Khi Stalin đối mặt Hitler: Ai hơn ai? (P1)

Print Friendly, PDF & Email

 

Nguồn: Stephen Kotkin, “When Stalin Faced Hitler – Who Fooled Whom?”, Foreign Affairs, 19/09/2017.

Biên Dịch: Nguyễn Hữu Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cho tới trước năm 40 tuổi, Joseph Stalin đạt rất ít thành tựu. Ông sinh năm 1878 trong một gia đình nghèo ở Gori, Gruzia, nơi sau này trở thành một phần của đế chế Nga. Cha ông là một người thợ sửa giày và mẹ là thợ giặt và may vá. Thời thơ ấu của Stalin tính cả những lúc đau ốm và bất hạnh có thể xem là khá yên ấm. Kết quả học tập của ông được nhiều điểm tốt, và ở tuổi thiếu niên, nhiều bài thơ của ông đã được xuất bản trên các tạp chí uy tín ở Gruzia (một độc giả sau này hồi tưởng lại, “cho đến tận bây giờ những vần thơ đẹp đẽ, êm đềm này vẫn còn vang vọng trong tai tôi”.) Nhưng ông đã không tham gia kì thi cuối cấp tại trường dòng Tiflis và không thể tốt nghiệp. Thay vì trở thành mục sư, ông đã tham gia vào lực lượng cách mạng ngầm để chống lại sự áp bức của chế độ Nga Hoàng, sau đó ông trải qua 20 năm tiếp theo tổ chức cách mạng, ẩn nấp, ngồi tù và bị đày sang Siberia.

Cuộc đời của Stalin đã mãi mãi thay đổi khi cuộc tổng nổi dậy bùng nổ vào năm 1914, cuộc nổi dậy đã góp phần lật đổ chế độ Nga Hoàng vào tháng 2 năm 1917, và theo sau đó là một cuộc cách mạng chớp nhoáng từ những người cánh tả cấp tiến dưới sự lãnh đạo của Vladimir Lenin. Một cách bất ngờ, người đàn ông 39 tuổi Stalin đã trở thành một thành viên trong ban lãnh đạo của chế độ Bolshevik mới.

Ông đóng vai trò trung tâm trong cuộc nội chiến Nga cũng như sự thành lập của Liên Bang Xô Viết. Năm 1922, Lenin tự bổ nhiệm mình là người đứng đầu Đảng cộng sản. Một tháng sau, Lenin gặp cơn tai biến và không còn khả năng lãnh đạo nữa, và Stalin đã nắm lấy cơ hội này để thiết lập một chế độ độc tài của riêng mình bên trong chế độ độc tài của Đảng Bolshevik. Bắt đầu từ cuối thập niên 1920, trong nỗ lực xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa, Stalin đã cưỡng bách 120 triệu nông dân vào mô hình nông trại tập thể, bắt giam hết vào các nhà tù chính trị (gulag) cũng như tàn sát một số lượng lớn những người trung thành trong quân đội, cảnh sát mật, các tòa đại sứ, mạng lưới gián điệp, các nhà khoa học, nghệ sĩ, và các tổ chức đảng phái khác.

Bóng dáng khổng lồ của một Stalin-bạo chúa được ẩn sâu dưới hình hài của Stalin-con người hết sức hiền hòa. Ông sưu tầm đồng hồ, chơi ném ky gỗ và đánh bi-a. Ông thích làm vườn, tắm hơi, thích các bút màu – xanh dương, đỏ và xanh lá. Ông thường uống nước khoáng và rượu lấy từ quê hương Gruzia của mình. Ông hút thuốc lá bằng tẩu, và thường bỏ vào trong tẩu 2 điếu thuốc sau đó mới đánh diêm. Đặc biệt, ông luôn sắp xếp bàn làm việc của mình theo một trật tự ngăn nắp.

