Nguồn: Tito dies, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1980, Josip Broz Tito, lãnh đạo cộng sản của Nam Tư từ năm 1945, đã qua đời ở tuổi 88 tại Belgrade. Trong suốt 35 năm lãnh đạo của mình, Tito đã dẫn dắt Nam Tư theo một đường lối kết hợp giữa việc tuân thủ giáo điều chủ nghĩa Mác-xít với một mối quan hệ độc lập và thường mang tính mâu thuẫn với Liên Xô.
Sinh ra trong một gia đình nông dân, Tito đã tiếp nhận chủ nghĩa cộng sản khi còn là một thanh niên. Ông trở nên nổi tiếng tại Nam Tư bắt đầu từ Thế chiến II khi lãnh đạo các nhóm kháng chiến chống lại lực lượng chiếm đóng của Đức Quốc xã và tay sai người Nam Tư của họ.
Năm 1944, ông kêu gọi sự giúp đỡ của lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin để giành lại thủ đô Belgrade từ tay Đức Quốc Xã. Stalin đã gửi các đơn vị Hồng quân tới để trợ giúp, và vào đầu năm 1945, Tito tuyên bố mình là nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nam Tư mới. Tuy nhiên, không giống như nhiều quốc gia Đông Âu khác, đất nước Nam Tư của Tito không phải trải qua sự chiếm đóng lâu dài của Liên Xô.
Sau năm 1945, quan hệ giữa Tito và Liên Xô sụp đổ nhanh chóng. Việc Tito giúp đỡ những người cộng sản Hy Lạp không nhận được sự đồng tình của Stalin, người trước đó đã đạt được một thỏa thuận với Thủ tướng Anh Winston Churchill, qua đó chấp nhận ảnh hưởng của Anh tại Hy Lạp. Ngoài ra, đường lối độc lập trong chính sách ngoại giao của Tito đã chọc tức Stalin, người kỳ vọng rằng các chế độ “vệ tinh” cộng sản ở Đông Âu sẽ phục tùng Liên Xô.
Năm 1948, Stalin trục xuất Nam Tư ra khỏi Cục Thông tin Cộng sản (một cơ quan được thiết kế để phối hợp chính sách giữa các quốc gia cộng sản trong quan hệ quốc tế). Hành động này đã cắt đứt quan hệ giữa khối Xô – viết và Nam Tư trên thực tế.
Tito phản ứng lại bằng cách tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ. Đáng ngạc nhiên là sự hỗ trợ này đã xảy ra. Tổng thống Harry S. Truman và các cố vấn của ông đã thấy ở Tito một cơ hội để chia rẽ khối cộng sản được cho là vững chắc, qua đó khuyến khích các chế độ cộng sản khác thoát ra khỏi sự thống trị của Liên Xô. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ mong đợi rằng Tito sẽ đi chệch ra khỏi hệ tư tưởng Mác-xít của mình, thì đáng buồn là họ đã nhầm. Cho đến khi qua đời vào năm 1980, Tito vẫn là một người cộng sản kiên định dù đã đi theo một con đường độc lập với Liên Xô.