Khi Stalin đối mặt Hitler: Ai hơn ai? (P3)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stephen Kotkin, “When Stalin Faced Hitler – Who Fooled Whom?”, Foreign Affairs,19/09/2017.

Biên dịch: Nguyễn Hữu Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Phần I;  Phần II

Tin giả

Đó là một ngày nóng bức, ngột ngạt, và viên sĩ quan phụ tá hàng đầu của Stalin, tướng Alexander Poskryobyshev, đang đổ mồ hôi nhễ nhại, cửa sổ của ông để mở nhưng bên ngoài những chiếc lá trên cành vẫn đứng yên. Là con trai của một người thợ giày, giống như ngài lãnh tụ mà ông đang phục vụ, văn phòng của Poskryobyshev nằm ngay ở mặt ngoài mà những vị khách nào vào diện kiến Stalin cũng phải đi qua, và lúc nào cũng vậy họ sẽ hỏi ông những câu hỏi như – “Ông biết vì sao ngài lãnh tụ gọi tôi vào không?”, “Tâm trạng của ông ấy bây giờ như thế nào?” – và ông chỉ trả lời ngắn gọn, “Ông sẽ biết thôi.” Ông ta là người không thể thay thế, trả lời mọi cuộc gọi đến và xử lý những đống giấy tờ đúng theo cách mà vị lãnh tụ mong muốn. Nhưng Stalin đã lệnh cho Lavrenti Beria, người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật đáng sợ, bỏ tù người vợ thân yêu của Poskryobyshev vì đi theo “chủ nghĩa Trotsky” vào năm 1939. (Beria đã gửi một giỏ lớn trái cây cho 2 người con gái của họ; sau đó xử tử mẹ của chúng.)

Poskryobyshev ngồi ở bàn làm việc và cố gắng hạ nhiệt bằng một chai nước khoáng. Theo chỉ thị của Stalin, vào lúc 2:00 chiều ông phải gọi điện cho tướng Ivan Tyulenev, chỉ huy Quân khu Moskva. Không lâu sau, vị tướng nghe được giọng nghèn nghẹt của Stalin hỏi rằng, “Đồng chí Tyulenev, tình hình hệ thống phòng không của Moskva như thế nào rồi?” Sau một báo cáo ngắn, Stalin nói tiếp, “Anh nghe này, tình hình có vẻ không ổn lắm vì thế anh nên tăng cường hệ thống phòng không của Moskva lên mức 75% trạng thái sẵn sàng chiến đấu.”

Poskryobyshev đặt các thông tin tình báo mới nhất, được chuyển từ một người đưa tin chiến trường, lên bàn làm việc của Stalin. Hầu hết những thông tin này đều là tin đồn, chứ không phải là những tài liệu nào đó được đánh cắp. Các báo cáo có vẻ trái ngược nhau, làm phức tạp thêm tình hình với những thông tin rõ ràng là sai lệch, và việc này thường đem đến sự nghi ngờ. Ở London, đại sứ của Liên Xô ở Vương Quốc Anh đã viết một bản báo cáo rằng ông coi một cuộc tấn công từ người Đức là “không thể xảy ra” cho dù đã nhận được thông tin trái lại từ người Anh vốn chặn được liên lạc bí mật của quân đội Đức. Tuy nhiên, viên Đại sứ của Liên Xô ở Đức, sau nhiều tháng do dự, cuối cùng đã quả quyết rằng những hành động của Đức báo hiệu một cuộc xâm lăng sắp xảy ra. Nhưng Stalin đã kết luận một cách rõ ràng rằng viên chức ngoại giao của ông ở Berlin đã bị những thông tin sai lệch đánh lạc hướng và nhận xét rằng ông ta “không phải là một người thông minh.”

Đối với Stalin, câu hỏi đặt ra không phải là liệu cuộc chiến với Đức Quốc xã có chắc chắn xảy ra hay không mà là có chắc chắn xảy ra vào năm nay (năm 1941) hay không. Càng lúc càng có nhiều hơn các bằng chứng cảnh báo về cuộc xâm lăng xuất hiện trên bàn làm việc của ông, nhưng 14 ngày cụ thể được lực lượng tình báo xem là ngày Đức sẽ tấn công đã trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra. Những khả năng còn lại chỉ còn “ngày 22-25 tháng 6” và “21 hoặc 22 tháng 6.” Khoảng thời gian phù hợp cho một cuộc xâm lăng sẽ sớm đóng lại, bởi vì không bao lâu nữa mùa đông sẽ đến. Và Stalin chắc chắn được yên ổn thêm một năm nữa.