Stalin rất mê đọc sách, và ông hay đánh dấu và dùng những kẹp sách để ghi nhớ những đoạn văn hay. Thư viện cá nhân của Stalin có hơn 20.000 đầu sách. Ông không những ghi chú thích về những tác phẩm của Karl Marx, Lenin mà còn cả những bản dịch tiếng Nga của Plato và Clausewitz, cũng như những tác phẩm của Alexander Svechin, một cựu sĩ quan của chế độ Nga Hoàng và là người mà Stalin không bao giờ tin cậy nhưng cũng là người đã chứng minh được rằng hằng số duy nhất trong chiến tranh chính là sự không tồn tại những hằng số đó. Trong số những nhà văn Nga, người mà Stalin hâm mộ nhất có lẽ là Anton Chekhov, người đã khắc họa những nhân vật phản diện cũng như anh hùng với một sự phức tạp đã cuốn hút Stalin. Nếu nhìn vào những trích dẫn rải rác trong những bài viết và trong những bài diễn văn của ông, có thể thấy ông cũng dành nhiều thời gian để đọc tiểu thuyết văn học thời kì Xô Viết. Những ngôn từ biểu cảm của ông trong lúc đọc thường rất khiếm nhã như: “Đồ rác rưởi,” “ngu ngốc”, “đồ bỉ ổi,” “bực mình,” “ha-ha!”

Cách cư xử của Stalin rất thô lỗ, và ông không có khiếu hài hước. Nhưng ông đã trau chuốt ngoại hình của mình để ra dáng là một lãnh đạo tài ba. Ông cũng lược bỏ những trò đùa và những từ ngữ không cần thiết khỏi các bài diễn văn của mình trong những buổi họp. Ông dường như có vài tình nhân, nhưng đương nhiên là không có “hậu cung” riêng cho họ. Cuộc sống gia đình của Stalin không hạnh phúc cũng không buồn tẻ. Cuộc sống cá nhân của ông hòa quyện với chính trị.

Stalin nói rất nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng khó nghe bởi vì thanh quản của ông bị hư. Ông thích được gọi là Koba, lấy theo tên của một vị anh hùng dân tộc ở Gruzia (và là một mạnh thường quân ngoài đời thực đã tài trợ cho việc ăn học của Stalin). Nhưng một người bạn thân thời thơ ấu đã gọi ông là Geza, một phương ngữ ở Gori để chỉ dáng đi lạ lùng của Stalin, một di chứng để lại sau khi ông bị một tai nạn lúc còn nhỏ. Ông phải đánh hông mạnh sang một bên mới có thể bước đi được. Cuộc chiến đấu với căn bệnh đậu mùa lúc nhỏ đã để lại những vết sẹo trên mũi, dưới môi, cằm và hai bên má của ông.

Thật thú vị khi tìm thấy trong sự dị dạng như vậy những mầm mống của một nhà độc tài tàn bạo: sự đau khổ, căm thù, thịnh nộ, hăm dọa, và thích những lời xu nịnh. Những vết sẹo của ông được tẩy khỏi những tấm hình công khai, và những bước đi kì dị được giấu khỏi tầm mắt của công chúng. (Những thước phim về dáng đi của ông đều bị cấm lưu hành.) Nhưng mọi người khi gặp ông đều thấy những biến dạng trong khuôn mặt và sự kì quặc trong dáng đi; họ cũng phát hiện ra rằng ông có cách bắt tay mềm yếu và không có vẻ cao ráo như khi xuất hiện trong các bức ảnh. Ông cao khoảng 173 cm, bằng với chiều cao của Napoleon và thấp hơn Adolf Hitler 2,5cm. Tuy nhiên, dù người ta đều cảm thấy sốc khi nhìn ông lần đầu – đây có thể là Stalin thật ư? – nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy không thể rời mắt khỏi Stalin được, đặc biệt là đôi mắt đầy cảm xúc của ông.

