Lối thoát khỏi sự chia rẽ về quyền sở hữu súng tại Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “The Disunited States of American Gun Control,” Project Syndicate, 06/10/2017.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vụ thảm sát Las Vegas và hậu quả của nó mang chất Mỹ thuần túy. Một kẻ loạn trí mang gần hai tá vũ khí tấn công công nghệ cao lên một phòng khách sạn trên tầng 32 để xả súng vào những người đến xem đêm nhạc trong một vụ giết người hàng loạt và tự sát. Đáp lại, các cuộc chiến văn hóa lại bùng lên lần nữa, với nhóm chủ trương kiểm soát súng đối đầu với nhóm đam mê súng đạn. Nhưng người ta đều đồng ý về một sự thật sâu xa: sẽ không có nhiều điều thay đổi. Sau một tuần diễn ra các buổi tang lễ tang thương được truyền hình, cuộc sống người Mỹ sẽ lại tiếp tục cho đến khi xảy ra vụ thảm sát tiếp theo.

Bạo lực tập thể có gốc rễ sâu xa trong nền văn hóa Mỹ. Người châu Âu định cư ở Mỹ đã tiến hành một cuộc diệt chủng kéo dài hai thế kỷ với người dân bản địa, và thiết lập một nền kinh tế nô lệ vững chắc đến mức phải cần đến một cuộc nội chiến đầy tàn phá mới chấm dứt được. Ở hầu hết các nước khác, thậm chí ở nước Nga Sa hoàng, chế độ nô lệ và nông nô được chấm dứt bởi sắc lệnh hoặc luật pháp, mà không có bốn năm đổ máu. Khi nó kết thúc, Mỹ đã thiết lập và thực thi một hệ thống phân biệt chủng tộc kéo dài cả thế kỷ.

Ngày nay, tỷ lệ giết người và giam giữ ở Mỹ cao gấp nhiều lần so với châu Âu. Nhiều vụ xả súng hàng loạt diễn ra hằng năm – ở một đất nước cũng đang tiến hành các cuộc chiến dường như bất tận ở nước ngoài. Tóm lại, Mỹ là một đất nước có lịch sử quá khứ và thực tế hiện nay đầy rẫy phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa sô vanh sắc tộc, và bạo lực tập thể.

Vụ xả súng ở Las Vegas một lần nữa tỏ rõ nhu cầu cấm vũ khí tấn công. Khi Mỹ có một lệnh cấm như vậy, từ tháng 9/1994 đến tháng 9/2004, nó đã giúp hạn chế các vụ xả súng hàng loạt; nhưng Quốc hội đã không thể gia hạn lệnh cấm, do hoạt động vận động hành lang dày đặc của nhóm ủng hộ súng. Lệnh cấm này cũng sẽ không được khôi phục ở cấp độ liên bang trong tương lai gần. Một lệnh cấm đối với “báng súng đẩy,” thiết bị mà hung thủ vụ Las Vegas dùng để cho phép súng bán tự động có thể bắn như vũ khí tự động, có vẻ là có khả năng; nhưng sẽ không có nhiều hành động ở cấp độ liên bang hơn thế.

Khi Úc cấm vũ khí tấn công năm 1996, các vụ xả súng hàng loạt đã dừng lại đột ngột. Những người mê súng ở Mỹ đã bác bỏ những bằng chứng như vậy, và các vụ xả súng hàng loạt như ở Las Vegas chỉ củng cố niềm tin của họ rằng vũ khí là sự bảo vệ đích thực duy nhất của họ trong một thế giới nguy hiểm. Theo dữ liệu khảo sát đáng chú ý gần đây, sự gắn bó với súng đạn là đặc biệt lớn ở người da trắng học vấn thấp theo Đảng Cộng hòa sống chủ yếu ở các vùng nông thôn và ngoại thành ở miền Tây Nam và Trung Tây nước Mỹ – cũng là nhóm người tạo thành nhóm cử tri cốt lõi của Tổng thống Donald Trump.

Bất chấp những chia rẽ ý thức hệ sâu sắc trong nước, vẫn còn một tia hy vọng. Theo Hiến pháp Mỹ, các tiểu bang có quyền cấm vũ khí tấn công và kiểm soát súng (dù không thể cấm hẳn súng ngắn và súng trường, theo diễn giải của Tối cao Pháp viện về “quyền mang vũ khí” trong Tu chính án số 2). Tiểu bang tôi sống, New York, đã cấm vũ khí tấn công, như nhiều tiểu bang khác. Thay vì chiến đấu một trận chiến dễ thất bại khác ở Washington thì khuyến khích nhiều tiểu bang hơn thực thi đặc quyền của họ có vẻ hứa hẹn hơn nhiều.