Tất nhiên, những cảnh báo về cuộc chiến sắp tới thậm chí còn tràn ngập ở khắp các mặt báo trên thế giới. Nhưng vì biết rõ công dụng của báo chí, ông đã coi những cái tít đầy kinh hãi là sự khiêu khích có chủ ý. Ông lập luận rằng người Mỹ và người Anh không muốn gì hơn việc Đức và Liên Xô sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh. Tất nhiên là ông đã đúng. Nhưng vì vậy, ông đã phớt lờ tất cả những lời cảnh báo về cuộc tấn công của người Đức. Ông biết rằng nước Đức đang trải qua sự thiếu thốn nghiêm trọng và cho rằng họ vẫn cần nhiều nguồn tiếp tế hơn nữa từ Liên Xô, vì vậy một cuộc xâm lược của người Đức đồng nghĩa với việc tự sát bởi vì họ sẽ không còn được nhận những nguồn cung cấp đó nữa. Stalin còn biết xa hơn đó là nước Đức bại trận trong Thế chiến I bởi vì họ phải chiến đấu ở cả hai mặt trận Đông-Tây, và vì thế ông cho rằng người Đức hiểu rằng sẽ tự sát nếu tấn công Liên Xô ở phía Đông khi vẫn chưa khuất phục được nước Anh ở phía Tây.

Kiểu suy luận như vậy đã trở thành một cái bẫy cho Stalin, khiến ông kết luận rằng việc tập trung lực lượng quân đội khổng lồ của người Đức ngay trước cửa ngõ của Liên Xô không phải là dấu hiệu cho một cuộc tấn công sắp xảy ra mà là Hitler đang cố gắng hăm dọa Stalin để buộc ông phải nhường lãnh thổ và nhượng bộ mà không cần phải chiến đấu. Thực tế đó là một chiến dịch tung tin giả thông minh của Đức Quốc Xã vốn đánh lừa được mạng lưới gián điệp toàn cầu của Liên Xô với những báo cáo không ngớt về các đòi hỏi của Đức theo sau việc xây dựng lực lượng quân đội khổng lồ ở phía Đông. Vì vậy, thậm chí lực lượng tình báo giỏi nhất của Stalin vừa cho rằng chiến tranh đang đến, vừa cho rằng đó chỉ là đòn hăm dọa. Và nếu giả thiết thứ hai là đúng thì giả thiết thứ nhất không còn đúng nữa.

Vì thế, khi Stalin chỉ trích lực lượng tình báo của ông đã bị đầu độc bởi những thông tin sai lệch, thì ông đã đúng. Nhưng vị lãnh đạo độc tài này cũng không biết phần nào là giả và phần nào là tình báo chính xác. Ông gán mác “tin giả” cho bất kì thông tin nào mà ông không muốn tin.

Sẵn sàng hay chưa sẵn sàng chúng tôi cũng tới đây!

Đại tá Georgy Zakharov, một phi công chiến đấu đã nhận lệnh thực hiện một chuyến do thám nguyên ngày ở vùng biên giới bên phía Đức, và ông đã báo cáo rằng quân đội Đức đã ở tình trạng sẵn sàng tiến quân. NKGB, cơ quan mật vụ của Liên Xô, đã phát hiện ra rằng những kẻ phá hoại người Đức trắng trợn vượt biên giới đã nhận được chỉ thị rằng “trong trường hợp lực lượng của Đức vượt qua biên giới trước khi họ quay lại Đức, họ phải báo cáo cho bất kì đơn vị Đức nào đang đóng ở lãnh thổ Liên Xô.” Lực lượng phản gián của Liên Xô đã lưu ý việc Đức đã tuyển mộ những người bất mãn với chế độ Xô-viết vào quân đội Đức một cách ào ạt ở vùng Baltic, Belarus, và Ukraine, những người này từ lâu đã thành lập những lực lượng ngầm và tham gia vào khủng bố từ lâu sau khi Stalin được cho là đã tiêu diệt lực lượng thứ năm (tức nội gián) trong thời kì Đại Thanh Trừng. Hệ thống đường sắt quá tải của Liên Xô vốn cần thiết cho việc vận chuyển quân lính về phía Tây đã bị ngập tràn với hàng vạn “phần tử chống Xô-viết” bị trục xuất. Xe tăng, chiến đấu cơ, và những chiếc thuyền phao của Đức đã được điều động vào khu vực biên giới được bảo vệ bởi hàng rào kẽm gai; giờ đây hàng rào đó đã bị gỡ bỏ. Tiếng ồn từ những chiếc mô-tô của Đức vang dội sang phía Liên Xô dọc đường biên giới.

