Tập Cận Bình sợ điều gì?

Nguồn: Andrew J. Nathan, “What Is Xi Jinping Afraid Of?” Foreign Affairs, 08/12/2017.

Biên dịch: Huỳnh Hoa

Chế độ của Trung Quốc bất an hơn vẻ bề ngoài

Ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) sợ điều gì? Trong mấy năm trước khi diễn ra đại hội lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10 vừa qua, chính phủ của ông Tập đã siết chặt sự kiểm soát các luật sư, học giả, người hoạt động xã hội dân sự và trí thức công. Chính phủ Trung Quốc cũng gia tăng quản lý báo chí truyền thông trong lúc nâng cao mức độ tuyên truyền về sự xuất sắc của sự lãnh đạo của ông Tập và đòi hỏi các đảng viên và cán bộ nhà nước phải trung thành nhiều hơn nữa. Chiến dịch chống tham nhũng đã tiếp tục nhổ bật gốc nhiều quan chức cao cấp, những người tỏ ra không đủ trung thành cá nhân với ông Tập.

Trường hợp gần đây gây ngạc nhiên nhất là vụ ngã ngựa hồi tháng 9 của ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), một ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy đảng Cộng sản Trung Quốc của đại đô thị Trùng Khánh vùng tây nam Trung Quốc. Giống như tất cả các quan chức cao cấp bị hạ bệ khác, Tôn bị cáo buộc tội tham nhũng, dâm loạn về tính dục và nhiều tội lỗi khác – những cáo buộc mà hầu như đồng chí đồng nghiệp nào của ông cũng đều phạm phải – nhưng tội lỗi thật của ông ta có lẽ là đã không nỗ lực đầy đủ để khuếch trương sự ủng hộ ông Tập ở thành phố Trùng Khánh, nơi cựu đối thủ của ông Tập – cựu bí thư Bạc Hy Lai (Bo Xilai) – được cho là vẫn còn được ủng hộ nhiều hơn so với ông Tập dù 5 năm đã trôi qua kể từ khi ông Bạc bị tước mất quyền lực một cách ngoạn mục. Ông Tôn đã bị thay thế bởi ông Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), mà nhiệm vụ hàng đầu là xóa bỏ di sản của ông Bạc khỏi đất Trùng Khánh.

Tại đại hội đảng mới đây, ông Tập bố trí vào ủy ban trung ương và hai cơ quan lãnh đạo cấp cao hơn – bộ chính trị và ủy ban thường vụ bộ chính trị – những người trung thành với ông. Mười lăm trong số 25 ủy viên bộ chính trị có lịch sử giao du với ông Tập từ những ngày ông bắt đầu sự nghiệp chính trị ở các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang (thậm chí có một trường hợp đã quen với ông trong những ngày ông còn là thanh niên bị đưa xuống nông thôn tỉnh Thiểm Tây trong thời Cách mạng Văn hóa). Mười ủy viên còn lại gồm các nhà kỹ trị, một phụ nữ làm kiểu, và hai sĩ quan quân đội theo tiêu chuẩn là những người mang ơn ông Tập đã phong hàm cho họ – không có ai đại diện cho một thách thức chính trị có ý nghĩa. Và không ai trong số bảy ủy viên ủy ban thường vụ có cấp bậc hoặc tuổi tác phù hợp để kế vị ông Tập, cho thấy ông có ý định phục vụ nhiều hơn hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, thường thấy của vị trí tổng bí thư. Việc đưa vào cương lĩnh của đảng một hệ tư tưởng có vai trò dẫn dắt mới, gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, càng cho thấy rằng ngay cả khi ông Tập cuối cùng sẽ bước xuống thì ông vẫn tiếp tục thống trị.