Các tiểu bang làm như vậy sẽ có tỷ lệ xả súng hàng loạt thấp hơn, công dân được an toàn hơn, và có nền kinh tế năng động hơn. Las Vegas sẽ bị ảnh hưởng không chỉ vì vết thương của vụ thảm sát gần đây, mà còn từ sự chuyển hướng du lịch và hội nghị khỏi bang này, ít nhất là cho đến khi Nevada đối phó được với vũ khí tấn công và có thể bảo đảm an toàn cho du khách.

Nước Mỹ ngày nay không chỉ có các tiểu bang đỏ (bảo thủ) và các tiểu bang xanh (cấp tiến), mà trên thực tế còn có các đất nước đỏ và các đất nước xanh, tức là các khu vực khác biệt với các nền văn hóa, các nhân vật anh hùng, các nền chính trị, tiếng địa phương, các nền kinh tế, và các quan niệm về tự do khác nhau. Ở New York City, tự do có nghĩa là không phải sợ hàng ngàn người lạ cùng đi trên các vỉa hè và chơi trong các công viên của thành phố mỗi ngày mang theo các vũ khí chết người. Ở Texas hay Las Vegas, tự do là sự thoải mái mang theo vũ khí đáng tin cậy đến bất cứ nơi nào bạn muốn.

Đã đến lúc để các tiểu bang đỏ và xanh đi con đường của riêng họ. Chúng ta không cần một cuộc nội chiến nữa để đồng thuận về một bước đi thân thiện và có giới hạn tiến tới một mối liên kết lỏng lẻo hơn nữa giữa các tiểu bang. Ở điểm này, phe bảo thủ đã đúng: Hãy giảm bớt quyền lực của chính quyền liên bang và trả lại nhiều thu nhập và quyền lập quy hơn cho các tiểu bang, tuân thủ những hạn định trong hiến pháp về phân chia quyền lực và các quyền cơ bản. Như vậy, mỗi bên trong cuộc chiến văn hóa này đều có thể tiến gần hơn đến kết quả mong muốn mà không cản trở phía bên kia cũng làm được như vậy.

Tiểu bang của tôi sẽ phát triển hơn trong một liên bang lỏng lẻo hơn như vậy, dùng khả năng cơ động được gia tăng của mình để chắt chặt quy định và mở rộng các dịch vụ xã hội bằng những khoản tiết kiệm trong tiền thuế hiện phải trả cho chính quyền liên bang. Chính quyền liên bang yếu hơn cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có ít “cuộc chiến tự chọn” hơn ở Trung Đông.

Đến một lúc nào đó, Mỹ sẽ có một quy định kiểm soát súng liên bang. Khi có thêm nhiều nghị sĩ nhận ra mạng sống của chính họ cũng đang gặp nguy hiểm – mà đáng buồn là đúng là như vậy – cuối cùng chúng ta sẽ được thấy hành động ở tầm quốc gia. Trong thập niên này đã có hai nghị sĩ bị bắn (Gabrielle Giffords năm 2011 và Steve Scalise năm nay). Nhưng trong lúc này các nghị sĩ sẽ vẫn bị mắc kẹt trong làn đạn chính trị của những tay súng điên và các nhà vận động hành lang ủng hộ súng. Điều này đáng sợ, nhưng đáng buồn là có thật.

Trong nước Mỹ của Trump, bạo lực súng đạn và bất ổn đang được tiếp thêm lửa mỗi ngày. Một giải pháp có quy mô quốc gia, được thực hiện nhanh chóng, sẽ là lý tưởng. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra thì chúng ta nên khuyến khích thêm nhiều tiểu bang nữa tự lựa chọn lương tri súng đạn cho riêng mình.

Jeffrey D. Sachs, giáo sư về Phát triển Bền vững và giáo sư về Chính sách và Quản lý Y tế, là giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia và giám đốc Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Ông là tác giả của các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development, và gần đây nhất là Building the New American Economy.

Xem thêm:

Sở hữu súng: Bi kịch văn hóa và chính trị Mỹ

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Disunited States of American Gun Control
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]