cận Bình chưa cho thấy những nỗ lực rõ rệt nào nhằm chuẩn bị cho một ai trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu để kế nhiệm mình. Nếu việc này bị trì hoãn, thì nó sẽ làm dấy lên những đồn đoán rằng ông có thể muốn duy trì quyền lực sau nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều này có thể vi phạm luật hiến pháp về giới hạn hai nhiệm kỳ tổng bí thư mà Đặng Tiểu Bình đã lập ra. Nghiêm trọng hơn, điều này có thể tạo ra một tiền lệ xấu trong tương quan quyền lực tại tầng lớp cao nhất của CPC, và kéo theo đó là sự bất ổn chính trị lớn.

Chặng đường tiếp theo

Ngoài vấn đề quyền lực chính trị, thách thức lớn nhất đối với Tập Cận Bình cách thức lèo lái đảng và đất nước bước vào chặng đường tiếp theo. CPC được cho là đảng lâu đời nhất trên thế giới. Họ đã duy trì quyền lực được rất lâu, từ năm 1949, đơn thuần là nhờ sự thành công trong việc cải tiến đảng để thích nghi với những thay đổi, cũng như trong việc phát triển đất nước Trung Quốc thành một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào nhất.

Khởi điểm của CPC là một đảng cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, CPC đã chiến thắng trong cuộc nội chiến và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hồi tháng 10/1949. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, quyền lực được chuyển vào tay Đặng Tiểu Bình, người dẫn dắt Trung Quốc đi vào một con đường phát triển mới với sự cải cách kinh tế và các chính sách mở cửa của mình. Điều đó không chỉ giúp Trung Quốc hồi sinh, mà đã thực sự cứu CPC tránh khỏi sụp đổ như đảng Cộng sản Liên Xô.

Trên mặt trận tư tưởng, Tập Cận Bình có vẻ nghiêm túc hơn nhiều so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Nhiều người biện luận rằng Tập Cận Bình, vốn có tham vọng chính trị rất lớn và nắm được quyền lãnh đạo mạnh mẽ như Đặng Tiểu Bình, thậm chí là Mao Trạch Đông, cũng muốn để lại nhiều di sản như hai người tiền nhiệm đã làm được.

Nối dài thành công của CPC

Những thách thức mới của Tập Cận Bình sẽ chính thức bắt đầu sau khi ông đọc xong báo cáo chính trị của mình tại đại hội. Những thách thức đó chính là làm sao để nối dài những thành công trong quá khứ về cải cách và phát triển kinh tế. Về kinh tế, Trung Quốc đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Nhiệm vụ của ông Tập Cận Bình là làm thế nào để xử lý sự giảm tốc kinh tế trong bối cảnh thay đổi cơ cấu nhanh chóng mà tái cân bằng kinh tế vĩ mô. Thực tế, truyền thông quốc tế đã sai lầm khi liên tục gắn nhãn cho sự tăng trưởng thấp hiện nay của Trung Quốc là một “sự thụt lùi lớn”. Chính Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc công khai chấp nhận sự tăng trưởng thấp của nước này là “tiêu chuẩn mới” – điều mà ông mô tả là “thực sự không hề đáng sợ”.

Ê-kíp cố vấn kinh tế của ông Tập Cận Bình, dưới sự lãnh đạo của Lưu Hạc, đã sớm nhận thức được nguy cơ tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn vay. Vì vậy, Tập Cận Bình đã đề ra các biện pháp cải cách cơ cấu “hạ mức thuế để khuyến khích sản xuất và đầu tư” nhằm giảm bớt nợ và giảm sự sản xuất dư thừa. Theo cách này, ông Tập đã ổn định thành công xu hướng giảm tốc của nền kinh tế. Trong khi đó, nợ tiếp tục tăng lên 260% GDP Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ chỉ xử lý “quả bom nợ” này như một vấn đề mang tính dài hạn, sẽ được giải quyết dần dần cùng sự tăng trưởng kinh tế được duy trì.

Những mối lo dài hạn khác của ông Tập còn có việc làm thế nào để thúc đẩy sự đổi mới đối với nền kinh tế mới đang nổi lên. Do nguồn gốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã được cải tổ đáng kể từ các mặt hàng chế tạo xuất khẩu cho tới như cầu nội địa cùng với sự gia tăng các hoạt động dịch vụ, duy trì sự tiến bộ về công nghệ sẽ là điều cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]