Bài diễn văn của ông Tập trước đại hội – một diễn văn kéo dài ba tiếng rưỡi đồng hồ chỉ nhắc lại hết câu khẩu hiệu này đến câu khẩu hiệu khác mà không giải thích được chúng có ý nghĩa gì – huênh hoang rằng cán bộ đảng và quan chức chính phủ sẽ được thăng tiến dựa trên thành tích. Nhưng nó định nghĩa thành tích như là “tuân theo sự lãnh đạo của hạt nhân [tức là ông Tập], đi theo sự lãnh đạo của trung ương đảng [ông Tập]” và “ủng hộ quyền uy của ủy ban trung ương [ông Tập]”. Ông Tập đã định nghĩa lại chế độ trọng dụng nhân tài (meritocracy) thành chế độ đi theo (followocracy). Trong các cuộc thảo luận tổ suốt thời gian đại hội, các đại biểu đảng tranh nhau vươn tới các đỉnh cao mới về nhiệt tình tôn vinh sự lãnh đạo của ông Tập.

Tại sao lại có sự tập trung quyền lực mạnh mẽ và nhấn mạnh vào sự tuân phục như vậy? Ông Tập tuyên bố rằng, Trung Quốc đang sắp hoàn thành giấc mộng vĩ đại là trẻ hóa dân tộc. Nhưng nhiều động thái mà ông đã thực hiện như là dấu hiệu về sức mạnh của ông lại là những chứng cớ bộc lộ nỗi âu lo của ông Tập. Như chính ông Tập đã thổ lộ trong bài diễn văn trước đại hội đảng: “Triển vọng rất tươi sáng nhưng thách thức rất nghiêm trọng”.

Những thập niên nguy hiểm nhất

Thách thức đầu tiên là sự phản kháng đối với sự vươn lên của Trung Quốc mà Bắc Kinh dự đoán từ phía Washington. Các nhà chiến lược Trung Quốc gần như đều bám vào lối suy nghĩ thực tế gắn liền với tư tưởng của John Mearsheimer và Graham Allison, vốn cho rằng một thế lực thống trị được kỳ vọng sẽ chống lại sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh cùng trang lứa. Mười năm về trước, khi ông Tập vẫn còn là người chuẩn bị kế vị mà chưa phải là tổng bí thư đảng, ông đã nói rõ cái lý thuyết về một “kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc quan trọng”, với hy vọng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho cái mà Trung Quốc miêu tả là “lợi ích cốt lõi” của nước này. Nhưng thay vì vậy, dưới thời tổng thống Barack Obama và ngoại trưởng Hillary Clinton, Washington lại theo đuổi chính sách “xoay trục sang châu Á”, xoay quanh các chính sách như đàm phán một hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phục hồi các liên minh quân sự trong khu vực và vun đắp mối hợp tác quốc phòng với các đối tác châu Á chưa phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các chính sách như vậy đại diện cho một nỗ lực làm suy yếu sức mạnh của Trung Quốc và duy trì mãi mãi vị thế thống trị của Hoa Kỳ.

Sự xuất hiện của ông Donald Trump đã mang lại cho Trung Quốc một nỗi nhẹ nhõm khỏi áp lực của Hoa Kỳ. Trump đã rút ra khỏi TPP, làm lung lay niềm tin của các đồng minh vào cam kết bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và đóng một vai trò hỗ trợ trong việc xây dựng sự sùng bái ông Tập. Nhưng là những người Marxist hiện đại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng, những lợi ích thuộc về cấu trúc thì quan trọng hơn nhiều so với các cá nhân. Chẳng sớm thì muộn, bằng cách này hay cách khác, có hoặc không có ông Trump, Hoa Kỳ vẫn sẽ cố gắng chặn đứng đà vươn lên của Trung Quốc. Trong mắt nhìn của họ, những thập niên cuối cùng sẽ tới trong động lực vươn tới một quốc gia vĩ đại (mà ông Tập xác định thời điểm vào năm 2049), là đặc biệt nguy hiểm. Ngay cả bây giờ, cái mà Trung Quốc nhìn thấy như là sự xử trí sai lầm của Hoa Kỳ đối với tình hình Bắc Hàn – cường điệu cuộc khủng hoảng và đe dọa chiến tranh thay cho giảm căng thẳng và đàm phán – được các nhà phân tích Trung Quốc coi như một âm mưu xảo quyệt của Mỹ. Lối suy nghĩ này cho rằng, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nghĩa là buộc Trung Quốc phải từ bỏ vùng đệm Bắc Hàn cách ly lực lượng Hoa Kỳ và kích thích các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á nâng cấp khí tài quân sự và thậm chí còn có thể thủ đắc vũ khí hạt nhân.