Cung điện trong mơ

Stalin nhìn thấy bản thân và đất nước của ông đang bị đe dọa ở mọi hướng. Sau khi nắm được chính quyền năm 1917, Lenin và những đồng chí của ông bị ám ảnh về “sự bao vây của tư bản” mà cuộc đảo chính của họ đã mang lại: giờ đây, căn bệnh ảo tưởng hệ thống đã ăn sâu vào người Stalin, và càng được củng cố bởi sự ảo tưởng của cá nhân Stalin. Điều này chính là những nghịch lý mâu thuẫn của quyền lực: Stalin đã lập luận rằng đất nước càng tiến gần hơn tới chủ nghĩa xã hội,thì đấu tranh giai cấp sẽ trở nên càng dữ dội hơn; và Stalin càng nắm nhiều quyền lực, ông lại càng khao khát nhiều quyền lực hơn nữa. Những thành tựu đạt được bị phủ bóng bởi mưu đồ lật đổ đã trở thành động lực của cuộc cách mạng và cuộc đời của ông. Bắt đầu từ năm 1929, khi uy tín của nhà nước Xô Viết và nền chuyên chính độc tài của riêng cá nhân Stalin ngày càng gia tăng thì những mối hiểm họa cũng đồng thời tăng theo. Chiến dịch xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của ông sẽ tỏ ra cả thành công lẫn thảm họa, và làm củng cố một cách sâu sắc sự hoài nghi thái quá và thiên hướng thù địch của ông.

Chủ nghĩa cộng sản là một ý tưởng, một cung điện trong mơ mà sức hút của nó dường như là sự kết hợp của khoa học và sự ảo tưởng, và Stalin chính là một nhà tư tưởng của nó. Trong quan niệm Mác-xít, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra rất nhiều của cải bằng việc thay thế chế độ phong kiến, nhưng sau đó nó chỉ phục vụ cho những lợi ích của tầng lớp bóc lột bằng cái giá phải trả của những tầng lớp còn lại của nhân loại. Một khi chủ nghĩa tư bản bị đánh bại, những lực lượng sản xuất sẽ được giải phóng chưa từng thấy. Sự bóc lột, thuộc địa hóa, và các cuộc chiến tranh đế quốc sẽ nhường chỗ cho tình đoàn kết, giải phóng, và hòa bình. Chắc chắn rằng, chủ nghĩa xã hội trên thực tế sẽ khó mà tưởng tượng được. Nhưng dù chuyện gì xảy ra, thì đó cũng không thể là chủ nghĩa tư bản được. Về mặt logic, chủ nghĩa xã hội được xây dựng để xóa bỏ tư hữu, thị trường, và chính quyền của “giai cấp tư bản” và thay vào đó bằng sở hữu tập thể, kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, và chính quyền nhân dân. Tất nhiên, chính Stalin và những người Mác-xít thừa nhận, tầng lớp tư bản sẽ không bao giờ cho phép họ bị kẻ thù tiêu diệt. Thay vào đó, họ sẽ chiến đấu đến cùng để chống lại chủ nghĩa xã hội, dùng đến bất kì phương tiện nào – dối trá, gián điệp, giết người – bởi vì đây là cuộc chiến mà chỉ một giai cấp đứng lên giành lấy chiến thắng mà thôi. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội cũng sẽ sử dụng bạo lực quần chúng và các mánh khóe để chống lại. Những tội ác khủng khiếp nhất đã biến thành những hành động thôi thúc về mặt đạo đức nhân danh việc tạo ra một thiên đường trên trái đất.

Nội dung khoa học của chủ nghĩa Mác-Lenin bề ngoài giải thích tại sao thế giới tồn tại quá nhiều những mâu thuẫn (về giai cấp) và cách cải tạo nó (thông qua đấu tranh giai cấp), với một vai trò cho tất cả mọi người. Cuộc sống của nhân dân vốn sẽ tầm thường nếu không có cách mạng vô sản giờ gắn liền với việc xây dựng một thế giới hoàn toàn mới. Việc giúp thu hoạch ngũ cốc hay vận hành máy tiện cũng chính là hành động góp phần vào việc hạ bệ chủ nghĩa đế quốc. Việc những người tham gia thu lợi cá nhân cũng chẳng tổn hại gì: chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa cơ hội luôn gia cố cho nhau. Những oán giận tích tụ cũng sẽ làm tăng khát vọng để có một cuộc sống ý nghĩa. Những người dưới 29 tuổi chiếm gần một nửa dân số của Liên Xô, góp phần đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất trên thế giới, và giới thanh niên đã tỏ ra đặc biệt cuốn hút bởi một tầm nhìn đã đặt họ vào trung tâm của cuộc chiến đấu xây dựng tương lai ngay từ hôm nay.

