06/11/1962: Liên Hiệp Quốc lên án chế độ Apartheid

Nguồn: U.N. condemns apartheid, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1962, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án các chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid của Nam Phi và kêu gọi tất cả các thành viên chấm dứt quan hệ kinh tế và quân sự với nước này.

Có hiệu lực từ năm 1948 đến năm 1993, Apartheid (bắt nguồn từ tiếng Afrikaans nghĩa là tách biệt) là tình trạng tách biệt chủng tộc và phân biệt về chính trị và kinh tế được chính phủ áp dụng đối với nhóm đa số không phải người da trắng ở Nam Phi. Trong số rất nhiều bất công khác nhau, người da đen đã bị buộc phải sống ở các khu vực biệt lập và không thể bước vào các khu phố chỉ có người da trắng, trừ khi họ có một thẻ thông hành đặc biệt. Mặc dù người da trắng đại diện cho một phần nhỏ trong dân số, nhưng họ nắm giữ phần lớn đất đai và tài sản của cả nước.

Sau lần thảm sát những người biểu tình không vũ trang năm 1960 tại Sharpeville gần Johannesburg, Nam Phi, trong đó 69 người da đen bị giết và hơn 180 người bị thương, phong trào quốc tế nhằm chấm dứt chế độ Apartheid đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, có rất ít cường quốc phương Tây hoặc các đối tác thương mại chính của Nam Phi ủng hộ lệnh cấm vận kinh tế hoặc quân sự đầy đủ đối với nước này. Tuy nhiên, sự chống lại chế độ Apartheid trong nội bộ Liên Hiệp Quốc đã tăng lên, và vào năm 1973, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã gọi Apartheid là “tội ác chống lại loài người.” Năm 1974, Nam Phi bị tạm đình chỉ tư cách thành viên tại Đại Hội đồng.

Sau nhiều thập niên đình công, trừng phạt và biểu tình ngày càng bạo động hơn, nhiều luật mang tính phân biệt chủng tộc đã bị bãi bỏ vào năm 1990. Cuối cùng, vào năm 1991, dưới thời Tổng thống F.W. de Klerk, chính phủ Nam Phi chính thức bãi bỏ tất cả các luật lệ mang tính phân biệt chủng tộc còn lại và cam kết soạn thảo một hiến pháp mới.

Năm 1993, một chính phủ chuyển tiếp đa chủng tộc, đa đảng được thông qua, và một năm sau đó, Nam Phi đã tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Nhà hoạt động chính trị Nelson Mandela, người đã trải qua 27 năm tù cùng với nhiều nhà lãnh đạo chống Apartheid khác sau khi bị buộc tội phản quốc, đã trở thành Tổng thống mới của Nam Phi.

Năm 1996, Ủy ban Sự thật và Hòa giải Nam Phi (South African Truth and Reconciliation Commission, TRC) do chính phủ mới thành lập đã bắt đầu một cuộc điều tra về những hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền xảy ra dưới chế độ Apartheid trong khoảng năm 1960 đến ngày 10/05/1994 (ngày Mandela tuyên thệ trở thành Tổng thống). Mục tiêu của Ủy ban không phải là để trừng phạt kẻ có tội, mà là hàn gắn Nam Phi bằng cách nhìn lại quá khứ một cách cởi mở. Những người phạm tội đã được phép xưng tội và xin ân xá. Đứng đầu bởi người đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1984, Tổng giám mục Desmond Tutu, TRC đã thu thập lời khai của hơn 20.000 nhân chứng từ mọi phía của vấn đề – các nạn nhân và gia đình họ cũng như những kẻ phạm tội bạo lực. Tổ chức này đưa ra báo cáo vào năm 1998 và lên án tất cả các tổ chức chính trị lớn – chính phủ phân biệt chủng tộc, và cả các lực lượng chống phân biệt chủng tộc như Đại hội Dân tộc Phi – vì đã góp phần gây ra bạo lực. Dựa trên các khuyến nghị của TRC, chính phủ bắt đầu tiến hành chi trả các khoản bồi thường có trị giá khoảng 4.000 USD Mỹ cho từng nạn nhân của Apartheid vào năm 2003.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]