Với những mối lo sợ như vậy trong tâm trí, ông Tập nhắc đi nhắc lại trong bài diễn văn của ông tại đại hội đảng cái nhu cầu “thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn với đặc điểm Trung Quốc, [một chính sách ngoại giao] nhắm tới việc nuôi dưỡng một kiểu mới của quan hệ quốc tế và xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai của nhân loại”. Nói cách khác, hãy tiếp tục cố gắng để Washington chấp nhận một cách hòa bình sự trỗi dậy của Trung Quốc càng lâu càng tốt.

Thêm luật lệ, thêm kẻ cắp

Một thách thức khác cho chế độ của ông Tập là thách thức nội bộ. Như ông đã nói trong bài diễn văn trước đại hội, “Những gì chúng ta đang đối mặt bây giờ là mâu thuẫn giữa một bên là sự phát triển không cân bằng, không cân đối và một bên là nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một đời sống tốt đẹp hơn”. Ông đã đề cập tới cuộc cách mạng của các kỳ vọng dâng trào – kỳ vọng có không khí sạch hơn, nhà cửa vừa túi tiền hơn, sản phẩm an toàn hơn và dịch vụ công tốt hơn – từ phía tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, từ các giai cấp nông dân và lao động khao khát vươn lên của Trung Quốc. Cuộc cách mạng này xảy đến giữa lúc tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và một nhu cầu khẩn cấp phải thực hiện những cuộc cải cách khó khăn để làm giảm nợ nần của ngân hàng và chính quyền địa phương, phục hồi các doanh nghiệp nhà nước và tái tạo nền kinh tế năng lượng của Trung Quốc.

Nhiều xã hội đã từng trải qua những áp lực và căng thẳng nội bộ mà chế độ cai trị không hề bị sụp đổ. (Xã hội Mỹ ngày nay là một ví dụ tốt, trong đó gần như mọi người đều tức giận về tình trạng của nền chính trị và kinh tế). Nhưng ở Trung Quốc, ngay cả một biểu hiện nhỏ của sự bất mãn cũng bị coi là mối đe dọa sống còn cho đảng cầm quyền. Chuyện này được minh họa rõ nét vài tuần trước đây khi chính phủ nhanh chóng dập tắt sự biểu lộ nỗi giận dữ của công chúng trước vụ bạo hành trẻ em tại một nhà trẻ ở Bắc Kinh. Cần thiết phải triệt tiêu những biểu hiện giận dữ không dự liệu trước của dân chúng trước khi chúng lan tràn, bởi vì như ông Tập nói trước đại hội, “Yếu tố xác định chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc là sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Sách Đạo đức kinh của đạo Lão khuyên bảo, “Càng có nhiều luật lệ, nhiều mệnh lệnh thì càng có nhiều kẻ cắp và kẻ cướp”. Bằng cách nhấn mạnh vào sự độc chiếm quyền lực, đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến mọi tiếng nói độc lập thành một mối đe dọa sinh tử. Ấy thế nhưng mục đích được tự xác định cho sự tồn tại của đảng là tạo ra một xã hội hiện đại, và trong cái xã hội hiện đại ấy, các tiếng nói độc lập sẽ liên tục vang lên. Sự cai trị đang diễn ra của ông Tập – cho dù nó được kéo dài thêm 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa – sẽ thử nghiệm những gì mà mọi người bắt đầu gọi là “mô hình Trung Quốc”, một mô hình hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin rằng công cuộc hiện đại hóa tiên tiến có thể tương thích với một chính quyền chuyên chế và đàn áp.

Andrew J. Nathan là giáo sư khoa học chính trị, trường đại học Columbia, đồng tác giả với Andrew Scobell viết cuốn sách “China’s Search for Security” (Trung Quốc tìm kiếm an ninh).

Nguồn: Viet-studies