Stalin đã cá nhân hóa tầm nhìn cao quý đó của chủ nghĩa cộng sản. Một sự sùng bái được dựng lên xung quanh ông, tôn vinh ông như là “vozhd”, một từ Slavic cổ có nghĩa như là “lãnh đạo tối cao” – tương đương với từ “duce” (“lãnh tụ” trong tiếng Ý để chỉ Mussolini) hay từ “führer” (trong tiếng Đức để chỉ Hitler). Stalin phản đối sự sùng bái, tự gọi mình là “đồ bỏ đi khi so với Lenin” (nguyên văn: “shit compared with Lenin). Theo lời của một trợ lý thân cận của ông là Anastas Mikoyan, Stalin đã từng khiển trách một quan chức Liên Xô, nói rằng, “tại sao ông chỉ ca ngợi mình tôi, như thể mình tôi là người quyết định mọi chuyện vậy?” Cho dù những phản đối như vậy của Stalin phản ánh một sự khiêm tốn giả tạo hay là một cử chỉ xấu hổ thật sự thì đó vẫn còn là điều khó nói, nhưng ông dần cho phép những lời ca tụng không ngớt mà ông nhận được từ công chúng. Vyacheslav Molotov, một trợ lý quan trọng của Stalin qua nhiều thập niên, nhớ lại “Thoạt đầu, ông ta phản đối sự sùng bái cá nhân, nhưng sau đó ông ta dần dần thấy thích thú với điều này.”

Stalin là một nhà cai trị đầy những mâu thuẫn dường như không thể dung hòa. Ông có thể đùng đùng nổi giận; cũng có thể dịu dàng với một nụ cười nhẹ nhàng và sảng khoái. Ông có thể quan tâm và cuốn hút; nhưng ông cũng có thể để bụng những điều nhỏ nhặt và theo đuổi thôi thúc phải trả thù. Ông tự hào về đam mê đọc sách của mình và khả năng trích dẫn những châm ngôn của Mác và Lenin; nhưng ông cũng căm ghét những trí thức “giả tạo”, những người mà ông nghĩ luôn cao ngạo. Ông sở hữu một trí nhớ phi thường và một trí tuệ lớn; nhưng chân trời tri thức của ông bị hạn chế sâu sắc bởi những lý thuyết nguyên sơ về đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa đế quốc. Ở ông phát triển một sự đồng cảm với những khát vọng của quần chúng nhân dân và tầng lớp tinh hoa đang phôi thai; nhưng Stalin hầu như không bao giờ đến thăm những công xưởng hay nông trại, hoặc thậm chí những cơ quan nhà nước, thay vào đó ông đọc những bản báo cáo mật và các bài báo về đất nước mình đang cai trị. Ông hoài nghi về những động cơ mà ông mặc nhiên là thấp hèn của tất cả mọi người; ông sống và hít thở bằng những lý tưởng của riêng mình.

Stalin làm những điều mà những nhà lãnh đạo tài giỏi vẫn hay làm: ông khởi xướng và hướng đến mục tiêu kiên định, trường hợp của ông là một nhà nước hùng mạnh được hậu thuẫn bởi một xã hội đoàn kết đã đẩy lùi chủ nghĩa tư bản và xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa. “Tàn ác” và “dối trá” không phải là từ ngữ để mô tả về ông. Đồng thời, Stalin kích động hàng triệu người vào những công việc này. Uy quyền khổng lồ của Stalin được bắt nguồn từ một Đảng duy nhất, một bộ máy quản lý tàn bạo, và hệ tư tưởng Mác-Lenin. Nhưng quyền lực của ông đã bị khuếch đại lên nhiều lần bởi những thường dân, những người đã gửi gắm vào ông những khao khát của họ về công bằng xã hội, hòa bình, thịnh vượng, và một quốc gia vĩ đại. Những nhà độc tài tích lũy được quyền lực to lớn thường có xu hướng lui về với những mưu cầu cá nhân, diễn giải dông dài về những nỗi ám ảnh của họ và làm tê liệt nhà nước. Nhưng nỗi ám ảnh của Stalin là về một cường quốc xã hội chủ nghĩa, và ông đã lao lực ngày đêm để xây dựng nó. Stalin là một nhân vật huyền thoại, nhưng ông ta đã chứng tỏ mình xứng đáng với huyền thoại đó.

(Còn tiếp)

Xem thêm:

Lý giải sự tàn bạo của Stalin