Tại trung tâm của “Góc Nhỏ” là một bàn hội nghị, nơi Stalin đã tổ chức vô số buổi họp chuẩn bị chiến tranh. Ông đã ép thành lập hơn 9.000 xí nghiệp công nghiệp mới trong suốt 3 giai đoạn Kế hoạch 5 năm, và trong vòng 1 thập kỷ việc chế tạo vũ khí quân sự của Liên Xô thậm chí còn tăng nhanh hơn cả GDP của nước này. Ông giám sát việc thành lập 125 sư đoàn mới kể từ năm 1939, và giờ đây lực lượng Hồng Quân đã có 5,37 triệu lính và trở thành lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới. Họ có 25.000 cỗ xe tăng, và 18.000 chiến đấu cơ, lớn hơn gấp 3-4 lần quy mô của Đức. Stalin hiểu rằng Đức đã đánh giá thấp lực lượng khổng lồ này vì cả sự định kiến lẫn thiếu hiểu biết, vì thế ông đã sắp xếp những chuyến thăm của người Đức đến các nhà máy chế tạo máy bay và xe tăng của Liên Xô, và thậm chí còn cho phép máy bay của Đức thực hiện những chuyến do thám về những khu tập trung quân sự, sân bay, căn cứ hải quân, các kho nhiên liệu và quân dụng của Liên Xô mà không gặp bất kì sự cản trở nào. Stalin cũng chỉ thị gián điệp của mình phát tin đồn rằng nếu bị tấn công thì chiến đấu cơ của Liên Xô sẽ tấn công Berlin bằng chất độc hóa học và sinh học. Nếu ông là Hitler, Stalin sẽ chùn bước.

Tất nhiên, nếu đất nước của ông thật sự được trang bị vũ khí tốt như vậy thì tại sao lại không để kẻ thù tiếp tục khinh suất một cách ngu ngốc như vậy? Bởi vì cái gọi là “Cuộc chiến mùa đông” giữa Liên Xô và Phần Lan diễn ra vào những năm 1939-40, đã phơi bày những điểm yếu của quân đội Liên Xô không chỉ với Hitler mà còn cả Stalin nữa. (Quân đội Xô-viết đã giành chiến thắng cuối cùng, nhưng họ đã bị cản trở trong suốt mấy tháng trời bởi sự chống cự quả cảm của người Phần Lan.) Hồng quân Liên Xô vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu lại tổ chức và nâng cấp công nghệ kéo dài sau cuộc chiến với Phần Lan. Hồng quân chỉ sở hữu khoảng 1.800 xe tăng hạng nặng hiện đại; Lực lượng xe tăng còn lại thì quá nhẹ so với xe tăng của Đức. Tương tự, những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Liên Xô chỉ chiếm khoảng 1/4 lực lượng không quân. Việc chuẩn bị chiến tranh của Stalin cũng đi kèm những cuộc hành hình hàng ngàn sĩ quan trung thành, đặc biệt là những viên chỉ huy cao cấp như Vasily Blyukher, đôi mắt của ông đã được đặt lên tay trước khi ông bị tra tấn đến chết vào năm 1938. Và viên chỉ huy tài năng Mikhail Tukhachevsky, máu của ông đã bắn lên tung tóe khi ông “thú nhận” là gián điệp của Đức. Những vụ việc này xảy ra không lâu trước khi Stalin ký hiệp ước bất tương xâm Xô – Đức.

Hiện tại, 85% sĩ quan các sư đoàn có độ tuổi khoảng 35 hoặc trẻ hơn; những người từ 45 tuổi trở lên chiếm khoảng 1%. Tổng số 1.013 các tướng tá của Liên Xô đều dưới 55 tuổi, và chỉ có 63 người lớn hơn 55. Nhiều người trước đó chưa lâu vẫn còn là thiếu tá. Trong số 659.000 sĩ quan của Liên Xô, chỉ khoảng một nửa trong số đó đã tốt nghiệp từ các trường quân đội, trong khi khoảng 1/4 chỉ trải qua vài khóa học quân sự, và 1/8 chưa từng tiếp xúc với giáo dục quân sự hay những thứ đại loại như vậy.

(Còn tiếp)