Có phải đường dây nóng Mỹ-Xô sử dụng điện thoại đỏ?

Nguồn:Was there really a “red telephone” hotline during the Cold War?”, History, 23/09/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong giai đoạn cao trào của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã thiết lập một đường dây thông tin liên lạc trực tiếp nhằm cho phép các nhà lãnh đạo liên lạc với nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Kể từ đó, đường dây nóng Washington-Moskva này đã xuất hiện trong vô số tiểu thuyết và phim ảnh, chẳng hạn như phim “Dr. Strangelove” năm 1964, nhưng trái với những miêu tả trong văn hoá bình dân, nó không bao giờ mang hình thức là một chiếc điện thoại màu đỏ. Trong thực tế, nó thậm chí không bao giờ liên quan đến bất cứ cuộc gọi điện thoại nào.

Đường dây nóng Washington-Moskva lần đầu tiên được đề xuất vào những năm 1950, nhưng ý tưởng này đã không thu hút được sự chú ý cho đến cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ và Liên Xô phát hiện ra rằng các thông điệp ngoại giao của họ thường mất vài giờ để có thể tới được bên kia. Lo sợ rằng bất kỳ rủi ro nào cũng có thể vô tình gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, hai siêu cường này đã gặp nhau tại Geneva vào năm sau đó và ký một “Bản ghi nhớ về Thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp.”

Vào ngày 30/08/1963, hệ thống mới này đã được đưa vào hoạt động. Thay vì là một đường dây điện thoại, vốn có khả năng làm sai lệch thông tin, đường dây nóng này bao gồm các máy điện báo cho phép hai nước gửi các thông điệp bằng văn bản đến nhau thông qua đường cáp xuyên Đại Tây Dương. Hệ thống của Liên Xô được đặt tại Kremlin, nhưng hệ thống của Mỹ thì luôn được đặt tại Lầu Năm Góc chứ không phải Nhà Trắng. Các kết nối vệ tinh sau đó đã được bổ sung vào đường dây nóng dưới thời chính quyền Nixon, và vào năm 1986, nó đã được nâng cấp để bao gồm khả năng gửi fax tốc độ cao. Lần nâng cấp gần đây nhất được thực hiện vào năm 2008, khi hệ thống này được chuyển sang email.

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy đường dây nóng này đã từng được sử dụng để ngăn ngừa một thảm hoạ hạt nhân, nhưng nó thường đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ-Xô. Năm 1967, Lyndon B. Johnson trở thành vị tổng thống đầu tiên sử dụng hệ thống này khi ông thương lượng với lãnh đạo Liên Xô Alexei Kosygin trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày, một cuộc xung đột ngắn giữa Israel và một số quốc gia Ả rập. Richard Nixon sau đó đã sử dụng hệ thống này cho các mục đích tương tự trong cuộc Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971 và cuộc Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, và Jimmy Carter nổi tiếng là đã dùng đường dây nóng để phản đối cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979.

Cuộc khủng hoảng cuối cùng mà trong đó đường dây nóng được sử dụng diễn ra dưới thời chính quyền Reagan và những ngày tàn của Chiến tranh Lạnh, nhưng hệ thống này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Để đảm bảo rằng hệ thống vẫn hoạt động trong trường hợp khẩn cấp, các kỹ thuật viên Nga và Mỹ tiếp tục gửi tin nhắn kiểm tra cho nhau mỗi giờ một lần.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]